Tuần trước, Manchester United đã khiến bóng đá châu Âu phải dậy sóng khi hoàn tất bản hợp đồng trị giá 52 triệu bảng với hậu vệ năm nay mới 18 tuổi, Leny Yoro.
Giới chuyên môn đều cho rằng hậu vệ tuổi teen của Lille sẽ gia nhập Real Madrid. Nhưng rồi Man United xuất hiện, đưa ra mức thu nhập hấp dẫn và dự án mang tính dài hạn hơn, qua đó giành chiến thắng trong cuộc đua giành chữ ký của Yoro.
Đây hiện đang là thương vụ lớn nhất của Premier League mùa hè này, cho thấy niềm tin đáng kể vào một cầu thủ còn rất trẻ. Tuy nhiên, thị trường Man United chọn để đầu tư một khoản tiền lớn như vậy lại không hề mới mẻ.
Ligue 1, giải đấu Yoro được biết đến mùa trước cũng là nơi 20 CLB Premier League đã rót tiền nhiều hơn bất kỳ giải đấu nào khác trong thập kỷ qua, với số tiền lên tới 1,81 tỷ bảng trong 10 năm qua và nhiều khả năng sẽ vượt qua mốc 2 tỷ bảng trong 6 tuần tới. Số lượng cầu thủ chuyển đến Premier League từ các CLB Pháp – 145 cầu thủ và sẽ tiếp tục tăng – cũng không có đối thủ.
Cũng không có giải đấu châu Âu nào khác nhận được nhiều tiền từ Premier League thông qua phí chuyển nhượng hơn giải đấu hàng đầu của Pháp kể từ năm 2014, mặc dù La Liga của Tây Ban Nha và Bundesliga của Đức cũng không kém xa.
La Liga từng là nơi các CLB Premier League xuống tiền nhiều nhất. Trong 10 năm từ mùa giải 04/05 đến 13/14, giải đấu hàng đầu Tây Ban Nha là nơi thu hút phần lớn tiền chuyển nhượng từ Premier League. Con số này cũng nhiều hơn 27% so với ở Pháp.
Thập kỷ tiếp theo chứng kiến thêm 1,76 tỷ bảng được chi cho các cầu thủ La Liga. Nhưng những giải đấu khác – đặc biệt là ở Đức – đã dần bắt kịp. Các đội bóng Bundesliga đã bán cầu thủ với tổng số tiền lên tới 1,72 tỷ bảng từ 14/15 đến 23/24, trong đó mùa hè năm ngoái có mức chi tiêu được ghi nhận là cao nhất.
Trong một kỳ chuyển nhượng chứng kiến RB Leipzig bán Josko Gvardiol cho Manchester City, Christopher Nkunku cho Chelsea và Dominik Szoboszlai cho Liverpool, Premier League đã chi tổng cộng 378 triệu bảng cho các cầu thủ Bundesliga. Trên thực tế, tổng doanh thu của giải VĐQG Đức từ năm 2018 là 1,26 tỷ bảng, nhỉnh hơn một chút so với Ligue 1 trong giai đoạn này.
Serie A là một thị trường khác thu hút sự quan tâm của Premier League vào mùa hè năm ngoái, khi thu về hơn 300 triệu bảng từ phí chuyển nhượng. Nhưng trong số 5 giải đấu hàng đầu châu Âu, đó vẫn là thị trường ít được ưa chuộng nhất, với doanh thu 10 năm là 1,48 tỷ bảng.
Dù vậy, Ligue 1 vẫn nổi bật nhất trong bảng xếp hạng chi tiêu tổng thể, khi là giải đấu được mua sắm nhiều nhất ở 4 trong số 9 mùa giải gần nhất. Các động thái đầu mùa hè này (đáng chú ý nhất là trường hợp của Yoro) cho thấy đây không phải là một trào lưu nhất thời.
Dù có phần thất thế so với các đối thủ cạnh tranh như La Liga, Bundesliga và Serie A (xếp sau các giải đấu này trong bảng xếp hạng hệ số quốc gia của UEFA), Ligue 1 vẫn là nơi sản sinh tài năng lớn nhất châu Âu. Theo trang uy tín Transfermarkt, ở 19 trong 20 năm qua, mỗi năm có ít nhất 10 cầu thủ được mua từ các CLB Ligue 1. Tính riêng mùa giải 22/23, con số đó là 22, trong đó các CLB Premier League chi nhiều tiền hơn (312 triệu bảng) cho các cầu thủ Ligue 1 so với chính các CLB ở giải đấu này (153 triệu bảng).
Đã có một số sai lầm đắt giá, chẳng hạn như Arsenal chi 72 triệu bảng để ký hợp đồng với Nicolas Pepe – cũng từ Lille – vào năm 2019. Nhưng các mùa giải gần đây đã xuất hiện một loạt các thương vụ thành công. Những Gabriel (Arsenal), Bruno Guimaraes (Newcastle United), William Saliba (ký hợp đồng với Arsenal từ St Etienne năm 2018, nhưng đã trải qua 3 mùa tiếp theo dưới dạng cho mượn tại các CLB Ligue 1) và cựu cầu thủ Lille Amadou Onana, người đã chuyển từ Everton sang Aston Villa với giá 50 triệu bảng đều đã tỏa sáng.
William Saliba
|
Một nhân vật cấp cao của Premier League đã chỉ ra điểm mạnh về thể chất và sự linh hoạt của các cầu thủ đến từ Ligue 1, cũng như đánh giá cao tiềm năng phát triển của họ dưới sự chăm sóc chu đáo hơn ở Anh. Một người đại diện nổi tiếng khác cho rằng giá trị của các cầu thủ Ligue 1 xứng đáng với dữ liệu đầu ra. Các cầu thủ ở đó không gặp nhiều vấn đề trong việc đáp ứng các tiêu chí ở trình độ cao.
Thật khó để xác định chính xác thời điểm bóng đá Pháp bắt đầu thu hút được nhiều sự chú ý từ các đội bóng Premier League.
Có lẽ đó là ảnh hưởng của Eric Cantona, số 7 đầy phong cách của Manchester United từ những năm 1990 hay David Ginola, cầu thủ chạy cánh tài hoa của Newcastle United và Tottenham Hotspur. Nhưng đậm nét hơn cả có lẽ là dấu ấn mà Arsene Wenger để lại tại Arsenal thông qua những cầu thủ người Pháp.
Ngoài Nicolas Anelka, Emmanuel Petit, Robert Pires còn có Sylvain Wiltord và những cầu thủ trải qua khoảng thời gian ngắn chơi bóng tại Serie A – Thierry Henry và Patrick Vieira. Wenger đã tìm thấy những cầu thủ kỹ thuật tinh tế, thể chất mạnh mẽ với giá thấp hơn nhiều so với các cầu thủ tương đương ở bóng đá Anh. Tổng cộng có 28 cầu thủ người Pháp đã ký hợp đồng với Arsenal trong 22 năm Wenger dẫn dắt đội bóng này.
Những người khác nhanh chóng theo chân ông. Việc ký hợp đồng với các cầu thủ từ Ligue 1 – dù họ là người Pháp hay không – đã được chứng minh là đúng đắn. Newcastle United đã chiêu mộ 5 cầu thủ từ các CLB Pháp chỉ trong mùa giải 12/13, một mùa giải đáng chú ý vì là lần đầu tiên các đội bóng Premier League chi tiêu hơn 100 triệu bảng cho các cầu thủ từ một giải đấu. Đó cũng là năm Chelsea ký hợp đồng với Eden Hazard từ Lille, Olivier Giroud rời Montpellier để gia nhập Arsenal và Spurs đưa Hugo Lloris từ Lyon về. Ligue 1 mất đi 3 tài năng lớn; bù lại, danh tiếng về chất lượng cầu thủ đến từ Pháp tiếp tục được củng cố.
Bóng đá Pháp cũng thường sử dụng những cầu thủ trẻ hơn, mang đến tiềm năng và sự hứa hẹn cho các nhà tuyển dụng từ nước ngoài. Báo cáo thường niên của UEFA, The European Club Footballing Landscape cho thấy 39% tổng số phút thi đấu trong nước tại Pháp mùa giải 21/22 đến từ các cầu thủ 23 tuổi trở xuống. Điều này khiến Ligue 1 có độ tuổi trung bình trẻ nhất trong số các giải đấu lớn ở châu Âu, thấp hơn nhiều so với 26% tổng số phút thi đấu của Premier League do các cầu thủ dưới 24 tuổi đảm nhận và 20% của La Liga, nơi mà việc chi tiêu từ các CLB Anh đã giảm trong những năm gần đây.
Chỉ có Eredivisie của Hà Lan, một giải đấu khác cũng được các CLB Anh nhắm tới trong những mùa giải gần đây có độ tuổi trung bình trẻ hơn Ligue 1, với 47% tổng số phút thi đấu do các cầu thủ dưới 24 tuổi đảm nhận. Trên thực tế, vào cuối giai đoạn được đề cập trong báo cáo của UEFA, các đội bóng Premier League đã chi 240 triệu bảng cho các cầu thủ từ giải VĐQG Hà Lan trong mùa giải 22/23, gồm có Antony, Lisandro Martinez, Cody Gakpo và Noni Madueke.
Sức mạnh tài chính của Premier League ngày càng trở nên vượt trội so với các đối thủ châu Âu và Ligue 1, giải đấu đang phải đối mặt với những thách thức về bản quyền truyền hình ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn. Bản hợp đồng truyền hình trong nước mới ký với DAZN và beIN Sports được cho là chỉ có giá trị 420 triệu bảng/mùa. Con số này thua xa so với gói truyền hình của Premier League trị giá hơn 3 tỷ bảng/năm. Bản quyền truyền hình của Ligue 1 kể từ thời đỉnh cao trong chu kỳ 2016-20 đã thực sự giảm giá trị.
Các CLB Tây Ban Nha, Đức và Ý cũng phải đối mặt với áp lực tương tự nhưng không bằng Pháp. Do đó, việc bán cầu thủ đã trở thành một phần cơ bản của mô hình kinh doanh. Ít ai làm điều đó tốt hơn Lille, đội đã bán Yoro cho Manchester United tuần trước. Trong 5 năm qua, đội bóng xếp thứ tư tại Ligue 1 mùa trước đã thu về 250 triệu bảng tiền bán cầu thủ cho các CLB Premier League với những cái tên như Sven Botman, Carlos Baleba, Onana, Gabriel và Pepe.
Lyon, một trong những tên tuổi lớn của bóng đá Pháp cũng không chịu kém cạnh. Doanh thu của họ cũng lên tới 200 triệu bảng kể từ năm 2019, với những cầu thủ như Lucas Paqueta (đến West Ham), Guimaraes (Newcastle) và Tanguy Ndombele (Tottenham) được bán với lợi nhuận khổng lồ.
Ligue 1 vẫn ghi nhận mức chi tiêu ròng dưới 30 triệu bảng trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm ngoái, thành tích vượt qua Serie A và La Liga. Nhưng điều đó có được phần lớn nhờ vào các khoản chi xa xỉ của PSG, CLB được hậu thuẫn từ nhóm đầu tư Qatar Sports Investment.
PSG tiếp tục là CLB Pháp duy nhất lọt vào top 10 của Deloitte’s Football Money League (danh sách các đội bóng châu Âu tạo ra doanh thu lớn nhất). Marseille đứng thứ 20 trong danh sách năm 2024, còn Lyon xếp thứ 29. Nhưng phần còn lại của Ligue 1 (đặc biệt là những đội không được hưởng lợi từ doanh thu bổ sung của bóng đá châu Âu) có thể thấy thu nhập của mình được biến đổi chỉ từ một lần bán cầu thủ. Điều đó khiến cho việc từ chối những lời đề nghị từ nước Anh trở nên khó khăn hơn.
Điều đó lý giải tại sao bóng đá Pháp đang trở thành trung tâm cho các kế hoạch phát triển chuỗi CLB. Chủ sở hữu của Chelsea, BlueCo đã mua Strasbourg năm ngoái và chủ sở hữu của Liverpool, FSG mới đây cũng đã thảo luận để mua Bordeaux, một CLB giàu truyền thống vừa bị giáng xuống giải hạng ba trước khi các cuộc đàm phán đổ vỡ vào tuần trước. Việc nhắm đến các cầu thủ Pháp trên TTCN cũng củng cố động lực để họ sở hữu các CLB ở nước này.
Dễ hiểu khi rất nhiều cầu thủ đã chuyển từ Ligue 1 sang Premier League. Tổng cộng có 260 cầu thủ được ký hợp đồng từ giải đấu hàng đầu của Pháp từ năm 2004 đến 2024. Con số này cao hơn Tây Ban Nha (245), Ý (192) và Đức (171). Chi phí trung bình của một bản hợp đồng từ Ligue 1 trong thời gian đó? Chỉ dưới 9 triệu bảng.
Sự quan tâm của Premier League đang mở rộng, với việc giải Bundesliga của Đức ngày càng nhận được sự quan tâm trong những năm Covid-19, nhưng Ligue 1 vẫn là mảnh đất màu mỡ nhất để tìm kiếm tân binh mới. Yoro là bằng chứng mới nhất cho điều đó.
Theo New York Times