Bóng đá Việt Nam: Cần lắm những chuyên gia tâm lý

Bóng đá Việt Nam kém về chuyên môn là một chuyện, chúng ta cũng thiệt thòi vì thể trạng so với bạn bè trong khu vực. Nhưng ngay cả tại sân chơi “đồng cân đồng lạng” ở Đông Nam Á thì các đội bóng áo đỏ đều thể hiện sự yếu kém đáng lo ngại về tâm lý thi đấu. Thất bại của U23 Việt Nam tại môn bóng đá Nam Seagame 28 vừa qua chỉ là 1 trong số đó…

Cho tới giờ này, vẫn còn rất nhiều người không hiểu vì sao U23 Việt Nam lại thất bại tại bán kết bóng đá Nam Seagame 28 trước U23 Myanmar. Một đối thủ không có lực lượng mạnh nhất và cũng bị đánh giá thấp hơn thầy trò HLV Miura rất nhiều. Thực tế ở trên sân thì còn chênh lệch hơn khi đội bóng áo đỏ kiểm soát toàn bộ trận đấu, tung ra gần 20 cú sút nhưng chỉ có được 1 bàn thắng. Còn U23 Myanmar không có điều gì quá đặc biệt, họ có được 2 bàn thắng mà như nhiều người nói là “từ trên trời rơi xuống”. Bản thân HLV Miura sau trận đấu chỉ biết thốt lên 1 câu đầy cay đắng “bóng đá là thế”. Thế nhưng CĐV Việt Nam thì không phải lần đầu trải qua cảm giác uất nghẹn như thế, trong quá khứ bóng đá nước nhà còn có những thất bại còn cay đắng hơn thế. Những lần gục ngã trước cửa thiên đường hoàn toàn không phải vì yếu tố liên quan đến chuyên môn.

Tại Tiger Cup 1998, ĐT Việt Nam được coi là ứng viên số 1 cho danh hiệu vô địch chứ không phải Thái Lan hay Singapore. Thậm chí, người Thái và Indonesia đã tạo ra 1 trận đấu đen tối bậc nhất trong lịch sử bóng đá Đông Nam Á tại sân Thống Nhất khi 2 đội tranh nhau… sút bóng về lưới nhà. Đội nào cũng muốn thua để có được ngôi nhì bảng, tránh gặp chủ nhà Việt Nam ở bán kết. Và rồi thế hệ Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Trần Công Minh đã hạ đẹp kình địch Thái Lan ở bán kết với tỷ số 3-0. Lúc đó tất cả đã hướng về trận chung kết để chính thức lên ngôi vô địch. Thế nhưng chúng ta đã thua Singapore một cách vô cùng cay đắng dù là đội dồn ép trong suốt trận đấu. Bàn thắng duy nhất của đội bóng ở quốc đảo sư tử cũng vô cùng “lãng xẹt” khi Sasi Kumar phạm lỗi với thủ môn Trần Tiến Anh và dứt điểm bằng… lưng ghi bàn. Vấn đề nằm ở người gác đền xuất sắc của ĐT Việt Nam khi đó. Anh quá nôn nóng vì đội nhà gặp nguy hiểm nên cố gắng đuổi theo cứu bóng. Đó là tình huống chính trọng tài đã thừa nhận chỉ chờ Tiến Anh ngã ra để thổi phạt. Không chỉ có cựu thủ thành của Thể Công và những đồng đội trên hàng công cũng vội vàng trong các pha dứt điểm như trận gặp U23 Myanmar mới đây, nếu không thì BĐVN đã lên đỉnh ĐNA từ thời điểm đó.

Bong da Viet Nam hay that bai o nhung tran cau quyet dinh vi bi tam ly
Bóng đá Việt Nam hay thất bại ở những trận cầu quyết định vì bị tâm lý

Một thất bại khác còn khó nuốt trôi hơn Tiger Cup 1998 là Seagames 25 tại Lào năm 2009. Một giải đấu mà U23 Việt Nam đã đá bay thế lực U23 Thái Lan từ vòng bảng. Sau trận bán kết thắng U23 Singapore tới 4-1 thì chúng ta gặp lại U23 Malaysia tại chung kết với sự tự tin ghê gớm. Thắng thầy trò HLV Rajagopal tới 3-1 ở vòng bảng thì chẳng có lý do gì có thể ngăn cản U23 Việt Nam ở trận tranh HCV. Thế nhưng chẳng hiểu sao cả trận chúng ta thi đấu lúng túng, “run như cầy sấy”, không có bất cứ miếng tấn công nào ra hồn như các trận trước đó. Đau đớn hơn khi thất bại đến từ bàn phản lưới nhà của trung vệ Mai Xuân Hợp. Cũng phải nói thêm về sự “lú lẫn” của thủ môn Tấn Trường trong trận này. Anh bị gãy xương bả vai nhưng không chịu ra sân mà nén đau thi đấu như một “người hùng” (bàn thua duy nhất cũng do lỗi phản xạ của Tấn Trường sau khi bị đau). Còn các cầu thủ ở tuyến trên thì thi đấu như đeo chì, để rồi lại phải nhìn giấc mơ vàng rơi vào tay người Mã.

Sau những bài học nhớ đời đó, chúng ta không chịu thừa nhận sự yếu kém về tâm lý hay chuyên môn mà đổ lỗi cho “bán độ”. Cuối cùng thì cũng điều tra rồi lại chìm xuồng. Còn điểm yếu cỗ hữu về bản lĩnh cầu thủ thì vẫn đeo đẳng đến tận ngày nay. Thất bại trước U23 Myanmar tại môn bóng đá Nam Seagame 28 hoàn toàn tái hiện lại thảm kịch ở Tiger Cup 98 và Seagame 25. Chúng ta thua đơn giản vì quá nôn nóng, vội vàng hướng tới trận chung kết với người Thái. Ngay cả khi Huy Toàn gỡ hòa thì các cầu thủ cũng thiếu sự tỉnh táo để thua thêm bàn thứ 2. Nếu nhìn sang trận chung kết thì chúng ta sẽ thấy sự khác biệt rất rõ giữa bản lĩnh thi đấu của cầu thủ Việt với các đồng nghiệp Thái Lan. Thầy trò HLV Choketawee cũng bế tắc trong hiệp 1 như U23 Việt Nam nhưng họ vẫn bình tĩnh thi đấu trong hiệp 2. Kết quả là đội bóng xứ chùa vàng có 3 bàn thắng và lên ngôi vô địch. Phải tới trận tranh giải 3, khi thầy trò HLV Miura đã ở thế không còn gì để mất thì họ đã chơi rất thoải mái và “nghiền nát” U23 Indonesia tới 5-0.

Lần duy nhất mà BĐVN lên đỉnh Đông Nam Á là AFF Cup 2008, đó là thời kỳ mà ĐT Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV Henrique Calisto, bậc thầy về tâm lý chiến. Đó chính là chìa khóa mở ra thành công cho đội bóng áo đỏ, mà chiến tích vang dội nhất là đánh bại Thái Lan ngay tại Rajamangala. Điều đó chứng tỏ vấn đề tâm lý chính là điểm mấu chốt giúp BĐVN có thể thành công ở khu vực Đông Nam Á, nơi mà các đối thủ không quá chênh lệch về đẳng cấp. Vì vậy, thay vì chỉ trích hay đòi sa thải HLV Miura thì chúng ta nên tìm cho ông thầy người Nhật một chuyên gia tâm lý ở ĐTQG và U23 trong những giải đấu lớn sắp tới.

Doãn Công

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục