Tháng 10 vừa qua, sau khi khép lại kỳ ASIAD 19 tại Hàng Châu, Trung Quốc với chỉ tiêu hoàn thành, lãnh đạo Cục TDTT Đặng Hà Việt đã gửi lời xin lỗi.
Động thái đó như để tổng kết một năm 2023 của thể thao Việt Nam, với nghịch lý dẫn đầu khu vực nhưng chìm nghỉm ở những sân chơi lớn hơn. Ông Đặng Hà Việt bày tỏ: “Dù đạt chỉ tiêu ban đầu nhưng TTVN chưa đạt thành tích như mong đợi, thay mặt Lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam tôi gửi lời xin lỗi đến NHM trong cả nước và mong rằng trong thời gian tới TTVN tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, NHM và chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu để nâng cao thành tích của TTVN”.
Tại ASIAD 19, Đoàn TTVN giành được 3 HCV, hoàn thành chỉ tiêu đặt ra trước giải là 2-5 HCV. Tuy nhiên khi đi sâu vào 3 tấm vàng các VĐV giành được, dù trân trọng nỗ lực của từng cá nhân và tập thể, nhưng chừng đó chưa đủ để thỏa mãn kỳ vọng. Đội Karate giành vàng ở nội dung quyền biểu diễn có 4 quốc gia Đông Nam Á tham dự, thiếu đội được đánh giá cao nhất là Nhật Bản. Đội Cầu mây giành vàng khi Thái Lan bỏ nội dung 4 người.
Trưởng đoàn TTVN tại ASIAD, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt trả lời truyền thông tại Hàng Châu, Trung Quốc
|
Bắn súng là một bất ngờ với cái tên Phạm Quang Huy ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam, nhưng những cái tên được kỳ vọng và có sức hút nhất của đội không phải Huy, mà là Phan Công Minh, Hà Minh Thành, Trịnh Thu Vinh. Thực tế, cầu mây và karate quyền biểu diễn là 2 tấm HCV nằm trong khả năng.
Trước đó 4 tháng, Việt Nam có lần đầu tiên dẫn đầu BXH một kỳ SEA Games tổ chức ở nước ngoài, với những niềm cảm hứng đến từ Nguyễn Thị Oanh (giành 2/4 HCV trong 20 phút đỉnh cao), bóng rổ nữ 3x3, golf, các VĐV thể dục dụng cụ hay ĐT nữ Việt Nam bảo vệ HCV trên đất Campuchia. Tới ASIAD ở Hàng Châu, Trung Quốc, đoàn TTVN giành được 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, xếp ở vị trí thứ 21 trên bảng tổng sắp huy chương và không thể nở nụ cười nếu nhìn vào bước tiến của các quốc gia trong khu vực.
Chúng ta kém xa Thái Lan, quốc gia giành 12 HCV và đứng hạng 8 chung cuộc. Tính riêng các nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6 sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore, chỉ hơn các đoàn Myanmar (1 HCV), Brunei, Lào, Campuchia và Timor Leste (không có HCV nào).
Trong số huy chương các VĐV giành được, Nguyễn Huy Hoàng thất bại ở nội dung được kỳ vọng 1500m nam, nhưng gây bất ngờ ở cự ly 400m và 800m – nội dung đạt chuẩn A và đem về chiếc vé dự Olympic. Ngoài ra là tấm HCB nội dung Vòng treo (thể dục dụng cụ) của Nguyễn Văn Khánh Phong. Còn lại, các niềm hy vọng từ Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thật, đội điền kinh tiếp sức nữ 4x400m đều không đạt thành tích cao. Hầu hết các VĐV Việt Nam đều bị loại sớm hoặc thua cách biệt ở vòng thi chung kết, trong khi ĐT bóng đá nam và nữ loại từ vòng bảng.
Xạ thủ Phạm Quang Huy đem về tấm HCV ASIAD cho Việt Nam
|
Hiện tại, thể thao Việt Nam dường như không có cái tên nào mang tính biểu tượng, kiểu như nữ thần làng bơi Trung Quốc Zhang Yufei với 6 HCV, MVP của ASIAD. Nếu so với đất nước tỷ dân là quá tầm, chân chạy Veronica Shanti người Singapore giành HCB nội dung 100m nữ, HCV lịch sử nội dung 200m nữ là điều để lại nhiều suy ngẫm với điền kinh Việt Nam. Mới trước đó 4 năm, Veronica thất bại trước Lê Tú Chinh ở cả 2 nội dung này tại đấu trường SEA Games lần thứ 30 (năm 2019).
Năm nay, Phạm Quang Huy với tấm HCV bắn súng ASIAD được bình chọn là VĐV tiêu biểu toàn quốc. Nhưng như đã nói, xạ thủ Hải Phòng không phải người được kỳ vọng nhất để giành vàng. Trước giải, anh thậm chí suýt không có tên trong danh sách lên đường tập huấn ở Hàn Quốc.
Điều đáng buồn, việc thống trị đấu trường SEA Games 2 kỳ gần nhất nhưng kém xa các nước ở ASIAD lại là vấn đề… nằm trong dự đoán của thể thao Việt Nam.
Để có thể cạnh tranh ở đấu trường xa hơn khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang thiếu 2 yếu tố cơ bản. Đầu tiên là… tiền đâu. Theo thống kê, kinh phí dành cho thể thao thành tích cao trong năm 2022 là hơn 686 tỷ đồng, năm 2023 là hơn 710 tỷ đồng, phục vụ các hoạt động như tiền ăn, tiền lương, chế độ, tập huấn trong nước và quốc tế, thuê chuyên gia, dinh dưỡng, thuốc bổ...
Một lãnh đạo Cục TDTT cho rằng với sự đầu tư như vậy, việc đòi hỏi phải có thành tích ở ASIAD hay Olympic là cực khó. Để có nhiều VĐV tranh tài ở Olympic và có huy chương, từ nay tới năm 2030 cần phải huy động khoảng… 6 nghìn tỷ đồng.
Thứ hai là hệ thống đào tạo nhân tài của Việt Nam giống đãi cát tìm vàng, không có sự đồng bộ giữa các địa phương. Quá trình này tiêu tốn nhiều thời gian, bởi cần 10 năm mới có thể đào tạo ra một VĐV tiềm năng cạnh tranh huy chương.
TTVN còn nhiều điều phải làm để hướng đến đấu trường quốc tế
|
Theo báo cáo của Cục TDTT, thể thao Việt Nam hướng đến giải đấu quan trọng nhất năm 2024 là Olympic Paris, với mục tiêu giành 15-18 suất tham dự giải sắp tới, và trên 20 suất cho Olympic 2028. Để so sánh, Việt Nam có 18 suất dự Olympic Tokyo 2020 (tổ chức năm 2021), nghĩa là mục tiêu năm tới chỉ là… cân bằng con số này.
Ngay ở thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc giành vé dự Olympic Paris 2024 khi mới có 3 suất chính thức thông qua hệ thống phân loại của Uỷ ban Olympic Quốc tế. Đó là các VĐV Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng (bơi) và Trịnh Thu Vinh (bắn súng). Những VĐV khác đang chật vật trong cuộc đua giành thêm suất cho đoàn Việt Nam, trong những môn trọng điểm được kỳ vọng như điền kinh, boxing, cử tạ, đấu kiếm, vật, judo, taekwondo,…
Xa hơn, Việt Nam hướng đến mục tiêu giành 6 HCV tại ASIAD 2026, 7-8 HCV tại ASIAD 2030. Tại SEA Games, đoàn thể thao Việt Nam muốn duy trì Top 3 trong 3 kỳ Đại hội sắp tới vào các năm 2025, 2027 và 2029. Còn tại Olympic, như đã nói, các VĐV Việt Nam cần phải giành thêm nhiều suất dự giải, trước khi hướng đến mục tiêu cạnh tranh huy chương ở giải thể thao lớn nhất thế giới.