“Hổ bền bỉ” Nguyễn Văn Lai đã chia sẻ những câu chuyện thú vị về bí quyết giữ sự ổn định trong suốt 15 năm thi đấu chuyên nghiệp cũng như mục tiêu trong năm Nhâm Dần 2022.
15 năm chưa một lần được… xõa
Gặp chúng tôi trong thời khắc chuẩn bị bước sang năm Nhâm Dần 2022, Nguyễn Văn Lai có những chia sẻ đầy thú vị về chuyện đời, chuyện nghề của một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp. Điều đáng nể là ở tuổi 35, Nguyễn Văn Lai vẫn giữ được sự bền bỉ đáng kinh ngạc khi giành 2 huy chương vàng tại giải VĐQG điền kinh 2021 ở cự ly 5.000 và 10.000 mét.
Nguyễn Văn Lai có những chia sẻ về năm Nhâm Dần 2022. |
“Tập muộn cũng có những lợi thế nhất định, cơ thể ổn định hơn. Tôi học xong cấp 3 thì xung phong đi bộ đội từ năm 19 tuổi. Hai năm trong lính cũng chơi phong trào, tôi được sự giáo dục của thủ trưởng, các anh, các đồng chí trong quân đội rèn luyện được nhiều cái”.
“Sức khỏe là hàng đầu, trong lính thì sức khỏe phải đầu tiên rồi. Thứ hai nữa là kỷ luật. Thứ ba là rèn luyện được ý chí và nghị lực trong quân ngũ, rèn luyện đến hiện tại vẫn còn ghi nhớ thủ trưởng, các anh trong cơ quan, đơn vị đã rèn giũa cho đến tận bây giờ. Đến hiện tại bây giờ bước sang năm mới là 36 tuổi, cảm thấy thể trạng của mình như thời mới tập luyện, chưa hề giảm sút về ý chí, thể trạng cũng như tinh thần. Mình tập muộn nhưng muộn chắc” – Nguyễn Văn Lai bộc bạch tâm sự đầy chất phác.
Chủ nhân của 2 tấm huy chương vàng luôn khẳng định “môi trường quân đội đã rèn giũa được ý chí kỷ luật thép trong tập luyện cũng như trong sinh hoạt, cũng như trong thi đấu”. Không chỉ trong khi tập luyện mà cả quá trình hồi phục, sinh hoạt, Nguyễn Văn Lai cũng luôn tuân theo chế độ được đề ra từ trước để đảm bảo giữ được phong độ bền lâu trong suốt 15 năm thi đấu chuyên nghiệp.
Nguyễn Văn Lai phải dành nhiều thời gian cho tập luyện và thi đấu nên ít có thời gian cho gia đình. |
Chính sự kỷ luật đã làm nên thành công của Nguyễn Văn Lai nhưng cũng khiến anh chịu không ít thiệt thòi trong cuộc sống cá nhân.
“Trong 15 năm qua, lúc nào mình cũng xa nhà hết, chưa lúc nào tập được 1 tháng ở gần nhà, nay tập huấn ở đây, mai tập huấn chỗ khác. Từ khi lập gia đình năm 2014, thời gian dành cho gia đình nhiều hơn, công việc tập luyện vẫn phải đảm bảo. Vợ mình cũng từng là 1 VĐV chạy trung bình dài nên hiểu rất rõ công việc của mình”.
“Vợ con và gia đình là nguồn động viên lớn nhất để mình phấn đấu. Đến hiện tại, mình cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi đang còn tập luyện, vẫn còn cống hiến và tiếp theo sẽ thi đấu hết khả năng”.
Trải qua 15 cái Tết gắn liền với thể thao chuyên nghiệp, Nguyễn Văn Lai vẫn duy trì sự kỷ luật trong sinh hoạt nhằm đảm bảo thể trạng tốt nhất cho việc tập luyện và thi đấu.
“Mình chưa cái tết nào được thoải mái về vấn đề tự buông thả bản thân, uống rượu bia hay các cuộc vui, thực sự chưa cái tết nào thoải mái. Tết thường được nghỉ 5 ngày thôi nên mình phải hạn chế tối đa về việc uống bia, rượu, chắc sau này nghỉ tập mới có thể tham gia các cuộc vui với anh em, bạn bè hay gia đình”.
Về cái Tết đặc biệt nhất, Nguyễn Văn Lai nhớ như in cái Tết năm 2008 khi tập huấn tại Trung Quốc không thể về bên gia đình: “Nhưng cái gì cũng có giá của nó, mình không được về thì ở bên đấy cố gắng tập luyện mới có kết quả như bây giờ”.
“Hổ bền bỉ” của điền kinh Việt Nam
“Cái môn điền kinh, nhất là môn chạy trung bình và dài, nhiều khi bài tập lặp lại và nhàm chán quá, mình phải làm thế nào để thoát khỏi sự nhàm chán. Hôm nay hết động lực, ngày mai mình tạo ra động lực mới để duy trì tập luyện cũng như thi đấu. Nhiều VĐV cứ nghĩ các tổ trung bình dài ra sân chỉ ăn với chạy, ngày nào cũng chạy 50 đến 70 vòng mà không nhàm chán, một tuần có 2-3 buổi ít nhất chạy 20 đến 30 km”.
“Làm sao để tạo động lực, hết sự nhàm chán thì tự mình phải mầy mò, cũng như phải tạo ra bài tập, cảm xúc khác nhau để khỏi nhàm chán. Đồng thời phải thường xuyên thi đấu, thường xuyên kiểm tra đánh giá kết quả của mình trong quá trình nào đó thì sẽ bớt đi sự nhàm chán. Nếu tập mà không được thi đấu, dài hạn chắc chắn sẽ nhàm chán”.
Nguyễn Văn Lai đã giành hai tấm huy chương vàng ở cự ly 5.000 và 10.000 mét tại giải VĐGQ điền kinh 2021. |
Nguyễn Văn Lai chia sẻ một VĐV điền kinh chuyên nghiệp để giữ được phong độ tốt nhất cần 6-8 giải trở lên trong mỗi năm để kiểm tra đánh giá. Còn thực tế, các giải phong trào ở cự ly 10 hay 21 kilomet chỉ được coi như một bài tập nặng để rèn luyện thêm về bản lĩnh thi đấu cho các giải lớn.
Đường đua 5.000 hay 10.000 mét rất khốc liệt, không ít trường hợp các VĐV thậm chí còn không thể hoàn thành bài thi. Nhưng ở giải VĐQG 2021, Nguyễn Văn Lai ở tuổi 35 vẫn thể hiện sự bền bỉ khi giành huy chương vàng ở cả hai nội dung này.
Về bí quyết giữ sự bền bỉ, Nguyễn Văn Lai chia sẻ: “Nội dung trung bình dài và marathon, cái thứ nhất là thể thao đỉnh cao phải có tố chất, khác biệt so với thể thao bình thường mới đảm bảo được thành tích để thi đấu trong nước và quốc tế. Cái thứ hai là đam mê thể thao. Cái thứ ba là ý chí và nghị lực. Môn đường trường và dài này không có ý chí, nghị lực, không có tập luyện khoa học, cố gắng thì rất khó để chinh phục được đỉnh cao và giữ được thể trạng lâu dài như bây giờ”.
Nguyễn Văn Lai cũng dành lời khuyên đến cộng đồng chạy bộ phong trào đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. |
“Mình khuyên các VĐV phong trào sắp xếp thời gian hợp lý, tập lấy sức khỏe. Đam mê còn phụ thuộc vào công việc, tuần tập từ 3 đến 4 buổi. Việc tập luyện tùy vào mức độ của cự ly thi đấu và thời gian mình có, thể trạng của từng người. Như ở cự ly của tôi thi đấu 5, 10 , 21 kilomet thì nên tập mỗi tuần 4 đến 5 buổi là hợp lý nhất. Phụ thuộc vào thể trạng, sức khỏe của bản thân, mỗi buổi tập có thể 30 - 50 phút, có buổi tập hơn 1 giờ”.
“Chạy dài này thực sự để chạy 1 mình dễ thiếu động lực nên các VĐV thành lập theo nhóm để có động lực. Ví dụ chinh phục được 5 kilomet, thành tích chạy 5 phút cho mỗi kilomet thì hôm sau muốn chạy xuống dần như 4 phút 45 giây cho mỗi kilomet. Nhiều VĐV phong trào bây giờ muốn chinh phục giới hạn của bản thân”.
Trong năm Nhâm Dần 2022, “hổ bền bỉ” Nguyễn Văn Lai sẽ lấy thành tích ở SEA Games 31 để xác định tương lai.
“Nếu thành tích tốt, đạt huy chương vàng thì tôi sẽ tiếp tục cống hiến và thi đấu thêm một kỳ SEA Games ở Campuchia nữa. Nếu không hoàn thành mục tiêu thì mình sẽ giải nghệ để chuyển sang công tác huấn luyện cũng như thi đấu phong trào”.
Xem thêm những bài viết khác trên Bongda24h.vn về điền kinh Việt Nam:
Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đã thắng giải VĐV xuất sắc của Việt Nam khi vượt qua Nguyễn Thị Oanh (điền kinh) và Trương Thị Kim Tuyền (taekwondo) với 1.178 điểm.
Ba kỷ lục quốc gia được thiết lập, sự trở lại và vắng mặt hay gương mặt mới ấn tượng,... đã làm nên những khoảnh khắc đáng nhớ tại giải điền kinh VĐQG 2021.
Nguyễn Thị Oanh phá sâu kỷ lục quốc gia tồn tại 18 năm tại nội dung 5.000 mét nữ tại giải điền kinh VĐQG 2021.
Trong buổi thi đấu đầu tiên giải điền kinh quốc gia, nữ hoàng tốc độ Lê Tú Chinh không có đối thủ ở cự lý sở trường 100m nữ.
Một khoảnh khắc bật cao đánh đầu ghi bàn vào lưới U23 Myanmar không chỉ giúp Hồ Thanh Minh trở thành người hùng U23 Việt Nam, mà nó có thể sẽ đưa tên tuổi của...
Chia tay kỳ Olympic 2020 với thành tích trở thành VĐV điền kinh Việt Nam đầu tiên vào bán kết một nội dung chạy, Quách Thị Lan đã chia sẻ cảm xúc của mình.