Thứ Ba, 10/09/2024Mới nhất
Zalo

Bóng đá Italia: Cuộc chiến chống... vé VIP

Thứ Bảy 04/05/2013 22:03(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Ở Việt Nam, chuyện xe công đi lễ chùa gây bất bình trong dư luận xã hội ra sao, thì ở Ý, khi hàng chục xe công các loại, từ cấp cơ quan chính quyền thành phố đến cấp chính phủ, đậu trước cửa sân Olimpico để “xin” vé VIP miễn phí cũng gây xôn xao làm vậy. Giờ đây, một loạt câu lạc bộ, được sự ủng hộ của tân chủ tịch Ủy ban Olympic Italia (CONI), bắt đầu cuộc chiến chống lại “đặc quyền” này với lí do duy nhất : thất thu quá lớn từ vé VIP.

Khu ghế VIP nhìn ra sân bóng trở thành một món đổi trác ở các câu lạc bộ Ý
Khu ghế VIP nhìn ra sân bóng trở thành một món đổi trác ở các câu lạc bộ Ý

Đối với không ít quan chức địa phương và chính phủ của Italia, việc chễm chệ trên một sân vận động bóng đá, sân đua Công thức 1 hay sân khấu ca nhạc từ lâu là một đặc quyền. Đặc quyền ấy không chỉ dành riêng cho mình họ mà còn cho cả gia đình, bạn bè và họ hàng. Đặc quyền ấy đi cùng với nhiều những đặc quyền khác trong đời chính trị của các nhân vật này đã gây ra không ít phản ứng trong dư luận. Chính vì thế, khi tân chủ tịch CONI Giovanni Malago đưa ra quy định về việc hủy bỏ đặc quyền ấy đối với các thành viên hai viện quốc hội cho các trận đấu trên sân Olimpico (mà CONI có quyền quản lý và khai thác), dư luận Italia đã ủng hộ và cho rằng, đấy sẽ là một cuộc cách mạng thực sự đối với ngành thể thao nước này, khi “thoát khỏi” những ông nghị từ lâu được phép “xem chùa”, khiến các sân thất thu một khoản rất lớn mỗi năm.  

Phó chủ tịch Hạ viện Roberto Giacchetti tuyên bố, đây là một động thái “có ích nhằm loại bỏ những đặc quyền của các nghị sĩ”, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, “những tên tuổi lớn trong quốc hội vẫn liên tục gửi fax đến Văn phòng quan hệ đối ngoại của CONI để xin cấp vé VIP cho các trận đấu bóng đá cấp quốc gia, cho các giải tennis và bơi lội. Và vì lí do rất “tế nhị”, người ta rất khó nói không”. Phải, rất khó từ chối, dù CONI thừa biết là nhiều ông nghị xin vé nhưng bản thân không phải lúc nào cũng đến sân. Vé VIP trở thành món quà đổi chác các đặc quyền khác giữa các ông nghị. Ai cũng biết điều ấy cả. Ở Olimpico, có 1.600 chỗ ngồi hạng sang ở các khán đài danh dự, với 120 ghế dành riêng cho CONI. Trước thời của Malago, số vé này thường được dành để mời các chính trị gia là nghị sĩ quốc hội, người đứng đầu các đảng phái, ủy viên hội đồng thành phố, tỉnh Roma và vùng Lazio. Tình trạng vòi vĩnh vé xem chùa trở nên phổ biến và ngang nhiên đến mức, các ông nghị không chỉ đòi cho mình họ mà có người còn muốn cả chục vé cho đội vệ sĩ riêng của mình. Với câu lạc bộ Roma, kể từ khi có chủ Mỹ, chẳng ai còn dám vòi vĩnh nữa. Với các trận đấu sân nhà của mình, đội bóng áo bã trầu đem bán cho công chúng, chỉ giữ lại vé miễn phí cho các hội người tàn tật. Riêng Lazio lại khác. Ông chủ Lotito đội bóng áo xanh của thủ đô tùy nghi sử dụng cả nghìn vé VIP vào việc riêng. Có vé ông cho, có vé ông bán. Nhưng không ai biết ông đã thu được bao nhiêu từ việc này.

Việc trao đổi các vé bóng đá hoặc xem ca nhạc để đổi lấy các đặc quyền mà chính quyền sở tại có thể cung cấp cho các đội bóng, đúng ra là ông chủ các đội bóng, hoặc sở thể thao địa phương, từ lâu đã là một việc làm quen thuộc ở Italia. Các chính trị gia coi đó là bổng lộc của mình, trong khi những người cung cấp vé cho họ thì lại muốn sử dụng “món hàng” lô VIP trị giá từ vài trăm đến vài nghìn euro ấy để đạt được nhiều thứ khác quan trọng hơn: những gói thầu, những hợp đồng có giá trị lớn, mối thiện cảm từ các quan chức đối với họ. Cuộc điều tra của nhật báo La Repubblica cho biết, có những vé VIP đã đi  con đường hết sức lòng vòng để cuối cùng đến tay quan chức quà quà tặng từ nhân viên của ông ta. Để rồi cuối cùng, cậu nhân viên láu cá ấy được sếp tăng lương và đôn lên một vị trí mới béo bở hơn. Những người như anh ta không phải là thiểu số. Không ai biết được đã có bao nhiêu vé được các VIP phân phối lại cho gia đình, bạn bè, người thân, hoặc đút lót cho một ai đó cấp cao hơn nữa, như một món quà thân mật.

Pháp luật Italia không cấm chuyện dùng phân phát các vé mời miễn phí cho các trận đấu ở Serie A, nhưng việc thất thu mỗi năm hàng chục triệu euro từ những chiếc vé trong hoàn cảnh các đội bóng ngày càng nghèo đi, phải thắt lưng buộc bụng nhiều hơn, đã buộc các ông chủ đội bóng phải tính toán lại “tấm lòng” của mình. Điều ấy khiến cho đặc quyền đặc lợi của các chính trị gia ngày càng giảm bớt, trong hoàn cảnh mà người dân Ý cũng đang kêu ca về mức chi phí quá cao dành cho họ từ ngân sách nhà nước. Nhưng một ngày nào đó, chuyện các nghị sĩ không vòi vĩnh vé bóng đá nữa, và số vé ấy được bán đúng giá để tăng thu cho các câu lạc bộ, còn rất xa, với một đất nước như Italia.
 

Hào hiệp kiểu Fiorentina: Vừa xin, vừa cho
 

Kể từ năm 2010, tồn tại một thỏa thuận chung giữa Fiorentina và hội đồng thành phố, rằng mỗi năm, thành phố Firenze sẽ trả vào tài khoản của đội bóng áo tím 950.000 euro, coi như một khoản tài trợ “hữu nghị” từ chính quyền thành phố cho sự phát triển của đội bóng. Đổi lại mỗi năm, Fiorentina chuyển cho thành phố 2.390 vé miễn phí, để rồi thành phố phân phát cho các chính trị gia địa phương. Nhưng trong cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng, không ít chính trị gia đang yêu cầu thị trưởng Renzi từ bỏ việc chuyển tiền cho đội bóng, mà chỉ nhận vé chùa từ Fiorentina. Điều này gặp sự phản đối dữ dội từ ban lãnh đạo Fiorentina, khi các ông chủ nhà Della Valle tuyên bố, nếu Firenze cắt tiền chu cấp, thì họ cũng sẽ hủy bỏ việc chuyển vé miễn phí cho các ông nghị. Trong số các câu lạc bộ Ý, chỉ Juventus là đội bóng làm chặt nhất vấn đề vé. Chuyện xin xỏ từ chính quyền thành phố, tỉnh, hoặc vùng trước đây vẫn có, nhưng với ban lãnh đạo mới, mọi chuyện trở nên rõ ràng hơn. Juventus vẫn mời các quan chức đến xem các trận của Juve ở sân nhà như một cử chỉ “hữu nghị” của đội bóng đối với các chính trị gia. Nhưng Juve chỉ tặng vé nếu như họ được đề nghị. Tuy nhiên, số lượng vé mà Juve tặng các quan chức rất ít, chỉ đúng 18 cái, trong khi thị trưởng thành phố Torino thì bị bắt mua vé xem cả năm. Lí do rất đơn giản cho sự “keo kiệt” ấy: sân Juventus Stadium lúc nào cũng đông kín khán giả, và nhu cầu của người xem luôn cao. Juve sở hữu sân bóng của riêng mình chứ không như các câu lạc bộ khác của Serie A. Thế nên, đương nhiên là họ không thể coi nhẹ chuyện kinh doanh được...

Có thể bạn quan tâm

Fabio Cannavaro: “Lautaro Martinez là cầu thủ duy nhất ở Serie A có thể chơi cho Real Madrid hoặc Man City”

Fabio Cannavaro: “Lautaro Martinez là cầu thủ duy nhất ở Serie A có thể chơi cho Real Madrid hoặc Man City”

Fabio Cannavaro: “Lautaro Martinez là cầu thủ duy nhất ở Serie A có thể chơi cho Real Madrid hoặc Man City”

Sớm thôi, Fabio Cannavaro sẽ trở thành loài động vật quý hiếm: anh là người Italia gần nhất trở thành chủ nhân của Quả bóng Vàng. Năm 2006, sau khi Italia vô địch World Cup, Cannavaro dẫn đầu danh sách bầu Ballon d’Or, người về nhì cũng là một gương mặt Italia khác, Gianluigi Buffon. Gần hai thập kỷ trôi qua mà không có thêm một người Italia nào khác. Phải mất bao lâu nữa, trước khi Quả bóng Vàng thêm một lần từ Paris về với đất nước hình chiếc ủng?

Video

Xem thêm
top-arrow
X