Sau ngày hôm qua lập cú đúp HCV cũng như cú đúp kỷ lục Seagames, nữ kình ngư số một Việt Nam lại tái diễn y nguyên thành tích đó trong ngày hôm nay (7/6) khi giành hai chiến thắng liên tiếp cực kỳ thuyết phục ở nội dung 200m ngửa và 200m hỗn hợp đồng thời phá luôn kỷ lục đại hội ở cả hai nội dung này.
BẢNG TỔNG SẮP HUY CHƯƠNG SEAGAME 28
DANH SÁCH CÁC VĐV VIỆT NAM ĐOẠT HCV Ở SEAGAME 28
Lịch thi đấu, Kết quả bóng đá nam SEA Games 28-2015
Lịch thi đấu Sea Games 28 ngày hôm nay (7/6) của đoàn thể thao Việt Nam
Tổng hợp thành tích của đoàn thể thao Việt Nam ngày 7/6 |
- Huy chương vàng 1. Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường và Nguyễn Hoàng Phương - Đồng đội nam súng ngắn hơi 10m nam (Bắn súng) 2. Trần Quốc Cường - 10m súng ngắn hơi cá nhân nam (Bắn súng) 3. Dương Thúy Vi - Biểu diễn Kiếm thuật nữ (Wushu) 4. Nguyễn Thị Ánh Viên - 200m ngửa nữ (Bơi lội) 5. Nguyễn Thị Ánh Viên - 200m hỗn hợp nữ (Bơi lội) 6. Nguyễn Thị Như Ý - Hạng cân 70-78 kg nữ (Judo) 7. Trần Thị Len, Nguyễn Như Hoa và Nguyễn Thị Thanh Vân (kiếm ba cạnh đồng đội nữ) 8. Nguyễn Thị Thanh Loan, Nguyễn Thị Lê Dung, Nguyễn Thị Thủy Chung (kiếm chém đồng đội nữ) - Huy chương bạc 1. Trần Thị Minh Huyền - Biểu diễn Thái cực quyền nữ (Wushu) 2. Nguyễn Thanh Bình - Billards Anh (Billards & Snooker) 3. Đỗ Hoàng Quân & Nguyễn Anh Tuấn - Pool 9 bi đôi nam (Billards & Snooker) 4. Phạm Quốc Khánh - Nam quyền + Nam côn biểu diễn (Wushu) - Huy chương đồng 1. VĐV Nguyễn Thanh Hoàng - Marathon nam (Điền kinh) 2. VĐV Hoàng Thị Thanh - Marathon nữ (Điền kinh) 3. Nguyễn Minh Châu - 10m súng ngắn hơi nữ (Bắn súng) 4. Hoàng Xuân Vinh - 10m súng ngắn hơi nam (Bắn súng) 5. Hoàng Quý Phước - 100m tự do nam (Bơi lội) 6. Trần Thương - Nam hạng cân 81 - 90 kg (Judo) 7. Nguyễn Thị Hương - Hạng dưới 63kg nữ (Judo) 8. Cao Khắc Đạt - Nam quyền + Nam côn biểu diễn (Wushu) |
- Như vậy trong ngày thi đấu 7/6, đoàn Việt Nam giành thêm tám HC vàng gồm Bơi lội (hai), Đấu kiếm (hai), Bắn súng (hai), Wushu (một), Judo (một) để duy trì vị trí thứ 2 trên bảng tổng sắp huy chương, với 21 HCV sau nước chủ nhà Singapore với 26 HCV.
- Đội đấu kiếm Việt Nam đã khép lại ngày thi đấu hôm nay (7/6) của đoàn TTVN bằng việc xuất sắc giành thêm hai tấm HCV nữa ở nội dung đồng đội nữ kiếm chém và đồng đội nữ kiếm ba cạnh. Thành tích này giúp đội đạt 200% chỉ tiêu, với tám chiếc HCV, là đội thi đấu thành công nhất của đoàn Việt Nam tại SEA Games 28 cho đến lúc này đồng thời khẳng định ngôi vị số 1 khu vực ở môn đấu kiếm (đứng đầu 8/12 nội dung thi đấu ở kỳ Sea Games này). Ở chung kết nội dung kiếm chém đồng đội nữ, các VĐV Nguyễn Thị Thanh Loan, Nguyễn Thị Lê Dung, Nguyễn Thị Thủy Chung của Việt Nam đánh bại Thái Lan với tỷ số 45-25. Còn ở chung kết nội dung kiếm ba cạnh đồng đội nữ, ba VĐV Trần Thị Len, Nguyễn Như Hoa và Nguyễn Thị Thanh Vân (Việt Nam) cũng vượt qua các đối thủ Philippines với tỷ số 45-28.
Các VĐV Việt Nam giành HCV nội dung kiếm chém nữ. Ảnh: Zing |
- Trong buổi tối, các VĐV thuộc đội Wushu Việt Nam thi đấu ở rất nhiều nội dung biểu diễn song không thể kiếm được tấm HCV thứ hai sau thành công của "cô gái vàng" Dương Thúy Vy. Ở nội dung kép nam quyền + nam côn (hôm qua đã thi đấu nam quyền), nam võ sỹ được đánh giá cao Phạm Quốc Khánh từng vô địch Seagames chỉ đoạt HCB với tổng điểm 19,40 (cả hai nội dung cùng đạt 9,70 điểm. Vô địch là VĐV người Indonesia được 19,42 điểm (cả hai nội dung cùng đạt 9,71 điểm). Tiếp đến Dương Thúy Vi được kỳ vọng sẽ tỏa sáng ở nội dung trường quyền nữ. Tuy vậy, rốt cục, ngôi sao số 1 Wushu Việt Nam thể loại Taolu (biểu diễn) chỉ giành được 9,69 điểm đủ giành tấm HCĐ thua 0,02 điểm so với Mui Wei Ting Zoe (Singapore) đoạt HCV và 0,01 so với Oo Sandi (Myanmar) giành HCB. Cuối cùng, Trần Xuân Hiệp đem về HC bạc côn thuật nam dù thi đấu tốt đạt điểm số lên tới 9,72 điểm nhưng vẫn thua đối thủ Indonesia đoạt HC vàng Hulaefi A 0,01 điểm. Đây là kết quả có phần tiếc nuối cho Xuân Hiệp và đội wushu Việt Nam. Ngày hôm qua, Xuân Hiệp cũng đã đoạt HCĐ nội dung trường quyền nam.
- Đội Judo Việt Nam giành tấm HCV thứ hai tại Seagame 28 sau khi nữ võ sỹ Nguyễn Thị Như Ý đánh bại đối thủ Aung Aye Aye của Myanmar bằng điểm tuyệt đối Ippon trong trận chung kết hạng cân 70-78kg.
- 19h15: Ánh Viên bước vào nội dung chung kết cuối cùng trong ngày hôm nay mà cô tham dự và cũng là sở trường: 200m hỗn hợp. Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi siêu kình ngư chưa đến 20 tuổi của làng bơi lội Việt Nam lại tỏ ra hoàn toàn vượt trội so với phần còn lại trong cả chặng đường. Rất dễ dàng, Ánh Viên mang về cho mình tấm HCV Seagame 28 thứ 4 và lại phá vỡ một kỷ lục Seagames nữa với thành tích 2 phút 14 giây 57. Quả thật, Ánh Viên đang trở thành ngôi sao sáng trên đường đua xanh Sea Games 28 và nhiều khả năng sẽ đoạt danh hiệu VĐV xuất sắc nhất đại hội.
- 18h40: Kình ngư Ánh Viên bước vào nội dung chung kết thứ hai trong ngày hôm nay: 200m ngửa. Đây là nội dung sở trường mà cô đang là ĐKVĐ Seagames cũng như giữ kỷ lục của đại hội. Quả thực, cô gái vàng của bơi lội Việt Nam đã mau chóng thể hiện trình độ, đẳng cấp của mình khi dẫn đầu từ những mét đầu tiên, tạo khoảng cách ngày một xa với các đối thủ và nhẹ nhàng lướt về đích mà không gặp phải trở ngại nào. Chẳng những Ánh Viên đoạt tấm HCV ở nội dung này mà cô lại còn phá vỡ kỷ lục Seagames của chính mình với thành tích mới 2 phút 14 giây 12. Như vậy, Ánh Viên đã đăng qua ở 3/4 nội dung cô tham dự tính đến thời điểm này cũng như phá được 3 kỷ lục Seagames. Một thành tích quá ấn tượng của kình ngư người An Giang.
- 18h10: Tiếp theo đến chung kết nội dung 100m tự do nam với sự có mặt của Hoàng Quý Phước. Kình ngư của Đà Nẵng bơi ở làn số 3. Quý Phước xếp thứ 2 sau 50m đầu tiên nhưng ở 50m còn lại, anh không giữ được thứ hạng này. Dẫu vậy, bằng nỗ lực tuyệt vời, anh vẫn có mặt trong Top 3 và đoạt tấm HCĐ với thành tích 50 giây 60. HCV thuộc về Schooling của nước chủ nhà, nam kình ngư được đánh giá cao nhất Seagames 28 này và hứa hẹn sẽ thâu tóm rất nhiều tấm HCV. Schoolin cũng phá được kỷ lục Seagames do VĐV Indonesia Triady Fauzi mà cũng có mặt trong lượt bơi chung kết (nhưng chỉ về thứ 4) thiết lập cách đây 2 năm với thành tích mới 48 giây 58.
- 18h00: Bắt đầu diễn ra chung kết các nội dung môn bơi lội với sự tham gia của nhiều kình ngư Việt Nam mà nổi bật nhất là hai niềm hy vọng vàng Hoàng Quý Phước và đặc biệt "cô gái thép" Nguyễn Thị Ánh Viên. Đầu tiên là nội dung 50m bướm nữ. Bên cạnh Ánh Viên thì ở lượt bơi chung kết, chúng ta còn một VĐV khác rất trẻ (sinh năm 2000) Nguyễn Diệp Phương Trâm. Ánh Viên bơi ở làn số 3 còn Trâm bơi ở làn số 1. Ở vòng loại, Ánh Viên đạt thành tích tốt thứ 3 song đến lượt chung kết, cô không giữ được phong độ và chỉ về đích thứ 4 chung cuộc với thành tích 27 giây 67 nên không thể có được huy chương còn Phương Trâm về đích cuối. HCV thuộc về Li Tao, nữ kình ngư số 1 của nước chủ nhà Singapore đồng thời đang là ĐKVĐ Seagames ở nội dung này. Không những vậy, Li Tao còn phá vỡ kỷ lục đại hội với thành tích 26 giây 58. Dẫu sao đây cũng không phải là cự ly sở trường của Ánh Viên.
- Đội Billards & Snooker vẫn chỉ kiếm được HCB Seagame 28. Tại chung kết nội dung Pool 9 bi đôi nam, dù hai VĐV Đỗ Hoàng Quân và Nguyễn Anh Tuấn đã thi đấu đầy nỗ lực song không thể làm nên bất ngờ trước cặp Carlo Biado - Warren Kiamco được đánh giá cao hơn của Phillipines. Chung cuộc, đôi cơ thủ Việt Nam thua 6-9. Hãy lưu ý rằng, Phillipines không chỉ là quốc gia số 1 khu vực Đông Nam Á mà còn hàng đầu thế giới ở thể loại Pool.
Đỗ Hoàng Quân và Nguyễn Anh Tuấn đoạt HCB nội dung Pool 9 bi đôi nam |
- Đội Thể dục dụng cũ (TDDC) nữ Việt Nam đã chơi không tốt ở nội dung đồng đội nữ và chung cuộc chỉ xếp thứ 4 Singapore, Philippines và Malaysia nên không giành nổi tấm HC nào. Đây là bất ngờ rất lớn vì TDDC Việt Nam, đặc biệt về phía nữ, được đánh giá số 1 khu vực. Tuy nhiên, trong ngày đầu ra quân, đội nữ đã gặp phải thất bại nặng nề. Ngay cả Phan Thị Hà Thanh, nữ hoàng TDDC Việt Nam, với hàng loạt chiến tích cấp khu vực, châu lục cũng như thế giới đã mắc lỗi ở nội dung xà lệch và nhảy chống khi tiếp đất khiến đội mất khá nhiều điểm nên xét cho cùng, kết quả thứ 4 là tất yếu.
- Cuối cùng, đội Wushu Việt Nam cũng đã đem về cho nước nhà tấm HCV đầu tiên tại kỳ Seagame 28. Tại nội dung kiếm thuật nữ, "cô gái vàng" làng Wushu Việt Nam, Dương Thúy Vi - nhà ĐKVĐ Sea Games và Asiad - đã không mắc phải bất cứ sai sót nào trong bài biểu diễn của mình để mang về số điểm cao nhất 9,70 qua đó bảo vệ thành công ngôi vị số 1 khu vực ở nội dung này. Còn nhớ ở kỳ Asiad 17 tại Hàn Quốc hồi năm ngoái, Dương Thúy Vi là chủ nhân tấm HCV duy nhất của thể thao Việt Nam. Như vậy, TTVN đã có 3 tấm HCV trong ngày hôm nay (7/6) và thứ 16 tại Seagame 28.
- Chuyển sang môn Wushu nội dung Thái cực kiếm nam, VĐV được mệnh danh "hotboy Wushu" Nguyễn Thanh Tùng đã thi đấu không tốt và chỉ có đuợc 9,35 điểm và xếp thứ 8/9 chung cuộc. Giành HC vàng ở nội dung này là võ sỹ Parantac Daniel của Philippines với 9,71 điểm. Cái tên Thanh Tùng đã được biết đến rộng rãi hơn khi anh tham dự cuộc thi Vietnam Idols (Thần tượng âm nhạc VIệt Nam) năm 2012 và có mặt trong Top 6.
Hotboy Wushu Nguyễn Thanh Tùng thi đấu không tốt. Ảnh: Vnexpress |
- Tại chung kết nội dung Billards Anh môn Billards & Snooker, cơ thủ Nguyễn Thanh Bình của Việt Nam không thể tạo ra bất ngờ trước đối thủ quá mạnh của nước chủ nhà Peter Gilchrist khi thất bại với tỷ số 291-501 nên chỉ đem về cho TTVN tấm HCB. Cần lưu ý rằng, Peter Gilchrist vốn là một người Anh nhưng đã nhập tịch Singapore từ chục năm qua. Gilchrist từng đoạt chức VĐTG môn Billards Anh ở các năm 1994, 2001, 2013. Còn tại đấu trường Seagames thì VĐV này gần như không có đối thủ ở nội dung sở trường khi đã giành liên tiếp 4 tấm HCV Seagames (2009, 2011, 2013, 2015).
- Đội bắn súng chưa thể có thêm vàng. Tại chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi nữ cá nhân, xạ thủ duy nhất của Việt Nam tham dự Nguyễn Minh Châu đồng thời là nhà ĐKVĐ Seagames nội dung này chỉ đạt số điểm 174,4 và đoạt HCĐ. HC vàng ở nội dung này thuộc về VĐV của nước chủ nhà Singapore Teo Shun Xie (199 điểm).
- Tại môn đấu kiếm nội dung kiếm liễu đồng đội nam, các kiếm sĩ Nguyễn Minh Quang, Phạm Quốc Tài, Lưu Hồng Sơn và Nguyễn Quốc Oai của Việt Nam chịu thất bại 38-45 trước đội Indonesia ở tứ kết nên không thể có được tấm huy chương nào.
- 13h45: Đội Wushu vẫn chưa thể kiếm được vàng cho TTVN ở Seagame 28. Tại nội dung biểu diễn (Taolu) thái cực quyền nữ, VĐV Trần Thị Minh Huyền dù trình diễn tốt và mang về số điểm khá cao 9,69 song vẫn chỉ xếp thứ hai sau VĐV Lindswell của Indonesia (9,73 điểm) nên chỉ có được tấm HCB.
Nữ VĐV Wushu Trần Thị Minh Huyền. Ảnh: Zing |
- 11h30: Cuối cùng, cơn khát vàng của đội bắn súng Việt Nam cũng được giải tỏa. Ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam, 3 VĐV gồm xạ thủ số 1 Việt Nam Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường và Nguyễn Hoàng Phương đã thi đấu cực tốt ở vòng loại (tổng điểm 3 người sẽ được cộng lại để xác định HC đồng đội) để rồi giúp đội đoạt tấm HCV đồng đội với thành tích 1.727 điểm. Xét về thành tích cá nhân thì Hoàng Xuân Vinh dẫn đầu vòng loại với 582 điểm, Trần Quốc Cường đứng thứ ba (575 điểm) và Nguyễn Hoàng Phương đứng thứ sáu (570 điểm) nên cả ba đều lọt vào lượt bắn chung kết tranh HC cá nhân vào chiều nay. Thực ra, kết quả này hoàn toàn nằm trong dự tính bởi đây là nội dung thế mạnh của bắn súng Việt Nam. Đặc biệt, trình độ của xạ thủ kỳ cựu Hoàng Xuân Vinh đã đạt đến tầm cỡ thế giới và vượt khỏi khu vực Đông Nam Á khi anh từng phá kỷ lục thế giới ở nội dung này cũng như giành nhiều tấm huy chương ở các giải cúp thế giới. Tại Seagame 28 lần này, đội bắn súng đặt chỉ tiêu giành từ 4-5 HCV và trông cây nhiều vào tổ súng ngắn
- 10h30: Tại môn Billiards & Snooker, nội dung Pool 9 bi đôi nam, hai VĐV Đỗ Hoàng Quân - Nguyễn Anh Tuấn đã giành quyền vào chung kết khi thắng cặp Maung Maung - Thu Aung Moe với tỷ số sít sao 9-8 ở trận bán kết. Tại trận chung kết tranh HCV diễn ra lúc 15h chiều nay, hai VĐV của chúng ta sẽ phải chạm trán bộ đôi của Phillipines, quốc gia rất mạnh trong môn thể thao này.
- Tại môn bóng bàn nội dung đồng đội nam, lượt trận thứ hai bảng B, các nam VĐV Nguyễn Anh Tú, Dương Văn Nam, Lê Tiến Đạt dễ dàng thắng đội Campuchia 3-0. Hôm qua, các tay vợt nam đã xuất sắc đánh bại đối thủ mạnh Thái Lan 3-1. Cửa vào bán kết tranh huy chương đã rộng mở với đội nam.
- 10h00: Đội tuyển bắn súng Việt Nam tiếp tục thi đấu không thành công. Tại vòng loại nội dung 10m súng ngắn hơi nữ cá nhân (thành tích của 3 VĐV mỗi nước cộng lại để tính HC giải đồng đội), 3 xạ thủ Nguyễn Minh Châu, Triệu Thị Hoa Hồng, Lê Thị Hoàng Ngọc chỉ giành được tổng cộng 1112 điểm xếp thứ tư chung cuộc. Đội Thái Lan đoạt HCV đồng đội với 1134 điểm. Duy nhất Nguyễn Minh Châu lọt vào loạt bắn chung kết (gồm 8 VĐV) để tranh HC cá nhân tuy nhiên thành tích của cô chỉ đứng thứ 7 (375 điểm) nên xem ra cửa giành HC là cực thấp
- 9h00: Giống hệt ngày hôm qua (6/6), những tấm HC đầu tiên mà Thể thao Việt Nam nhận được trong ngày hôm nay 7/6 chỉ mang màu Đồng. Tuy vậy đó vẫn là thành tích đáng khích lệ bởi đến từ nội dung marathon của môn thể thao nữ hoàng điền kinh vốn không phải thế mạnh của chúng ta. Hai VĐV Hoàng Thị Thanh và Nguyễn Thanh Hoàng đã về đích thứ 3 ở nội dung marathon nữ và nam. Thành tích của Hoàng là 2 giờ 37 phút 10 giây, kém hơn 2 phút so với VĐV đoạt HCV của nước chủ nhà, Soh Rui Yong Guillaume. Còn chỉ số của Thanh là 3 giờ 7 phút 14 giây kém hơn 3 phút so với VĐV đoạt HCV người Thái Lan.
VĐV Hoàng Nguyên Thanh về thứ 3 ở nội dung Marathon 42 km nam. Ảnh: Zing |
- 8h25: Khởi tranh nội dung vòng loại cuối cùng của môn bơi lội trong ngày hôm nay: 200m hỗn hợp nữ với sự tham gia của Ánh Viên và Phương Trâm. Kình ngư nhí Phương Trâm thi ở lượt 1. Dù rất nỗ lực, từng nằm trong Top 3 ở 50m đầu tiên song càng bơi càng đuối và chỉ về đích 5/6, gần như không có cửa lọt vào lượt bơi chung kết. SIêu kình ngư Ánh Viên thi đấu ở lượt 2 và 200m hỗn hợp cũng là sở trường của cô gái vàng này nên không quá ngạc nhiên khi Ánh Viên toàn dẫn đầu trong suốt chiều dài 200m của cự ly và dễ dàng về nhất với thành tích 2 phút 17 giây 74. Xét chung cuộc, cô cũng đạt thành tích tốt nhất, cách hơn 2 giây so với VĐV Thái Lan đứng thứ hai. Như vậy, Ánh Viên đã có mặt ở chung kết cả hai nội dung cô tham gia trong ngày hôm nay và xem ra, tối thiểu cô sẽ kiếm thêm ít nhất một tấm HCV ở nội dung thế mạnh 200m hỗn hợp.
- 8h15: Sau đó đến vòng loại 100m ếch nam với sự có mặt của VĐV Phan Gia Mẫn của Việt Nam. Anh bơi ở lượt thứ hai và xếp cuối trong 5 VĐV nên không thể giành quyền tham dự chung kết.
- 8h10: Tiếp theo đến vòng loại 100m tự do nam với sự góp mặt của kình ngư Hoàng Quý Phước, người đã đoạt HCV và phá kỷ lục Seagames vào ngày hôm qua ở nội dung 200m tự do nam. Hoàng Quý Phước cũng là niềm hy vọng vàng của Việt Nam trên đường đua xanh. Dù xuất phát không tốt nhưng Phước đã tăng tốc thành công ở 50m cuối để về đích đầu tiên ở lượt 1 vòng loại với thành tích 51 giây 19 và chắc chắn được tham dự lượt bơi chung kết. Một VĐV khác của Việt Nam là Trần Duy Khôi thi đấu ở lượt 2 vòng loại nhưng anh đat thành tích rất không tốt khi chỉ về đích 7/7. Chung cuộc, Quý Phước đạt thành tích tốt thứ 3 vòng loại. Người đạt chỉ số tốt nhất là Scholing của Singapore, nam VĐV được dự báo sẽ thâu tóm nhiều HCV ở Seagame 28 lần này.
- 8h00: Diễn ra nội dung thi đấu đầu tiên trong ngày của đoàn thể thao Việt Nam: Vòng loại 50m bơi bướm nữ với sự tham dự của siêu kình ngữ Nguyễn Thị Ánh Viên và đồng đội Nguyễn Diệp Phương Trâm. Cô gái vàng của làng bơi lội nước nhà thi đấu ở lượt 1 và đạt thành tích tốt nhất (27 giây 95) nên chắc chắn có mặt ở lượt bơi chung kết diễn ra vào chiều nay. VĐV trẻ nhất đội bơi lội Việt Nam, Phương Trâm (sinh năm 2000) thi đấu ở lượt 2 và không quá ngạc nhiên khi em giành thành tích khiêm tốn hơn (28 giây 40) song vẫn đủ điều kiện dự lượt bơi chung kết, một thành tích vượt quá sự mong đợi. VĐV đạt thành tích tốt nhất ở vòng loại nội dung này là nhà ĐKVĐ Seagames đồng thời giữ kỷ lục đại hội, Li Tao người Singapore với thành tích 27 giây 15 còn Ánh Viên đứng thứ 3 chung cuộc ở vòng loại sau một VĐV nữa của Thái Lan.
Bongda24h.vn