Khi Kiatisak quyết định bay sang Singapore nghĩa là ông đánh giá rất cao tầm quan trọng của trận đấu với Malaysia.
Vẫn nguyên đội hình và lối chơi theo kiểu Kiatisak, nhưng 2 trận đã qua, U23 Thái Lan chưa thể hiện hết được sức mạnh. Các bàn thắng đến từ nỗ lực cá nhân nhiều hơn là những pha phối hợp đồng đội. Những nỗi lo lắng bắt đầu hiện hữu. Đến mức HLV Kiatisak đã không thể ngồi yên và quyết định bay sang sát cánh cùng học trò.
Bởi hơn ai hết, chiến lược gia này hiểu rằng Malaysia chưa bao giờ dễ chơi, kể cả trong thời điểm bị đánh giá thấp nhất. Trong lịch sử tham gia các giải đấu khu vực, nhiều lần Thái Lan đã bị Những con mãnh hổ (biệt danh ĐT Malaysia) “hất cẳng” từ sớm.
Tại SEA Games 2009, Thái Lan chỉ cần một trận hòa ở vòng đấu cuối để đi tiếp. Họ thậm chí còn dẫn trước và chơi trên chân. Nhưng sự lơ đãng khiến người Thái thua 2 bàn trong 10 phút cuối và cay đắng rời cuộc chơi. 2 năm sau trên đất Indonesia, U23 Thái Lan thất bại 1-2 trước Malaysia ngay trận ra quân để rồi sau đó ra về với thành tích gần như tệ nhất lịch sử.
Khi bị đẩy vào đường cùng, người Mã biết cách tạo ra kỳ tích. Họ từng bị Indonesia “nghiền nát” 5-1 ở trận mở màn AFF Cup 2010. Sau đó, Những con mãnh hổ hiên ngang đứng dậy đi một mạch tới trận chung kết và giành chiếc cúp vô địch. Ngay cả trong trận đấu với U23 Việt Nam cách đây ít ngày cũng vậy. Thua trước 4 bàn nhưng Malaysia vẫn tổ chức tấn công, không có dấu hiệu buông bỏ.
Ở chiều ngược lại, Thái Lan sau khi thống trị khu vực vài năm gần đây bắt đầu có dấu hiệu chủ quan, thi đấu với thế “cửa trên”. Mà Malaysia lại là đội bóng rất ưa hạ gục những đối thủ “cửa trên”. Nếu Kiatisak không giúp học trò có được thái độ nhập cuộc đúng mực, họ sẽ phải trả giá.
Theo Soha