Thực sự rất khó để xác định được trình độ thật sự của một đội tuyển giữa những giải đấu quốc tế và trong bối cảnh đối đầu với các đối thủ có trình độ khác nhau trong quá trình tham dự giải đấu. Nhưng dựa trên giai đoạn vòng bảng và vòng 1/8 của Euro 2024, thật khó để tin rằng nhiều người không nghĩ Tây Ban Nha và Đức là hai đội tuyển chơi xuất sắc nhất giải đấu.
Sự vượt trội của Tây Ban Nha và Đức so với các đội khác chủ yếu là do sự thiếu cạnh tranh quyết liệt từ những đội bóng tham dự giải đấu. Trong số 8 đội được coi là ứng cử viên hàng đầu trước thềm EURO 2024 khởi tranh, Ý và Bỉ đều đã bị loại, Anh và Pháp thì chơi không thuyết phục và được người hâm mộ đặt dấu hỏi lớn về khả năng tấn công, trong khi đó Bồ Đào Nha và Hà Lan chỉ thể hiện được sự ấn tượng một cách rất rời rạc.
Những trái lại với những trường hợp kể trên, Tây Ban Nha lại gây ấn tượng mạnh mẽ xuyên suốt quá trình tham gia giải đấu. Họ phát huy hết tiềm năng với tốc độ của các cầu thủ chạy cánh và xoay tua gần như toàn bộ đội hình trong trận thắng ở vòng bảng trước Albania mà không có cho thấy sự sụt giảm rõ rệt nào về chất lượng.
Đội tuyển Đức thì tỏ ra lo lắng hơn đôi chút so với Tây Ban Nha nhưng họ vẫn có thể tự hào với một khả năng kiểm soát tuyến giữa tốt và có rất nhiều lựa chọn để tổ chức tấn công từ vòng bảng đến vòng 1/8. Quan điểm mỗi người là khác nhau nhưng có thể cho rằng 4 cầu thủ đang chơi xuất sắc nhất EURO 2024 tính tời thời điểm này đang là Nico Williams, Fabian Ruiz, Toni Kroos và Jamal Musiala. Và họ đều thuộc hai đội tuyển thi đấu xuất sắc nhất từ đầu giải đấu tới bây giờ.
Nico Williams, Lamine Yamal, Jamal Musiala và Florian Wirtz đều là những cái tên chơi rất ấn tượng tại EURO 2024 |
Dẫu vậy chúng ta sẽ được chứng kiến một thứ khá khác thường tại EURO năm nay khi 2 đội tuyển được coi là xuất sắc nhất giải sẽ chạm trán nhau ở giai đoạn Tứ kết chứ không phải là bán kết hay chung kết như thường lệ.
EURO 2024 nhìn chung là một giải đấu tích cực, mặc dù tính giải trí ở vòng knock-out có nguy cơ bị ảnh hưởng khá nhiều bởi việc có một nhánh đấu "lệch" - một khái niệm đã ảnh hưởng đến Euro 2016, World Cup 2018 và Euro 2020.
Mặc dù việc có những nhánh đấu 'lệch' sẽ gây ra không ít vấn đề nhưng nó nhìn ở một góc độ khác nó cũng có một số lợi ích nhất định. Cụ thể, chúng ta sẽ được chứng kiến những cuộc đối đầu hấp dẫn hơn giữa những ứng cử viên hàng đầu ở giai đoạn tương đối sớm và thêm vào đó là cơ hội tốt hơn để một đội bóng chiếu dưới tiến xa trong giải đấu. EURO 2024 chính là một giải đấu có tính chất như vậy, ở năm nay chúng ta không chỉ quan tâm tới những ứng cử viên hàng đầu mà còn phải rất để ý tới mấy chú ngựa ô luôn sẵn sàng hất văng mọi ứng cử viên vô địch như cách Thụy Sĩ đã làm trước Italia. Một nhánh đấu lệch có thể vận hành rất tốt trong những giải đấu Champions League khi mỗi vòng knock-out trừ trận chung kết đều được thi đấu 2 lượt trận đi và về.
Hãy thử nghĩ về điều đó mà xem: ở giai đoạn bán kết, nếu chúng ta có một nhánh đầu lệch với hai đội bóng chất lượng cao và hai đội có chất lượng trung bình thì cơ bản giải đấu sẽ có được 2 trận đấu bán kết có tính cạnh tranh sòng phẳng và cân bằng hơn thay vì những cặp đấu quá dễ đoán giữa một đội mạnh và một đội yếu. Có thể mọi người sẽ phản bác ở đoạn này là: "nếu không lệch sớm thì cũng sẽ lệch muộn ở trận chung kết". Đúng, trận chung kết có thể sẽ hơi mất cân bằng nếu như có một nhánh đấu lệch xảy ra. Nhưng chẳng phải trận chung kết của giải đấu thường là những trận đấu rất khó đoán và thường diễn ra rất căng thẳng hay sao? Và lịch sử bóng đá cũng cho thấy hiếm khi nào một trận chung kết có thể kết thúc với một thắng lợi cách biệt và hoàn toàn dễ dàng cho một đội bóng.
Real Madrid ở mùa giải năm nay cũng phải rất vất vả mới có thể vượt qua Dortmund ở trận chung kết Champions League |
Đó là câu chuyện ở Champions League nhưng với một giải đấu quốc tế như EURO thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Ở EURO hay World Cup, chúng ta sẽ chỉ thi đấu vòng knockout đúng 1 lượt trên một sân vận động trung lập có đủ khán giả của cả hai đội và diễn ra không thường xuyên như giải đấu xuyên suốt từ mùa này sang mùa khác như Champions League. Và thường thì chúng ta sẽ mong đợi hai đội mạnh của giải sẽ chạm trán nhau ở vòng bán kết hoặc chung kết thay vì tứ kết như năm nay. Có vẻ việc Đức và Tây Ban Nha - hai đội được coi là mạnh nhất giải đụng độ ở giai đoạn tứ kết là một sự kiện chưa từng xảy ra ra trong lịch sử của cả World Cup và Euro. Nhưng liệu điều đó có phải sự thật hay không?
Trước tiên chúng ta phải biết rằng những trận 'chung kết sớm' tương tự như Đức gặp Tây Ban Nha năm nay xảy ra vì lý do giải đấu đã mở rộng quy mô từ 16 lên 24 đội kể từ EURO 2016. Trước đây, với 16 đội và 4 bảng đấu được chia ra thì đội nhất bảng này sẽ đối đầu với đội nhì của bảng kia. Chính vì thế nếu giả định hai đội bóng chơi ấn tượng tại vòng bảng có phải đụng độ nhau để tạo ra trận 'chung kết sớm' thì họ cũng phải chờ đến giai đoạn bán kết. mới được.
Chỉ ở những giải đấu có quy mô từ 24 hoặc 32 đội tham dự mới có khả năng xảy ra các trận đấu được coi là 'chung kết sớm'. Trước năm 1982, World Cup cũng chỉ có quy mô 16 đội nên việc có những trận đấu dạng 'chung kết sớm' cũng rất khó có khả năng xảy ra.
Vậy ở thời gian nào chúng ta có được một cuộc đụng độ giữa hai đội mạnh tại tứ kết của giải đấu với quy mô 24 đội? Tại World Cup 1986, Brazil, Argentina và Pháp có lẽ là 3 đội tuyển được đánh giá cao nhất cho khả năng vô địch. Tuy nhiên biến số đã xảy ra khi Pháp không thể về nhất ở bảng đấu của mình vào năm đó. Với việc về nhì bảng C tại World Cup 1986, Pháp đã buộc phải có một cuộc đụng độ sớm với một ứng cử viên vô địch là Brazil ở vòng tứ kết. Và ở trận đấu ngày hôm đó, đội xếp nhì bảng đấu là Pháp đã thắng đội nhất bảng Brazil thông qua loạt sút luân lưu. Nhưng trên thực tế trận 'chung kết sớm' sẽ phải có sự hiện của Argentina - đội tuyển lúc đó đang sở hữu thiên tài Maradona trong đội hình. Nhưng rốt cuộc cả Brazil và Pháp đều chưa được chạm mặt Maradona thì đều đã bị loại.
Tại World Cup 1990, hai trong số những ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch là Argentina và Hà Lan chỉ vượt qua giai đoạn vòng bảng với tư cách của đội xếp thứ 3 có thành tích xuất sắc nhất. Do đó, khi Argentina thắng Brazil 1-0 và Tây Đức thắng Hà Lan 2-1 ở vòng 1/8 thì cũng rất khó để coi đó là những trận 'chung kết sớm' của giải đấu. Lý do là bởi Argentina sau đó khi tiến đến bán kết cũng đã tạo nên bất ngờ khi đánh bại Italia sau loạt sút luân lưu trước khi thất bại trước Tây Đức ở trận chung kết cuối cùng. Ở mỗi cặp đấu tại tứ kết năm đó, chúng ta đều có một ứng cử viên vô địch và một đội bóng đã tạo nên bất ngờ (Argentina vs Nam Tư cũ | CH Ireland vs Italy | Tiệp Khắc vs Tây Đức | Cameroon vs Anh).
Tại World Cup 1994, hai đội tuyển được đánh giá cao nhất và có thành tích tốt nhất ở giai đoạn vòng bảng là Brazil và Đức. Nhưng năm đó họ chưa thể gặp được nhau do nằm ở hai nhánh đấu khác nhau kèm theo việc Tây Đức bất ngờ bị loại bởi Bulgaria ở vòng tứ kết.
Kể từ World Cup 1998, giải đấu lớn nhất thế giới đã được mở rộng quy mô lên thành 32 đội và tạo ra một cách sắp xếp cặp thi đấu đơn giản và dễ hiểu hơn. Các đội nhất bảng sẽ gặp đội nhì theo cách sắp xếp xen kẽ. Chính vì vậy mà ở năm đó hai ứng cử viên vô địch và cũng có lẽ là 2 đội tuyển mạnh nhất năm đó là Brazil và Pháp đã có cơ hội để đụng độ nhau ở trận chung kết.
Năm 2002, Pháp và Argentina - hai đội được kỳ vọng là ứng cử viên cho chức vô địch thậm chí còn không thể vượt qua được giai đoạn vòng bảng. Và trong một giải đấu mà nhiều ứng cử viên vô địch đã bị loại sớm thì chúng ta cũng có được một trận chung kết khá hợp lý giữa Brazil và Đức.
Argentina tại World Cup 2002 thậm chí còn không thể vượt qua được vòng bảng |
Quá trình đánh giá các đội bóng trong giải đấu không nên tập trung quá nhiều vào những dự đoán trước thềm giải đấu, mà nên tập trung vào việc xác định những đội bóng thực sự mạnh nhất trong quá trình giải đấu diễn ra. Tuy nhiên thật thú vị khi chúng ta nhìn lại World Cup 2006 và nhận ra rằng Brazil, Argentina, Đức, Anh và Hà Lan đều được coi là 5 ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch năm đó. Italia và Pháp là hai đội được đánh giá thấp hơn so với những cái tên kể trên nhưng lại là 2 đội tiến đến trận chung kết cuối cùng. Brazil & Argentina chơi rất ấn tượng ở vòng bảng và là hai đội được đánh giá cao nhất trước khi bước vào giai đoạn tứ kết. Nhưng rốt cuộc hai đội chơi ấn tượng ở nhất ở vòng bảng lại không thể gặp nhau khi họ đã bị Pháp và Đức loại ở vòng tứ kết.
Ở World Cup 2010, cuộc đụng độ đáng mong chờ nhất ở giai đoạn knockout chắc chắn phải là cặp đấu bán kết giữa Tây Ban Nha và Đức. Năm 2014, cũng có một vài trận tứ kết đáng chú ý như Brazil thắng 2-1 Colombia, Đức thắng 1-0 Pháp - nhưng rõ ràng đây không phải là những cuộc đối đầu giữa hai đội tuyển chơi tốt nhất kể từ đầu giải đấu.
Nhánh đấu của World Cup 2018 tại Nga thậm chí có 'lệch' hơn nhiều so với EURO năm nay. Ở giải đấu năm đó, Pháp và Brazil là hai đội được đánh giá là mạnh nhất khi vào tứ kết. Họ hứa hẹn sẽ chạm trán nhau ở vòng bán kết và tạo ra một trận đấu rất cân tài cân sức nhưng rốt cuộc chuyện đó lại chẳng thể xảy ra khi Brazil đã để thua trước 'thế hệ vàng' của đội tuyển Bỉ ở vòng tứ kết.
World Cup 2022 thì có phần phức tạp hơn bởi nhiều lý do khác nhau. Không có đội nào toàn thắng ở giai đoạn vòng bảng. Có lẽ sau giai đoạn vòng bảng, những đội được đánh giá cao nhất là Brazil, Pháp và Argentina - đội bóng đã vượt qua khó khăn ở trận thua đầu giải để vươn lên dẫn đầu bảng đầu khi giai đoạn vòng bảng kết thúc. Ở giải đấu tại Qatar, chúng ta phải chờ đến trận chung kết mới có thể chứng kiến hai đội mạnh nhất vòng bảng là Pháp và Argentina đụng độ với nhau. Trên thực tế, một trận 'chung kết sớm' có thể đã xảy ra ra ở nhánh đấu của Argentina nếu như Brazil không bị loại ở tứ kết bởi Croatia.
Đối với Euro, câu chuyện đơn giản hơn khá nhiều bởi chỉ có hai giải đấu là EURO 2016 và EURO 2020 được xem xét đến chuyện có những cuộc đụng độ sớm của những đội bóng mạnh từ giai đoạn vòng bảng.
Năm 2016 cũng có một nhánh đấu tương đối lệch. Bồ Đào Nha là đội vô đich giải đấu nhưng họ đã gặp khó khăn rất nhiều để tiến đến vòng knockout với 3 trận hoà từ vòng bảng. Sau đó đoàn quân của Fernando Santos còn phải chật vật thi đấu hơn 120 phút mới có thể vượt qua được Croatia và Ba Lan ở vòng 1/8 và tứ kết. Đức, Italia và Pháp có lẽ là những đội được đánh giá cao nhất tại giải đấu năm đó. Chính vì vậy chiến thắng của Đức trong loạt sút luân lưu trước Italia ở tứ kết được coi là một trận đấu chất lượng cao xảy ra một cách bất thường tại một giải đấu như EURO. Nhưng rốt cuộc đội chủ nhà và cũng là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch - đội tuyển Pháp đã tiến đến trận chung kết một cách rất xứng đáng khi họ đánh bại đội tuyển Đức 2-0 ở trận bán kết tại sân vận động Velodrome.
Và cuối cùng, vào năm 2020, Italia, Tây Ban Nha, Pháp và Anh là bốn đội bạn cần chú ý sau giai đoạn vòng bảng. Những lần gặp gỡ của 4 đội bóng này đều diễn ra như cách chúng ta mong muốn là nó sẽ xuất hiện ở bán kết hoặc chung kết của giải đấu (Italia đánh bại Tây Ban Nha ở bán kết sau loạt luân lưu và sau đó là đánh bại Anh ở một loạt luân lưu tương tự).
Vì vậy, trận tứ kết mở màn giữa đội tuyển Đức và Tây Ban Nha sẽ thực sự là một sự kiện có phần khác thường so với những gì đã xảy ra trong quá khứ. Hai đội bóng chơi ấn tượng nhất trong một giải đấu quốc tế lớn sẽ phải đối đầu với nhau sớm hơn bao giờ hết. Tất nhiên, chẳng ai dám khẳng định Đức hoặc Tây Ban Nha sẽ trở thành nhà vô địch của giải đấu hoặc thậm chí tiến tới được trận chung kết cuối cùng bởi Pháp và Bồ Đào Nha vẫn là những thách thức rất lớn ở giai đoạn knockout của một giải đấu. Chính vì vậy việc dán nhãn cuộc đối đầu giữa Đức và Tây Ban Nha là 'trận chung kết thực sự của giải đấu' có vẻ là sự đánh giá quá cao cho cả hai đội tuyển này.
Nếu để đặt tựa đề cho cuộc đấu thế này, chúng ta có thể lựa chọn phương án dạng này: "Trận tứ kết EURO chưa bao giờ đặc biệt quan trọng và khác thường tới vậy!"
Theo Michael Cox - The Athletic