U23 Việt Nam giành tấm huy chương đồng Seagames 28 nhưng vẫn là sự thất bại đối với NHM. Việc BĐVN thêm 1 lần lỡ hẹn với tấm HCV tất nhiên làm các CĐV không hài lòng, chỉ có điều là người ta bắt đầu đổ mọi tội lỗi lên đầu ông thầy người Nhật.
Hoàn toàn không sai khi cho rằng ông Miura đã thất bại khi chỉ giúp U23 Việt Nam giành tấm huy chương đồng Seagames 28. Và mỗi khi đội bóng thi đấu không đạt yêu cầu thì tất nhiên người có lỗi đầu tiên là vị trí HLV trưởng. Thế nhưng rất nhiều người đang nhầm lẫn rằng, vị trí thuyền trưởng của ông Miura như 1 vị “thần thánh” nào đó có thể làm thay đổi toàn bộ nền bóng đá. Ông thầy người Nhật cũng chỉ là 1 HLV bình thường đang cố gắng làm tất cả những gì tốt nhất cho môn thể thao vua nước nhà. Còn nếu muốn bóng đá Việt Nam ngay thành công ngay lập tức thì e rằng ngay cả Mourinho hay Pep cũng đành bó tay.
Trong suốt những ngày qua, sự kiện U23 Việt Nam giành tấm huy chương đồng Seagames 28 chắc chắn là vấn đề được bàn luận nhiều nhất. Không ít các chuyên gia đã thẳng thừng chỉ trích HLV Miura vì không thể hoàn thành giấc mơ vàng cho BĐVN. HLV Hải lơ thì tuyên bố thẳng tuột “ông Miura nên thôi dẫn dắt các ĐTQG Việt Nam”, cựu tiền đạo Văn Sỹ Hùng thì nhận xét rất… viển vông “HLV Miura chưa thể nâng tầm BĐVN”. Nên nhớ rằng ông Miura mới chỉ sang mảnh đất hình chữ S được 1 năm và chưa thể hiểu hết được con người và cầu thủ Việt. Thế nhưng đáng buồn là nhiều người đã giao nhiệm vụ “nâng cả nền bóng đá” vào HLV 51 tuổi quả là khó tin. Chưa kể việc đổ lỗi cho ông Miura sau thất bại tại Seagame 28 là một sự chạy trốn của chúng ta. Rất nhiều chuyên gia, cựu tuyển thủ trong nước đang không dám thừa nhận sự yếu kém bóng đá nước nhà. Công tác đào tạo trẻ còn lạc hậu (ngoại trừ HAGL), địa phương thì nặng về thành tích, giải VĐQG V-League vẫn còn nhiều bạo lực, tiêu cực thì đâu có thể “1 bước lên tiên” với việc giao toàn bộ tương lai bóng đá nước nhà cho 1 vị chuyên gia nước ngoài mới “chân ướt chân ráo” như HLV Miura.
Bản thân HLV Miura cũng rất buồn vì không thể giúp U23 Việt Nam giành HCV |
Khi 1 đội bóng thất bại thì HLV sẽ là người đầu tiên phải chịu toàn bộ trách nhiệm. Tuy nhiên chúng ta cần phải phân định rõ ràng rằng việc U23 Việt Nam giành tấm huy chương đồng Seagame 28 là thất bại hay thành công của BĐVN? Trong thâm tâm của mọi NHM thì đều mong ước tấm HCV nhưng nên nhớ rằng chúng ra đã thất bại thảm hại ở 2 kỳ Seagames gần đây. Năm 2013 là bị loại ngay từ vòng bảng, còn 2011 là thua muối mặt 1-4 trước U23 Myanmar ở trận tranh giải 3. Nhìn vào thành tích thì tấm huy chương đồng là 1 bước tiến chứ không phải là thụt lùi của BĐVN. Còn về cảm nhận thì ai cũng phải thừa nhận rằng ông Miura đã giúp U23 Việt Nam và ĐTVN có 1 tâm thế rất khác trong thời gian gần đây. Tại AFF Cup hay Seagames vừa qua thì đội bóng áo đỏ luôn được coi là ứng viên nặng vô địch chỉ sau Thái Lan. Ngoài ra, cựu thuyền trưởng của Consadole là được điều mà chưa HLV làm được là giúp U23 Việt Nam lọt vào VCK U23 châu Á 2016.
Khi đánh giá 1 HLV thì kết quả thi đấu là thứ đầu tiên cần nghĩ đến, tuy nhiên với đặc thù rất riêng của BĐVN thì chưa chắc đúng. Ví dụ như trận thua U23 Myanmar ở bán kết Seagame 28 vừa qua, chúng ta thua rõ ràng là vì sự kém cỏi của các chân sút chứ không phải do chiến thuật. U23 Việt Nam đã chơi lấn lướt đối thủ trong 90 phút và tạo ra nhiều cơ hội ngon ăn nhưng dứt điểm lại quá tồi. Nên nhớ rằng điểm yếu của các chân sút Việt thì đã tồn tại trong suốt bao năm qua (do V-League sử dụng tiền đạo ngoại) thì đâu phải do lỗi HLV người Nhật. Thứ 2, các bàn thua của U23 Việt Nam đều do lỗi cá nhân của cầu thủ chứ không phải lỗi hệ thống. Pha thủng lưới đầu tiên là do Ngọc Thắng quá dại dột dùng tay cản bóng dẫn tới penalty, bàn thua thứ 2 là do Minh Tùng cắt bóng hụt ở giữa sân dẫn tới pha phản công cho U23 Myanmar. Cần phải hiểu rằng đó là những thứ phải được chỉ dạy từ công tác đào tạo trẻ chứ ông Miura chẳng thể uốn nắn khi cầu thủ đã trưởng thành.
HLV Miura đã giúp cầu thủ Việt nâng tầm thể lực, giúp họ thay đổi nhận thức chơi bóng rườm rà, lạm dụng kỹ thuật. Các ĐTQG Việt Nam bây giờ đang áp dụng lối chơi đơn giản, hiện đại dưới thời chiến lược gia người Nhật. Sự hiệu quả của lối chơi này cũng là tương đối rõ khi U23 Việt Nam có những trận đấu quật khởi trước những ông lớn châu lục như Olympic Iran, U23 Nhật Bản hay U23 Hàn Quốc. Cựu HLV Consadole là người bản lĩnh, bình tĩnh đương đầu với áp lực lớn từ dư luận. Về sự chuyên nghiệp, vị thuyền trưởng người Nhật là HLV ngoại hiếm có luôn làm việc tận tụy, hết mình trong mỗi đợt tập trung đội tuyển. Ông Miura cũng là người thứ 2 sau “phù thủy” Calisto được các cầu thủ khen ngợi là bậc thầy về tâm lý. Có lẽ HLV Miura là 1 trong số ít những chiến lược gia thích hợp với BĐVN vào lúc này. Vì thế chúng ta cần phải kiên nhẫn khi ông thầy người Nhật vẫn đang cố gắng từng ngày. Còn nếu muốn BĐVN 1 bước thành công ngay thì như đã nói ngay cả những bậc thầy về chiến thuật như Mourinho hay Pep cũng xin quy hàng.
Doãn Công