Chuyện gì đã xảy với những bàn thắng từ sút phạt tại Premier league?

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Bảy 09/11/2024 14:32(GMT+7)

Zalo

Premier League từng nổi tiếng với những pha sút phạt thành bàn mang tính thương hiệu của giải đấu. Thế nhưng thứ đặc sản ấy đang dần biến mất. Bài viết dưới đây sẽ giúp chung ta hiểu được nguyên nhân của sự thay đổi này.

Không chỉ ở Việt Nam, mà ở đa phần các quốc gia khác trên thế giới, Premier League luôn là giải đấu hấp dẫn nhất trong 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu Châu Âu. Thế nhưng đã bao giờ chúng ta tự hỏi rằng vì sao giải đấu số một nước Anh lại hấp dẫn và có sức hút lớn đến người hâm mộ như vậy?

Tác giả bài viết luôn cho rằng bóng đá mang tính định hướng. Bất giác quay về một ngày của nhiều năm về trước, chúng ta là những đứa trẻ vô tình ngồi cùng bố để theo dõi một trận đá bóng và ngay lập tức ấn tượng với đội bóng đang thi đấu. Và đó là lúc tình yêu đến bất chợt. Về khoản này, có thể nói ban tổ chức Premier League làm rất tốt trong việc quảng bá truyền thông, phát sóng truyền hình. Hàng tuần, luôn có chương trình nhận định trước trận đấu hay tổng hợp bàn thắng sau trận đấu. Tiếng nhạc nền quen thuộc của Premier League vang lên, làm thổn thức biết bao người theo dõi.

Rất rõ ràng, hình ảnh và âm thanh là hai thứ tác động sâu vào đại não nhất. Chúng ta không thể nào quên được các bàn thắng kinh điển từ những cú sút xa như búa bổ của Steven Gerrard hay Frank Lampard, những pha bứt tốc trước khi dứt điểm cứa lòng làm nên thương hiệu của Thierry Henry, hoặc chỉ đơn giản là cái phất tay đặc trưng của David Beckham trước khi anh thực hiện pha đá phạt thần sầu ghi bàn vào lưới đối thủ. Đó là thứ bóng đá trực diện và cuốn hút làm nên thương hiệu của giải đấu.

Chuyện gì đã xảy với những bàn thắng từ sút phạt tại Premier league 1
Đá phạt thành bàn là thứ đặc sản không thể thiếu của Premier League ngày xưa.

Cho đến thời điểm hiện tại, Premier League vẫn là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Người ta theo dõi Premier League như một thói quen. Thế nhưng trong suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ, thứ bóng đá trực diện và cuốn hút mang đậm bản sắc của người Anh đang dần thay đổi. Lấy ví dụ, những tình huống tạt cánh đánh đầu với sơ đồ 4-4-2 truyền thống ngày càng ít xuất hiện. Thủ môn và hàng phòng ngự giờ đây có xu hướng phát triển bóng từ sân nhà, thay vì nhanh chóng sử dụng những đường phất bóng dài lên phía trên. Ngoài ra, những tình huống ngẫu hứng đi bóng qua 4,5 cầu thủ hay sút xa ghi bàn cũng dần thưa thớt. Và đâu rồi những cú vung chân chất lượng từ chấm đá phạt làm “cháy lưới” thủ môn?

So với trước đây, bóng đá đã thay đổi rất nhiều. Và thay đổi này bắt nguồn từ xu hướng chung khi các nền bóng đá lớn trên thế giới có xu hướng giao thoa. Sự cạnh tranh trong bóng đá hiện đại đến từ những chi tiết nhỏ trên sân, vậy nên việc cảm xúc nhường chỗ cho toan tính cũng là điều dễ hiểu.  

Đâu rồi những bàn thắng từ chấm đá phạt?

Phút 90+7, trong trận đấu giữa Aston Villa và Tottenham tại vòng 10 Premier League, đội chủ nhà phạm lỗi ngay sát rìa vòng cấm tạo điều kiện cho Tottenham có cơ hội thực hiện tình huống đá phạt. Và từ khoảng cách hơn 20m, James Maddison đã thực hiện pha dứt điểm bằng lòng trong chính xác, đưa trái bóng đi theo quỹ đạo hình vòng cung lướt ngang qua hàng rào, bay vào lưới trong sự ngỡ ngàng của thủ thành Emiliano Martinez. Thực chất bàn thắng của Maddison không mang quá nhiều ý nghĩa bởi trước đó Tottenham đã dẫn trước Aston Villa với tỉ số 3-1. Tuy vậy, người hâm mộ Spurs có mặt tại Villa Park vẫn tạo ra hiệu ứng bùng nổ sau khi chứng kiến khoảnh khắc ấy –  thứ gia vị thượng hạng đã từ lâu ít xuất hiện tại Premier League.

da phat 2
Bàn thắng của Maddison vào lưới Aston Villa mới là pha lập công thứ 3 từ đá phạt tại Premier League 2024/2025

Thống kê cho thấy, sau 10 vòng đấu đầu tiên tại Premier League 2024/2025, đã có tổng cộng 298 bàn thắng được ghi, với trung bình 3 bàn/trận. Thế nhưng bàn thắng của Maddison mới là pha lập công thứ 3 từ chấm đá phạt trực tiếp. Hai bàn thắng trước đó thuộc về Cole Palmer (Chelsea) và Danny Welbeck (Brighton). Nếu ai đó không cho rằng điều này là bất thường thì nên nhớ rằng mùa giải trước từng lập kỷ lục về số bàn thắng (1.246 bàn), nhưng số pha lập công từ chấm đá phạt trực tiếp cũng chỉ dừng ở con số 11, tương đương 0,88%. Chỉ có duy nhất 1 cầu thủ ghi nhiều hơn 1 bàn thắng, đó chính là Phil Foden – chủ nhân của danh hiệu cầu thủ sắc xuất sắc Premier League 2023/2024. Ngoài ra, 3 đại diện nằm trong nhóm Big Six là Arsenal, Tottenham và Manchester United đều không một lần làm rung lưới đối thủ từ chấm đá phạt trực tiếp. Nên nhớ rằng, Arsenal thống trị giải đấu với 22 bàn thắng từ các tình huống cố định, trong đó có 16 bàn thắng từ phạt góc.

Trang chủ của Premier League còn đưa ra những con số thống kê đáng báo động khác. Kể từ mùa giải 2000/2001 cho đến hết mùa giải 2009/2010, đã có tổng cộng 321 bàn thắng được ghi từ chấm đá phạt trực tiếp, tức trung bình 32 bàn thắng/mùa. Con số này giảm xuống 272 bàn thắng trong thập kỷ tiếp theo (từ 2010/2011 đến 2019/2020), tức trung bình 27 bàn thắng/mùa. Để rồi trong 4 mùa giải gần nhất, con số này chỉ là 61, tức 15 bàn thắng/mùa. Rõ ràng có sự đối nghịch giữa tổng số bàn thắng các đội bóng ghi được mỗi mùa và số bàn thắng từ chấm đá phạt trực tiếp của họ.

Vậy đâu là nguyên nhân?

Thứ nhất, số lượng các tình huống đá phạt trước khung thành đang giảm dần. Sự thật thì để từ năm 2017 cho đến nay, không có bất kỳ mùa giải nào chạm mốc 400 tình huống đá phạt trước vòng cấm, nhiều nhất chỉ là 380 tình huống ở mùa giải 2018/2019. Điều náy trái ngược hoàn toàn với tình hình trước năm 2017. Nó cũng cho thấy xu hướng của bóng đá Anh hiện nay, khi các HLV trưởng thường khuyến cáo các học trò hạn chế chơi bóng rát trước khu vực gần vòng cấm. Họ chọn cách phạm lỗi an toàn từ trước khi cơ hội nguy hiểm được tạo ra hoặc lựa chọn lùi sâu vào bên trong vòng cấm ngăn chặn các tình huống dứt điểm. Biểu đồ dưới đây sẽ giúp chúng ta hình dung được vấn đề.

Chuyện gì đã xảy với những bàn thắng từ sút phạt tại Premier league 2
Biểu đồ về sự suy giảm các tình huống đá phạt qua từng mùa giải tại Premier League

 Thứ hai, các tình huống dứt điểm thẳng về khung thành đối phương không còn là phương án ưu tiên. James Ward-Prowse – người đang đứng thứ hai trong danh sách sút phạt thành bàn nhiều nhất trong lịch sử Premier League (17 bàn) đã không “nổ súng” từ chấm đá phạt trong gần 2 năm qua, kể từ sau bàn thắng vào lưới Chelsea diễn ra vào ngày 18/01/2023. Những tưởng Ward-Prowse sẽ dễ dàng phá vỡ kỷ lục của David Beckham từng thiết lập (18 bàn), nhưng xem chừng điều này không hề đơn giản. Trả lời trước truyền thông, tiền vệ đang thuộc biên chế West Ham phát biểu: “Tôi chỉ có thể nói rằng các HLV trưởng ngày nay đa phần muốn bạn thực hiện một pha tạt bóng vào vòng cấm thay vì một cú sút trực tiếp. Bởi lẽ trong suy nghĩ của đại đa số, tỉ lệ ăn bàn khi làm như vậy sẽ cao hơn”.

Chuyện gì đã xảy với những bàn thắng từ sút phạt tại Premier league 3
Biểu đồ cho thấy những pha dứt điểm thẳng về khung thành từ đá phạt không còn là ưu tiên.

Thứ ba, đã có những thay đổi về luật bóng đá ảnh hưởng trực tiếp. Kể từ 01/06/2019, hội đồng Liên đoàn Bóng đá Quốc tế đã đưa ra luật mới nhằm cấm các cầu thủ đội tấn công không được đứng trong hàng rào khi đá phạt. Cụ thể, khi hàng rào được lập để chống đá phạt, cầu thủ của đội tấn công bị cấm đứng chen vào tạo lợi thế không gian cho đồng đội sút phạt. Như vậy, những bàn thắng theo kiểu dứt điểm vào khoảng trống hàng rào được đồng đội tạo ra chính thức bị “khai tử”. Nên nhớ rằng, đây từng là bài tấn công cực kỳ hiệu quả trong các tình huống đá phạt.

Thứ tư, sút phạt không còn là kỹ năng được ưu tiên trong bóng đá. Trở về những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, Premier League luôn sản sinh ra những chân sút phạt đẳng cấp. Nếu như Man Utd tự hào vì có Beckham, thì Chelsea cũng có Gianfranco Zola, Arsenal có Thierry Henry và Liverpool cũng sở hữu Jamie Redknapp. Sự kế thừa kéo dài sang thời Cristiano Ronaldo, Lampard, Gerrard. Ngay cả các đội bóng nhỏ cũng sở hữu những tài năng như Morten Gamst Pedersen hay Sebastian Larsson. Nhưng theo thời gian, những phẩm chất như phối hợp nhóm, hỗ trợ phòng ngự hay di chuyển không bóng mới là bộ kỹ năng mà các HLV trưởng yêu cầu thêm từ cầu thủ.   

Có thể nhiều người đã theo dõi bóng đá từ lâu sẽ luôn cảm thấy hoài niệm khi chứng kiến một pha đá phạt thành bàn. Tuy vậy, thứ hình ảnh từng mang tính biểu tượng của Premier League ấy đang dần mất đi.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Giá vé tăng cao, doanh thu ngày thi đấu và thực trạng chung của các đội bóng tại Premier league

Đối với mô hình hoạt động của các đội bóng tại Châu Âu, hầu hết doanh thu đến từ 5 nguồn tài chính. Đó chính là doanh thu ngày thi đấu, phát sóng, thương mại, tiền thưởng và chuyển nhượng cầu thủ. Trong số này, doanh thu ngày thi đấu là kiểu kiếm tiền truyền thống nhất, nhưng ngày càng có xu hướng thay đổi theo thời gian.

X
top-arrow