SEA Games 28: Việt Nam bội thu HC vàng ở các môn Olympic

Đoàn thể thao Việt Nam có kỳ đại hội thành công, đặc biệt giành nhiều HC vàng ở những môn thi đấu cơ bản có mặt ở Olympic.

Singapore 2015, đoàn thể thao Việt Nam giành tổng cộng 73 HC vàng, trong khi chỉ tiêu đặt trước khi tham dự đại hội là 50 đến 60 HC vàng, qua đó lọt vào Top 3 đoàn có thành tích tốt nhất. Tuy nhiên, sự thành công của thể thao Việt Nam ở SEA Games lần này không chỉ ở việc đạt chỉ tiêu HC, mà hơn hết là sự tiến bộ trong các môn thể thao cơ bản. Điều này cho thấy sự chuyển hướng vào đầu tư chuyên biệt, thay vì dàn trải đã mang lại kết quả đáng khích lệ.

SEA Games 28 Viet Nam boi thu HC vang o cac mon Olympic hinh anh
Ánh Viên là điểm sáng chói của đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 28. Ảnh: Vnexpress

Điền kinh mang về 11 HC vàng, bơi lội là 10, thể dục dụng cụ 9, đấu kiếm 8... Bên cạnh đó là HC vàng của bắn súng, rowing, taekwondo, quyền anh… Tổng cộng tại SEA Games 28, Việt Nam giành 64 HC vàng ở các môn Olympic, đạt tỷ lệ 88%. Đây là con số rất ấn tượng, cao nhất từ trước tới nay của Việt Nam. Tại SEA Games 27, các môn Olympic mang về 47 HC vàng, đạt tỷ lệ chỉ là 64%. Đó là chưa kể những môn thế mạnh của Việt Nam, cũng nằm trong chương trình thi đấu Olympic, như cử tạ hay vật đều không được đưa vào thi đấu ở Singapore năm nay.

Hướng đến ASIAD, “Thể thao Việt Nam đã chuyển hướng đầu tư, đặt mục tiêu ở ASIAD và Olympic”, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 Trần Đức Phấn cho biết. “Ngành thể thao đầu tư trọng điểm vào nhóm năm môn hàng đầu gồm điền kinh, bắn súng, bơi lội, cử tạ và thể dục dụng cụ. Các môn khác đương nhiên vẫn đầu tư nhưng có ưu tiên thấp hơn. Việc đầu tư mạnh bao gồm thuê chuyên gia, lên kế hoạch huấn luyện nghiêm ngặt và cho đi tập huấn nước ngoài”.

Ông Trần Đức Phấn tiết lộ có khoảng 50 VĐV được đầu tư trọng điểm, trong đó có số ít người chuyên biệt như Nguyễn Thị Ánh Viên hay Quách Thị Lan (điền kinh). “Tham dự SEA Games không chỉ vì thành tích. Đó là sân chơi bước đệm để hướng đến ASIAD”, ông nhấn mạnh.

Một trường hợp điển hình như VĐV điền kinh Quách Thị Lan. Đoàn thể thao Việt Nam không đặt mục tiêu vàng cho cô ở Singapore năm nay dù được đầu tư rất mạnh. Quách Thị Lan trước giải có vấn đề với cổ chân. Ban huấn luyện sẵn sàng bỏ cự ly chạy 400 mét rào để giúp Lan không tái phát chấn thương. Cô gái sinh năm 1995 được kỳ vọng sẽ đạt đỉnh cao phong độ ở ASIAD 2018 tại Indonesia.

Thể thao Việt Nam phá rất nhiều kỷ lục tại Singapore năm nay. Nổi trội trong đó là 10 kỷ lục SEA Games mới được thiết lập trên đường đua xanh. Tám trong số đó thuộc về Ánh Viên, còn lại là Lâm Quang Nhật ở cự ly 1500 mét nam và Hoàng Quý Phước ở cự ly 200m nam. Điền kinh phá vỡ ba kỷ lục tồn tại hơn 20 năm, ở các nội dung 400 mét rào nữ, 5000 mét nam và 4x400 mét tiếp sức nữ.

Thành công ở các môn cơ bản nhưng các môn bóng, như mọi năm, lại không có thành tích cao. “Các môn bóng gần như vẫn chưa thoát khỏi tầm Đông Nam Á”, ông Phấn nhận xét. Bóng đá nam dừng bước ở bán kết, sau trận thua 1-2 trước U23 Myanmar. Bóng bàn chỉ giành một HC bạc, bóng rổ chưa thể phát triển và hai đội tuyển nam - nữ bóng chuyền đều thua dễ Thái Lan trong những trận tranh chấp HC vàng.

Lý giải cho thành tích không tốt của các môn bóng, ông Phấn cho biết các môn tập thể đầu tư rất tốn kém nên để thúc đẩy mạnh hơn, cần có sự hợp tác của doanh nghiệp theo hướng xã hội hóa.

Theo Vnexpress

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục