Carlo Ancelotti và Pep Guardiola: Cuộc đối đầu của 2 trường phái

Tác giả CG - Thứ Ba 09/05/2023 14:34(GMT+7)

Zalo

Cuộc đối đầu giữa Pep Guardiola và Carlo Ancelotti sắp tới sẽ rất thú vị trên phương diện công việc của họ. Một người là triết gia bóng đá, một người theo trường phái thích ứng với thời cuộc và những gì mình có. Cả hai chuẩn bị đối đầu với nhau tại sân khấu lớn nhất của thế giới bóng đá châu Âu cấp CLB.

346108945_1207799516610753_3207999276635323439_n
 

Đã hơn 9 năm kể từ khi Pep Guardiola lần đầu đối mặt Carlo Ancelotti trên tư cách HLV trưởng. Khi đó, Bayern Munich của Guardiola đã đoạt chiếc đĩa bạc Bundesliga gần 1 tháng, thường xuyên tung ra 1000 đường chuyền mỗi trận và thi triển thứ bóng đá dường như không thể bị ngăn cản. 

Trong suốt 18 phút trận lượt đi trên sân Bernabeu, Bayern tỏ ra lấn lướt đối thủ. Sau đó, Real Madrid của Ancelotti phản công và Fabio Coentrao căng ngang để Karim Benzema ghi bàn. Bayern Munich tiếp tục duy trì quyền kiểm soát bóng còn Madrid vẫn tỏ ra nguy hiểm trong những tình huống rình rập phản công. Trận đấu khép lại với tỷ số 1-0.

Những gì diễn ra trong các trận bán kết với Inter Milan năm 2010 và Chelsea năm 2012 là đội bóng mà Guardiola dẫn dắt kiểm soát trận đấu và dính đòn phản công đã lại xảy ra. Và lần này thì không phải cảm giác của sự đen đủi.

Trong bữa tối sau trận đấu ở Madrid, Guardiola quyết định sẽ chơi với sơ đồ 3-4-3 trong trận lượt về ở sân nhà, tuy nhiên điều ông lo ngại là đội bóng của mình đã không sử dụng hệ thống 3 trung vệ từ tháng 12. Chính vì vậy, chiến lược gia người Tây Ban Nha thay đổi suy nghĩ trên chuyến bay về nhà bằng việc chuyển sang hệ thống 4-2-3-1, qua đó giải phóng bớt nhiệm vụ cho Arjen Robben và Franck Ribery.

Thứ 7 tuần đó, Bayern đánh bại Werder Bremen với tỷ số 5-2. Trên sân tập vào ngày thứ 2, Guardiola hỏi các cầu thủ cảm thấy ra sao, toàn đội cho biết họ rất phấn khích và tự tin. Các cầu thủ đề nghị Guardiola cho phép họ chơi tấn công. Chiến lược gia người Tây Ban Nha đồng ý, thay thế hệ thống 4-2-3-1 bằng 4-2-4.

Sau đó, ông thừa nhận “đó là sai lầm lớn nhất” sự nghiệp của mình. Trong trận lượt về, Madrid lùi sâu, phản công tốc độ cao với điểm chạm Angel Di Maria và giành chiến thắng 4-0 trong đó có 3 tình huống cố định.

Carlo Ancelotti và Pep Guardiola Cuộc đối đầu của 2 trường phái 1
Pep thừa nhận việc chuyển đổi chiến thuật ở trận lượt về năm đó với Real Madrid là sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp của mình

Ancelotti - một người theo chủ nghĩa thực dụng dễ mến - đã đánh bại Guardiola - người theo chủ nghĩa lý tưởng mãnh liệt. Mùa trước, cũng tại vòng đấu này của Champions League, Ancelotti lại làm được điều đó. Nhìn lại lịch sử đối đầu, trong 8 cuộc chạm trán giữa 2 HLV này, Guardiola thắng 5 trận, nhưng 4 trận trong đó là khi Ancelotti dẫn dắt Everton.

Có thể nói, đây là 2 người mang 2 phong cách khác nhau. Trong suốt 28 năm làm công tác huấn luyện, Ancelotti đoạt 4 chức vô địch Champions League và là HLV duy nhất đoạt chức vô địch ở cả 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Tuy nhiên, ở mỗi giải ông chỉ đoạt 1 danh hiệu VĐQG, như thể ông thiếu đi khát khao cần thiết để duy trì sự thống trị.

Trong khi đó, suốt 14 năm huấn luyện, Guardiola đoạt 2 chức vô địch Champions League và 10 danh hiệu VĐQG. Bên cạnh đó, ông thay đổi nhiều thông số trong bóng đá, phát triển và hoàn thiện khái niệm “juego de posición” (định hướng vị trí). Toàn bộ sự nghiệp của Guardiola là một cuộc luận chiến về triết lý, nhãn quan bóng đá của ông.

Ancelotti thì rất khác người đồng nghệp. Dù luận án huấn luyện của ông tại Trung tâm đào tạo Coverciano là về sơ đồ cây thông, tuy nhiên đó chỉ là một trong nhiều phương án hệ thống mà ông có. Chiến lược gia người Italy là một người theo trường phái thực dụng, luôn thích nghi với hoàn cảnh.

Carlo Ancelotti và Pep Guardiola Cuộc đối đầu của 2 trường phái 2
 

Trong một bài viết trên Telegraph cách đây chưa lâu, Jamie Carragher nhận định Manchester United của Sir Alex Ferguson không tạo ra tầm ảnh hưởng đến các đội bóng khác như cách mà AC Milan của Arrigo Sacchi hay Barcelona của Guardiola đã làm được. Dù nhận định này có thể gây nên nhiều tranh cãi nhưng nó đúng. Điều đó không hề mang tính hạ thấp sự xuất sắc của Ferguson. Rõ ràng ông vẫn là HLV vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Anh. Tuy nhiên, Ferguson không phải người định hình bóng đá như Herbert Chapman, Rinus Michels hay Valeriy Lobanovskyi.

Các HLV có thể là những triết lý gia mang tầm nhìn như Guardiola để thay đổi bóng đá, hoặc họ cũng có thể là những nhà lãnh đạo lành nghề như Ancelotti - người về cơ bản là làm những gì người khác làm nhưng tốt hơn. Không mẫu nào tốt hơn mẫu nào, vấn đề chỉ là những cách làm, tiếp cận khác nhau trong công việc. Những triết gia có thể bất ngờ đạt được thành công khi phần còn lại của thế giới đang cố gắng bắt kịp sự cấp tiến của họ, nhưng có thể họ sẽ gặp khó khăn khi sự đổi mới họ mang đến không còn mới mẻ, khi ấy những người theo trường phái thực dụng có thể có sự nghiệp lâu dài hơn. Dù sao thì hầu hết HLV đều có xu hướng nằm ở giữa hai thái cực này.

Ở Anh, với xu hướng nghi ngờ những lý thuyết, trong suốt lịch sử nền bóng đá này thường chuộng những mẫu HLV theo trường phái thực dụng. Không chỉ Sir Alex Ferguson, những HLV tài năng bậc nhất lịch sử nước Anh như Brian Clough hay Sir Matt Busby cũng không có quá nhiều phát kiến chiến thuật; Sir Alf Ramsey và Bill Shankly giảm bớt đến mức tối đa ý tưởng sáng tạo trong những gì họ làm. Trong khi đó, một phần lý do khiến những đối thủ hay người bên ngoài Leeds United không yêu thích Don Revie bắt nguồn từ việc ông cố gắng làm những thứ phá vỡ quy tắc.

Carlo Ancelotti và Pep Guardiola Cuộc đối đầu của 2 trường phái 3
Sir Alex Ferguson cũng là một HLV theo trường phái thực dụng

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi 15 năm trước khi Guardiola trở thành HLV trưởng Barcelona và đại chúng bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc đội bóng có triết lý. Từ đó, đặc biệt với sự nổi lên của trường phái bóng đá Đức, mọi HLV trẻ đều cần có triết lý, ngay cả khi bóng đá đã tiến sâu hơn vào thời đại của những nhà điều hành và thời gian để các HLV thực hiện những ý tưởng của mình bị giảm bớt.

Song, có triết lý không đảm bảo mang đến thành công. Suốt 15 năm qua ở Champions League, chúng ta phải thừa nhận rằng có một vùng xám giữa hai trường phái này (Jose Mourinho là ví dụ, một người có thể được gọi là triết gia của chủ nghĩa thực dụng) khi 7 danh hiệu thuộc về những triết gia và 8 danh hiệu thuộc về những người thực dụng. Có lẽ, định kiến về việc Guardiola “nghĩ nhiều” trước những trận đấu quan trọng có thể được xem do ông quá tin tưởng vào lý thuyết.

Chính vì vậy, sự xuất hiện của Erling Haaland rất hữu dụng mỗi khi việc “nghĩ nhiều” đó không mang lại kết quả. Không chỉ những bàn thắng, cầu thủ người Na Uy còn khiến Guardiola bớt đi sự cực đoan vào niềm tin của mình. Haaland muốn nhận bóng trực diện, Guardiola thích kiểm soát bóng, và sự đối nghịch đó đã mang đến chất sáng tạo. Mức độ hiệu quả của điều đó chỉ thực sự được đánh giá thông qua Champions League. Và thử thách lớn nhất cho Manchester City và Pep Guardiola sắp tới sẽ là Carlo Ancelotti.

Theo Jonathan Wilson | The Guardian

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Bayern Munich vs Arsenal: Mang Pháo vào hang Hùm

Hành quân đến Allianz Arena sau thất bại trước Aston Villa ngay trên sân nhà Emirates, các Pháo Thủ thành London rõ ràng không có một trạng thái tâm lý tốt trước trận lượt về với Bayern Munich, liệu họ có thể thể hiện bản lĩnh của mình trước những người chủ nhà cũng đang rất khát khao chiến thắng?

Inter Milan và "sứ mệnh" đánh bại ứng cử viên vô địch Man City

Đứng giữa Manchester City và cú ăn ba lịch sử là… Inter Milan. Nếu chúng ta tạm coi Man City, ứng viên vô địch yêu thích của đa số, là vai chính diện thì Inter Milan hẳn phải là kẻ phản diện của bộ phim “The Treble”. Có lẽ trừ Interista và đa số người hâm mộ United, phần còn lại của Thế giới bóng đá chờ đợi đội đăng quang tại Istanbul rạng sáng mai là “The Citizens”.

X
top-arrow