Trước giờ khai mạc SEA Games: Khi Philippines vẫn chưa sẵn sàng

Một tuần tác nghiệp tại Philippines trong thời gian diễn ra SEA Games, chúng tôi nhận thấy nước chủ nhà vẫn chưa có sự chuẩn bị tốt nhất cho giải đấu lớn cấp khu vực.


Khi chủ nhà vẫn chưa sẵn sàng

Ngày khai mạc SEA Games 30 sẽ diễn ra vào tối nay (30/11) tại nhà thi đấu Philippines Arena, nơi có sức chứa 55 nghìn khán giả. Chỉ sau hôm nay, đại hội thể thao Đông Nam Á mới được coi là chính thức khởi tranh, còn trước đó thì chưa.

Thế mới có những câu chuyện cười ra nước mắt về công tác chuẩn bị chẳng mấy chuyên nghiệp của nước chủ nhà. Từ những lời “kêu cứu” về chế độ dinh dưỡng, thậm chí từ chính những vận động viên của Philippines, tới những sự cố như sắp xếp U22 Myanmar di chuyển trên chiếc xe bus nhỏ tí, cầu thủ Campuchia ngủ trên sàn nhà vì phòng khách sạn chưa sẵn sàng, đến Thái Lan phải bỏ tập vì… sân quá xa, đến nỗi phải ra ngoài khuôn viên khách sạn tập chay.

SVD Rizal bon be truoc gio bong lan

SVĐ Rizal Memorial, một trong những sân thi đấu chính của giải bộn bề trước giờ bóng lăn


Cụ thể ngay cả đến U22 Việt Nam, được xếp đá 3/5 trận vòng bảng tại SVĐ Binan – nơi cách thủ đô Manila 35 km, một khoảng cách xa vời vợi bởi tình hình giao thông tắc gấp… 3 lần Hà Nội. Để được luyện tập trong vòng 60 phút, toàn đội phải mất 2 tiếng di chuyển chiều đi, và cỡ 3 tiếng chiều về (do tắc đường giờ tan tầm). Kết quả, VFF thuê luôn khách sạn mới gần sân Binan, nhưng tất nhiên không phải đội bóng nào cũng có phương án như vậy.

Ngoài ra, khi ngày khai mạc đã gần kề, nhưng điều kiện cơ sở vật chất của Philippines vẫn chưa thể đuổi kịp. Những câu chuyện như sân thi đấu vẫn đang sửa chữa, hoàn thiện, họp báo trong nhà hoang (trên thực tế đây là khu mixzone đang hoàn thiện), một nhà vệ sinh có… hai bệ xí xuất hiện tràn lan trên mạng. Điều đó dẫn đến tình trạng vừa thi đấu, vừa… thi công.

San Binan da lap dat bien quang cao

Tình trạng tại Philippines trong thời gian diễn ra SEA Games: Vừa thi đấu, vừa thi công

Điều quan trọng nhất, đó là bản thân người dân Philippines chưa hề có khái niệm chào đón giải đấu khu vực chuẩn bị khai mạc, trên chính đất nước của họ. Ngoại trừ những tình nguyện viên hay người của ban tổ chức, nhân viên các sân thi đấu, còn lại người dân nơi đây còn… sợ SEA Games diễn ra. Dạo quanh thủ đô Manila, biểu ngữ “We win as one” chỉ xuất hiện ở những nơi thi đấu, sân bay, những địa điểm chào đón bạn bè quốc tế - chứ bản thân người dân chẳng hề muốn nó diễn ra.

“Manila đã tắc đường kinh khủng” – một tài xế chia sẻ, “mà giờ lại cấm đường phục vụ SEA Games, chúng tôi biết phải làm sao?”. Và khi một giải đấu ở tầm khu vực, tiêu tốn hàng đống ngân sách quốc gia – nhưng chẳng hề được người dân quan tâm bằng miếng cơm manh áo, đó là dấu hiệu cho thấy Philippines chưa sẵn sàng. SEA Games đã đến rất gần, nhưng vẫn xa vời vợi.

San bay Clark

Không ít người dân Philippines cũng không hề mong SEA Games được tổ chức

 

Nhưng SEA Games vẫn phải diễn ra

Chê bai thì có rất nhiều, nhưng cũng không thể phủ nhận nỗ lực của nước chủ nhà Philippines. Trên thực tế, họ đã định từ bỏ quyền đăng cai giải đấu này và Thái Lan sẵn sàng đứng ra thay thế, nhưng cuối cùng Philippines vẫn là quốc gia nhận trọng trách tổ chức, chỉ 6 tháng trước khi SEA Games khởi tranh. Chừng đó thời gian là không đủ cho một giải đấu lớn. 

Có nhiều người đặt câu hỏi, vậy thì đến tham dự giải làng, với sự tổ chức thiếu chuyên nghiệp, mang bực vào người từ điều kiện tiếp đón tới cơ sở vật chất – chứ chưa nói đến vấn đề xử ép kiểu gì cũng xuất hiện khi thi đấu, để làm gì? Nhưng có một thực tế, đây là giải đấu có ý nghĩa rất lớn.

Được tổ chức 2 năm một lần, SEA Games nằm xen kẽ giữa một kỳ ASIAD và một kỳ Olympic, là bước chạy đà quan trọng. Tập duyệt cho giải khu vực, qua đó hướng ra châu lục, hay xa hơn là thế giới – đó là ý nghĩa lớn của giải đấu vẫn được xem như “ngày hội ao làng” này.

Park Hang Seo va U22 Viet Nam

Nhưng giải đấu này vẫn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với đoàn thể thao Việt Nam nói chung


Với riêng ĐT U22 Việt Nam – SEA Games thậm chí còn được coi như mục tiêu số 1, nhiệm vụ quan trọng nhất của nền bóng đá trong năm 2019. Trong lịch sử, Việt Nam chưa từng giành huy chương vàng môn bóng đá nam, và đó là chiến tích mà thầy trò Park Hang Seo cần phải giành lấy, với áp lực nặng nề trên vai.

Đó mới là những gì quan trọng nhất cần phải hướng đến, một bức tranh lớn hơn cần phải được nhìn vào – chứ không chỉ là câu chuyện tham dự để làm gì. Cuối cùng, bản thân nước chủ nhà cũng đang nỗ lực từng ngày để đem lại điều kiện thi đấu tốt nhất cho các vận động viên, từ cơ sở vật chất cho đến những điều nhỏ nhất – như những nụ cười chào đón đến từ các tình nguyện viên. 

Vì vậy, hãy cứ tập trung vào nhiệm vụ thi đấu, với khán giả là theo dõi trong vui vẻ để cổ vũ vận động viên quốc gia, thay vì cười cợt trước những nỗ lực của một quốc gia đã “dũng cảm” đem SEA Games về nhà.

Bị VĐV kêu đói ăn, đầu bếp Philippines lập tức post ảnh nhà hàng xịn xò
Sau những thông tin liên quan tới vấn đề ăn, ở của các vận động viên, nước chủ nhà SEA Games 30 mới đây đã có động thái đáp trả.
Trước đại chiến Indonesia, HLV Park cấm cửa giới truyền thông
Một quyết định rất bất ngờ của HLV Park Hang Seo, trước trận U22 Việt Nam vs U22 Indonesia vào ngày 1/12 tới.
3 thành viên hoàng tộc Brunei khiến dân tình xôn xao tại SEA Games 30
Cùng điểm lại ba thành viên hoàng tộc Brunei khiến dân mạng xôn xao khi trực tiếp tham gia thi đấu tại SEA Games 30.
Ảnh: Sau sự cố vali, BTC sân Binan đã đề ra giải pháp
Trước trận U22 Việt Nam vs U22 Lào chuẩn bị diễn ra, SVĐ Binan đã “thay da đổi thịt” để tránh những hiện trạng fake news tràn lan.

Trọng Hiếu – từ Manila

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục