Đối với mô hình hoạt động của các đội bóng tại Châu Âu, hầu hết doanh thu đến từ 5 nguồn tài chính. Đó chính là doanh thu ngày thi đấu, phát sóng, thương mại, tiền thưởng và chuyển nhượng cầu thủ. Trong số này, doanh thu ngày thi đấu là kiểu kiếm tiền truyền thống nhất, nhưng ngày càng có xu hướng thay đổi theo thời gian.
Ngày 03/10/2024 là một ngày hết sức đặc biệt đối với người hâm mộ Aston Villa. Họ đã chờ đợi quá lâu cho khoảnh khắc được chứng kiến đội bóng con cưng trở lại Champions League. Con số này không tính bằng tháng, không tính bằng năm mà tính bằng thập kỷ. Hơn 4 thập kỷ đã trôi qua cho lần tiếp theo Villa Park “mở lễ hội” để tận hưởng bầu không khí của giải đấu hàng đầu Châu Âu.
Và vòng quay số phận một lần nữa lựa chọn Bayern Munich làm đối thủ của họ. Quay trở lại tháng 5/1982, chính Aston Villa đã xuất sắc quật ngã gã khổng lồ của bóng đá Đức trong trận chung kết với tỉ số 1-0, qua đó đăng quang chức vô địch Champions League danh giá đầu tiên trong lịch sử đội bóng. Để kỷ niệm cho lần trở lại đặc biệt này, đại diện thành phố Birmingham đã đặt chiếc cúp Champions League trong đường hầm khi các cầu thủ hai bên bước ra sân. Rõ ràng điều này đã mang lại yếu tố tinh thần khá lớn khi đoàn quân của Unai Emery bất ngờ đánh bại Bayern cũng với tỉ số 1-0 nhờ bàn thắng duy nhất của Jhon Duran.
Người hâm mộ Aston Villa hứng khởi khi chứng kiến đội nhà thi đấu tại Champions League |
Thế nhưng trái ngược với sự háo hứng về trận cầu lịch sử, cuộc chạm trán Bayern cũng nhuốm màu tức giận và thất vọng của người hâm mộ Aston Villa, sau khi BLĐ đội bóng ban hành quyết định tăng giá vé vào sân. Cụ thể, giá vé vào sân Villa Park để xem một trận đấu tại vòng bảng Champions League dao động ở mức 70 – 97 bảng Anh tùy theo từng vị trí.
Và đối với những người không mua vé cả mùa, con số thấp nhất họ phải trả là 85 bảng. Theo thống kê, sức chứa tối đa tại SVĐ Villa Park là 42.640 người, trong đó có khoảng 27.000 người đã mua vé cả mùa. Điều này cho thấy, gần một nửa người hâm mộ, bao gồm cả CĐV đội khách, sẽ phải trả một mức giá “cắt cổ” để có thể vào sân theo dõi trực tiếp các cầu thủ chơi bóng, chưa kể việc họ còn phải săn vé chợ đen.
Để đánh giá, chúng ta có thể lấy số liệu so sánh. Giá vé đắt nhất để theo dõi trực tiếp một trận đấu tại Champions League trên sân nhà của Manchester City và Liverpool vẫn thấp hơn 70 bảng, tức là thấp hơn tấm vé rẻ nhất của Aston Villa, bất chấp cả hai ông lớn này cũng đều đã tăng 12% giá vé so với mùa giải trước. Hội nhóm “Villa Supporters Trust” coi điều này là trò lố bịch và đã kêu gọi BLĐ đội bóng xem xét lại nhưng ý kiến đó đã bị bác bỏ hoàn toàn.
Đáp lại những lời thỉnh cầu từ người hâm mộ, chủ tịch điều hành kinh doanh của Aston Villa là ông Chris Heck đã lên tiếng: “Các quy tắc về công bằng tài chính cấm các chủ sở hữu bù đắp các khoản lỗ bằng tài sản cá nhân. Vì vậy chúng tôi cần tạo ra nhiều doanh thu từ việc kinh doanh, truyền thông và tài trợ, để đảm bảo CLB vẫn hoạt động ổn định, duy trì sức mạnh chiều sâu đội hình, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu tài chính ngày càng khắt khe”.
Đó rõ ràng không phải lời bào chữa của người đại diện giới tư bản độc tài, bởi lẽ việc tăng giá vé là tình trạng chung của đại đa số các đội bóng tại Premier League. Bất chấp những nguồn thu béo bở từ bản quyền truyền hình giải đấu, từ các hoạt động thương mại, doanh thu từ ngày thi đấu (Matchday Revenue) vẫn luôn là nguồn thu ổn định nhất sau đại dịch Covid-19. Trong số 20 đội bóng tham dự Premier League 2024/2025, có đến 19 đội bóng đã tăng giá vé vào sân. Đại diện đang ngụp lặn ở đáy bảng xếp hạng mang tên Crystal Palace chính là ngoại lệ duy nhất.
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của người hâm mộ, giá vé tại Premier League vẫn cứ tăng phi mã. Thậm chí CĐV của Tottenham và Man City đã xuống đường biểu tình để lên án gay gắt việc đội bóng con cưng tiếp tục “hút máu” người hâm mộ nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Các đội bóng lớn đã vậy, còn những đội bóng nhỏ hơn thì sao? Nottingham Forest lập kỷ lục khi tăng 24% giá vé vào sân, trong khi mức tăng của Wolverhampton cũng rơi vào khoảng 17% - 23%. Southampton sau khi trở lại Premier League cũng tuyên bố tăng 15% giá vé.
Nhiều nhóm CĐV tại Premier League xuống đường phản đối việc tăng giá vé |
Sự bất cập diễn ra khi giá vé ngày càng tăng trong khi chất lượng dịch vụ không tỉ lệ thuận. Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh toàn cảnh này gọi tên Chelsea khi nửa xanh thành London chỉ tăng 5% giá vé sau 13 năm “đóng băng” đúng nghĩa. Ở chiều ngược lại, một đại diện thành London khác là Arsenal lại chính là đội bóng có giá vé vào sân cao nhất giải đấu với mức giá bán dao động từ 75 – 106 bảng, gấp đôi giá vé của nhà đương kim vô địch 4 mùa giải Premier League liên tiếp là Man City (37 – 63 bảng).
Có thể nói người hâm mộ Arsenal chính là những kẻ yêu si mê đến khờ dại nhất. Bất chấp Pháo thủ không thể giành được bất cứ chức vô địch Premier League nào trong vòng 2 thập kỷ gần nhất, cũng không thể ngăn trở tình yêu của các Gooners. Đều đặn hàng tuần, họ vẫn phải trả những khoản tiền lớn để đến SVĐ Emirates cổ vũ. Trong trường hợp này, sự tiến bộ vượt bậc của Arsenal dưới bàn tay nhào nặn của HLV Mikel Arteta đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định đến thói quen chi tiêu của khán giả.
Theo thống kê, Arsenal là đội bóng hiếm hoi có nguồn thu từ ngày thi đấu đạt trên 20% tổng doanh thu, tất nhiên ở đây chúng ta phải loại trừ những đội bóng mới lên hạng. Đó là sự tăng trưởng ổn định đến đáng sợ. Từ 79 triệu bảng ở mùa giải 2021/2022, 103 triệu bảng ở mùa giải 2022/2023, lên 120 triệu bảng ở mùa giải 2023/2024, và được dự báo chạm ngưỡng 150 triệu bảng ở mùa giải 2024/2025.
Các Gooners phải trả số tiền “cắt cổ” để vào sân Emirates xem Arsenal thi đấu |
Theo báo cáo từ hãng kiểm toán Deloitte, so với mùa giải trước đó, các đội bóng tại Premier League trong mùa giải 2022/2023 đã tăng trung bình 14% giá vé, giúp họ thu về tổng cộng 867 triệu bảng. Đây cũng chính là mùa giải mà Man City vô địch Champions League và West Ham vô địch Europa Conference League.
Bàn luận về vấn đề này, tiến sĩ Dan Plumley, hiện là giảng viên cao cấp về tài chính thể thao tại Đại học Sheffield Hallam, đã cho biết: “Doanh thu từ ngày thi đấu vẫn là nguồn thu nhập cốt lõi cho các đội bóng tại Premier League. Thật không may khi phải nói rằng việc tăng giá vé liên tục là vấn đề sẽ diễn ra thường xuyên trong tương lai, bất chấp điều này không có lợi cho người hâm mộ. Aston Villa là ví dụ điển hình. Họ biết nắm bắt cơ hội, biết đánh vào khao khát của các CĐV khi đội bóng trở lại với Champions League sau 42 năm để làm điều đó. Đây đơn giản là xu thế chung”.
Trong kinh doanh, có cầu ắt sẽ có cung. Bất chấp một bộ phận lớn người hâm mộ tại Premier League phản đối việc tăng giá vé, tuy nhiên chỉ cần tiếp tục có những người sẵn sàng chi tiền bất chấp để vào sân chứng kiến đội bóng mình yêu thích thi đấu, nhà cung cấp chẳng dại gì mà không tăng giá. Đó là một hiện thực tàn khốc tại giải đấu hấp dẫn nhất trong 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu Châu Âu.