Ngày Pele chạm trán Gordon Banks: Tình huống phi thường được tạo nên bởi hai thiên tài

Tác giả Nam Khánh - Thứ Sáu 18/11/2022 16:07(GMT+7)

Zalo

Trong một đoạn trích từ một cuốn sách mới ra mắt, các cựu cầu thủ Brazil đã hồi tưởng về trận đấu với ĐTQG Anh tại World Cup và pha cứu thua huyền thoại của Gordon Banks.

z23HTph6jYEAnhQXucP6uW
 

Cuối cùng, vào ngày 7 tháng 6 năm 1970, các nhà vô địch, cả cũ và mới, đã gặp nhau. Trong một bầu không khí ngập tràn sự phấn khích và háo hức, cùng sức nóng của Guadalajara, Brazil, nhà vô địch của các kỳ World Cup 1958 và 1962, và Anh, những nhà đương kim vô địch đang mang tham vọng bảo vệ ngai vàng của mình, đã bước vào một trận đấu hứa hẹn sẽ khuấy động mọi tâm hồn và khiến mọi tâm trí điên đảo. 

Thế giới, lại một lần nữa, phải xuýt xoa về những người Brazil. Ngay trong trận đấu mở màn, họ đã đánh bại Tiệp Khắc với tỷ số 4-1, qua đó làm sống lại ký ức về những ma thuật diệu kỳ đã mất đi kể từ trận chung kết năm 1966. Brazil, mặc dù ban đầu bị dẫn trước 1-0 ở phút thứ 11 của trận đấu, đã hoàn toàn nghiền nát đối thủ của họ. Carlos Alberto Torres, hậu vệ phải kiêm đội trưởng của Brazil, hồi tưởng: “Đó là một ngày cực quan trọng. Trận đấu đầu tiên luôn luôn là vậy. Ban đầu, toàn đội đã rất bồn chồn lo lắng, nhưng khi Tiệp Khắc ghi bàn, chúng tôi đã bừng tỉnh. Đó chính là khoảnh khắc đã kích hoạt thứ bóng đá mà chúng tôi đã dự tính và muốn chơi.”

Cuối cùng, Brazil đã đè bẹp hoàn toàn một đối thủ quá ngây thơ, những người đã để cho đoàn quân Selecao có quá nhiều khoảng trống để khai thác và tung hoành. Một Brazil với lối đá đầy ngẫu hứng đã thể hiện kỹ thuật điêu luyện, tính nghệ thuật và sự hào nhoáng hoàn toàn vượt trội. Tuy nhiên, Ladislav Petras, tay săn bàn của Tiệp Khắc, đã bóc trần được cái sự thật rằng sự vô tư, phóng khoáng đặc trưng của Brazil cũng chính là một điều đáng lo khi nó hiện hữu ở cả hàng thủ của họ; một điểm yếu nghiêm trọng trong đội quân gần như hoàn hảo của những người Nam Mỹ.

Do đó, đội tuyển Anh không hề e ngại Brazil. Họ tin rằng mình có thể khuất phục đội bóng của Mario Zagallo, và khả năng phòng ngự nơi hàng thủ của người Brazil – được tạo nên bởi thủ môn Felix, Carlos Alberto, các trung vệ Wilson Piazza và Brito, và hậu vệ trái Everaldo – đã thực sự bị xem là một điểm đáng lo. Piazza thừa nhận: “Rõ ràng, với phong cách bóng đá của Brazil, sự lo ngại về khả năng phòng ngự của hàng thủ đã thực sự hiện hữu. Điều đó không chỉ xuất hiện trong nội bộ Selecao. Truyền thông Brazil đã nhận định trong sự cam chịu rằng ĐTQG sẽ chơi với một đội hình gồm những cầu thủ chạy cánh chăm chăm vào chuyện tấn công. Người ta nói Brazil ưa chuộng đội hình 4-2-4, nhưng đôi khi 4-1-5 hoặc 4-3-3 cũng được sử dụng. Zagallo đã rất lo lắng và bảo chúng tôi hãy giữ vị trí.” 

Còn Tam Sư thì ngược lại, họ như thể khoác lên mình một chiếc áo chiến thuật bó sát người. Họ đã giành chức vô địch tại World Cup 1966 với đội hình 4-4-2 và được ca ngợi là “kỳ quan không cánh” (bởi đội hình này không có tiền đạo cánh). Khi ấy, Nobby Stiles chính là tấm khiên hoàn hảo che chắn cho hàng thủ, cho phép Bobby Charlton thoải mái dâng cao tấn công ở trung lộ. Trong kỳ World Cup đó, chiến thuật này đã giúp tuyển Anh “bắt ch.ết” Franz Beckenbauer, nguồn sáng tạo chính của ĐTQG Đức. Còn tại Mexico, Alan Mullery là người đảm nhận vai trò của Stiles, cùng với nhiều chất thép hơn nữa đến từ cả Martin Peters và Alan Ball, trấn giữ tuyến giữa của Alf Ramsey. Còn Bobby Charlton là người chơi cao nhất, hoạt động ngay phía sau hàng công. Ở tuổi 32, Charlton, một trong những cầu thủ lớn tuổi nhất trong dàn nhân sự của tuyển Anh, chính là yếu nhân chịu trách nhiệm chính cho khả năng tấn công của đội. 

Ngày Pele chạm trán Gordon Banks Tình huống phi thường được tạo nên bởi hai thiên tài 1
 

Carlos Alberto giải thích: “Lịch sử đã đưa Brazil thành một ứng cử viên cho chức vô địch trước khi giải đấu khởi tranh, nhưng đội thực sự xứng danh ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch World Cup khi giải đấu diễn ra phải là đội tuyển Anh. Họ là những nhà đương kim vô địch và có một tập thể xuất sắc. Thậm chí, họ đã dày dạn kinh nghiệm hơn so với năm 1966. Tuyển Anh sở hữu Gordon Banks, Bobby Moore và Bobby Charlton. Còn Brazil phải chứng minh trên sân đấu rằng chúng tôi đích thực cũng là một trong những đội có khả năng vô địch. Đó là mục tiêu mà chúng tôi đã đặt ra từ trận đầu tiên.”

Dưới thời Ramsey, lối chơi của đội tuyển Anh cực kỳ thực dụng cả về mặt thiết kế chiến thuật lẫn bản tính. Sự ngẫu hứng và bóng bẩy, loè loẹt bị loại bỏ. Thay vào đó, nhà cầm quân người Anh coi trọng sự ngoan cường và gan góc, tính kiên trì và tận tâm, tất cả những phẩm chất trần tục đã đưa họ lên ngai vàng của bóng đá thế giới vào năm 1966. Bốn năm sau, quan điểm của Ramsey về bóng đá, và về thế giới, đã trở nên đơn giản hơn. Tam Sư là một đoàn quân kiêu kỳ và ngạo mạn. 

Tỏ ra có chút buồn chán, Piazza hồi tưởng: “Tuyển Anh bước vào cuộc chơi và, theo một cách nhìn nhận, đây là điều hết sức tự nhiên – họ, những người Anh, bước vào cuộc chơi với sự cao ngạo và bóng bẩy như thể mình sắp vô địch. Họ thậm chí còn tự mang theo nước để sử dụng. Bạn cũng sẽ thấy người Mexico nghĩ rằng, ‘Bọn Anh là vậy đấy.’”

Carlos Alberto khẳng định: “Đội giành chiến thắng trong cặp đấu Brazil-Anh sẽ luôn tiến được vào trận chung kết. Tất cả mọi người đều biết điều đó. Nếu bạn muốn trở thành nhà vô địch thế giới, bạn phải đánh bại tuyển Anh.” 

Tầm vóc của trận đấu này sẽ không bao giờ bị xem nhẹ chỉ vì nó diễn ra ở vòng bảng. Một phần, đây chính là trận đấu đã định hình kết quả chung cuộc của World Cup 1970 và khẳng định vị trí của Pele trong ngôi đền của các vị thần bóng đá. Nó cũng giúp củng cố di sản của người Brazil trong làng túc cầu. “Đó là một trận đấu mang tính quyết định, tầm vóc của nó chẳng khác nào một trận chung kết cả,” Jairzinho nói. 

Ngày Pele chạm trán Gordon Banks Tình huống phi thường được tạo nên bởi hai thiên tài 2
 

Ít nhất, đó chính là triển vọng của nó trước khi tiếng còi bắt đầu trận đấu cất lên; một cuộc đụng độ của hai nền văn hoá và hai trường phái bóng đá khác nhau. Đội tuyển Anh là một cỗ máy được chế tạo tỉ mỉ và chính xác đến từng chi tiết, sở hữu nguồn năng lượng dồi dào và hừng hực quyết tâm, nhưng không hề thiếu đi sự tinh tế khi tấn công. Mặt khác, Brazil là một bậc thầy không thể bàn cãi của bóng đá đẹp dù cho có một hàng thủ đáng lo. 

Piazza nói: “Tuyển Anh đã chơi theo cách mà chúng tôi lường trước, kèm người tốt và có một tâm lý vững vàng. Họ đã duy trì được một đội ngũ chất lượng cao sau vinh quang năm 1966, đủ năng lực để theo đuổi một chức vô địch thế giới nữa. Mấy gã đó rất cao và khoẻ, mẹ nó chứ! Và bạn phải tự hỏi: ‘Mình phải đối phó với bọn này kiểu gì đây?’ 

Giai đoạn khởi đầu của trận đấu đã diễn ra với sự thận trọng thấy rõ, gần như chán ngắt, với việc tuyển Anh tự kìm hãm nhịp độ của họ. Họ luân chuyển quả bóng cho nhau một cách chậm rãi cùng những bước chân thong thả đến mức tạo cảm giác về sự cợt nhả. Từ hai cánh, những quả tạt tầm cao của họ đã thử thách sự quyết tâm và khả năng làm chủ vòng cấm của thủ môn Félix. 

Jairzinho hồi tưởng: “Trận đấu này mang tính chiến thuật cực kỳ cao, trong đó hai thủ môn đã chơi xuất sắc hơn bao giờ hết; Félix của Brazil và Banks của tuyển Anh. Félix đã quen với chuyện này. Còn Banks, tôi không biết liệu anh ta có quen với chuyện phải thực hiện hàng loạt pha cứu thua hay không. Đây là một trận đấu đẳng cấp cao, cứ như thể một ván cờ vua vậy. Một đội tấn công, và đội còn lại phòng ngự, sau đó tấn công đáp trả.”

Bất cứ khi nào Pele di chuyển tới một vị trí nguy hiểm, người trực tiếp được giao nhiệm vụ theo kèm ông là Mullery, và Moore sẽ bao vây lấy ông với sự chính xác gần như tuyệt đối, cùng với hậu vệ trái Terry Cooper hoặc tiền vệ Bobby Charlton. Pelé đã 2 lần để mất bóng, nhưng không hề nao núng. Ông chưa bao giờ nao núng cả. Tầm vóc to lớn của trận đấu không hề khiến cho 2 ngôi sao “thần tài” của hai đội – Pelé và Charlton – bị “khớp” tâm lý. Cả hai đều thi đấu với sự điềm tĩnh và đĩnh đạc. 

Sau 10 phút, trận đấu đã bùng nổ với một sức nóng cực lớn, một dấu hiệu cho thấy rằng Brazil, ban đầu hơi lúng túng, đang bắt đầu khẳng định sức mạnh của mình. Những pha bức tốc của các cầu thủ Brazil thể hiện khả năng gây sát thương cực lớn. Thậm chí 50 năm sau, những người Brazil góp mặt vào ngày hôm đó vẫn nhớ như in từng khoảnh khắc như thể trận đấu mới chỉ diễn ra hôm qua vậy.

Carlos Alberto: “Đường chuyền dài đưa bóng đến cho Jairzinho bằng má ngoài…”

Jairzinho: “Tôi nhận bóng, vượt qua gã theo kèm mình là Cooper và, từ một vị trí gần đường biên ngang, tôi tạt bóng về phía cột xa.”

Clodoaldo: “Pelé đã nhận thấy Banks có vài lần hơi sai vị trí và anh ấy đã chờ đợi một khoảnh khắc như vậy để dứt điểm. Đó chính là bài học quan trọng nhất mà tôi học được từ Pelé; để có được óc quan sát khác biệt đó về trận đấu và sân đấu.”

Ngày Pele chạm trán Gordon Banks Tình huống phi thường được tạo nên bởi hai thiên tài 3
Gordon Banks và Pele

 

Carlos Alberto: “Khi Pelé nhảy lên, tôi đã bắt đầu ăn mừng – ăn mừng bàn thắng.”

Jairzinho: “Pelé đã nhảy lên với một sức bật đáng kinh ngạc, sau đó tung ra một cú đánh đầu đưa bóng hướng xuống góc dưới cùng của khung thành. Nhưng Banks, một thủ môn xuất sắc với tốc độ, sự bùng nổ, linh hoạt và khả năng phản xạ, đã có mặt ở cột gần, ngã người và cản phá thành công.”

Gérson: “Nguyên nhân nó xảy ra được có thể chỉ đơn giản là vì Banks đã nhìn thấy trước được pha dứt điểm đó, tình huống cứu thua đó. Có lẽ anh ta đã tiên đoán được nó.”

Rivellino: “Lạy chúa tôi, chỉ những cầu thủ đạt đẳng cấp như vậy mới làm được những điều mà hai người đó đã làm! Đó là một cú đánh đầu hoàn hảo. Còn Banks thì đã đọc được suy nghĩ của Pelé. Khi quả bóng bay đi, nếu Banks cố tóm gọn lấy nó, quả bóng sẽ vuột khỏi  anh ta. Nó giống như một tình huống trong bóng chuyền vậy, bởi vì Pelé đã ‘đập bóng’. Banks đã hành động như thể nhìn thấu được suy nghĩ của Pelé. Đó là một tình huống đáng kinh ngạc được tạo nên bởi hai thiên tài.”

Nguồn: Một đoạn trích từ cuốn sách “Brazil 1970 - How the Greatest Team of All Time Won the World Cup” của tác giả Sam Kunti. 

 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Giá vé tăng cao, doanh thu ngày thi đấu và thực trạng chung của các đội bóng tại Premier league

Đối với mô hình hoạt động của các đội bóng tại Châu Âu, hầu hết doanh thu đến từ 5 nguồn tài chính. Đó chính là doanh thu ngày thi đấu, phát sóng, thương mại, tiền thưởng và chuyển nhượng cầu thủ. Trong số này, doanh thu ngày thi đấu là kiểu kiếm tiền truyền thống nhất, nhưng ngày càng có xu hướng thay đổi theo thời gian.

X
top-arrow