Tấm huy chương của SEA Games 32 chỉ nhỏ như lòng bàn tay của các VĐV nhưng gói ghém trong đó là mồ hôi, nước mắt và cả những câu chuyện dài.
Tăng 11 kg trong hai tuần để giành vàng SEA Games
Ở lần thứ ba tham dự SEA Games, võ sĩ Đinh Thị Hương cuối cùng cũng được tận hưởng cảm giác giành HCV. Giống bao VĐV khác, hành trình tới tấm HCV SEA Games 32 của Đinh Thị Hương không đơn giản. Cô đã phải tăng 11 kg trong vòng 2 tuần để đáp ứng yêu cầu thi đấu, trước là để phục vụ giải châu Á, sau là để chuẩn bị cho SEA Games 32.
"Tôi rất vui với tấm HCV SEA Games này. Hai kỳ đại hội trước, khi thi đấu ở hạng cân dưới 50 kg, tôi không thể vô địch. Tới mùa giải năm nay, tôi đã đăng ký thi đấu ở hạng dưới 68 kg. Để đáp ứng điều kiện về cân nặng, trong vòng hai tuần, tôi đã phải tăng từ 50 kg tới 61 kg.
Với VĐV, việc ép (giảm) cân hay tăng cân đều là thử thách hết sức nặng nề. Thậm chí, đã có thời điểm tôi cảm thấy dạ dày của mình không thể chịu nổi áp lực của việc ăn uống."
Võ sĩ Đinh Thị Hương nhờ đồng đội tô son trước khi trả lời phỏng vấn
|
Phụ nữ theo nghiệp thể thao luôn phải chịu nhiều thiệt thòi, nhất là ở bộ môn đối kháng như karate. Từ việc tăng giảm cân tới những vết thương trong quá trình luyện tập. Tấm HCV của Hương là thành quả của những vết bầm tím, những đòn đánh trong các buổi tập. May sao, những nỗ lực ấy đã được đền đáp một cách xứng đáng.
Rời khỏi sàn đấu, những võ sĩ như Hương trở lại với hình ảnh một người phụ nữ điển hình. Sau trận chung kết, cô vẫn bình tĩnh nhờ đồng đội tô son cho mình trước khi trả lời phỏng vấn, vẫn khẳng định mình "tự hào là người Việt Nam" khi được hỏi về cảm xúc lúc đó.
Vượt qua chính mình
Sau khi giành HCV nội dung 200m hỗn hợp nam, kình ngư Trần Hưng Nguyên thẳng thắn cho biết: "Với tôi, điều khó khăn nhất là vượt qua chính mình. Người ta luôn nói rằng người hạng nhất có hàng nghìn đối thủ còn người hạng nhì chỉ có một đối thủ, chính là người hạng nhất. Vì thế, tôi phải vượt qua cái bóng của mình đầu tiên."
"Vượt qua chính mình", như trong lời chia sẻ của Hưng Nguyên, không đơn thuần là cải thiện thành tích của bản thân. Đó còn là hành trình vượt qua ám ảnh của thất bại để có thể chinh phục những đỉnh cao mới. Và đó cũng là câu chuyện của ĐT bóng rổ 3x3 nữ Việt Nam.
Tuyển bóng rổ nữ Việt Nam giành chức vô địch lịch sử
|
Còn nhớ, ở giải đấu năm ngoái, những cô gái của tuyển Việt Nam đã giành tấm HCB lịch sử cho bóng rổ nước nhà ở một kỳ SEA Games. Tuy vậy, thất bại trước Thái Lan ở chung kết vẫn để lại nhiều niềm tiếc nuối. Nếu trận đấu đó, nếu Huỳnh Ngoan và đồng đội ném phạt tốt hơn, mọi thứ có thể đã khác.
Năm nay, đoàn quân của HLV David John Grince lần lượt vượt qua mọi khó khăn chủ quan và khách quan để lên ngôi vô địch. Ở bán kết và chung kết, những tay ném của Việt Nam không mắc bất cứ sai lầm nào trên vạch ném phạt và trái ngọt là chức vô địch SEA Games lần đầu trong lịch sử.
Để có thể vượt qua Philippines ở chung kết, Huỳnh Ngoan đã phải nén đau để thi đấu sau chấn thương ở bán kết. Tiểu Duy cũng phải vượt qua cái bóng phải thay thế được vị trí của Trần Thị Anh Đào. Quan trọng hơn, cả đội đã phải vượt qua nỗi ám ảnh của thất bại cách đây 1 năm để giành vàng đầy ngạo nghễ.
Vạch ném phạt không còn ám ảnh ĐT bóng rổ nữ Việt Nam
|
Hơn cả những tấm huy chương
Hai câu chuyện được nhắc đến ở trên chỉ là lát cắt nhỏ trong hành trình khổ luyện giành vàng của bất cứ VĐV nào. Vinh quang trong thể thao không giành cho tất cả, người hâm mộ chỉ nhớ tới người vô địch và thời gian sẽ làm lãng quên kẻ về nhì. Nhưng thể thao cũng rất công bằng, mọi nỗ lực của VĐV vẫn sẽ được ghi nhận.
Marathon là bộ môn dễ dàng tiếp cận với đại chúng nhất, nhưng cũng là môn kén người chơi nhất. Tại SEA Games 32, người hâm mộ có thể cảm nhận được sự khắc nghiệt của đường chạy 42km. Không ít VĐV đã phải bỏ cuộc trước sức nóng cháy da của Siem Reap.
Đường chạy marathon chứng kiến không ít VĐV ngã gục
|
Cũng tại đường chạy ấy, người hâm mộ chứng kiến Odekta Elvina của Indonesia gục ngã, phải thở oxy ngay trên vạch đích. Hai VĐV Việt Nam, Lê Thị Tuyết cùng Nguyễn Thị Ninh cũng nỗ lực hoành thành chặng đua, bất chấp việc kiệt sức khi chạm tới vạch đích.
Kể cả khi không thể về đích ở vị trí dẫn đầu, bất cứ chân chạy nào hoàn thành quãng đường đều xứng đáng nhận được những lời ngợi khen, xứng đáng với một tấm huy chương cho nỗ lực, cho tinh thần không bỏ cuộc.
Câu chuyện các nước chủ nhà cố gắng tạo lợi thế ở những kỳ SEA Games nhằm "vơ vét" huy chương là đề tài được bàn tán sôi nổi mỗi mùa đại hội. Campuchia năm nay cũng không ngoại lệ, từ việc bổ sung nhiều môn thể thao "lạ" vào nội dung thi đấu, tới việc ra quy định ngặt nghèo nhằm hạn chế sức mạnh đối thủ.
Cũng vì lí do đó mà SEA Games thường bị nhắc tới với cụm từ "ao làng" một cách đầy mỉa mai. Nhưng dưới tư cách một VĐV, khi khoác lên mình màu cờ sắc áo quốc gia, tất cả những khái niệm như "ao làng" sẽ không còn tồn tại. Thay vào đó, tinh thần quyết tâm và giành chiến thắng là thứ tồn tại duy nhất!