Những “chuyên gia chuyển nhượng” của các đội bóng lớn: Họ là ai? (Phần 2)

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Tư 01/01/2025 14:26(GMT+7)

Zalo

Kỳ chuyển nhượng mùa Đông đang đến gần, nhưng chúng ta biết được bao nhiêu về những người đứng sau hậu trường, những người chịu trách nhiệm biến các thương vụ trở thành hiện thực?

thumb bai TDP 1
 

Dù là GĐTT, GĐĐH hay thậm chí là chủ tịch, các CLB hàng đầu châu Âu đều có một nhân vật đảm nhận vai trò điều hành, ngoại trừ Arsenal sau khi GĐTT Edu Gaspar rời đi vào tháng 11 để đảm nhận mạng lưới CLB của chủ sở hữu Nottingham Forest và Olympiacos, Evangelos Marinakis. Trong khi đó, Manchester United vừa chia tay Dan Ashworth sau 5 tháng.

Đã qua rồi thời kỳ các chiến lược gia như Sir Alex Ferguson (Manchester United) hay Arsene Wenger (Arsenal) quyết định mọi thứ về chuyển nhượng. Giờ đây, công việc đó thuộc về các “chuyên gia chuyển nhượng”. Dưới đây là một số nhân vật có thể tạo ra ảnh hưởng lớn cho đội bóng chủ quản của họ vào tháng 1. Ở phần 1, chúng ta đã điểm qua những “chuyên gia” đến từ Premier League, còn ở phần 2, chúng ta sẽ nói về phần còn lại ở châu Âu.

Florentino Perez (77 tuổi) – Chủ tịch Real Madrid

Không có GĐTT nào khác có thể sánh ngang với chủ tịch Real Madrid trong việc để lại dấu ấn trên TTCN. Kể từ khi lần đầu được bầu làm chủ tịch vào năm 2000 (với quãng nghỉ 3 năm từ 2006 đến 2009), Perez đã chiêu mộ hàng loạt ngôi sao thế giới. David Beckham, Luis Figo, Zinedine Zidane, Luka Modric và Kylian Mbappe – chưa kể đến 2 Ronaldo – chỉ là lớp kem phủ trên chiếc bánh hào nhoáng này.

Mặc dù chiến lược Galacticos đầu những năm 2000 không đạt được thành công như kỳ vọng, Perez đã giúp Real Madrid giành 7 danh hiệu La Liga và Champions League để khẳng định họ là 1 trong những CLB thành công nhất mọi thời đại. Ông cũng đang xây dựng đội hình ngôi sao của riêng mình với Federico Valverde, Vinícius Junior và Jude Bellingham. Mặc dù Perez được hỗ trợ bởi 1 đội ngũ cố vấn ấn tượng – bao gồm Jose Angel Sanchez (CEO), Santiago Solari (GĐTT) và Emilio Butragueno (giám đốc quan hệ đối ngoại) – không có bản hợp đồng nào được thực hiện tại Bernabeu mà không có sự đồng ý của ông.

Những “chuyên gia chuyển nhượng” của các đội bóng lớn Họ là ai (Phần 2) 1
 

Kỹ năng chính: Dù đã gần 80 tuổi, là một tỷ phú, Perez vẫn là chủ tịch CLB số 1 thế giới.

Nhiệm vụ ưu tiên cho tháng 1: Với 3 hậu vệ chủ chốt – Eder Militao, Dani Carvajal, David Alaba – đều phải nghỉ dài hạn, 1 hoặc 2 sự bổ sung mới ở hàng phòng ngự nên được cân nhắc. Việc cho mượn tiền đạo 18 tuổi Endrick, người đang không có nhiều cơ hội thi đấu cũng là một vấn đề quan trọng khác cần giải quyết.

Bản hợp đồng hàng đầu: Chọn 1 bản hợp đồng duy nhất là nhiệm vụ bất khả thi, nhưng khó có thể bỏ qua thương vụ 94 triệu euro của Cristiano Ronaldo từ Manchester United năm 2009.

Deco (47 tuổi) – GĐTT Barcelona

Sau 1,5 năm đảm nhiệm công việc, Deco vẫn được coi là một gương mặt mới trong làng quản lý. Cựu tiền vệ Chelsea và Barcelona làm việc dưới sự chỉ đạo của chủ tịch nổi tiếng Joan Laporta – người thường xuyên tham gia trực tiếp vào các thương vụ chuyển nhượng – trong bối cảnh khoản nợ 1,2 tỷ euro và các thách thức tài chính của CLB đã hạn chế khả năng xoay xở của Deco.

Những “chuyên gia chuyển nhượng” của các đội bóng lớn Họ là ai (Phần 2) 2
 

Barcelona không có nhiều tiền trong cuộc đua giành các tài năng hàng đầu thế giới, nhưng học viện La Masia danh tiếng đã bù đắp điều đó với những cái tên như Gavi, Lamine Yamal và Pau Cubarsí. Kỳ chuyển nhượng mùa hè 2024 cũng gặp nhiều khó khăn, với chỉ 2 tân binh là Dani Olmo (60 triệu euro) và Pau Víctor (2,7 triệu euro) được đăng ký chơi tại La Liga nhờ lỗ hổng liên quan đến chấn thương.

Do đó, Deco chủ yếu phải tập trung vào các thương vụ chuyển nhượng tự do hoặc mượn cầu thủ. Trong lĩnh vực này, kinh nghiệm làm người đại diện trước đây của ông tỏ ra rất hữu ích.

Kỹ năng chính: Dù chưa được chứng minh ở vai trò GĐTT, Deco vẫn là một cái tên có tầm ảnh hưởng. Danh tiếng lẫy lừng từ thời còn thi đấu (cũng như đại diện cho 1 trong những CLB thành công nhất thế giới) giúp ông có chỗ đứng vững chắc và lợi thế lớn trong các cuộc đàm phán.

Nhiệm vụ ưu tiên cho tháng 1: Tăng cường chiều sâu hàng phòng ngự sau sự vắng mặt của Andreas Christensen và Ronald Araujo vì chấn thương. Về lâu dài, sẽ có 2 vấn đề lớn đang chờ giải quyết: Tìm người kế vị tiền đạo 36 tuổi Robert Lewandowski và thuyết phục siêu sao 17 tuổi Yamal gia hạn hợp đồng (hết hạn vào năm 2026).

Bản hợp đồng đỉnh cao: Dù CLB có thể gặp khó khăn trong việc đăng ký cầu thủ, việc chi 55 triệu euro để đưa Olmo từ RB Leipzig vào mùa hè hứa hẹn là 1 thương vụ thành công.

Luis Campos (60 tuổi) – Cố vấn chiến lược của Paris Saint-Germain

Ở tuổi 27, Campos bắt đầu sự nghiệp sau khi giải nghệ với tư cách là HLV trưởng (chủ yếu dẫn dắt các đội bóng nhỏ của Bồ Đào Nha như Esposende, Aves và Gil Vicente vào những năm 90) và đã trải qua hơn 1 thập kỷ trong khu vực kỹ thuật, trước khi chuyển sang vai trò tuyển trạch viên tại Real Madrid theo yêu cầu của Jose Mourinho vào năm 2012.

Những “chuyên gia chuyển nhượng” của các đội bóng lớn Họ là ai (Phần 2) 3
Luis Campos

Khả năng phát hiện tài năng trẻ (như James Rodriguez, Bernardo Silva và Fabinho) đã giúp ông thành công trong vai trò GĐTT tại AS Monaco, nơi ông đã xây dựng đội hình giành chức vô địch Ligue 1 mùa giải 16/17. Ông lặp lại thành tích này tại Lille 3 năm sau đó, mặc dù đã rời cả 2 CLB trước khi đội bóng giành cúp.

Hiện đang ở mùa giải thứ ba tại Paris, Campos mang chức danh khá mơ hồ có tên là “cố vấn chiến lược” và làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ của chủ sở hữu PSG, Nasser Al-Khelaifi. Dù kín tiếng, Campos là 1 cá tính mạnh mẽ. Đôi khi ông có thể trở nên nóng nảy ở khu vực đường hầm. Với việc giành được sự tin tưởng của những ông chủ quyền lực nhất trong bóng đá và hợp đồng của ông sắp hết hạn vào mùa hè, có tin đồn rằng ông có thể thay thế Edu tại Arsenal.

Kỹ năng chính: Là một trong những giám đốc sắc sảo nhất thế giới từ góc độ tuyển trạch kỹ thuật, Campos ám ảnh bởi chi tiết. Không phải ngẫu nhiên PSG tìm đến ông khi họ chuyển hướng từ việc chiêu mộ các ngôi sao lớn sang tìm kiếm các tài năng trẻ xuất sắc nhất.

Nhiệm vụ ưu tiên cho tháng 1: Có thêm 1 cầu thủ chạy cánh và 1 tiền đạo là nhiệm vụ chính trong kỳ chuyển nhượng tháng 1, dù nó không quá cần thiết. Việc chia tay tiền đạo cắm Randal Kolo Muani và trung vệ Milan Skriniar cũng phụ thuộc vào ông.

Bản hợp đồng đỉnh cao: Khi còn ở Lille, Campos đã mang về Victor Osimhen từ Charleroi với giá chỉ 22,4 triệu euro vào năm 2019.

Max Eberl, 51 tuổi – CEO của Bayern Munich

Sau khi kết thúc sự nghiệp cầu thủ tại Borussia Mönchengladbach, Eberl trở thành HLV đội trẻ và sau đó đảm nhiệm vai trò GĐTT của CLB trong 14 năm từ 2008 đến 2022 – Marco Reus thời niên thiếu là một trong những phát hiện xuất sắc của ông. 1 năm làm việc tại RB Leipzig sau đó đã chứng kiến ông mang về những thành công như Xavi Simons và Lois Openda. Đến tháng 3/2024, Eberl chính thức nhận vai trò GĐTT tại Bayern Munich.

Những “chuyên gia chuyển nhượng” của các đội bóng lớn Họ là ai (Phần 2) 4
Max Eberl

Trong 1 cuộc cải tổ bộ máy quản lý, cựu hậu vệ phải này được giao 1 ghế trong ban điều hành cũng như quyền điều hành mọi vấn đề thể thao của CLB. Chưa đầy 1 năm, ông đã mang lại sự ổn định cần thiết và chứng tỏ khả năng quản lý cấp cao – điều không hề dễ dàng khi phải đối mặt với ban lãnh đạo Bayern vốn nổi tiếng khó tính. Là người hỗ trợ cho HLV trưởng Vincent Kompany còn ít kinh nghiệm, Eberl đã làm giảm bớt áp lực truyền thông cho chiến lược gia người Bỉ.

Kỹ năng chính: Eberl là một nhà lãnh đạo dễ mến và thực tế, với kỹ năng quản lý phù hợp với môi trường có độ chú ý cao. Ông là một chuyên gia giàu kinh nghiệm, sở hữu con mắt của 1 tuyển trạch viên và kỹ năng đàm phán của 1 CEO.

Nhiệm vụ ưu tiên cho tháng 1: Gia hạn hợp đồng sắp hết hạn của hậu vệ trái Alphonso Davies và tiền vệ Joshua Kimmich (cũng như ngôi sao tấn công Jamal Musiala trước năm 2026) có thể sẽ chiếm nhiều tâm trí hơn so với các thương vụ chuyển nhượng trong tháng 1.

Bản hợp đồng đỉnh cao: Dù được biết đến nhiều hơn như 1 huyền thoại của Dortmund, Marco Reus đã chuyển đến Borussia Mönchengladbach từ Rot Weiss Ahlen với mức giá chỉ 1 triệu euro vào năm 2009 dưới sự hướng dẫn của Eberl.

Cristiano Giuntoli (52 tuổi) – GĐKT của Juventus

Tại Napoli, Giuntoli đã thực hiện 1 chiến dịch tuyển trạch thành công, khi mang về những ngôi sao như Victor Osimhen (70 triệu euro), Khvicha Kvaratskhelia (một món hời với giá 13,3 triệu euro) và Kim Min-Jae (19 triệu euro) – những người đóng vai trò quan trọng trong chức vô địch Serie A bất ngờ mùa giải 22/23. Nhưng ngay sau khi tạo nên chiến tích ngoạn mục đó, Giuntoli đã được thuyết phục gia nhập Juventus với nhiệm vụ tái thiết đội bóng sau những sai phạm tài chính dẫn đến án phạt trừ 10 điểm mùa trước.

Không tham dự Champions League mùa trước và từ bỏ chính sách chạy theo các ngôi sao đắt đỏ – điển hình là việc chiêu mộ Cristiano Ronaldo khi đã 33 tuổi với giá 112 triệu euro vào năm 2018 – dưới sự dẫn dắt của Giuntoli, Juventus hướng tới 1 mô hình bền vững hơn dựa trên tài năng. Dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, CLB đã giành lại suất dự Champions League và đã thuyết phục được Thiago Motta, 1 HLV được săn đón gia nhập từ Bologna trong mùa hè.

Không chỉ chứng minh khả năng xây dựng các đội bóng thành công mà vẫn tạo ra doanh thu khá ổn định, Giuntoli còn thiết lập được mối quan hệ hợp tác hiệu quả với 1 trong những ông chủ CLB cá tính nhất: Aurelio De Laurentiis của Napoli.

Kỹ năng chính: Thành công tại Napoli cho thấy Giuntoli là 1 GĐTT sở hữu kỹ năng ngoại giao xuất sắc để làm việc trong môi trường đầy bất ổn. Ông cũng được khen ngợi vì khả năng đàm phán vượt trội.

Nhiệm vụ ưu tiên cho tháng 1: Juve đang xếp thứ sáu tại Serie A, kém đội đầu bảng Atalanta 9 điểm và cần bổ sung lực lượng phòng ngự sau chấn thương của Bremer và Juan Cabal (cả 2 đều sẽ nghỉ hết mùa). Các phương án tấn công cũng sẽ được cân nhắc nếu có cơ hội phù hợp.

Bản hợp đồng đỉnh cao: Khi ở Napoli, Giuntoli đã phát hiện ra tiền vệ cánh người Georgia Kvaratskhelia tại Dinamo Batumi và chiêu mộ anh với giá chỉ 13,3 triệu euro vào năm 2022.

Piero Ausilio (49 tuổi) – GĐTT của Inter Milan

Bắt đầu sự nghiệp tại học viện của Internazionale năm 2005, Ausilio đã thăng tiến qua nhiều cấp bậc trong CLB dưới 3 đời chủ sở hữu để trở thành GĐTT vào năm 2014. Và mặc dù ông thích để những người khác tận hưởng vinh quang hoặc phát biểu trước giới truyền thông (CEO Giuseppe Marotta thường đại diện ban lãnh đạo và quản lý, thậm chí cả chiến lược chuyển nhượng), công việc phía sau hậu trường của ông là vô cùng giá trị.

Ngoài việc tìm kiếm và thu hút những ngôi sao như Lautaro Martinez, Marcus Thuram và Nicolo Barella, Ausilio cũng tạo nên 1 bước đi khôn ngoan khi thay thế nhà cầm quân giàu thành tích Antonio Conte bằng Simone Inzaghi vào năm 2021. Được xem là 1 kiến trúc sư đội bóng hơn là người tập trung vào số liệu thống kê, ông chú trọng cải thiện đội hình cân bằng bằng những bản hợp đồng – thường là các tên tuổi có kinh nghiệm – có thể lập tức thích nghi với hệ thống của HLV.

Kỹ năng chính: Ausilio đã tồn tại gần 2 thập kỷ nhờ sự khéo léo và khả năng thích nghi tuyệt vời. Khả năng tái thiết đội hình mà vẫn duy trì tính cạnh tranh của ông đã được ghi nhận rõ ràng.

Nhiệm vụ ưu tiên cho tháng 1: Dù 1 trung vệ khác có thể hữu ích, có rất ít dấu hiệu cho thấy Inter sẽ thực hiện bất kỳ thương vụ quan trọng nào.

Bản hợp đồng đỉnh cao: Tiền đạo Martinez của Racing Club được chiêu mộ với giá chỉ 25 triệu euro vào năm 2018 và đã trở thành một thành công lớn.

Theo ESPN

Gary Neville ngả mũ trước chuyên gia cố định của ArsenalGary Neville ngả mũ trước chuyên gia cố định của Arsenal
Gary Neville gọi thiên tài cố định của Arsenal, Nicolas Jover, là "chàng trai khó chịu nhất trong làng bóng đá" khi Pháo thủ đánh bại MU. 
Những “chuyên gia chuyển nhượng” của các đội bóng lớn: Họ là ai? (Phần 1)Những “chuyên gia chuyển nhượng” của các đội bóng lớn: Họ là ai? (Phần 1)
Kỳ chuyển nhượng mùa Đông đang đến gần, nhưng chúng ta biết được bao nhiêu về những người đứng sau hậu trường, những người chịu trách nhiệm biến các thương vụ trở thành hiện thực?

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Giá vé tăng cao, doanh thu ngày thi đấu và thực trạng chung của các đội bóng tại Premier league

Đối với mô hình hoạt động của các đội bóng tại Châu Âu, hầu hết doanh thu đến từ 5 nguồn tài chính. Đó chính là doanh thu ngày thi đấu, phát sóng, thương mại, tiền thưởng và chuyển nhượng cầu thủ. Trong số này, doanh thu ngày thi đấu là kiểu kiếm tiền truyền thống nhất, nhưng ngày càng có xu hướng thay đổi theo thời gian.

X
top-arrow