Trần Thị Len không nằm trong nhóm VĐV đấu kiếm được kỳ vọng giành vàng ở Singapore, nhưng cô đã gây bất ngờ ở nội dung kiếm ba cạnh.
Ngày thi đấu thứ hai của môn đấu kiếm tại SEA Games 28, 6/6, đoàn Việt Nam là tâm điểm khi giành cả ba chiếc vé vào chơi ba trận chung kết. Trần Thị Len bước lên sàn đấu trong trận chung kết nội dung kiếm ba cạnh, đầy lo âu sau khi Nguyễn Minh Quang mất HC vàng chỉ năm phút trước.
Ban huấn luyện không dám đặt nhiều kỳ vọng vào kiếm sĩ quê Hải Dương vì cô vốn hạn chế về thể lực. Sau hai hiệp, Trần Thị Len để đối thủ người Philippines Harlene Raguin dẫn 5-3. Nhìn vẻ mệt mỏi của nữ kiếm sĩ Việt Nam trong ít giây hội ý với huấn luyện viên, tưởng chừng cô không thể lật ngược tình thế. Tuy nhiên, Trần Thị Len thi đấu rất hay sau đó, đặc biệt là ở những phút cuối, ghi điểm liên tiếp để thắng 11-7.
Để có được vinh quang, kiếm thủ người Hải Dương đã phải đánh đổi rất nhiều. Ảnh: Vnexpress |
“Để có được tấm huy chương vàng này, tôi đã vượt qua rất nhiều khó khăn, phải ở xa con trai nhỏ và vừa trở lại thi đấu sau cơn bệnh nặng. Đây cũng có thể lần cuối tôi dự SEA Games nên chiến thắng rất có ý nghĩa đối với tôi”, Trần Thị Len chia sẻ với VnExpress.
Trần Thị Len là một kiếm sĩ tài năng, từng giành hai HC vàng ở SEA Games năm 2011. Tuy nhiên, trước SEA Games 28 là giai đoạn đầy khó khăn của Len, khiến ban huấn luyện không thể đặt nhiều áp lực giành thành tích. Cách đây một năm rưỡi, để chuẩn bị cho SEA Games, Trần Thị Len quyết định cho con trai 17 tháng tuổi cai sữa. Tay kiếm người Hải Dương cũng phải xa con nhỏ và gia đình để lên Hà Nội tập trung cùng đội tuyển. Suốt thời gian đó, mỗi tuần Len về nhà một lần để thăm con.
Khoảng thời gian sinh con khiến thể lực của Trần Thị Len sa sút. Điều tồi tệ còn đến với cô chỉ hai tháng trước ngày ra quân. Len bị viêm phổi nặng. “Tôi phải tiêm kháng sinh liên tục, khiến các cơ nhão đi. Tôi chỉ bình phục một tháng trước ngày thi đấu nên thể lực không thể đạt trạng thái tốt nhất", Trần Thị Len kể lại.
Để giải quyết vấn đề thể lực yếu của Len, ban huấn luyện đề ra chiến thuật hợp lý cho cô ở trận chung kết. Đấu kiếm cá nhân có ba hiệp, mỗi hiệp kéo dài ba phút. Trong 45 giây, nếu hai kiếm giao nhau mà không ghi điểm, trọng tài có quyền hủy hiệp đấu để sang hiệp kế tiếp. Ban huấn luyện và Len buộc dùng chiến thuật "tiêu cực" này ở hiệp đầu để đỡ mất sức. Nhờ đó, cô tiến lên thắng chung cuộc 11-7.
"Trần Thị Len là vận động viên có chuyên môn tốt, ham học hỏi và thông minh. Điểm yếu duy nhất là thể lực nhưng được khắc phục tốt. Cũng như các vận động viên đấu kiếm khác ở Việt Nam, Len đã thi đấu với tinh thần quyết tâm cao để giành thứ hạng cao nhất", ông Phùng Lê Quang, trưởng bộ môn đấu kiếm Tổng cục thể dục thể thao nhận xét.
SEA Games 28 có thể là kì đại hội cuối cùng là Trần Thị Len. Sau khi hy sinh việc cá nhân để mang về tấm HC vàng cho đoàn Việt Nam, cô sẽ trở lại dành thời gian cho gia đình. Trần Thị Len chia sẻ cô cũng muốn tập trung công tác huấn luyện cho các tay kiếm trẻ ở Hải Dương, tạo ra lực lượng kế cận. Đấu kiếm không phải là môn thể thao phổ biến ở Việt Nam nhưng là môn quan trọng cần được đầu tư vì nằm trong nội dung thi đấu của Olympic.
Theo Vnexpress