Đội hình siêu khủng PSG vẫn thất bại: Vì đâu nên nỗi?

Tác giả Bích Hiệp (Vu Trung Hiep) - Thứ Sáu 11/03/2022 09:07(GMT+7)

Zalo

Phút thứ 39, từ đường chuyền đậm chất nghệ của Neymar, Mbappe băng xuống như một tia chớp, sau một vài cú nhấp bóng để tìm góc sút và chỉnh thước ngắm, số 7 tung ra pha dứt điểm uy lực và hóc hiểm. Courtois bó tay. Militao và Alaba nỗ lực lao về cản phá chỉ càng làm nền cho tài năng của Mbappe. PSG tạm vượt lên dẫn trước Real 2-0 sau 2 lượt trận. Và dù trận đấu vẫn còn hơn 50 phút nữa nhưng hẳn là đã có không ít người nghĩ thầm: Hết rồi Real Madrid!

 
Đội hình siêu khủng PSG vẫn thất bại. Vì đâu nên nỗi?
 
“Hết rồi Real Madrid” với một số người có thể là bởi họ tin rằng chu kỳ thống trị UCL của Los Blancos đã hết sau kỷ lục vĩ đại giành cú ăn ba dưới thời HLV Zidane (2015 - 2018). Nhưng với một số người khác thì có thể là họ thực tế nhìn vào tương quan lực lượng giữa hai bên cũng như cục diện trận đấu đang diễn ra. Dẫu có là người lạc quan nhất thì cũng khó có ai dám đặt niềm tin vào thầy trò Ancelotti lúc này.

Ba mùa giải UCL gần nhất, thành tích tốt nhất của Real là bán kết (mùa 2020/21). Còn lại họ đều phải dừng chân ngay từ vòng 1/8. Giải ngân hà ngày nào giờ đây chỉ còn lại những lão tướng đang đi đến đoạn cuối sự nghiệp như Modric, Benzema, Kroos, Marcelo. Trong khi bên kia sân, đội hình của đội chủ sân Công viên các hoàng tử chật ních ngôi sao: Donnarumma, Marquinhos, Hakimi, Verratti, Di Maria, Neymar, Mbappe… và đặc biệt là chủ nhân 7 Quả bóng vàng Lionel Messi. 
 
Đội hình siêu khủng PSG vẫn thất bại. Vì đâu nên nỗi?
 
Cho đến khi Mbappe mở tỷ số trận đấu Real chỉ có một vài đường bóng tỏ ra nguy hiểm, còn lại cơ bản thế trận nằm trong tầm kiểm soát của PSG. Lúc này những đôi chân của Neymar, Messi, Mbappbe và các đồng đội vẫn tỏ ra rất thanh thoát và nhiều cảm hứng. Họ đan lát bóng thoải mái như đá tập trong khi Real sau bàn thua càng cho thấy sự bế tắc và bị tâm lý đè nặng. Đội bóng Hoàng gia trong 10 phút cuối hiệp 1 thi đấu như kiểu vừa đá vừa ngóng hết giờ. 
 
Nhưng Real mong hết hiệp 1 là có cái lý của họ, vì sang hiệp 2 mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn và đó là lúc người ta tìm ra được những điểm yếu cốt tử lý giải cho thất bại cay đắng của đội bóng nhà giàu nước Pháp, không chỉ ở trận cầu này, mà còn là cả những gục ngã ê chề trong quá khứ. 
PSG lại hóa tầm thường ở châu Âu, nhưng đó chưa phải lần cuối!PSG lại hóa tầm thường ở châu Âu, nhưng đó chưa phải lần cuối!
Tập cuối cùng trong serie phim ăn khách Money Heist có tựa đề “Truyền thống gia đình”, nhằm mô tả truyền thống cướp ngân hàng của gia đình nhân vật Professor...

Sự chủ quan và tự mãn quá sớm 

 
Có lẽ lúc này các cầu thủ PSG đang ước rằng trận cầu chỉ có 45 phút hoặc họ được đá lại hiệp 2. Vì thế trận trên chân, cảm hứng chơi bóng ở hiệp 1 của PSG khi sang hiệp 2 (đặc biệt từ sau phút 57 khi HLV Ancelotti tung Camavinga và Rodrigo vào sân) bỗng nhiên bay biến. Trừ Mbappe vẫn giữ được năng lượng, sự xông xáo và quyết tâm thì phần còn lại của PSG bỗng nhiên như hết pin, như tự cho phép mình nghỉ ngơi, thả lỏng. Tốc độ lên bóng chậm, nhiều đường bóng chuyền ngang, chuyền qua lại thay vì hướng lên trên, lười và hời hợt trong tranh chấp…

Các cầu thủ PSG đều cầm bóng và di chuyển đủng đỉnh như thể trận cầu đang ở phút bù giờ và họ chờ hồi còi mãn cuộc. Và chính thái độ, nhịp độ thi đấu đó là nguồn cơn sâu xa dẫn đến pha bóng sai lầm đến ngớ ngẩn, vụng dại của một thủ thành lì lợm, tự tin bậc nhất thế giới lúc này là Donnarumma. Hãy xem các hậu vệ và tiền vệ phòng ngự của PSG ở đâu khi Benzema ập vào đè nghiến lấy cựu thủ môn Milan. Tất nhiên lỗi chính thuộc về Donnarumma nhưng nếu không phải Real đã tăng cường pressing và tăng tốc độ luân chuyển trái bóng trong khi PSG vẫn thong thả và an tâm về chiến thắng của mình thì tình huống đó có thể đã không diễn ra. 
 
Benzema vs Donnarumma
 
Với đội bóng khác người ta có thể gọi đó là tai nạn và sự bất ngờ của bóng đá. Nhưng với một CLB như PSG thì khó ai có thể thông cảm mà dùng những từ ngữ này được. Bởi đây đã là lần thứ n đại diện nước Pháp cầm vàng lại để vàng rơi. Ngày UEFA còn áp dụng luật sân nhà - sân khách, PSG từng dẫn trước Barcelona 4-0 ở lượt đi mà rồi lại để thua không tưởng 1-6 ở lượt về. Và lần gần nhất người hâm mộ thành Paris phải thở dài ngao ngán là khi đội bóng của họ để một MU hậu Alex đầy bất ổn lội ngược dòng sau khi dẫn trước 2-0 ở lượt đi. 
 
Không ai dám so bì về trình độ cá nhân với các cầu thủ của PSG, nhưng việc họ luôn đánh rơi chiến thắng ở những thời điểm không ngờ nhất là biểu hiện không thể chối cãi của khả năng duy trì sự tập trung cũng như thái độ tự mãn quá sớm. Những nhà vô địch không bao giờ có đặc điểm này! 

 

Thiếu bản lĩnh của một đội bóng lớn 

 
PSG là Dải ngân hà của nước Pháp. PSG thống trị Ligue I suốt thập kỷ qua. PSG thường xuyên lọt tới tứ kết, bán kết UCL. Nhưng như thế là chưa đủ để PSG có thể ngồi vào mâm các đội bóng lớn ở lục địa già. Ít nhất là cho đến khi họ có thể mang về phòng truyền thống của mình vài chiếc cúp tai voi. Còn giờ đây, nếu ai đó lại nhìn PSG với con mắt giành cho một gã nhà giàu mới nổi khôn nhà dại chợ thì cũng đừng tự ái và tức giận. Bởi rõ ràng PSG còn rất nhiều việc phải làm để đạt đến đẳng cấp như Real, Barcelona, Bayern Munich, Liverpool, Milan, Inter, Juventus, MU, Chelsea… (tất nhiên ở thời đỉnh cao của mỗi đội bóng). 
 
Một trong những yếu tố quan trọng để trở thành đội bóng lớn là phải có những thủ lĩnh thực sự trên sân. Tiếc thay, dù PSG vung rất nhiều tiền để mang về hàng tá ngôi sao nhưng trong số đó chưa có gương mặt nào thực sự là mẫu thủ lĩnh có thể đứng ra gánh vác tinh thần cả đội khi rơi vào khó khăn, hiểm nghèo. Những ngôi sao tấn công thượng thặng như Imbrahimovic, Cavani, Di Maria, Neymar, Messi, Mbappe lại thật hiếm khi mạnh về khía cạnh này, ngay từ khi họ thành danh ở các câu lạc bộ khác hay khi họ là biểu tượng của ĐTQG. Cách họ cứu đội bóng ở những trận cầu quyết định, ở những thời khắc sống còn lại chính là những khoảnh khắc lóe sáng của cá nhân, những nỗ lực cuối cùng của cá nhân mà thôi.

Chỉ có Thiago Silva xét cả hành trình gắn bó với PSG là tiệm cận hình mẫu thủ lĩnh nhất nhưng khi đặt vào các trận cầu lớn mang tính sống còn thì trung vệ người Brazil cũng đóng vai “mất tích”. Hẳn là ông chủ Nasser Al-Khelaifi và người hâm mộ PSG đã rất kỳ vọng vào bản lĩnh và cái tầm của một thủ lĩnh thực thụ đã được kiểm chứng mang tên Sergio Ramos khi cựu thủ quân Real tới Paris vào mùa hè năm ngoái. Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết bởi cho tới hiện tại, trung vệ này đến PSG là để làm bạn với phòng phục hồi chấn thương. 
Khi những “ông già gân” lên tiếngKhi những “ông già gân” lên tiếng
Mùa giải trước mắt vẫn chưa kết thúc, sẽ còn quá sớm để nói trước điều gì. Nhưng cách các cầu thủ Real Madrid lội ngược dòng ngày hôm nay thực sự khiến chúng...
Bản lĩnh của Nhà vuaBản lĩnh của Nhà vua
Real vẫn là Real, và Champions League thì vẫn là Champions League. Ở đó, không có chỗ cho những sai lầm như những gì tân binh của PSG thể hiện.

Một đội bóng bản lĩnh phải được xây dựng từ những đàu tàu đầy bản lĩnh. Tất cả những đội đã từng vô địch cúp C1 và UCL đều sở hữu trong đội hình của mình những cá nhân mang dòng máu bất khuất, kiên cường. Trong trận cầu đêm qua, xét trên khía cạnh này người ta thấy đó là một bức tranh tương phản giữa Real và PSG. Đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha khi đối mặt với muôn vàn khó khăn khi bị dẫn trước 2-0 họ có Luka Modric (36 tuổi) tả xung hữu đột thoát pressing và dũng cảm cầm bóng xé toang khu trung tuyến đối thủ; họ có Karim Benzema (34 tuổi) hiện diện ở mọi tình huống uy hiếp khung thành và nhanh như cắt tung ra những nhát gươm chí mạng để trừng phạt mọi sai lầm của hàng thủ PSG. Còn PSG có ai? Cái cúi đầu ăn năn tự trách của Donnarumma. Ánh mắt hoảng hốt và những tiếng la hét, quát tháo hòng trấn an của đội trường Marquinhos. Gương mặt thất thần của Neymar. Cái cười nhạt và lạc lõng của Messi. Sự điềm tĩnh và cố tỏ ra mình ổn của điểm sáng duy nhất Mbappe. 
 
Khi PSG thăng hoa, họ thắng thật đơn giản. Nhưng khi họ thất bại, không có ai là chỗ dựa tinh thần để chặn đứng sự sụp đổ.
 
Marquinhos chia sẻ sau trận thua Real
 

Không có DNA mang tính biểu tượng 

 
PSG cho đến lúc này đang là minh chứng cho nhận định: Người ta có thể mua một câu lạc bộ bóng đá (FC) nhưng chưa chắc mua được một đội bóng (team). Và người ta có thể mua rất nhiều ngôi sao nhưng không thể mua được bản sắc. 
 
PSG sau một thập kỷ thuộc quyền sở hữu của Qatar Sports Investments (QSI) đã trở thành một cái tên gây chú ý bậc nhất. Họ cơ bản là không có đối thủ ở giải quốc nội và ngày một cải thiện thành tích trên đấu trường châu lục. Tuy thế, nếu hỏi bản sắc của PSG là gì thì e còn khó hơn cả việc bắt họ giành cup vô địch UCL. 
 
Đội hình siêu khủng PSG vẫn thất bại. Vì đâu nên nỗi?
 
Cũng là được mua lại từ một tỷ phú. Cũng là chính sách vung tiền mua ngôi sao, nhưng PSG không làm được điều mà Chelsea và Manchester City đã làm được. 
 
MC dù cũng chưa giành được cup UCL nhưng dưới bàn tay của Pep Guadiola, trong 7 năm qua họ đang là đội bóng có lối đá kiểm soát bóng, ban bật nhuần nhuyễn đẹp mắt và đáng sợ hàng đầu thế giới. Triết lý này đã ngấm sâu vào từng cầu thủ như đó là máu, là hơi thở. Pep đã gắn kết được các cầu thủ thành một khối thống nhất rất khó đánh bại. 
 
Chelsea thậm chí còn tuyệt hơn thế. Đội quân của Abramovich dù thay HLV như thay áo nhưng kể từ thời Mourinho đã hình thành nên một lối đá đầy bản lĩnh và mạnh mẽ. Hình ảnh có phần gai góc đó đã biến một The Blues vô danh, nhạt nhẽo thành một viên nam châm có sức hút toàn cầu. Hơn cả những chiếc cup, The Blues thực sự đã có được DNA của mình, bắt đầu từ những thủ lĩnh Anh quốc như Terry, Lampard rồi ngấm sang những cầu thủ đến từ khắp nơi trên thế giới. Hình ảnh những chiếc đầu đẫm máu quấn băng của Terry, sau này là Azpilicueta hay chiếc mũ bảo hộ của thủ môn huyền thoại Petr Čech chính là biểu tượng cho tinh thần chiến binh sẵn sàng hy sinh vì màu áo xanh. Ngày đầu người ta đã cười nhạo Chelsea là đội bóng lê dương nhưng khi xem những Drogba, Carvalho, Essien, Ballack, Makeleke, Ivanovic… thi đấu máu lửa ra sao, quyết sống mái với đối thủ, thậm chí là chống lại cả trọng tài để bảo vệ đội bóng thế nào thì tất cả đều biết mình đã sai. Cổ động viên Chelsea và người hâm mộ bóng đá nói chung đã tiếc nuối biết bao khi tỷ phú Abramovich buộc phải nói lời chia tay đội bóng vì chiến sự Nga - Ukraina. Nếu như Roman không tạo dựng được một Chelsea đậm bản sắc như thế thì chắc chắn họ chả quan tâm việc ông ở hay đi. 

Roman Abramovich
 
 
Người ta chỉ chiến đấu đến quên mình, chỉ cống hiến đến tận cùng khi người ta thấy mình thuộc về một nơi nào đó. PSG đã khiến những Donnarumma, Marquinhos, Di Maria, Neymar, Mbappe, Messi cảm thấy mình sinh ra là thuộc về nơi đây hay mình sẽ thuộc về nơi đây chưa? Hay người thì chỉ đang cố tìm kiếm vinh quang để củng cố vị trí của bản thân; người thì cố gắng chứng minh giá trị để chiếm ưu thế trên bàn đàm phán chuyển nhượng?… Những câu hỏi này PSG buộc phải có câu trả lời. Đội bóng buộc phải hình thành được DNA mang tính biểu tượng của mình nếu không muốn mình mãi chỉ là đội bóng phá kỷ lục chuyển nhượng hay là bệ phóng cho những tài năng trẻ. 
 
Đội hình siêu khủng PSG vẫn thất bại. Vì đâu nên nỗi?
Những cái tên PSG mang về mùa hè vừa qua

Đã có những HLV tầm cỡ đến với sân Parc des Princes nhưng tại PSG họ đều không thể đạt được thành công cao nhất. Tuchel bị cho là không đủ tầm đưa PSG đến ngôi vương châu Âu thì ngay sau khi bị sa thải chưa đầy 1 năm đã giúp Chelsea làm được điều PSG thèm khát bấy lâu. Carlo Ancelotti, người hôm qua đã có những điều chỉnh nhân sự mang tính bước ngoặt giúp Real chiến thắng chính PSG ngay sau khi rời nước Pháp cũng nhanh chóng giúp Real có danh hiệu La Decima. Vậy nên đừng đổ hết trách nhiệm về thất bại hôm qua lên đầu Pochettino. Các HLV có lẽ cũng chỉ là hệ quả của một triết lý, chiến lược có vấn đề của PSG, giống như các cầu thủ vậy. 
 
Nhiều sao mà không biết thất bại vì sao. Đó mới là điều đáng sợ nhất. PSG triều đại Al-Khelaifi đã bước sang năm thứ 11, đã đến lúc xây dựng một nền tảng phát triển bền vững có chiều sâu thay vì chỉ vung tiền mua sao. 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

X
top-arrow