Chuyện kể rằng, vào một ngày đẹp trời năm 1976, có hai danh thủ từ miền Bắc đã lặn lội đường xa để ngồi trên sân Hoa Lư nhằm chiêm ngưỡng buổi tập của đội Tổng Cục Vật Tư. Hai con người ấy là hai anh em kiện tướng của Thể Công: Nguyễn Thế Anh-Nguyễn Cao Cường. |
Võ Thành Sơn: Đại bàng trên nền xanh Thống Nhất |
Họ đến nhằm có dịp bắt tay để thể hiện lòng ngưỡng mộ với bộ đôi “Sóng thần” miền Nam ngày ấy: chàng trai đào hoa Quang Đức Vĩnh và con đại bàng Võ Thành Sơn.
ĐẠI BÀNG TRÊN NỀN XANH THỐNG NHẤT
Sân Thống Nhất giờ quá vắng vẻ khi khoác lên mình cái dáng u uất và buồn đau của nền bóng đá thành phố mang tên Bác. Thật khó mà nhận ra được nơi xưa kia đã từng là sân khấu của biết bao anh hào của bóng đá nước nhà. Thời bao cấp với bộn bề khó khăn cùng những bữa cơm trộn bo bo, những dòng người dài chờ phát thực phẩm. Nhưng đấy cũng là dòng tháng năm mà không khí bóng đá cuồng nhiệt đến lạ lùng, những tháng ngày người dân xếp hàng dài trên đường Nguyễn Kim để được tận hưởng hình ảnh tung người móc bóng của Võ Thành Sơn.
Ồ! Khán giả rúng động nín thở trước pha va chạm mãnh liệt quá giữa Võ Thành Sơn và Lê Khắc Chính. Hậu vệ Tổng Cục Đường Sắt ngất lịm trên sân sau khi đầu đập xuống đất, anh được cáng ra sân trong sự ngỡ ngàng của người theo dõi. Chưa bao giờ khán giả lại thấy một Chính “cối” kiên cường, mãnh liệt mà lại chịu thua trong tình huống đối đầu như vậy. Nhưng xui cho Chính, hôm ấy anh gặp phải một con người còn kiên cường hơn anh và mạnh mẽ hơn anh.
“Anh Sơn tình huống ấy đã gài người như thế nào đó rất khéo để anh Chính phải chịu thua trong tình huống ấy” - nhà báo Nguyễn Nguyên bình phẩm.
Phải rồi, gắn bó với trái bóng từ những ngày mới biết đi, hẳn một chàng trai đôi mươi như Lê Khắc Chính ngày ấy khó mà xử lý khéo léo bằng Võ Thành Sơn được. Sinh ra trong gia đình có truyền thống bóng đá, với cha là cầu thủ Võ Tự Trung, Võ Thành Sơn từ lâu đã thể hiện là mình có tài năng thiên phú.
“Hai cha con cùng đá cho một đội, ổng cứ làm banh cho mình đá. Hồi đó đá vào một trái là năm trăm đồng. Vậy mà ổng cứ chuyền rồi mình ghi bàn hoài vậy đó. Xong rồi lấy tiền thưởng đó để đóng tiền đi học.”-Cựu danh thủ chia sẻ chuyện ngày bé.
|
Hàng tiền đạo đoạt cúp Quân Đội Thái năm 1974 - Võ Thành Sơn (thứ 3 từ trái sang) |
Và cứ như thế, tài năng cộng với sự hăng say tập luyện, kỹ năng của ông ngày càng được tích lũy. Được đánh giá là một trung phong điển hình, với lối đá càn lướt không ngại va chạm, số 9 của Tổng Cục Vật Tư hay Sở Công Nghiệp luôn là cái tên khiến mọi hàng thủ của đối phương phải dè chừng. Thậm chí gừng càng già càng cay, càng về già Võ Thành Sơn lại càng hay. Năm 33 tuổi, ngay mùa giải cuối cùng trước khi giải nghệ, ông đoạt ngôi phá lưới sau khi vượt qua danh thủ Nguyễn Cao Cường của Thể Công. Trong trận đấu cuối cùng của mùa giải, hai trung phong huyền thoại này mỗi người có cho riêng mình 12 bàn thắng. Và ở trên sân Tây Ninh, Võ Thành Sơn bằng cú volley mang thương hiệu cá nhân đã chính thức vượt qua trung phong người Bắc Bộ để bước lên cán đích trước trong cuộc đua Vua Phá Lưới.
Nhắc đến những cú volley của Võ Thành Sơn, ngày ấy không ai không nể phục. Thậm chí những pha ngã bàn đèn của ông đã trở thành huyền thoại. Nhiều chuyên gia bóng đá đã khẳng định rằng, không có ai ngã bàn đèn xuất sắc như Võ Thành Sơn được. Chính ông còn không nhớ mình đã ghi được bao nhiêu bàn thắng nhờ những tình huống như vậy.
“Tôi hay tập cho mình những quả đá cắt chéo, tức nghiêng người rồi tung chân đá móc ngang ghi bàn. Dần dần tôi thấy động tác của mình có thể phát triển hơn nữa, nên đã cố luyện bằng cách tung người trên không theo phương thẳng đứng với mặt sân và dùng một chân vung lên sút qua đầu quả bóng để ghi bàn. Tập riết rồi quen, nhưng để có thể ghi bàn tôi phải tập thể lực, tốc độ và sự nhanh nhẹn mỗi ngày. Sáng chạy từ nhà ở đường Bàn Cờ ra Phú Lâm, chiều tập chạy bứt tốc đoạn ngắn, còn tối tập nhảy dây với chân đeo chì. Ngoài ra, trong trận đấu phải biết quan sát chọn điểm rơi của bóng và tốc độ ra chân phải thật lẹ, nếu không hậu vệ đối phương sẽ ập vào.”
Có vẻ như những pha tung người móc bóng đã trở thành đam mê của ông vậy. Chỉ có sự đam mê mới khiến cho một con người dày công ra luyện tập đến dường ấy. Để rồi từ đó câu chuyện về một Võ Thành Sơn, hứng bóng bằng ngực và tung người lên không như con đại bàng sải cánh trên nền cỏ xanh, trước khi vung chân quăng xuống tựa như con chim sa mình săn mồi trong sự bất lực của kẻ cản phá đã trở thành huyền thoại, một huyền thoại đẹp trên sân Thống Nhất.
|
Võ Thành Sơn trong một trận đấu cho các cựu cầu thủ |
CON ĐẠI BÀNG VỚI TRÁI TIM VÀNG
Trở lại câu chuyện về pha va chạm với hậu vệ Lê Khắc Chính ở phần trên. Nhà báo Nguyễn Nguyên còn kể thêm rằng: “Sau khi trận đấu kết thúc, chính anh Võ Thành Sơn đã ra chợ mua trái cây, đường sữa vào bệnh viện thăm hỏi anh Chính”. Một câu chuyện cảm động, tựa hồ như cái tình huynh đệ trong giới cầu thủ mà Nguyễn Cao Cường đã từng chia sẻ, “Chúng tôi trên sân thi đấu quyết liệt, nhưng ở ngoài là anh em tốt”. Thế mới biết, cái tình “đồng chí” tương thân tương ái trong giới cầu thủ nó nồng ấm đến dường nào.
Chính ông Sơn từng chia sẻ rằng, thật ra ngày bé, cha ông đã từng rất cấm đoán đứa con trai của mình theo nghiệp quần đùi áo số. Người cha cứ bắt ông phải lên trường để chạy theo con chữ. Không phải vì ông sĩ diện hay mong muốn con mình trở thành bác sĩ kĩ sư gì cả, mà bởi ông đã nếm đủ mọi đắng cay của cuộc đời quần thảo sân cỏ, ông không muốn người con của mình phải sa vào vũng lầy ấy. Có lẽ bởi vì vậy mà ở Võ Thành Sơn, cái tình với đồng nghiệp và ý nguyện với nền bóng đá nước nhà phát lộ có vẻ mãnh liệt hơn nhiều con người khác.
Trong những chuyến về thăm quê hương sau nhiều năm định cư xứ người, ông Sơn đã cùng những người bạn của mình đi thăm những người anh em một thời từng tranh đấu với mình trên sân cỏ. Và ông đã không thể kìm được những giọt lệ lăn dài trước hiện thực.
Những Trần Kim Sang, Phạm Văn Lắm, Nguyễn Văn Ngôn, Phạm Văn Rạng,… than ôi một thời tung hoành dọc ngang, giờ như ngọn đèn hiu hắt trong cơn gió vô tình của những người làm bóng đá Sài Gòn. Ông Võ Thành Sơn từng kể chuyện chua xót về ông Rạng như thế này: “Sau này tôi về đây khi ông Rạng vừa mất, thậm chí không có chỗ để thờ tự hình hay cốt đàng hoàng nữa”. Cái sự bẽ bàng của đời cầu thủ nó hiện rõ như vậy đấy. Thời trai trẻ tung hoành ai cũng biết, khi về già giá lạnh mấy ai hay.
|
Võ Thành Sơn trong một chương trình truyền hình |
Không chấp nhận cái dòng đời vô tình như vậy, ông Võ Thành Sơn quyết tâm thực hiện nhiều nỗ lực để giúp đỡ những cựu cầu thủ lão thành. Ông cùng Võ Bá Hùng và Phạm Huỳnh Tam Lang cùng lập ra một cái quỹ dành giúp đỡ cho những người anh em một thời nay gặp hoàn cảnh khó khăn. Và tiếp đó là tổ chức những trận cầu họp mặt, nơi những con người đã hơn sáu mươi, bảy mươi tuổi cùng nhau quần thảo trên từng mảnh sân cỏ đầy nắng. Họ cùng nhau hồ hởi như những chàng thanh niên để tranh nhau chiếc cúp bạc, những chiếc cúp mang tên là “Đoàn tụ” mà chính ông Sơn đã cố gắng đem về mỗi năm.
Sân Thống Nhất bây giờ vẫn còn đó, y nguyên với những bức tường đã cũ. Lớp rêu phong như nhắc những con người bước vào đấy cái hiện thực của thời gian. Nhưng thôi cứ mặc kệ, ta có sức thì ta cứ chơi. Những đôi chân vẫn cho vào giày đi đã, rồi để trái bóng tròn dẫn về những kỷ niệm, kỷ niệm của những năm tháng đã xa.
*Nguồn tham khảo:
Youtube: VTVCab | Trái Bóng Tròn - Võ Thành Sơn
http://www.sggp.org.vn/phutrangthethao/2007/1/83928/
http://m.vff.org.vn/Ben-le-san-co-78/Mot-thoi-tung-hoanh-san-co:-Tuyet-ky-cua-Vo-Thanh-Son-11862.html
http://laodong.com.vn/the-thao/chum-anh-tran-cau-cua-nhung-lao-tuong-u70-353333.bld
PHƯƠNG GP (TTVN)