Võ thuật Việt Nam vượt trội tại SEA Games 32

Các bộ môn võ thuật tại SEA Games 32 đã mang về phân nửa số HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam, thể hiện sự áp đảo của võ thuật Việt Nam ở đấu trường khu vực.

Thống kê thuyết phục

Chủ nhà SEA Games năm nay đưa vào nội dung thi đấu 13 môn võ thuật khác nhau. Theo thống kê từ BTC, Đoàn Thể thao Việt Nam giành được tổng cộng 62 HCV từ 13 môn võ, tức chiếm gần một nửa số HCV của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games năm nay (136).

Cụ thể, thành tích các môn võ của Thể thao Việt Nam năm nay là: kun bokator (6 HCV), judo( 8 HCV), jujitsu (1 HCV), karate (6 HCV), kick boxing (4 HCV), boxing (2 HCV), pencak silat (4 HCV), taekwondo (4 HCV), vật (13 HCV), arnis (2 HCV), kun khmer (5 HCV), vovinam (7 HCV) và wushu (6 HCV).

Vật cũng là một trong ba môn mang nhiều HCV nhất cho Thể thao Việt Nam ở SEA Games 32. Thành tích của bộ môn này chỉ kém lặn (14 HCV) và hơn điền kinh (12 HCV).

Bui Tien Hai HCV vat 60kg
Vật mang về 13 HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games 32

Thành tích của võ thuật Việt Nam tại SEA Games 32 bỏ xa con số 48 HCV của chủ nhà Campuchia. Trong khi đó, Thái Lan và Indonesia chỉ giành được lần lượt 35 và 33 HCV từ 13 môn võ tại SEA Games 32.

Cũng trong số 13 môn võ tranh tài tại SEA Games 32, Đoàn Thể thao Việt Nam dẫn đầu ở 4 bộ môn, gồm có: judo, karate, vật và wushu. Ở hai môn võ cổ truyền của chủ nhà là Kun Khmer và Kun Bokator, các võ sĩ Việt Nam cũng chỉ chịu xếp sau Campuchia với lần lượt 5 và 6 HCV (so với 14 và 8 của Campuchia).

Bokator
Nguyễn Thị Thanh Tiền (quần đỏ) giành HCV cảm xúc ở bộ môn Kun Bokator

Những thắng lợi ấn tượng

Những quy định khắt khe từ phía chủ nhà ảnh hưởng đáng kể tới quá trình chuẩn bị của Thể thao Việt Nam và các võ sĩ cũng không ngoại lệ. Đáng nói nhất phải kể tới việc bổ sung hai môn võ cổ truyền của Campuchia là Kun Khmer và Kun Bokator vào nội dung thi đấu.

Đây là hai bộ môn xa lạ tại Việt Nam, lẽ đó, những võ sĩ tham gia tranh tài ở hai môn này tại SEA Games 32 đều là những VĐV "tay ngang". Mặc dù vậy, chính những võ sĩ "tay ngang" ấy đã tạo ra không ít bất ngờ và giành vàng cho Việt Nam.

Bokator
Phạm Thị Phượng nằm trong số những VĐV "tay ngang" giành HCV tại SEA Games 32

Trường hợp của võ sĩ Phạm Thị Phượng là một ví dụ. Cô là một VĐV võ cổ truyền và mới chỉ tập Kun Bokator được trên dưới 3 tháng trước thềm SEA Games. Tuy vậy, ở chung kết, võ sĩ này dễ dàng áp đảo VĐV chủ nhà để mang về tấm HCV hạng cân 45 kg nữ. Sau vỏn vẹn 2 tháng tập luyện, Kun Bokator Việt Nam giành 60% số HCV.

Tấm HCV của Bùi Yến Ly ở bộ môn Kun Khmer cũng để lại nhiều ấn tượng. Võ sĩ quê Bắc Giang vốn được biết đến là "độc cô cầu bại" ở bộ môn Muay Thái và ở giải đấu năm nay, cô tiếp tục giành vàng ở Kun Khmer.

Được biết, Yến Ly đã phải thay đổi cách đánh của mình rất nhiều để có thể thi đấu tốt ở bộ môn mới. Những đòn gối và cú đá "thương hiệu" của Yến Ly đã không còn xuất hiện nhiều, thay vào đó là đòn trỏ và đòn tay. Ở chung kết, dù không bung hết sức nhưng tay đấm sinh năm 1995 vẫn giành chiến thắng áp đảo trước tay đấm chủ nhà.

Bui Yen Ly
Bùi Yến Ly giành HCV Kun Khmer sau thắng lợi dễ dàng ở chung kết

Bên cạnh thành tích của Bùi Yến Ly hay Phạm Thị Phượng, võ thuật Việt Nam cũng chứng kiến không ít tấm HCV ấn tượng khác. Đó là Đinh Thị Hương tăng 11 kg trong vòng hai tuần để giành HCV karate ở hạng cân mới. Đó là chiến thắng của tuyển Judo trước dàn VĐV nhập tịch của tuyển Thái Lan hay chiến thắng knock out của Bùi Phước Tùng ở chung kết boxing hạng cân 71 kg nam.

Thành tích của võ thuật Việt Nam tại SEA Games 32 là lời khẳng định cho năng lực của các võ sĩ Việt Nam ở đấu trường khu vực. Con số 62 HCV cũng minh chứng cho khả năng thích nghi của võ thuật Việt Nam trước những khó khăn chủ quan và khách quan để mang vinh quang về cho Tổ Quốc. 

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục