Chiến thắng của ĐT Iran tại World Cup 2018 góp thêm một phần quan trọng với xã hội, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến chính trị và nữ quyền.
Bóng đá và chính trị
Trận mở màn World Cup 2018 giữa Nga và Saudi Arabia không có nhiều ý nghĩa với phần lớn người hâm mộ trên thế giới. Nhưng ở Iran lại hoàn toàn khác, người hâm mộ của quốc gia Tây Á hân hoan khi Nga giành chiến thắng "5 sao", mừng như thể đội tuyển nước họ vừa giành chiến thắng vậy.
|
Ngoài ĐT Iran tại World Cup 2018, người hâm mộ Iran còn ủng hộ ĐT Nga vì những vấn đề liên quan đến chính trị. |
Hầu như người Iran ủng hộ Nga, dù rằng Saudi Arabia là đại diện của châu Á. Nguyên nhân bắt nguồn từ những căng thẳng chính trị giữa Iran và Saudi Arabia.
"Đó là chính trị" - Amir Doostmohammadi, một người đại diện có chứng chỉ của FIFA đặt trụ sở tại Tehran (thủ đô Iran) đánh giá: "Nếu giờ bạn hỏi ý kiến người Iran và Syria, họ đều muốn Nga giành chiến thắng".
Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia ngày càng trở nên xấu đi khi hai nước cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông. Điều này cũng bắt nguồn từ việc hai quốc gia theo hai giáo phái của đạo Hồi.
Saudi Arabia theo dòng Hồi giáo Sunni, trong khi Iran theo dòng Hồi giáo Shia.
Doostmohammadi đánh giá: "Luôn có điểm cắt giữa bóng đá và chính trị. Còn nhớ tại kỳ World Cup 1998 ở Pháp, Iran và Mỹ nằm chung bảng. Đó là trận đấu đặc màu chính trị. Khi Iran thắng 2-1, lãnh đạo tối cao của Iran dù nửa đêm vẫn gửi lời chúc mừng đến toàn đội".
|
Nike không cung cấp giày đấu khiến ĐT Iran tại World Cup 2018 sử dụng giày của Adidas. |
Dù FIFA luôn muốn tách bạch bóng đá khỏi chính trị nhưng điều này chưa bao giờ trở thành sự thật. Nhưng ít nhất trên mặt cỏ, những bất đồng chính trị, khác biệt tôn giáo hay màu da bị xóa nhòa phần nào. Bóng đá trao cơ hội để các cầu thủ xóa nhòa những ranh giới mà khi bước ra khỏi đường pitch, thật khó để họ lập lại điều đó.
Cũng chính sau trận đấu tại World Cup 1998, các cầu thủ Mỹ và Iran tới bắt tay nhau và đổi áo.
Để thấy rõ điều này, hãy nhìn sự chuẩn bị của ĐT Iran trước thềm World Cup 2018. Nike từ chối cung cấp giày thi đấu cho ĐT Iran, nguyên nhân bắt nguồn từ lệnh cấm vận của Mỹ. Hãy nhớ rằng Nike là một công ty có trụ sở tại Mỹ.
Trong sân cỏ, các cầu thủ có thể bắt tay. Bên ngoài thì không!
"Đây là thể thao. Lẽ ra chẳng nên dính dáng đến chính trị" - Doostmohammadi phàn nàn: "Nike có lẽ là thương hiệu phổ biến. Nhưng tôi đoán nhiều người sẽ có những suy nghĩ khác sau sự kiện này".
Nữ giới cũng có thể đá bóng
Giáo lý đạo Hồi đặt ra khá nhiều ràng buộc với phụ nữ, điều đó khiến các quốc gia theo đạo Hồi khó phát triển bóng đá nữ. Phụ nữ ở Iran vẫn không được xuất hiện trên khán đài để cổ vũ các trận đấu. Nhưng tín hiệu tích cực đang đến.
|
Biển quảng cáo có hình ảnh cầu thủ bóng đá nữ Iran. |
Trên một cây cầu ở Bắc Tehran, một bảng quảng cáo cao đến 50 mét gây chú ý. Đó là hình ảnh của một cầu thủ bóng đá nữ với băng thủ quân trên tay.
Hình ảnh đó cho thấy sự tự tin và sức mạnh. Đó là một chiến dịch quảng cáo, kêu gọi phụ nữ Iran tới tham gia cuộc thi tìm kiếm ngôi sao, mục đích để tìm ra một bình luận viên bóng đá nữ. Đây là tín hiệu lạc quan nhằm cải thiện cái nhìn của xã hội với phụ nữ trong khía cạnh bóng đá nói riêng, thể thao nói chung.
Mina Rezaie, cựu thành viên của ĐT U19 futsal nữ Iran, nay sắm vai HLV cho rằng: "Xã hội Iran đang có cái nhìn tích cực hơn và bóng đá có thể trở thành một trong những môn thể thao phổ biến nhất cho nữ giới. Tôi từng gặp rất nhiều thách thức khi còn nhỏ nhưng nếu nỗ lực, bạn có thể đạt được bất cứ gì mình muốn".
|
Người hâm mộ nữ của ĐT Iran tại World Cup 2018. |
Đầu năm nay, ĐT futsal nữ Iran giành ngôi vô địch châu Á. Điều này góp thêm tiếng nói để xã hội Iran có cái nhìn tích cực hơn về bóng đá nữ.
Đối với người phụ nữ tại Iran cũng như nhiều quốc gia theo đạo Hồi, vấn đề trang phục cũng là một khó khăn. Theo yêu cầu của Chính phủ, các cầu thủ nữ phải mang khăn hijab cùng với quần áo dài tay.
"Thật khó để thi đấu với một chiếc khăn choàng. Nó hạn chế sự linh hoạt" - Rezaie cho biết: "Nhưng điều đó không ảnh hưởng quá lớn. Đội tuyển nữ của chúng tôi vô địch châu Á với những chiếc khăn hijab, dù phải đối đầu với những đối thủ mạnh như Nhật hay Trung Quốc".
Trong nhiều thập kỷ, thể thao như một lãnh địa riêng cho đàn ông ở Iran. Nhưng các tiêu chuẩn của xã hội đang dần thay đổi.
|
Người hâm mộ của ĐT Iran tại World Cup 2018 kêu gọi các SVĐ tại Iran cho phép nữ giới vào sân cổ vũ. |
Doostmohammadi đánh giá: "Hồi giáo không thực sự ngăn chặn phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội. Có một số giới hạn và hạn chế, như việc ăn mặc và đeo khăn trùm đầu nhưng đó không phải vấn đề. Cái chính là người phụ nữ được phép để trở thành vận động viên chuyên nghiệp".
"Nếu người ta tin vào điều gì từ tận đáy lòng, họ sẽ chịu đựng mọi khó khăn để đạt được mục tiêu" - Rezaie.
Marốc 0-1 Iran (KT): Chết đứng vào phút bù giờ bởi màn phản lưới Thi đấu lấn lướt từ đầu đến cuối và tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn nhưng không một lần tận dụng thành công, đại diện châu Phi đã phải nhận kết cục cay đắng ở trận...
Như Đạt (TTVN)