Fernando Torres: Hoàng tử bé tìm về đất mẹ

Tác giả Hàn Phi - Chủ Nhật 22/05/2016 18:00(GMT+7)

Không có được phong độ đỉnh cao xuyên suốt sự nghiệp của mình, nhưng Torres vẫn ở trong lòng người hâm mộ như là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất. Quan trọng hơn, El Nino vẫn mãi là một cậu bé trong mắt những ai yêu mến anh, một cậu bé tài đức vẹn toàn.
Cái biệt danh El Nino, nghĩa là cậu bé, mà Fernando Torres có được là từ các đàn anh tại Atletico Madrid khi anh gia nhập đội 1 ở tuổi 17. Torres chán ghét cái biệt danh này đơn giản bởi khi đó những cầu thủ lớn tuổi hơn đều gọi anh bằng cái biệt danh đó chứ không nhớ ra nổi tên thật của hậu bối. Tuy nhiên trong mắt người hâm mộ, không gì phù hợp hơn với Torres là biệt danh ấy. Trong mắt họ Torres vẫn chỉ là một cậu bé, ngoan ngoãn, lễ độ mà tài năng. Với đôi mắt xanh, mái tóc vàng lãng tử và phong cách nổi trội khi anh luôn mặc chiếc áo dài tay trong màu áo các CLB, Torres hiển nhiên là được tất cả mọi người yêu mến, ngoại trừ cặp đôi trung vệ xuất sắc bậc nhất thế giới giai đoạn 2006-2009, Nemanja Vidic và Rio Ferdinand, cùng với một trong những hậu vệ cánh hay nhất mọi thời đại, Philipp Lahm. 

El Nino luôn để lại dấu ấn đẹp trong lòng người hâm mộ
Với sải chân tương đối dài, Torres có thể thực hiện những bước chạy hay thay đổi tốc độ rất nhanh. Đó là phẩm chất mà anh đã sở hữu từ khi còn là một cậu bé lên 10 và lọt vào mắt xanh của Atletico Madrid. Hơn nữa, sức rướn tuyệt vời của El Nino đôi khi còn khiến các hậu vệ chủ quan để rồi họ phải trả giá cực đắt. Lahm từng chẳng thể tin nổi một cái bóng áo đỏ mà khi anh ngoái lại nhìn sang bên trái vẫn còn ở cách mình vài mét, nhưng chỉ một tích tắc sau đã vọt lên bên phải anh, vừa kịp để tung ra cú trích bóng tinh tế. Đó là bàn thắng quan trọng nhất trong sự nghiệp của Torres ở màu áo đội tuyển Tây Ban Nha tại chung kết Euro 2008. Kế đó không lâu, cũng với một tình huống tương tự, Nemanja Vidic khi đó đang được coi là một bức tường phòng ngự của Quỷ Đỏ, lại bất ngờ bị đập vỡ thành từng mảnh vụn trong một buổi chiều Trafford mây mù. Torres mang lại thắng lợi đậm đà nhất của The Kop mỗi khi phải làm khách ở trận derby nước Anh kể từ gần một thế kỷ trước. Người hâm mộ Quỷ Đỏ vẫn chưa quên vết thương ấy, các Liverpudlians cũng chẳng ngừng mang nó ra để chế giễu đại kình địch. Còn El Nino thì đã khiến cho Vidic mất quá nhiều thời gian để đứng dậy.
Ấy thế mà Torres vẫn cứ phải trải qua những khoảnh khắc tồi tệ. Trong ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa đông 2011, Torres bỏ lại Liverpool ở khu vực giữa bảng xếp hạng để đầu quân cho kình địch Chelsea với một mức giá kỷ lục của bóng đá Anh. Trong buổi lễ chia tay của El Nino với The Kop, các CĐV đã đốt chiếc áo số 9 của Torres bằng sự giận dữ. Từ một cậu bé được giáo viên tha lỗi quay cóp chỉ vì khuôn mặt xinh xắn, từ một chàng thiếu niên được chủ tịch đội bóng châm chước và đôn lên thi đấu ở đội 1 chỉ vì nguyện vọng, khao khát cháy bỏng của người hâm mộ về một hoàng tử Tây Ban Nha mới, Torres bơ vơ, trơ trọi. El Nino không còn được yêu quý tại Anh, như một nhát kiếm đâm xuyên đảo quốc sương mù, anh bị ghét từ Liverpool xuống đến London, một cú sốc quá lớn.

CĐV Liverpool đốt áo Torres
Người Liverpool căm hờn Torres vì anh đã dứt áo ra đi để lại những dư vị của sự ham muốn tiền bạc và danh vọng. Người London lại khó chịu vì sao anh lại đến. Phải mất đến 24 trận đấu, Torres mới có được bàn thắng đầu tiên cho The Blues. Anh có thể được yêu mến và là biểu tượng của miền nam thủ đô Madrid, từng nhận được tình cảm vô bờ từ người hâm mộ tại Anfield, nhưng khi phải đi qua những ngày mưa, chẳng ai ở bên anh tại thành phố sầm uất, mù sương như London. Truyền thông Anh cũng được thể coi Torres là một con cá lớn, thứ mà họ sẵn sàng phóng những mũi lao tới mỗi khi muốn câu khách. Từng trận đấu tịt ngòi, từng sai lầm nhỏ nhặt của cầu thủ trị giá 50 triệu bảng đều được phóng đại lên hết cỡ. Một tình huống đá ra ngoài khi khung thành trống, vốn có thể xảy đến với bất cứ cầu thủ nào, lại biến thành sự công kích quanh năm suốt tháng. Anh vẫn cố trụ lại Stamford Bridge dưới 5 triều đại HLV, ghi những bàn thắng quan trọng, nhưng sự mệt mỏi trong anh vẫn hiện rõ. Mái đầu trọc, những đôi chân rệu rã, con tim anh chỉ hướng về nhà.
Nếu Torres chọn Real khi còn là một cậu bé, chắc hẳn anh sẽ có thể trở thành một Raul thứ hai. Nhưng định mệnh đã đưa anh đến Atletico Madrid. Từ những câu chuyện của người ông, người cha và Manuel Brinas, người đã góp công lớn đưa Torres đến với Los Rojiblancos, anh chọn Atleti theo tiếng gọi từ trái tim, của truyền thống. Quả thực thì anh cũng chẳng bao giờ muốn danh vọng và tiền bạc như những ánh nhìn dè bỉu mà người hâm mộ Liverpool từng đáp về phía anh sau năm 2011 ấy. Torres muốn làm tiền đạo chỉ vì khuôn mặt của anh từng bị dính một cú sút trái phá làm gãy vài chiếc răng khi định khởi nghiệp ở vị trí thủ môn. Anh cưới người vợ mà anh quen từ khi mới lên 7 và lễ cưới cũng chỉ diễn ra dưới sự chứng kiến của hai người khác. Có lẽ anh cũng chỉ ham muốn một cuộc sống bình dị.

Liệu sát thủ một thời có thể tìm lại chính mình?
Torres vẫn mãi là một cậu bé đáng yêu trong mắt người hâm mộ. Ngày anh trở lại Vicente Calderon, khán đài không còn một chỗ trống. Sau trận đấu mà anh ghi bàn thắng thứ 100 cho Atletico hồi tháng 2 vừa qua, Torres ngay lập tức đảo mắt để tìm Manuel Brinas, một người thầy dạy trẻ có thâm niên nhiều thập kỷ tại Atleti và không bao giờ bỏ lỡ những trận cầu như thế này. Torres chạy đến đỡ người thầy già với đôi chân run run và phải chống gậy để di chuyển, ghé tai nói rằng bàn thắng này là dành tặng ông, đồng thời cởi chiếc áo của mình cho ông để câu chuyện trở nên hoàn hảo. El Nino biết yêu thương, biết cư xử sao cho phải phép và anh cũng xứng đáng được thương yêu. Sự nghiệp của anh không hề trọn vẹn nhưng chắc chắn là anh chẳng mong gì hơn. Người London liệu có còn nhớ anh? Người Liverpool vẫn còn hát vang tên của Torres nếu có duyên tái ngộ? Chỉ biết rằng tại Madrid, anh vẫn là hoàng tử bé, trong lòng người hâm mộ, luôn là như vậy.
Hàn Phi (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.