Sau 6 nhiệm kỳ, lần đầu tiên chiếc ghế cao nhất ở VFF sẽ do một doanh nhân điều hành, mang đến những kỳ vọng lớn.
Kể từ khi được thành lập, VFF đã trải qua 7 đời chủ tịch. Sự xuất hiện của những người đứng đầu VFF này, cũng gắn liền với nhiều thăng trầm cùng bóng đá Việt Nam. Nói cách khác, đã có những vị Chủ tịch ghi được dấu ấn của mình, nhưng không phải ai cũng thành công, thậm chí là thất bại, nhận nhiều chỉ trích của báo chí và dư luận.
Trong Đại hội ban chấp hành nhiệm kỳ 1, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể Thao (TDTT) Trịnh Ngọc Chữ đã trúng cử chức chủ tịch VFF. Đây là thời điểm bóng đá Việt Nam bắt đầu hội nhập với bóng đá khu vực, nhưng mọi thứ vẫn mang nặng tính bao cấp. Dù vậy, với việc thành lập Liên đoàn, bóng đá Việt Nam bắt đầu bước vào một chương mới. VFF được xem là đàu tàu với vai trò của một tổ chức nghề nghiệp xã hội.
Ông Lê Hùng Dũng được kỳ vọng sẽ nâng tầm bóng đá Việt Nam
Ông Trịnh Ngọc Chữ chỉ làm được khoảng 1 năm, rồi sau đó chia tay VFF. Người thay ông Chữ, là phó chủ tịch Dương Nghiệp Chí (Cục trưởng Tổng cục TDTT)-anh ruột của Phó TTK VFF Dương Nghiệp Khôi. Với tình yêu với thể thao và đặc biệt là bóng đá, ông Chí đã ghi được những dấu ấn nhất định trong khoảng 3 năm ngồi ghế Chủ tịch VFF (1991-1993).
Tại Đại hội nhiệm kỳ 2, VFF có sự thay đổi mang tính bước ngoặt, khi người đứng đầu không phải là một cán bộ của ngành TDTT, mà là người đứng đầu ngành đường sắt: Tổng cục trưởng Đoàn Văn Xê. Chính ông Xê là người đầu tiên nghĩ tới việc cần phải thuê 1 HLV ngoại cho tuyển Việt Nam. HLV người Đức Karl Heinz Weigang sau khi được mời về dẫn tuyển Việt Nam, đã đoạt huy chương Bạc SEA Games 18. Đó cũng là những năm bóng đá Việt Nam sản sinh ra thế hệ vàng với những Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Hồng Sơn…
Có sự cải cách, nhưng thời điểm ấy, ông Xê không phải là người được lòng với nhiều quan chức thể thao. Vì vậy mà chỉ sau một nhiệm kỳ, ông Xê đã phải rút lui.
Năm 1997, ông Mai Văn Muôn, Phó tổng cục trưởng rồi Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT, trúng cử Chủ tịch VFF khoá 3. Đây là thời bóng đá Việt Nam chuẩn bị bước lên chuyên nghiệp với giải đấu V.League, nên ông Muôn cũng tạo ra những dấu ấn rất đáng kể. Đáng tiếc nhất trong thời gian ngồi ghế Chủ tịch VFF, chính là việc tuyển Việt Nam thất bại trong trận chung kết tiger cup năm 1998 với Singapore trên sân Hàng Đẫy. Đó được xem là thất bại để lại sự tiếc nuối nhất của bóng đá Việt Nam cho đến tận bây giờ.
Tiếp đến ở nhiệm kỳ Đại hội IV, Chủ tịch Mai Liêm Trực chính là người đã để lại những dấu ấn đậm nét nhất trong số các Chủ tịch VFF trước đó.
Chính ông Trực là người lập bản đề cương cải tổ bộ máy hoạt động của VFF vào năm 2004. Ông Trực với tính cách thẳng thắng, từng có một phát biểu nổi tiếng: “Mặt bằng bóng đá Việt Nam thấp hơn mặt bằng xã hội”, cho đến giờ vẫn còn nguyên giá trị. Trước thời ông Trực, còn có ông Hồ Đức Việt, nhưng vị Chủ tịch này chỉ ngồi chưa đầy 1 năm. Hiện tại ông Việt đã mất.
Trong các đời Chủ tịch VFF, không thể không nhắc tới ông Nguyễn Trọng Hỷ. Ở nhiệm kỳ V, ông Hỷ đã đánh bại ông Dương Nghiệp Chí để ngồi ghế Chủ tịch. Ông Hỷ là người duy nhất ngồi ghế Chủ tịch VFF tới 2 nhiệm kỳ. Thậm chí ở cuộc tranh cử nhiệm kỳ VI, chỉ có duy nhất mình ông Hỷ ứng cử. Thời ông Hỷ ngồi ghế Chủ tịch, đã đưa ĐTVN giành chức vô địch AFF Cup 2008, nhưng đó có lẽ là dấu ấn đáng nhớ nhất về vị Chủ tịch này, bởi ở nhiệm kỳ VI, ông Hỷ đã phải nhận bao chỉ trích sau sự đi xuống không phanh của ĐTVN, U23 và V.League. Dù vậy, ông Chủ tịch này vẫn hạ cánh an toàn, ngay trước thất bại của U23 tại SEA Games 27.
Cuối cùng, ông Lê Hùng Dũng gần như chắc chắn sẽ là người thứ 8 ngồi ghế Chủ tịch, sau Đại hội VFF ngày hôm nay. Trong các đời Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng nổi tiếng là người dám nói, dám làm. Đặc biệt, là một doanh nhân, chắc chắn cái nhìn của ông Dũng sẽ khác nhiều so với những chính khách trước đây. Bóng đá Việt Nam cần phải thay đổi và sự xuất hiện của ông Dũng hay bầu Đức trong bộ máy lãnh đạo đang mang tới những kỳ vọng lớn.
Theo Vietnamnet