Ludwig van Beethoven viết ra bản Sonata Ánh trăng với cảm hứng từ một tình cảm nam nữ không thể kìm nén với một cô học trò 17 tuổi. Tình cảm của ông đọng đầy tới mức vỡ oà, thúc bách vào lồng ngực hàng ngày hàng giờ như muốn phát ra thành lời nói và hành động. |
Bản Sonata Ánh trăng không cần đến chương Bốn đâu |
Để rồi hình hài bản Sonata Ánh trăng đã đọng trên những khuông nhạc và phím đàn cho tới ngày hôm nay. Không cần ca từ nào được phát ra để một hình hài, một chặng đời, những ve vãn xúc cảm, xác thịt có, tâm hồn có được lưu giữ ở đó cho tới ngàn đời. Sonata Ánh trăng là bản nhạc phá vỡ gần như hoàn toàn mọi quy tắc chuẩn chỉnh của âm nhạc hàn lâm thời bấy giờ. Đã có những nhạc sĩ muốn đi ngược số đông, nhưng họ không thể làm được như Beethoven.
Diego Simeone và Atletico Madrid không thể sống mà không có nhau. Thay vì những nốt nhạc dòng chữ, HLV người Argentina bộc phát cái tình cảm rực lên trong lồng ngực mình bằng những lần la hét ngoài đường biên, những pha ăn mừng đầy cảm xúc. Và hơn thế là bản sắc lỳ lợm, phòng ngự phản công đi ngược số đông của Simeone. Simeone đi ngược số đông? Jose Mourinho hay Massimiliano Allegri cũng sống trên hơi thở của hàng phòng ngự cơ mà? Đúng, Simeone không phải người đầu tiên cắt phần cái sân vận động ra thành vài miếng để phòng thủ khu vực và pressing. Nhưng trước Mourinho ở Man Utd, chưa có ai trong thế kỷ XXI đủ khả năng giúp đội bóng của mình chơi phòng ngự vừa thông minh và vừa cảm xúc.
Định nghĩa bóng đá hiện đại đánh đồng cảm xúc và tấn công đẹp mắt, nhưng Simeone được yêu hết lòng ở Vicente Calderon lại vì bức tường chắn toàn bộ khu vực phòng ngự số 3 trước mặt Jan Oblak, vì những free space ông cố tình hào phóng bày ra trước mắt đối thủ cuối cùng cũng chỉ là miếng khổ qua quá hạn đắng ngắt. Hãy tưởng tượng bạn là đối thủ của Simeone. Bạn định đưa bóng ra biên khi bộ đôi hậu vệ cánh đã bó vào trong để bọc lót sẵn cho các trung vệ, sau đó chuyền vào sát vòng 5m50 là xong? Đúng đấy, trên TV thì có vẻ là như vậy. Còn ở ngoài đời, không có Benzema thì bạn không làm được điều ấy đâu. Nếu không có một giây phút xuất thần của một cá nhân, bạn sẽ bị chặn lại ở đâu đó. Hoặc mất bóng ở rìa vòng cấm với hai hậu vệ mặc áo đỏ trắng vây ráp. Hoặc tạt vào trong và bị Godin bật cao hoá giải. Hoặc là chạy về tuyến 2 nhằm ăn sút xa thì thấy Gabi đã đứng đó từ đời nào.
|
Hi vọng nhen nhóm khi Griezmann thành công trên chấm phạt đền |
***
Bản Sonata Ánh trăng dài ba chương. Chương 1, Adagio sostenuto ở cung đô thăng thứ mang giai điệu nhẹ nhàng, tình cảm. Chương 2, Allegretto, cung Rê giáng trưởng lại đầy vui tươi. Và ở chương 3, Presto Agitato, bản nhạc trở nên mạnh mẽ, cháy như lửa tình trong tâm trí.
Chặng đường của Simeone ở Atletico Madrid đang ở chương thứ 3. Chặng 1 là từ tháng 12/2011 đến hết mùa 2011/12. Simeone đến và tiếp nhận một tập thể tầm trung, giỏi tấn công hơn phòng ngự. Thẳng thắn mà nói, vào lúc đó chẳng mấy người ủng hộ Los Rojiblancos mơ về chức vô địch La Liga hay Champions League. Thỉnh thoảng là tấm vé đi châu Âu, còn không thì "những người chế tạo nệm" cứ bình bình ở giữa BXH là được rồi. HLV người Argentina đến với danh xưng một cựu cầu thủ, một HLV giỏi. Ông bắt đầu gây dựng lối chơi chia nửa sân nhà thành 4 phần. Ai cũng có triết lý của mình. Bên cốc bia, người hâm mộ Atleti xem những trận đấu của đội nhà, cổ vũ hết mình qua từng trận. Họ ủng hộ Simeone mà không cần phải tham vọng như gã hàng xóm áo trắng. Giai đoạn này vẫn còn nhẹ nhàng lắm, vì Atleti đã thoát ra khỏi vị thế của một ngựa ô trường kỳ đâu.
Giai đoạn 2 của sự vui tươi ập tới nhanh đến mức chóng mặt. Mùa giải 2012/13, đội chủ sân Vicente Calderon hình thành toàn vẹn phong thái thi đấu. Họ thổi vào La Liga một niềm vui. Barca và Real phải chịu sự bám đuổi khó chịu của một kẻ như thể từ dưới đất chui lên. Atletico ở đâu ra vậy, mà có thể dai dẳng theo sau, với một lối chơi phòng ngự đĩnh đạc như vậy, nhất là trước các ông lớn? Họ ở đâu ra vậy để có thể đá tấn công át vía trước các đội chỉ một năm trước vẫn còn là những đối thủ cùng tầm? Vicente Calderon lột xác, tràn ngập không khí của sự vui tươi và niềm tin. Họ chứ không phải ai khác sẽ phá vỡ thế thống trị nhàm chán của hai ông kẹ Barcelona và Real Madrid.
Một năm sau đó khởi đầu cho chương 3 mà Simeone vẫn đang tận hưởng cho tới lúc này. Presto Agitato ở Vicente Calderon được nâng lên đỉnh điểm của sự mạnh mẽ, cuồng nhiệt. Lối chơi của Atletico không còn dừng ở mức phong thái, mà đã được nâng lên thành bản sắc. Mồ hôi rơi, máu đổ, những cái nắm tay hướng về khán đài. Atletico vô địch La Liga bằng khí chất của một ông lớn. Một ông lớn không cần nhiều tiền để làm thương trường phải điên lên vì mình. "Đại gia với túi tiền gần rỗng" đi tới chung kết Champions League. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, nhiều người phải đặt Atletico trên Real. Không phải vì Atletico mạnh hơn, mà vì họ là khắc tinh của bầy Kền kền trắng.
Và nếu không có cú đánh đầu oan nghiệt của Sergio Ramos (đương nhiên, oan nghiệt ở đây là dưới góc nhìn của những người yêu Atletico), Simeone đã đưa tập thể "bình thường" của ông lên đỉnh cao châu Âu rồi. Từng thước phim quay lại cách mà Los Rojiblancos thi đấu ở mùa giải đó đều có thể đi kèm với những nốt nhạc hào hùng, nồng nhiệt nhất. Diego Godin, tấm băng đội trưởng và khuôn miệng mở lớn chỉ đạo hàng thủ. David Villa vẫn quẩy điên cuồng trong mùa đỉnh cao gần như sau cuối. Thằng nhóc Thibaut Courtois trong khung gỗ, khuôn mặt non choẹt nhưng cách bắt đầy màu Buffon. Trong tương lai, không biết đến bao giờ Atletico mới lại có được lực lượng như thế, ở vị thế như thế, mạnh và thành công như thế.
|
Isco đã chặn đứng con đường tới trận Chung kết của Atletico Madrid |
Lại nói đến chuyện tương lai...
***
Bản Sonata Ánh trăng không cần một chương 4 để có thể trở thành huyền thoại. Nếu coi bi, hùng, tráng, kiện là 4 thành tố của một bản giao hưởng thời đó, thì Beethoven đã bỏ đi phần "bi". Thật đáng tiếc, cô học trò tuổi 17 của nhạc sĩ thiên tài đã từ chối tình cảm chân thật từ ông. Thế nhưng, Beethoven vẫn kết thúc bản Sonata theo cách nồng nhiệt và ít bi thương nhất.
Simeone có vẻ như đang bước vào chương 4 của bản Sonata tự ông viết ở Vicente Calderon. Nghiệt ngã quy luật cuộc đời, khi bạn càng lên cao, cuộc sống càng đòi hỏi nhiều ở bạn. Cách đây 3 năm, vào Bán kết Champions League vượt qua tầm giấc mơ đẹp đẽ nhất của những người làm nệm thành Madrid. Ở năm 2017, khi bị loại bởi đội bóng mạnh nhất châu Âu Real Madrid, cả Atleti và Simeone tự cho mình quyền được buồn và thất vọng.
Khi đã ở đẳng cấp này rồi, hãy thừa nhận những ngày buồn rồi sẽ nhiều hơn những ngày vui với Atletico Madrid nếu như Simeone còn ngồi ở đó. Los Rojiblancos có còn bé nhỏ như ngày nào đâu để mà vui với những thành tích lọt top 3 hay vào Bán kết. Cũng giống như học sinh trung bình thì ao ước được học sinh khá, học sinh giỏi thì coi thành tích khá như một thất bại. Cái danh xưng semi finalist có còn khuấy động Calderon như ngày nào? Nếu không, thì hãy để bản Sonate Simeone kết thúc ở đây. Sự thật đã chỉ ra rằng Atletico giờ đây như thể ở nhóm B châu Âu, tiệm cận nhóm A với những Real, Bayern, Barca và Juve. Để thu ngắn khoảng cách tiệm cận đó, họ cần một lực lượng mới. Godin, Gabi và Torres đã già. Carrasco, Griezmann hay Gameiro vẫn cần một chỉ huy xuất sắc hơn...
|
Cơn mưa tầm tã trong ngày thua cuộc |
Việc thanh lọc lực lượng đó cần thời gian và tiền. Triết lý của Simeone có thể kéo Atleti từ tầm khá lên giỏi, còn giỏi lên xuất sắc có lẽ cần một người khác. Nếu Simeone ở lại, cũng được thôi, nhưng liệu mấy ai cố gắng đi qua được chương 4 của sự buồn bã để rồi đi đến chương 5, hồi sinh? Nhất là trong guồng quay hối hả của bóng đá hiện đại, chắc gì cái chương 5 ấy đã được viết. Há chẳng phải bản Sonata ấy nên dừng ở sự hào hùng, thay vì sự bi thương đầy tính đánh cược?
Arsene Wenger đã từng làm được như Simeone. Không, nói đúng hơn là hơn Simeone nhiều. Nhưng Giáo sư đã biến chương 5 của Pháo thủ từ Hồi sinh thành Mỏi mệt. Đừng để cho tượng đài Simeone ở Atletico Madrid trở thành như thế. Đây đã là thời điểm đẹp để một câu chuyện tình khép lại một cách trọn vẹn. Vì Beethoven và Simeone đều chỉ khắc hoạ đẹp nhất sản phẩm của mình ở chương 3!
TEDDY (TTVN)