Bồ Đào Nha - Ronaldo + Goncalo = Sự tự do và bay bổng

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 10/12/2022 15:17(GMT+7)

Trước trận thắng Thuỵ Sĩ 6-1 ở vòng 16 đội của World Cup 2022, trận thua 2-1 của Bồ Đào Nha trước Pháp bởi một bàn thắng vàng được ghi trong hiệp phụ tại bán kết Euro 2000 là lần gần nhất mà đội bóng này chơi một trận đấu loại trực tiếp ở Euro hoặc World Cup mà không có Cristiano Ronaldo trong đội hình xuất phát. 

 

Laurent Blanc đã góp mặt trong trận đấu đó, và hiện tại ông 57 tuổi. 

Một điều quan trọng cần lưu ý chính là sức nặng lịch sử khi “mổ xẻ” quyết định cất Ronaldo trên băng ghế dự bị của Fernando Santos – đừng quên, siêu sao 37 tuổi chính là tay săn bàn hàng đầu lịch sử của bóng đá cấp ĐTQG.

Đó không phải là quyết định táo bạo duy nhất mà Santos thực hiện với đội hình ra sân của ông – nhà cầm quân này cũng đã gạch tên một trong những hậu vệ cánh hàng đầu thế giới là Joao Cancelo, để Ruben Neves ngồi dự bị và đặt niềm tin vào một tiền đạo 21 tuổi chỉ mới có 33 phút kinh nghiệm thi đấu ở môi trường cấp cao của bóng đá ĐTQG là Goncalo Ramos – nhưng chàng trai này đã tạo nên một cơn địa chấn cực lớn. Ronaldo không chỉ là một cầu thủ, anh là một thực thể siêu việt, một á thần. Nhưng anh cũng mang theo bên mình cả một “rạp xiếc” ngày càng trở nên kỳ quặc hơn, một rạp xiếc mà Santos chắc chắn đã quá ngán ngẩm. 

Quyết định đầy khó khăn này có lẽ đã làm tăng thêm vài nếp nhăn trên gương mặt vốn đã luôn mang biểu cảm cau có đặc trưng của nhà cầm quân 68 tuổi. Đáng chú ý, dù được coi là một vị HLV rất thực dụng và khá buồn tẻ, luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu (đặc biệt là sau chức vô địch Euro 2016 của Bồ Đào Nha, không ít người đã mô tả ông là một kẻ “phản bóng đá”), nhưng đoàn quân của Santos hiện đã trở thành đội bóng ghi được nhiều bàn thắng nhất tại giải đấu (12). 

Ronaldo không phải là người hùng Bồ Đào Nha đầu tiên mà Santos thẳng tay loại bỏ gần đây. 12 tháng trước, “xương sống” của đội bóng này bao gồm Rui Patricio trước khung thành, Joao Moutinho ở tuyến giữa và trung phong Ronaldo. Người trẻ nhất trong bộ ba đó (Patricio) cũng đã 34 tuổi, nhưng tất cả đều là những cựu binh dày dạn kinh nghiệm và đã có những đóng góp đáng nể cho đất nước của mình. Cả ba đều không có tên trong đội hình đá chính (Moutinho thậm chí còn không góp mặt trong danh sách dự bị) và cựu binh duy nhất mà Santos giữ lại, Pepe, đã thi đấu rất chắc chắn cho đến nay và ghi 1 bàn vào lưới Thuỵ Sĩ. 

Hiện tại, Bồ Đào Nha trông thực sự tự do và bay bổng. Và có những căn cứ cho thấy việc Ronaldo không góp mặt trong đội hình đã đóng một vai trò quan trọng trong đó.  

CÓ GÌ KHÁC BIỆT TRONG LỐI CHƠI CỦA BỒ ĐÀO NHA KHI RONALDO KHÔNG RA SÂN?

Dưới đây là mạng lưới chuyền bóng của Bồ Đào Nha trong trận đấu “nghiêm túc” gần nhất mà họ có trước khi đối đầu Thuỵ Sĩ (Santos đã cho một nửa dàn nhân sự chủ chốt nghỉ ngơi trong trận thua trước Hàn Quốc vì Bồ Đào Nha vốn đã giành được vé lọt vào vòng 16 đội). 

 

Một trong những điểm nổi bật nhất trong ảnh trên là việc Ronaldo có vị trí trung bình rất gần với Joao Felix, người có nhiệm vụ thực hiện các tình huống lao vào phía trong sân đấu từ cánh trái. Ronaldo thường lùi sâu và di chuyển tự do khắp sân đấu, bên cạnh Bernardo Silva và Bruno Fernandes.

Anh thỉnh thoảng xuất hiện trong vòng cấm, nhưng như bạn có thể thấy từ bản đồ nhiệt bên dưới, Ronaldo đã dành phần lớn thời gian của trận đấu tại những khu vực lùi sâu hơn để liên kết với Bernardo, Fernandes, phần còn lại của hàng tiền vệ và các hậu vệ cánh. 

 

Dưới đây là một tình huống khá điển hình về cách Bồ Đào Nha triển khai bóng trước một Uruguay chơi thiên về phòng ngự. Ronaldo không chỉ lùi xuống trước hàng thủ của Uruguay, mà thậm chí là trước tuyến giữa của đối thủ để tham gia vào lối chơi chung. 

 

Vài giây sau, đợt tấn công vẫn không thực sự tiến triển và Ronaldo đã kêu gọi sự chú ý của William Carvalho, yêu cầu đồng đội chuyền bóng cho mình. Anh nhận bóng tốt, ngay lập tức nhả nó ra cho đồng đội và sau đó di chuyển hướng tới vòng cấm, nhưng sau cùng thì đợt triển khai tấn công này đã hoàn toàn vô hại. Đây là một tình huống tương đối dễ phòng ngự đối với Uruguay trong khi đối thủ thực hiện rất nhiều đường chuyền trước mặt họ. 

 

Mặc dù Bồ Đào Nha đã có một chiến thắng khá thoải mái với tỷ số 2-0, nhưng họ giành được kết quả đó là nhờ một quả tạt đưa bóng đi thẳng vào lưới đối thủ từ cánh trái và một quả penalty (cả hai đều là công của Bruno Fernandes). Mặc dù đây là một kết quả tốt, nhưng đoàn quân của Santos đã có một màn trình diễn chẳng mấy sáng sủa trong khâu tấn công. 

Và không ít người cho rằng, nhiệm vụ “chuyền bóng cho Ronaldo” chính là điều đã khiến Bồ Đào Nha không có được sự thanh thoát. Anh muốn nhận bóng thật nhiều và vị thế của anh trong đội khiến mọi người phải liên tục chuyền bóng cho anh, dù muốn hay không. Nếu họ không làm vậy, Ronaldo sẽ nổi cáu. Tương tự như vậy, khi quả bóng đập vào lưng anh, bật ra và dẫn tới một bàn thắng cho Hàn Quốc trong trận đấu cuối cùng của Bồ Đào Nha ở vòng bảng, anh đã ngay lập tức bắt đầu đổ lỗi cho những người khác. 

Cái tôi cực lớn, cá tính cực mạnh của Ronaldo ảnh hưởng tới tất cả mọi người, tất cả mọi thứ xung quanh anh (cả theo hướng tích cực lẫn tiêu cực), và đã càng ngày càng có nhiều người cho rằng Bồ Đào Nha sẽ chơi tốt hơn khi không có siêu sao này trong đội hình (sau một cuộc thăm dò trên tờ báo A BOLA của Bồ Đào Nha vào đêm trước trận đấu với Thuỵ Sĩ, có đến 70% phiếu bầu cho rằng anh không nên được đá chính). Đội bóng này có trong tay đủ những cầu thủ trẻ đầy sung mãn và tài năng để có thể chơi tốt mà không cần Ronaldo. Chiến thắng tưng bừng trước Thuỵ Sĩ đã củng cố thêm cho lý thuyết đó. 

Về mặt chiến thuật, sự nổi lên của Ramos, một sát thủ vòng cấm, đã tạo điều kiện cho Bồ Đào Nha thay đổi cách tấn công. 

 

Ramos không tham gia nhiều vào khâu triển khai bóng của đội, và sự hiện diện sặc mùi nguy hiểm của anh quanh các trung vệ của Thuỵ Sĩ đồng nghĩa với việc Felix sẽ không còn phải sắm vai cầu thủ đá cao nhất trên hàng công nữa (Felix không thường xuyên làm điều này trong các trận đấu trước đó của Bồ Đào Nha, nhưng đó là một phần nhiệm vụ của anh). Vì vậy, trong khi trước Uruguay có những tình huống Felix phải trở thành cầu thủ tấn công chơi cao nhất, thì trước Thuỵ Sĩ anh là cầu thủ tấn công chơi cao thứ tư của đội.

Anh sắm vai một cầu thủ kiến thiết lùi sâu hơn, do đó ngôi sao thuộc biên chế Atletico Madrid có thể làm những việc như thế này… 

 

Cầm bóng, đảo chân, vượt qua một đối thủ, phối hợp đập nhả với đồng đội và tung ra một đường chuyền dài chính xác đưa bóng tới chân Ramos. 

 

Felix đã chơi xuất sắc, nhưng quan trọng hơn, cách di chuyển, chọn vị trí của Ramos trong vai trò cầu thủ tấn công chơi cao nhất của Bồ Đào Nha đã kiềm chân hàng thủ của Thuỵ Sĩ, qua đó kéo dãn đội hình đối thủ và tạo ra một khoảng trống phía sau tuyến tiền vệ của họ, nơi mà Felix, Fernandes và Bernardo sẽ khai thác bất cứ khi nào Bồ Đào Nha lên bóng. 

 

Hàng thủ của họ đã bị xáo trộn khi Ramos tăng tốc để đón lấy đường chọc khe của Fernandes vào thời điểm tỷ số đang là 2-0.

 

Thật đáng tiếc khi anh không thể ghi bàn trong cơ hội cực ngon ăn này. 

 

Những bàn thắng mà Ramos đã ghi đều diễn ra sau khi anh nhận bóng trong vòng cấm. Đây là bàn đầu tiên, khi Ramos xoay người và tung ra một cú dứt điểm đưa bóng vào lưới từ một góc sút rất hẹp ở phía cột gần.

 

Đây là bàn thứ hai, khi anh dứt điểm quả tạt của Diogo Dalot. 

 

Và đây là bàn thắng hoàn tất cú hattrick, khi anh nhận đường chuyền của Felix (người đã một lần nữa khai thác khoảng trống trước hàng thủ) và đánh bại thủ môn Yann Sommer. 

 

Với khuynh hướng di chuyển, chọn vị trí mà Ronaldo đã thể hiện tại Qatar, thật khó để tưởng tượng được cảnh anh sẽ có những pha chọn vị trí đã tạo nên cú hattrick của Ramos. Việc sách lược, chiến thuật của Thuỵ Sĩ vốn là dùng để ứng phó với Ronaldo là một yếu tố đáng được nhắc đến. Có thể đó chính là một phần nguyên nhân khiến họ không biết làm cách nào để đối phó với Ramos, hoặc làm thế nào để xử lý những khoảng trống mà sự hiện diện của tiền đạo trẻ này đã góp phần tạo ra. 

Trong tình huống dưới, một lần nữa, Ramos (chơi ở giữa của một bộ ba cầu thủ tấn công) đang sẵn sàng thực hiện một pha bứt tốc ra phía sau hàng thủ, cũng như các hậu vệ cánh Raphael Guerreiro (trái) và Dalot (phải). Nếu Fernandes (đang cầm bóng) phát hiện ra điều này và chuyền bóng cho Felix, anh có thể xoay người và ngay lập tức có đến 3 chân chạy đang chờ đợi anh tung ra một đường chọc khe. 

 

Bản đồ nhiệt của Ramos trong trận đấu với Thuỵ Sĩ rất khác với của Ronaldo trong trận đấu gặp Uruguay. 

 

Và đó chính là lối chơi, là thứ bóng đá của chàng trai 21 tuổi này. Anh là một tiền đạo đầy năng động trong vòng cấm, sở hữu khả năng di chuyển không bóng xuất sắc, có thể “đánh hơi” được nơi mà quả bóng sẽ đến và tung ra những cú dứt điểm sắc bén.

Ramos cũng chính là tay săn bàn hàng đầu tại giải VĐQG Bồ Đào Nha ở mùa giải này (9 bàn sau 11 trận), anh đã ghi 14 bàn sau 18 lần ra sân cho đội U21 Bồ Đào Nha trong vài năm qua, và cũng là vua phá lưới ở Euro U19 vào năm 2019. 

Tất cả những điều trên tạo nên cảm giác rằng rất khó để Ronaldo được điền tên lại vào đội hình đá chính của Bồ Đào Nha trong trận đấu với Morocco ở vòng tứ kết. 

Giờ thì Ronaldo đã có thể mỉm cười trên băng ghế dự bị
Mọi trang báo hôm nay đều nói về cái tên Goncalo Ramos. Một màn chào sân xuất sắc, một khởi đầu như như mơ của cầu thủ mới bước sang tuổi 21. Với ba bàn thắng và một kiến tạo trước Thụy Sĩ, tiền đạo trẻ của Benfica là người đầu tiên lập hattrick tại World Cup 2022 và khiến tất cả quên đi sự vắng mặt của Cristiano Ronaldo. 

Trận đấu đó sẽ là một “chiến trường “ hoàn toàn khác – đừng quên, Sofyan Amrabat đã có thể tự mình xử lý mọi khoảng không gian mà Morocco để mở ra phía sau hàng tiền vệ của họ ¬– và, trong một trận đấu cực chặt chẽ với rất ít cơ hội ghi bàn, Ronaldo rất có thể sẽ vào sân từ băng ghế dự bị để ghi bàn thắng quyết định. 

Morocco có thể sẽ nhận thấy rằng Bồ Đào Nha khó đối phó hơn nhiều so với Tây Ban Nha. Một hệ thống tấn công bao gồm Bernardo, Fernandes (2 bàn và 3 kiến tạo sau 3 trận đã chơi) và Felix phía sau Ramos, cùng sự hỗ trợ từ 2 hậu vệ cánh tấn công, là một viễn cảnh đầy thú vị. 

Sau một cú vấp ngã, Santos đã tạo nên một trong những màn trình diễn tấn công mãn nhãn nhất và đáng nhớ nhất của kỳ World Cup này bằng cách tháo bỏ đi mớ xiềng xích mang tên Cristiano Ronaldo. Và Bồ Đào Nha đã trông sáng sủa hơn nhiều khi làm vậy. 

Theo Tim Spiers, The Athletic

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.