Công Vinh - Thành Lương: Nốt lặng sau cuối trong khúc khải hoàn

Tác giả Phương GP - Thứ Năm 08/12/2016 14:58(GMT+7)

Một buổi tối buồn tại Phuket-Thái Lan, trên hành lang khách sạn “Royal City” là hai mươi ba cái bóng những chàng thanh niên ngồi ủ rũ. Họ đang bị một ông lão nói tiếng Latin quát tháo hết hai tiếng đồng hồ. Ít ai ngờ rằng, những chàng trai ngày ấy đã ghi vào trang sử thể thao Việt Nam một dấu mốc vàng mà sau này hàng triệu người dân đất nước hình chữ S còn mãi ngưỡng vọng.
Công Vinh - Thành Lương: Nốt lặng sau cuối trong khúc khải hoàn
Hôm nay Công Vinh và Thành Lương, hai con người còn sót lại trên hành lang ấy đã nói lời chia tay màu áo tuyển, thậm chí huyền thoại người xứ Nghệ đã giã biệt luôn những ngày tháng quần thảo trên thảm cỏ xanh. Để lại đâu đó trong lòng người hâm mộ nỗi đau đáu cho nỗi buồn thế hệ, nơi mà các anh luôn là đầu tàu trong suốt một thập kỷ qua.
 
Công Vinh treo giày là tuyển Việt Nam mất đi một đôi chân nhiệt huyết, một vóc dáng nhỏ nhắn nhưng chắc chắn, một số 9 hoàn hảo với hiệu suất ghi bàn kinh khủng bằng những cú sút búa bổ cùng cái đầu khéo léo. Thành Lương rũ áo tuyển là sắc đỏ chia tay cái kèo “trái” siêu dị mà bằng chứng là đường kiến tạo cho Văn Thanh ở trận đấu tối qua, cầu thủ thiếu thể lực nhưng bù vào đó là kỹ thuật và tinh thần chiến đấu quả cảm.
 
Và khi nhìn vào những dòng thông báo của hai anh ngày hôm nay, người ta cảm thấy nhói trong tim khi nhận ra cái tàn nhẫn của thời gian. Thế hệ “vàng thật” giờ đã không còn ai. Tất cả chỉ là những kỷ niệm- kỷ niệm về những chàng trai năm ấy.
 
Về một Việt Thắng với thể hình to lớn, có thừa kỹ thuật nhưng luôn đóng vai kép phụ giống như cách anh dọn cỗ cho Công Vinh ghi vào lưới người Thái, làm câm lặng hàng vạn người trên sân vận động Rajamangala. Về một Quang Hải “thần tài” với bàn thắng quý hơn vàng vào lưới Singapore khi những chàng trai áo trắng đã chiến đấu đến hơi sức cuối cùng.
 
Về cơn lốc Vũ Phong vũ bão bên hành lang trái, cùng với chàng hữu quân gốc Sài Thành - Huỳnh Quang Thanh công thủ toàn diện: Cặp bài trùng cuốn phăng mọi vật cản trên đường biên dọc tạo nên những cơn bão nhằm thẳng vào vòng cấm địa của đối thủ. Và phía đối diện là Đoàn Việt Cường chắc chắn, cần cù trong phòng ngự để đôi chân của Lương “dị” có thể thoải mái tung hoành bên nửa sân đối phương.
Cúp vàng năm ấy
Hình bóng của những chàng trai của Gạch Đồng Tâm đóng vai trò là bộ não và con tim của cả đội tuyển cũng sẽ luôn còn mãi. Làm sao có thể quên Nguyễn Minh Phương với những đường chuyền tựa như chiếc cầu vồng mang về chiến thắng. Làm sao có thể không nhắc tới Phan Văn Tài Em – trạm trung chuyển bóng tuyệt vời với cái đầu lạnh và khả năng lãnh đạo mẫu mực trong lối chơi.
 
Người hâm mộ từng phải trào nước mắt với hình ảnh chàng trai nhỏ nhắn gốc Khánh Hòa - Tấn Tài với dòng máu nóng hổi trong huyết quản, ngửa mặt lên trời nức nở trước khi ngất lịm đi vì đã quá mệt sau chiến thắng trên sân Mỹ Đình. Ở đó còn có Nguyễn Minh Châu, người với thân hình đậm chắc khiến cho đôi chân kiệt xuất của Thonglao tắt điện trong hai trận chiến nghẹt thở của vòng chung kết khu vực.
 
Kỷ niệm còn đong đầy với hình ảnh của hai chàng trung vệ cao cao-gầy gầy nhưng cực kỳ chắc chắn trước vòng cấm địa đội nhà. Lê Phước Tứ trông hiền lành là thế nhưng luôn khiến tiền đạo phải khóc thét với những đường tắc bóng chuẩn xác và máu lửa. Vũ Như Thành tỉnh táo, khôn ngoan, mưu chước luôn bí ẩn đằng sau gương mặt tỉnh táo tưởng chừng chẳng có áp lực nào khiến anh chùn bước.
 
Cuối cùng là người gác đền, khuôn mặt xuất sắc nhất của đội tuyển ngày ấy - Dương Hồng Sơn. Cái tên ban đầu chỉ là giải pháp tình thế sau khi thủ thành chính thức bị chấn thương, nhưng ngay sau đó anh trở thành nỗi ám ảnh của mọi đội bóng mỗi khi đối đầu. Bằng đôi tay vững vàng và khả năng điều khiển hàng thủ tuyệt vời, Hồng Sơn xuất sắc giành luôn danh hiệu Quả bóng vàng khu vực, thành quả mà có lẽ không nhiều thủ thành có thể đoạt được trong một giải bóng đá.
Dương Hồng Sơn - Vũ Như Thành
Còn những cái tên khác mà trong giây phút này người viết không thể kể hết. Các anh đã khiến cho dòng kỷ niệm về bóng đá Việt Nam trong tiềm thức người hâm mộ có một dấu chấm sáng. Họ có thể không hơn thế hệ đàn anh thập niên 90 về tài năng và sự tài hoa. Họ cũng có thể không bằng đàn em sau này với sự chuyên nghiệp trong bài bản chiến thuật. Nhưng 23 chàng trai ấy là những con người bản lĩnh, đã biết vượt qua những sai lầm, những áp lực để bước qua màn sương đêm hướng đến ánh bình minh. Bóng đá nước nhà tưởng như đã vỡ vụn từ sau đại án Bacolod nhưng chính những con người này bằng cái sự phi thường của mình đã tạo nên một trang sử chói lọi hơn bao giờ hết.
 
Nhờ có những con người ấy, bóng đá Việt Nam bước ra khỏi cái vỏ bọc tự ti sau bao nhiêu năm về nhì trong sự buồn bã. Một đội bóng có thể vượt qua cuộc chiến thể lực với Singapore, có thể đá cầm bóng và áp đảo Thái Lan. Đó là điều xưa giờ chưa từng có tiền lệ và kể cả thế hệ tương lai cũng phải cố gắng để noi theo.
 
Tôi vẫn nhớ cái đêm ấy, cái đêm cuối năm ẩm ướt. Mọi nẻo đường tại Sài Gòn không còn một chỗ để…thở. Hàng triệu con người, hàng triệu dòng xe bước xuống đường nối đuôi nhau cuồng nhiệt trong khúc ca hân hoan chiến thắng: họ đi “bão” cho sướng cái niềm vui cả đời có một. Và tôi tin rằng không chỉ ở Sài Gòn mà cả hơn sáu mươi tỉnh thành còn lại ở Việt Nam cũng có những con đường chật kín dòng người cờ hoa sắc thắm tung bay chiếu rọi cả màn đêm. 

---
 
Trọng tài người Trung Quốc thổi hồi còi mãn cuộc trận đấu kéo dài 120 phút, các cầu thủ áo đỏ gục ngã trên sân. Đó cũng là hồi còi cuối cho Công Vinh và Thành Lương trong màu áo thiêng liêng này. Suốt tám năm kể từ giây phút Công Vinh mang về chiếc cúp vàng, chúng ta đã có những niềm hy vọng mới. Chúng ta đã có Tấn Trường thay thế Hồng Sơn, có Long Giang thay Như Thành, có Xuân Trường thế chỗ cho Minh Phương. Nhưng tất cả lại không cùng hội tụ tại một điểm, cứ thế dàn trải ra trong suốt tám năm. Để rồi vẫn là hai số áo 9 và 11 ở trong tuyển trở thành những thủ lĩnh dẫn dắt đàn em chinh chiến trong những cuộc thư hùng khu vực. Và người hâm mộ cứ buồn mãi cho “cái thiếu”, một cái thiếu gì đó không bao giờ có thể trả lời mỗi khi đội tuyển phải nói lời giã biệt một giải đấu lớn. Tinh thần, bản lĩnh, hay nhân sự? Mãi vẫn là vòng luẩn quẩn thật khó trả lời.
Công Vinh - Thành Lương:  Những thủ lĩnh dẫn dắt đàn em
Giây phút Công Vinh ghi “bàn thắng vàng” vào lưới Thái Lan là nơi khúc ca khải hoàn được cất lên thật đẹp. Nhưng hôm nay tiếc thay cho bài ca ấy phải kết thúc bởi những nốt trầm lặng lẽ. Huyền thoại đã khóc khi cất lên khúc ca, huyền thoại đã khóc khi hồi còi mãn cuộc vang lên thật bẽ bàng. Nhưng huyền thoại đừng buồn, người hâm mộ luôn ngưỡng vọng về anh, và về những người đồng đội của anh, thế hệ đã viết nên trang sử vàng của Bóng đá Việt.

PHƯƠNG GP (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina. 

Xavi ở lại Barcelona: Giá trị của tình yêu

Tình yêu là thứ quyết định việc Xavi chọn ở lại Barca và cũng là thứ khiến CLB xứ Catalan luôn muốn giữ chân nhà cầm quân 44 tuổi, dù trước đó, ông từng tuyên bố sẽ ra đi sau khi mùa giải 2023/24 hạ màn. 

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.