Freddy Adu: Bi kịch của cậu bé đóng vai “thiên tài” (P1)

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Tư 11/09/2019 15:54(GMT+7)

Zalo

Nếu Freddy Adu của ngày đó có ở bên cạnh Freddy của ngày hôm nay, một chàng trai đã đi qua biết bao nhiêu thăng trầm, trắc trở của sự nghiệp, và nhận được những lời khuyên bảo rút ra được từ cái cuộc đời đầy uổng phí kia, có lẽ cậu sẽ phát triển theo một hướng hoàn toàn khác.

Một buổi tối thứ sáu hồi cuối tháng trước, sau một cơn mưa, Freddy Adu lái chiếc xe Cadillac màu đen của mình vào một bãi đậu xe trong khu phố Locust Point ở Nam Baltimore. Anh đi bộ đến một sân bóng, nơi mà một vài cậu bé khoảng chừng 13 tuổi mặc những chiếc áo đỏ và trắng đang tập sút bóng. “Freddy kìa bọn mày!” một đứa trong đám trẻ kêu lên. “Hey, Freddy!”
 

Freddy Adu Bi kịch của cậu bé đóng vai thiên tài hình ảnh
 
Ngay lập tức, Freddy đã nhập hội cùng bọn trẻ. Mỗi đứa sẽ lần lượt thực hiện một đường chuyền đến anh và sau đó chạy nước rút về phía bên phải. Với một cú chạm bóng tinh tế, Adu đã đưa quả bóng bay đến hướng chạy của chúng. “Ngay phía trước nhóc đấy,” Adu kêu to. “Không quá xa đâu. Chạy hết tốc lực đi, Kevin. Chạy đến quả bóng đi, và sút.” 
 
Dù cho đã không còn khoác áo bất kì một đội bóng hàng đầu nào tại bất cứ nơi đâu trong suốt 7 năm qua, nhưng Adu vẫn là một trong những cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất ở Mĩ. Các fan hâm mộ của môn thể thao vua trên khắp đất nước này đều biết đến tên anh. Nếu bạn không phải là một tín đồ của môn thể thao này, anh có thể sẽ là cầu thủ bóng đá người Mĩ duy nhất mà bạn biết đến. 
 
Adu chính là một hiện tượng đã đưa nền bóng đá Mĩ ra khỏi bóng tối và được biết đến trên toàn thế giới. Vào 2004, ở tuổi 14, anh bắt đầu chơi cho D.C. United tại Major League Soccer. Anh đóng vai chính trong một đoạn quảng cáo cho dòng sản phẩm Sierra Mist của Pepsi cùng với Pelé, người ta đã so sánh Adu với Mozart.

Anh đã ký hợp đồng với Nike. Anh đã tham gia vào chiến dịch quảng cáo “Got Milk?”. Hình ảnh của anh xuất hiện trên một hộp ngũ cốc và trên bìa của tạp chí Time. Vào năm 2006, anh tham gia tập luyện chung cùng Manchester United, một trong những câu lạc bộ xuất sắc nhất thế giới. Tất cả những chuyện đó đã diễn ra từ nhiều năm trước, nhưng cho đến tận bây giờ, hình ảnh của Adu vẫn xuất hiện tại các sân bay. 
 
“Không phải tất cả mọi người đều đã lãng quên cậu ấy,” Tommy Olsen, người đồng đội đã sát cánh cùng Adu vào mùa hè năm ngoái trong máu áo Las Vegas Light tại giải hạng hai nước Mĩ, United Soccer League Championship, cho biết. “Mọi người vẫn biết rõ cậu ấy là ai.”
 
Freddy Adu: Bi kich cua cau be dong vai thien tai2
 
Tuy nhiên, với tư cách là một cầu thủ, sự nghiệp của Adu đã không thành công như mọi người mong đợi. Anh đã từng được đánh giá là sẽ trở thành một “Pele mới” của thế giới bóng đá. Thế nhưng, thay vào đó, anh lại trở thành một kẻ du mục, “lang thang” khắp thế giới để tìm kiếm một đội bóng mà mình có thể tỏa sáng. Trong 13 năm kể từ khi rời D.C. United, anh đã chơi cho 13 đội bóng khác nhau. Hai trong số đó là Philadelphia và Real Salt Lake, thi đấu tại MLS. Hai cái tên khác chính là hai câu lạc bộ hàng đầu của bóng đá châu Âu: Benfica của Bồ Đào Nha và AS Monaco của Pháp. Hầu hết những đội bóng còn lại đều là những cái tên mà các cầu thủ chỉ miễn cưỡng đặt chân đến khi họ không còn nơi nào khác để đi.
 
Adu đã thi đấu cho Aris ở Hy Lạp và Rizespor ở Thổ Nhĩ Kỳ. Anh đã chơi một trận cho một đội bóng ở Serbia. Anh đã khoác áo hai đội bóng KUPS và KuFu-98 ở Phần Lan. Anh đã đến Brazil chỉ để chơi hai trận đấu. Anh gia nhập đội bóng Tampa Bay và chơi tại một giải đấu nhỏ tên là NASL. Anh đã thất bại trong những cuộc thử việc với Blackpool ở Anh và Stabaek ở Na Uy, tiếp đó là AZ Alkmaar ở Hà Lan và Portland Timbers ở MLS.

Anh bay đến Ba Lan để ký vào một bảng hợp đồng và rồi nghe được rằng, ban lãnh đạo đội bóng kia đã mang anh về mà không có sự đồng ý của vị huấn luyện viên. Adu đã cố gắng tránh nói về những năm tháng mà anh lang bạt hết từ đội bóng này sang đội bóng khác để rồi cuối cùng ra đi với nỗi thất vọng tột cùng. “Chỉ có cách là bị mất trí nhớ thì tôi mới có thể thôi tự hành hạ bản thân mình sau chừng ấy chuyện đã trải qua.” Anh tâm sự.
 
Anh đã kết thúc khoảng thời gian thi đấu cho Las Vegas Light vào năm 2018, một quyết định được đưa ra như một phương sách cuối cùng. Đội bóng này đã từng là một cơ hội để anh có thể hồi sinh sự nghiệp của mình ở tuổi 28. Thế nhưng, cái giấc mơ đó cũng đã vụn vỡ thêm một lần nữa. “Các cổ động viên sẽ hô vang tên cậu ấy, ‘Freddy! Freddy!’” Một thành viên trong ban huấn luyện của Las Vegas Light chia sẻ. “Sau đó, khi họ nhìn thấy cái cách mà cậu ấy thi đấu, họ sẽ không còn ca tụng hay reo hò tên cậu ấy nữa.”
 
Adu đã rất muốn được quay trở lại Las Vegas vào năm nay. Đặc biệt là sau khi Eric Wynalda, cựu tuyển thủ quốc gia Mĩ và bình luận viên của Fox, được bổ nhiệm vào chiếc ghế huấn luyện viên trưởng. Thế nhưng, Wynalda đã từ chối anh.
 
Freddy Adu: Bi kich cua cau be dong vai thien tai1
 
“Lý do mà Freddy không thể ở đây vào lúc này, là đang có 6 hoặc 7 chàng trai đang nắm trong tay cơ hội thứ nhất hoặc thứ hai của họ,” Wynalda cho biết. “Còn Freddy đã có cơ hội thứ tư hoặc thứ năm của cậu ấy rồi. Bây giờ là đến lượt của họ, chứ không phải của cậu ấy.”
 
Wynalda cũng đã từng hy vọng rằng sự nghiệp của Adu sẽ trở nên đặc biệt. “Cậu ấy giỏi hơn rất nhiều so với những gì chúng tôi nghĩ,” ông nói. “Có rất nhiều phẩm chất đáng trông đợi ở cậu ấy, nhưng chúng tôi chưa bao giờ được nhìn thấy chúng nở rộ.”
 
Vào tháng 11 năm ngoái, Adu đang ngồi trong ngôi nhà của anh ở vùng ngoại ô Washington khi hai người bạn thân đến và thuyết phục anh giúp đỡ câu lạc bộ trẻ của họ, Next Level Soccer. Kế hoạch của họ là anh sẽ đến tham gia các buổi tập diễn ra trong suốt mùa đông và dạy cho bọn trẻ cách sút bóng. Hiện tại là tháng 6, và anh vẫn lái xe gần 1 tiếng đồng hồ mỗi chuyến đi để tham gia vào các buổi tập diễn ra gần Baltimore, hai hoặc ba lần mỗi tuần. Adu đã tâm sự rằng, lần đầu tiên sau nhiều năm, bóng đá lại trở thành một niềm vui đối với anh. 
 
“Đây thật sự là những khoảnh khắc đáng trân trọng,” Anh nói, khi đang ngồi trên băng ghế trong giờ nghỉ giải lao. “Không có bất kì một thứ rác rưởi nào khác. Chỉ đơn giản là những phần tốt đẹp nhất của môn thể thao này.”
 
Tuy nhiên, Adu muốn nhấn mạnh. “Cho đến tận bây giờ,” anh nói. “Đây vẫn là suy nghĩ của tôi về việc này.” Tháng 6 vừa qua, anh sang tuổi 30. “Tôi vẫn còn rất trẻ. Tôi chưa sẵn sàng để từ bỏ. Rõ ràng là mọi việc đã không diễn ra theo cái cách mà tôi mong muốn. Nhưng tôi yêu môn thể thao này quá nhiều, nhiều đến mức vẫn chưa thể nói lời từ bỏ.” Anh vẫn nhận được những câu hỏi thăm dò từ Facebook, và thỉnh thoảng là thông qua người đại diện của mình, về sự hữu dụng của anh.
 
“Tôi muốn ở lại Mĩ,” Adu cho biết. “Tôi đã lang bạt đến nhiều bến đỗ làng nhàng, tạm bợ trong sự nghiệp của mình. Tôi không chắc là mình có muốn tiếp tục cái cuộc sống đó hay không. Tôi muốn được thi đấu, nhưng tôi hy vọng mình sẽ được làm điều đó tại đất nước này.”
 
Trong khi chúng tôi đang trò chuyện, các cầu thủ của đội U-14 Next Level đang xếp hàng để sút một quả bóng bay theo đường chéo vào một khung thành cách đó 30 yard. Hầu hết bọn trẻ đều gầy gò, khẳng khiu và non nớt. Thật khó để tưởng tượng được, thậm chí là đã sau chừng ấy năm trôi qua, nhưng khi Adu bằng tuổi với bọn nhóc kia, anh đã bắt đầu sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của mình. Giờ đây, anh đang đi bộ quanh sân tập để hướng dẫn bọn trẻ. “Sút quả bóng theo cách này,” anh nói. “Không phải theo kiểu kia.” Một số cậu bé đã có thể tung ra những cú sút bay gần sát bên khung thành. Một số đứa khác lại có thể sút trúng cột gần. Nhưng hầu hết chúng đều tiếp tục sút trượt, đưa bóng bay cách khung thành vài feet. 
 
Adu bước lên để làm mẫu. Anh đã tung ra một cú sút cầu vồng. Trong một khoảnh khắc, quả bóng như tỏa sáng trên bầu trời tối đen. Sau đó, nó bay theo một đường cong hoàn hảo và lao thẳng vào lưới. Adu hất hai tay lên trời. Anh biểu diễn một điệu nhảy đầy phấn khích trên đôi chân của mình. “Golazo!” anh hét to lên. “Go-la-zo!”
 
Vậy, chuyện gì đã xảy ra và hủy hoại sự nghiệp của Freddy Adu? Arnol Tarzy cho rằng ông biết rõ về điều đó.
 
Tarzy là một đại lý bảo hiểm ở Maryland, và ông đã tình cờ “phát hiện” ra cậu bé Adu vào năm 8 tuổi, khi anh đang thi đấu với những đứa trẻ lớn tuổi hơn tại một giải đấu trong khu phố. Chỉ vài tháng trước, gia đình của Adu đã giành được quyền nhập cư vào Mĩ từ Ghana trong một cuộc “xổ số thẻ xanh”. Tarzy, người đã không còn chơi bóng kể từ khi rời trường trung học và mới chỉ bắt đầu bước chân vào nghiệp huấn luyện viên vài năm trước, đã trở thành người cố vấn cho Adu, từng bước dìu dắt anh trong sự nghiệp cầu thủ. 
 
Vào tháng 10 năm 1999, Liên Đoàn bóng đá Hoa Kỳ đã tổ chức một trận đấu giành cho những cầu thủ nhí trên sân tập tại American University ở Washington. Mục đích bề ngoài của họ là tìm kiếm những tài năng mới nổi cho Project 2010, một sự nỗ lực đầy viễn vông về cái giấc mơ tạo ra một thế hệ có thể vô địch World Cup trong tương lai. Nhưng có vẻ như trận đấu này được tổ chức chỉ để thăm dò về Adu, một cậu bé mà tên tuổi đã nổi lên như một hiện tượng vào năm chỉ mới 10 tuổi. 
 
Tarzy cũng có mặt tại sân bóng ngày hôm đó và theo dõi trận đấu cùng Bob Jenkins, khi ấy đang là một thành viên trong ban huấn luyện của USSF. Tarzy nhận thức rất rõ ràng rằng Adu đã ghi bàn chỉ đơn giản là vì cậu ta giỏi hơn tất cả những người đang có mặt trên sân. Nếu cậu ta có được bóng và phía trước là 1 hậu vệ, hay thậm chí là 3 cầu thủ đối phương, thì cậu ta luôn có thể dễ dàng vượt qua họ, việc ngăn cản Adu là bất khả thi. Thế nhưng, khi không có bóng trong chân, cậu ta chỉ thong thả đi bộ trên sân và đợi ai đó chuyền bóng cho mình. 
 
Hơn ai hết, Tarzy là người mong muốn Adu có được một sự nghiệp thành công nhất. Tuy nhiên, ông không thể phớt lờ cái cảm giác rằng những nỗ lực của Adu gần như chỉ giới hạn trong việc nhận bóng và đưa nó vào lưới. “Ông có cảm thấy bực mình với việc thằng nhóc không hề làm việc chăm chỉ, cần cù trên sân chứ,” Tarzy hỏi. 
 
Jenkins lắc đầu: “Ồ, thằng bé chỉ làm việc chăm chỉ với những gì mà nó cần phải làm thôi.”
 
Jenkins đang đề cập đến trận đấu đang diễn ra trước mặt họ, nhưng Tarzy vẫn nói thêm. “Đó chính là vấn đề ở đây đấy,” ông nhận xét. “Thằng bé chưa bao giờ phải nỗ lực làm việc chăm chỉ, cần cù cả. Nó chưa bao giờ phải làm điều đó. Mọi thứ luôn đến với nó một cách rất dễ dàng.”
 
Tarzy đã nói đúng, chính cái thái độ đó, sự “dễ dàng” mà bản thân luôn được hưởng và việc được chiều chuộng quá mức đã hủy hoại sự nghiệp của Adu. Khi phải bước vào những đấu trường có tính cạnh tranh cao hơn, anh đã dần dần sụp đổ. Anh đã ghi được đến 15 bàn sau 16 trận chơi cho đội U-17 Mĩ, và thêm 16 bàn nữa trong 33 trận cho đội U-20 Mĩ. “Cậu ấy thật phi thường,” Sammy Ochoa, người đã thi đấu cùng Adu trong màu áo đội U-20 tại World Cup 2006, nhận xét. “Cậu ấy là một cầu thủ hết sức tuyệt vời. Khéo léo và cực kì nhanh. Vào thời điểm đó, không ai trong đội có thể sánh bằng cậu ấy cả.” Nhưng trong 17 lần ra sân cho đội tuyển quốc gia Mĩ, Adu chỉ ghi được vỏn vẹn 2 bàn thắng.
 
Than dong bong da My Freddy Adu tren bang ron quang cao hop dem
Thần đồng bóng đá Mỹ Freddy Adu trên băng rôn quảng cáo hộp đêm

Sự nghiệp tại cấp độ câu lạc bộ của anh cũng lâm vào tình trạng tương tự. Anh đã có được 11 pha lập công cho D.C. United từ năm 2004 đến năm 2006. Nhưng kể từ đó cho đến tận bây giờ, tổng số bàn thắng mà anh ghi thêm được chỉ vỏn vẹn là … 17 bàn. Đó là 17 bàn thắng ghi được trong suốt 13 năm, sau khi chơi tại nhiều hạng đấu khác nhau ở châu Âu, châu Á, Nam Mĩ và Hoa Kì. Khi còn là một cậu bé, anh luôn ghi được rất nhiều bàn thắng vào những ngày cuối tuần. 
 
(còn nữa)

Lược dịch từ bài viết “Freddy Adu exclusive: ‘I’m not ready to give it up’ của tác giả Bruce Schoenfeld được đăng tải trên ESPN./

NAM kHÁNH (TTVN)

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Võ Hoàng Minh Khoa: Dũng mãnh và đầy quyết đoán

22h30 tối nay, U23 Việt Nam lần đầu tái ngộ U23 Uzbekistan ở một trận chính thức, sau cuộc đại chiến lịch sử năm 2018. Và nếu đội bóng đầy duyên nợ có biệt danh “Sói trắng”, thì lần này, chúng ta cũng sẵn sàng giáp mặt họ với một chiến binh mang nhiều phẩm chất của loài mãnh thú này.

X
top-arrow