Giới hâm mộ bóng đá kỳ lạ lắm, họ không thích gọi cầu thủ bằng cái tên “cúng cơm” trên các giấy tờ tùy thân, mà thích đặt ra những biệt danh, như Ronaldo thì phải là Người ngoài hành tinh, Pirlo là kiến trúc sư, hay Lampard lại được gọi là Người không phổi. |
Nguyễn Vũ Phong: Cơn gió lành từ xứ Tây Nam Bộ |
Không phải vì người ta tự cho mình cái quyền được đặt biệt danh theo ý muốn, mà bởi niềm yêu thích, cái sự ngất ngây trên sân của chính những thần tượng đem lại khiến họ muốn tạo ra một cái tên gì đó thật đặc biệt, thật ấn tượng, thật “kêu” để có thể sung sướng miêu tả cho những người “ngoại đạo”.
Bóng đá Việt Nam cũng vậy, từ xưa chúng ta có Lưỡng Thủ Vạn Năng Phạm Văn Rạng, thời nay là Lương “Dị”, Trường “híp”, Hoàng “bò”. Nhưng riêng một cầu thủ chỉ cần cái tên là nói lên được tất cả - Nguyễn Vũ Phong.
CƠN GIÓ ẤY LÀ CƠN GIÓ NÀO?
Vũ Phong, “Vũ” là mưa, “Phong” là gió. Vậy cơn gió mà tiền vệ gốc Vĩnh Long này mang lại là cơn gió nào thổi trên đất nước Việt Nam này? Đó có thể là cơn gió Đông Nam mát lành, tựa như những pha leo biên thần tốc bên đường biên dọc của anh, nơi mà anh cùng Huỳnh Quang Thanh một thời là nỗi ám ảnh của mọi hàng phòng ngự khi phải đối đầu với họ. Đó cũng có thể là cơn gió Lào nóng cháy, tựa như những trái bóng “khét lẹt” khi rời khỏi chiếc chân như họng pháo của anh, bay thẳng vào lưới của khung thành đối phương.
Người hâm mộ Việt Nam biết đến cơn gió ấy khi nó bỗng trở thành cơn bão trong năm đại thành công 2007. Năm 2006, Lê Tấn Tài xuống phong độ, Thạch Bảo Khanh thì bị chấn thương hành hạ và đó vô tình trở thành cơ hội cho Nguyễn Vũ Phong bên hành lang cánh phải. Và ngay một năm sau đó, anh vụt sáng trở thành ngôi sao sáng trong màu áo tuyển khi ghi đến bốn bàn thắng trong chiến dịch vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008, còn hơn cả những tiền đạo để trở thành chân sút tốt nhất trong thành tích lần đầu tiên U23 Việt Nam được vào vòng loại thứ ba trong một kỳ Olympic. Tiếp đó là màn trình diễn ấn tượng đưa đội tuyển vào tứ kết Asian Cup.
Huấn luyện Calisto từng thừa nhận không phải Công Vinh, cũng chẳng phải Hồng Sơn hay Vũ Như Thành là những cầu thủ đẳng cấp nhất của Việt Nam trong giai đoạn 2008-2010, mà chính Huỳnh Quang Thanh và Nguyễn Vũ Phong mới là cái tên sáng giá nhất. Lối chơi nhiệt huyết, cùng những bước chạy không biết mệt mỏi, kèm theo đó là những quả đại pháo đặc trưng đã biến Nguyễn Vũ Phong trở thành tiền vệ cánh xuất sắc nhất.
|
Nguyễn Vũ Phong và danh hiệu quả bóng đồng 2008 |
HÀNH TRÌNH TỪ XỨ MIỀN TÂY
Bên cạnh kỹ thuật và sự thông minh trong những tình huống tấn công, điều người ta thích ở Vũ Phong là lối chơi máu lửa cùng với nền tảng thể lực thuộc dạng hiếm trong bóng đá Việt Nam. Thế nhưng điều ít ai biết là anh đã xém chút nữa không được bước chân vào môi trường bóng đá chuyên nghiệp chỉ vì cái…thể trạng của mình.
Đó là những ngày mà Vũ Phong thi tuyển vào Trường năng khiếu của tỉnh Vĩnh Long, cậu bé khi ấy có thân hình nhỏ nhắn gầy gò. Phong thiếu…1cm cho để đủ tiêu chuẩn để hội quân, nhưng may mắn là các chuyên gia và thầy dạy bóng đá đã từng chứng kiến cậu tung hoành thế nào trên sân bóng khi giúp đội bóng trẻ Tam Bình giành ngôi quán quân trong một giải trẻ của tỉnh. Thế là họ quyết định gạt bỏ những nguyên tắc để “trải thảm” mời Phong về ăn tập trong trường.
Và bóng đá Vĩnh Long nên giành những lời cảm ơn chân thành cho những người thầy ấy. Đó là giai đoạn mà câu lạc bộ Vĩnh Long bị án kỷ luật khi tham gia vào vụ bán độ, họ bị đánh rớt hạng và hàng loạt ngôi sao đã tìm cách nhảy khỏi con tàu đắm. Nguyễn Vũ Phong được đôn lên đội một và ngay lập tức trở thành quân bài chủ lực cho đội bóng Miền Tây. Anh nhanh chóng thể hiện tố chất của mình khi trở thành Vua phá lưới giải hạng ba năm 2002, đưa đội trở lại giải hạng nhì.
Tuy nhiên, Vĩnh Long không phải là nơi để một cơn gió như Phong có thể vùng vẫy, anh cần một vùng đất rộng lớn hơn, hùng vỹ hơn để thỏa sức sải cánh bằng. Và năm 2006, sau bốn năm khoác áo quê hương, Vũ Phong quyết định chuyển qua Becamex Bình Dương và từ đó gặp được cạ cứng Huỳnh Quang Thanh bên hành lang cánh phải của đất Thủ.
|
Người ta thích ở Vũ Phong là lối chơi máu lửa cùng với nền tảng thể lực |
Nếu chàng hữu quân gốc Sài Gòn này tới đây vì sự đi xuống của đội bóng Thành Đô, thì cơn gió Miền Tây này cần một nơi để có thể thỏa chí trai tráng. Hai người gặp nhau như đồng điệu một niềm tham vọng. Họ thổi bay hết cả những chướng ngại vật bên biên phải của Becamex Bình Dương, để từ đó cùng được gọi vào tuyển. Và cũng để từ đó trở thành huyền thoại.
CƠN GIÓ ĐƯỢC GỬI TỪ NHÀ TRỜI
“Trận đấu đó như ông trời chọn chúng ta là người chiến thắng” - Thành Lương thật thà chia sẻ với nhà báo Phan Đăng. Trận đấu đó là trận đấu nào, hãy lắng nghe câu chuyện sau.
Ít giờ sau trận mở màn với Thái Lan trong chiến dịch AFF Suzuki Cup 2008, cả đội phải ngồi “ủ rũ” trên hành lang của khách sạn Royal Phuket City. Họ ở đó để lắng nghe… hai giờ quát tháo của thầy “Tô” sau trận thua tồi tệ trước đội chủ nhà. Bạc nhược, yếu kém và rời rạc là những gì chúng ta có thể nói về cái trận thua toàn diện ấy. Và tình hình càng trầm trọng khi đó đã là trận đấu thứ 11 mà chúng ta chưa nếm được hương vị chiến thắng. Ông thầy người Bồ buộc mọi người phải nhắm mắt lại, tưởng tượng về hai viễn cảnh trái ngược: một là sẽ được tung hô như người hùng nếu họ giành chức vô địch, hai là những tiếng chê cười, chửi bới nếu phải xách va li về nước sớm.
Một vài người chảy cả mồ hôi hột, nhưng lời khuyên của thầy “Tô” như vô tình đốt lên ngọn lửa trong tim các cầu thủ. Họ đến sân vận động Surakhan với tinh thần “quyết tử cho đội tuyển quyết sinh”. Và ngày hôm ấy đã diễn ra một trận đấu thật sự điên rồ khi hai bên thi đấu theo một kịch bản không khoan nhượng. Lương “dị” chính là người mở tỷ số nhưng Vũ Phong mới là ngôi sao sáng nhất trận.
Nếu đúng như lời Thành Lương nói khi miêu tả kết quả trận đấu như trời định thì Vũ Phong như là con người mà trời đã chọn. Phút 86, Việt Nam sau khi phải chống đỡ hàng loạt pha tấn công từ đối thủ đã đoạt được bóng. Bóng được luân chuyển đến chân Vũ Phong ở phần sân nhà. Anh quan sát và phát hiện Công Vinh đang di chuyển, bằng chiếc chân phải của mình, Phong “quất” thẳng trái bóng lên vòng cấm đối phương. Công Vinh bị hậu vệ vây quanh nên không kịp đón bóng. Nhưng ô kìa! Thủ thành đội bạn lên quá cao, bóng đập đất và nảy vào trong lưới trong sự ngỡ ngàng của hàng vạn khán giả trên sân, và hàng triệu con mắt đang theo dõi qua màn ảnh nhỏ.
|
Nguyễn Vũ Phong và đội hình ĐT Việt Nam ngày ấy |
Khán giả Việt Nam như vỡ òa trong sung sướng, không ai tin vào mắt mình. Vũ Phong vẫn ăn mừng một cách điềm đạm như thường với động tác hôn lên ngón tay đeo nhẫn và chạy về phía hàng ghế có khán giả Việt Nam. Đó không phải là một tình huống đẳng cấp như bàn nâng tỷ số 2-1 của chính anh, nhưng đó là bàn thắng có ý nghĩa quá lớn lao. Nó kéo một đội tuyển Việt Nam thoát khỏi đáy sâu của sự thất vọng, nó tái sinh lại sức sống trong không khí tưởng như đã chết trong con tim nóng hổi của những người hâm mộ.
Và như Phượng hoàng, tái sinh mạnh mẽ từ đống tro tàn. Đội tuyển Việt Nam giành luôn ngôi quán quân với hai trận chung kết nghẹt thở với Thái Lan. Chúng ta đã có một trận hòa vỡ òa trên sân nhà nhưng tiền đề phải là trận thắng không tưởng trên sân đối phương. Và đó cũng là công của Vũ Phong khi anh góp một bàn thắng từ pha đánh đầu từ đường tạt bóng của Tấn Tài, một pha đánh đầu vừa đủ để mở tỷ số trên sân khách.
Và nếu nhìn lại chặng đường của đội tuyển Việt Nam trên hành trình đến chiếc cúp vàng khu vực ấy, Vũ Phong quả là “ông thần tài” may mắn. Anh góp luôn dấu giày vào bàn thắng của Quang Hải trong trận thắng đầy chật vật với Singapore, khi Phong là người đã khởi xướng màn phối hợp của những chàng trai áo trắng trước khi tiền đạo gốc Khánh Hòa làm hàng triệu trái tim phải vỡ òa.
Vậy đấy, một trận thắng trời định và từ đó là hành trình cho chiến thắng mà biết bao năm bóng đá Việt Nam phải mong chờ. Thành quả ấy đến từ một cơn gió mà ông trời đã gửi xuống cho đội tuyển Việt Nam, cơn gió vũ bão bên cánh trái, cơn gió lành thổi vào trong con tim người hâm mộ Việt một niềm thổn thức - Cơn gió lành mang tên Nguyễn Vũ Phong.
PHƯƠNG GP (TTVN)