- Lionel Messi: Khi "chú lùn" phải “cõng” Barca trên lưng
- Các CLB châu Âu chực chờ "xâu xé" Barca
- Barca muốn xóa bỏ hoàn toàn ký ức Guardiola
Sự thất thế của Barca ở Champions League mùa này cho thấy chất lượng đào tạo cầu thủ trẻ của lò La Masia đang có vấn đề?
Danh tiếng, xuất chúng, siêu đẳng,…tất cả những ngôn từ đẹp đẽ và hùng tráng mà báo chí dành cho lò đào tạo trẻ của Barca, La Masia đều đúng cả. Bởi nơi đó đã cho ‘ra lò’ những cầu thủ xuất sắc của bóng đá thế giới đương đại.
Xavi chuyền chính xác, nhãn quan chiến thuật tuyệt. Một đường kiến tạo của anh có thể xé toang cả một hàng thủ đông người, đưa đồng đội vào thế thuận lợi nhất để ghi bàn. Anh trở thành ‘bộ óc’ trong lối chơi tấn công rực lửa của Barca.Những sản phẩm chất lượng cực cao của La Masia.
Còn Iniesta lại có những pha xử lý bóng ở không gian hẹp vô cùng kỹ thuật. Một pha quay bóng của anh đủ loại bốn cầu thủ đối phương. Bên cạnh đó, Iniesta còn gây ấn tượng ở tính bền bỉ, cần cù, âm thầm cống hiến cho những thành công của Barca.
Trong khi Messi thì khó có từ ngữ nào thật chính xác để miêu tả sự xuất sắc của anh. 91 bàn trong một năm, 347 bàn trong 457 trận đấu, 4 lần liên tiếp giành ‘Quả bóng vàng FIFA’, tất cả đã nói lên một Messi mà nhiều người gọi anh là siêu nhân hoặc cầu thủ đến từ hành tinh khác.
Có thể kể ra thêm ai nữa? Đó là Gerard Pique, Victor Valdes, Carles Puyol, Sergio Busquets,... Tất cả họ đã kết hợp, hòa quyện vào nhau để tạo nên bản anh hùng ca chiến thắng hoành tráng của Barca trong những năm qua. Dưới sự chỉ huy của ‘nhạc trưởng’ Guardiola, Barca đã giành được 14 chức vô địch trong 19 danh hiệu có thể.
Những thành công vang dội đó của Barca rõ ràng đều xuất phát từ nền tảng của La Masia. Nhưng chiến tích của La Masia không phải là đầu tiên và duy nhất trong lịch sử phát triển của môn thể thao vua. Nhớ lại mùa giải 1994/95, Ajax Amsterdam đã làm mưa làm gió ở châu Âu bằng chức vô địch Champions League sau khi hạ AC Milan quái kiệt trong trận chung kết, với một đội hình gồm nhiều cầu thủ trẻ.
Khi đó, những Edgar Davids, Clarence Seedorf, Patrick Kluivert, anh em nhà De Boer được báo giới ca ngợi lên tận mây xanh. Cũng vì thế mà lò đào tạo trẻ của Ajax được nhận những mĩ từ như lò La Masia bây giờ. Tuy nhiên, sau năm 1995, lò đào trẻ của Ajax không còn sản sinh ra được nhiều cầu thủ tài năng. Điều đó lý giải vì sao Ajax ngày càng đi xuống, và cho đến nay, cứ mỗi khi xuất hiện tại Champions League, đội bóng từng 4 lần vô địch giải đấu này chỉ đóng vai trò của kẻ lót đường.
Ở Anh cũng từng xuất hiện một lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng do MU đào tạo. Những David Beckham, anh em nhà Neville, Ryan Giggs, Nicky Butt, Wes Brown đã giúp ‘Quỷ đỏ’ làm nên ‘cú ăn ba’ vĩ đại ở mùa giải 1998/99.
Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, MU cũng chẳng có ‘cây nhà là vườn’ nào thực sự đẳng cấp. Đội bóng của ngài Alex Ferguson sống dai, sống khỏe được chủ yếu nhờ vào những ‘kẻ ngoại đạo’ như Rooney, Ronaldo và hiện tại là Robin van Persie.
Điểm qua quá khứ của lò đào tạo trẻ của Ajax và MU để thấy rằng thành công của lò La Masia cũng chỉ mang tính chu kỳ. Nhưng dường như BLĐ Barca vẫn đang còn quá ảo vọng về thành công của lò La Masia. Thế nên, cứ mỗi mùa bóng họ lại đôn thêm vài cầu thủ trẻ từ lò La Masia lên đội hình 1 Barca, với hi vọng sẽ có được thành công như Messi, Xavi, Iniesta hay Busquets.Nhưng chính sách đó không phải khi nào cũng mang lại kết quả giống nhau, vì thực tiễn luôn thay đổi.
Tello, sau hai mùa bóng khoác áo Barca đã không cho thấy được sự tiến bộ vượt bậc nào của mình. Pedro đang dần đi xuống. Marc Bartra thì quá non nớt bên cạnh Pique. Montoya thi đấu trận hay trận dở. Còn Thiago Alcantara chơi bóng y như một chú mèo vờn cuộn len, rườm rà và kém hiệu quả. Thế nên, ở Champions League mùa này, Thiago Alcantara chỉ 2 lần xuất hiện trên sân cỏ và không ghi được một bàn thắng nào.
Thực trạng là vậy, song BLĐ Barca vẫn cố gắng khuyếch trương hình ảnh thành thành công của La Masia ra toàn thế giới, đặc biệt ở châu Á. Mục đích chính là nâng tầm thương hiệu của Barca trên toàn cầu, qua đó tăng thêm nguồn thu tài chính từ các hoạt động thương mại ngoài bóng đá, như bản quyền truyền hình, bán áo đấu, đồ lưu niệm.
Bên cạnh đó, đây còn là cách để Barca nâng giá bán ‘lúa non’ của lò La Masia. Hãy cứ nhìn cách mà Chelsea bỏ ra 4.5 triệu bảng để có được Oriol Romeu hồi mùa Hè năm 2011, thì mới hiểu hết được ‘hàng’ của La Masia đắt tới mức nào. Nên nhớ, để có được Cesc Fabregas, Wenger chỉ phải bỏ ra chưa đến 1 triệu bảng. Trong khi mức giá mà Guardiola mua lại Pique cũng chỉ hơn 3 triệu bảng.
Nhưng, trong khi Cesc Fabregas và Pique đã khẳng định được đẳng cấp của mình thì Oriol Romeu chưa là gì ở Chelsea. Bằng chứng là, ở mùa giải này, trên tất cả các mặt trận cầu thủ này mới thi đấu được 9 trận. Một thời gian không xa nữa, người hâm mộ sẽ nhận ra La Masia cũng sẽ như bao lò đào tạo trẻ khác ở những nước có nền bóng đá phát triển mà thôi…
(Theo VTC)