Thể thao Việt Nam loay hoay tìm hướng đi

Tác giả Trọng Hiếu - Thứ Bảy 10/08/2024 11:00(GMT+7)

Zalo

Chứng kiến những nền thể thao khu vực Đông Nam Á liên tục gặt hái những huy chương tại Olympic là nỗi đau với thể thao Việt Nam.

454759461_812552347724856_7562482946779636364_n
 

Thất bại không bất ngờ

Với những người theo dõi thể thao lâu năm, cơ hội giành huy chương của Việt Nam tại Olympic Paris 2024 không khó dự đoán. Trịnh Thu Vinh, xạ thủ nhận nhiều chú ý, chính là kỳ vọng lớn nhất của Việt Nam tại đấu trường kỳ này. Tuy nhiên, VĐV sinh năm 2000 dù rất nỗ lực, nhưng chỉ có thể xếp hạng 4 nội dung 10m súng ngắn hơi nữ, cho thấy trình độ so với những đối thủ cạnh tranh vẫn còn khoảng cách lớn.

Bắn súng chính là môn thể thao đem lại vinh quang rực rỡ cho Việt Nam tại Olympic Rio 2016, với 1 tấm HCV và 1 HCB của Hoàng Xuân Vinh. Nhưng sau 8 năm, Việt Nam không có cái tên nào đủ sức cạnh tranh với thế giới.

Thể thao Việt Nam loay hoay tìm hướng đi 1
Niềm hy vọng Trịnh Thu Vinh không thể đem về tấm huy chương Olympic 2024

Cách đây 10 tháng, tình trạng tương tự cũng diễn ra tại ASIAD 19 ở Hàng Châu, Trung Quốc. Phạm Quang Huy giành HCV 10m súng ngắn hơi nam và sau đó được bình chọn là VĐV tiêu biểu của năm 2023. Tuy nhiên, VĐV quê Hải Phòng thực chất đã vượt mong đợi với tấm HCV đầy bất ngờ này, bởi anh không phải cái tên được mong chờ giành vàng. Quang Huy chút nữa không có tên trong danh sách lên đường tập huấn ở Hàn Quốc trước giải. Hai tấm HCV còn lại của ASIAD 19 là quyền biểu diễn Karate có 4 quốc gia Đông Nam Á tham dự, và Cầu mây nữ khi Thái Lan rút khỏi nội dung.

Trở lại với sân chơi Olympic, cách đây 3 năm, số lượng VĐV Việt Nam dự giải ở Tokyo là 18 người. Năm nay, con số này giảm xuống còn 16. Ít VĐV tham dự Olympic, đương nhiên thể thao Việt Nam rất khó để tìm kiếm cơ hội cạnh tranh. Hai kỳ SEA Games liên tiếp đứng ngôi vị cao nhất không nói lên điều gì.

Việt Nam gắn với con số 6 so với các quốc gia Đông Nam Á. Số lượng VĐV Olympic, số HCV ASIAD, số huy chương Olympic đều hạng 6 Đông Nam Á, kém những Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia và Singapore.

Trinh Van Vinh Olympic 2024
Thêm một kỳ Olympic thất bại, nhưng không bất ngờ

Loay hoay tìm hướng đi

Công thức chung với những nền thể thao vùng trũng như Đông Nam Á, đó là tập trung vào những môn thể thao chia hạng cân như võ, cử tạ để giới hạn số lượng đối thủ, từ đó gia tăng cơ hội giành huy chương. Bên cạnh đó, nâng cao những môn thế mạnh, vốn không quá đòi hỏi thể hình, thể lực. 3/6 huy chương Olympic của Singapore đến từ bóng bàn, Thái Lan có 40/41 huy chương từ cử tạ, boxing, taekwondon. Tương tự là Philippines với 12/18 huy chương từ cử tạ, boxing, Malaysia có 11/15 huy chương từ cầu lông, Indonesia có 30/40 huy chương từ cầu lông, cử tạ.

Với Việt Nam, 5 huy chương Olympic đến từ 3 môn thể thao, với tổng cộng 4 VĐV. Thật khó để kết luận thế mạnh của Việt Nam là gì. Không quá khi cho rằng, những tấm huy chương quý giá này đều đến từ nỗ lực cá nhân của các VĐV, hơn là thành quả từ một kế hoạch rõ ràng, dài hạn. Nhìn vào sự thành công của những người hàng xóm trong khu vực, Việt Nam càng cho thấy ta chưa có hướng đi đúng đắn. 

Thái Lan đã đầu tư cho hạng cân thấp nhất của Taekwondo (49kg) từ lâu và đã giành huy chương Olympic, cho đến khi Panipak Wongpattanakit xuất hiện và thống trị thế giới với lợi thế từ đôi chân. Tương tự có thể kể đến Singapore, đất nước dù chưa đột phá tại Olympic, nhưng đầu tư bơi lội làm nền tảng và có đỉnh cao với tấm HCV 100m bơi bướm nam 2016 của Joseph Schooling khi đánh bại huyền thoại Michael Phelps. Một nền tảng vững chắc, cộng thêm kế hoạch đầu tư và nỗ lực tìm kiếm những cá nhân xuất sắc đã đem tới những thành quả to lớn.

Thể thao Việt Nam loay hoay tìm hướng đi 2
Panipak Wongpattanakit bảo vệ thành công HCV Olympic hạng cân 49kg taekwondo
Thể thao Việt Nam loay hoay tìm hướng đi 3
Carlos Yulo cạnh tranh sòng phẳng với các VĐV thể dục dụng cụ hay nhất thế giới

Carlos Yulo là một trường hợp khác. Thiên tài trăm năm có một của Philippines dành 5 tháng trước Olympic để đi khắp thế giới, đến các phòng tập để học hỏi các VĐV, HLV và nâng cao độ khó trong những bài tập. Không quá khi nói một mình VĐV sinh năm 2000 đem về thành công cho cả thế hệ, bởi thể dục dụng cụ của Philippines không hề mạnh và cũng không đủ cơ sở vật chất. Năm 2019 khi đăng cai SEA Games 30, Philippines còn không cho nội dung đồng đội của thể dục dụng cụ vào thi đấu, bởi họ không có ai xuất sắc như Yulo.

Indonesia mới giành HCV lịch sử môn leo núi thể thao tốc độ trong nhà, với thông số 4 giây 75 của Veddriq Leonardo. Môn thể thao "độc, lạ" này mới xuất hiện lần đầu tiên tại Olympic Tokyo, và tới Paris 2024 có 4 nội dung trao huy chương. Xứ Vạn đảo đã "đi tắt, đón đầu" từ lâu và thể hiện rõ tiềm lực kinh tế, kế hoạch đầu tư của mình trong môn thể thao này.

Trong quá khứ, Việt Nam từng sở hữu những VĐV sáng giá của môn thể thao Olympic. Ánh Viên, Huy Hoàng cạnh tranh sòng phẳng tại châu lục và thế giới cấp độ trẻ. Nhưng một người kham quá nhiều nội dung (Ánh Viên), một người thành tích ngày càng đi xuống (Huy Hoàng) khiến Việt Nam không còn ai đua tranh. Câu chuyện người kế thừa vì vậy càng khó hơn mò kim đáy bể.

Trung Quốc sở hữu Qin Haiyang vẫn đang trong độ tuổi đỉnh cao, đã có Pan Zhanle 19 tuổi làm dậy sóng đường đua xanh với hàng loạt kỷ lục thế giới. Kim Ye Ji của Hàn Quốc mới lập kỷ lục tại giải Bắn súng thế giới hồi tháng 5, vẫn vui lòng giành HCB bởi đồng đội trẻ Oh Ye Jin xuất sắc hơn trong lần đầu tiên dự Olympic. Sóng sau xô sóng trước là chuyện hiển nhiên tại những nền thể thao hàng đầu thế giới, có nền tảng vững vàng và kế hoạch dài hạn. Nhưng nếu so các VĐV đỉnh cao thế giới như những vì sao, thì Việt Nam chỉ có pháo hoa.

Thể thao Việt Nam loay hoay tìm hướng đi 4
Thể thao Việt Nam chưa tìm ra gương mặt tiêu biểu đủ sức cạnh tranh với thế giới

Theo thống kê, kinh phí dành cho thể thao thành tích cao trong năm 2022 là hơn 686 tỷ đồng, năm 2023 là hơn 710 tỷ đồng, phục vụ các hoạt động như tiền ăn, tiền lương, chế độ, tập huấn trong nước và quốc tế, thuê chuyên gia, dinh dưỡng, thuốc bổ... Con số này kém các quốc gia trong khu vực 8-10 lần.

Thể thao Việt Nam với nguồn lực hạn chế, thực tế biết rõ câu chuyện đầu tư trọng điểm hay dàn trải, nhưng ngay cả với những VĐV mũi nhọn, ta cũng không so được về sự đầu tư với các quốc gia khác. 4 năm diễn ra một kỳ ASIAD, Olympic, nhưng cần 10 năm để chuẩn bị. Đây cũng là khoảng thời gian để đào tạo một VĐV có thành tích trong khu vực. Cùng khoảng thời gian đó, đối thủ cũng tiến lên chứ không dừng lại, vì vậy khoảng cách giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á sẽ càng bị nới rộng nếu không có sự đột phá.

Hai kỳ Olympic liên tiếp thất bại là điều được dự báo từ trước. Nếu không tìm ra một kế hoạch đúng đắn, khả năng 4 năm sau ở Los Angeles, tình hình vẫn sẽ như Tokyo, Paris, thậm chí còn tệ hơn thế.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow