SEA Games 32 chuẩn bị khởi tranh và chủ nhà Campuchia đã sẵn sàng chào đón hơn 11 nghìn VĐV, quan chức, cùng HLV tham dự ngày hội lớn nhất của thể thao Đông Nam Á.
Theo kế hoạch, các VĐV sẽ tham gia tranh tài ở 48 môn thể thao tại SEA Games 32, biến giải đấu năm nay trở thành kỳ đại hội có nhiều bộ môn tranh tài nhất trong lịch sử. Tranh cãi đã nổ ra ngay khi danh sách các môn thể thao tại SEA Games 32 được công bố. Với những đổi khác ở nội dung thi đấu, SEA Games năm nay được kỳ vọng sẽ mang tới nhiều nét mới lạ tới toàn thể người hâm mộ khu vực.
Sơ lược nội dung thi đấu tại SEA Games 32
Theo thông tin từ Tổng cục TDTT, giải đấu năm nay sẽ diễn ra 608 nội dung của 48 môn và phân môn. Thể thao Việt Nam dự kiến tham dự 31 môn cùng 446 nội dung. Số bộ môn tranh tài tại SEA Games 32 nhiều hơn tới 8 môn so với tại SEA Games 31. Cùng với đó, số nội dung thi đấu cũng nhiều hơn đáng kể (608 so với 523).
Giải đấu sẽ kéo dài từ ngày 5/5/2023 tới ngày 17/5/2023. Bóng đá nam, như thường lệ, vẫn sẽ là môn khởi tranh sớm nhất với trận đấu đầu tiên diễn ra vào ngày 29/4. Các địa điểm tổ chức thi đấu trải dài ở 5 địa phương: Phnom Penh, Siem Riep, Sihanoukville, Kep và Kampot.
Đoàn TTVN sẽ tham gia tranh tài ở 31 môn cùng 446 nội dung tại SEA Games 32 |
Đoàn Thể thao Việt Nam (ĐTTVN) dự SEA Games gồm 1003 thành viên trong đó có 703 VĐV. Ông Đặng Hà Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT giữ chức vụ Trưởng đoàn. Hai Phó đoàn là ông Hoàng Quốc Vinh – Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I, Tổng cục TDTT và ông Ngô Ích Quân – Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II, Tổng cục TDTT.
Trong số 702 VĐV lên đường sang Campuchia, môn điền kinh đóng góp nhiều cái tên nhất, với 50 VĐV. Xếp sau đó là Đấu kiếm, bi sắt (23 VĐV), Đua thuyền truyền thống, Taekwondo (20 VĐV)...
Những bộ môn bị lược bỏ so với SEA Games 31
Điểm đáng chú ý nhất trong số nội dung thi đấu của SEA Games 32 nằm ở việc chủ nhà lược bỏ hai môn thể thao Olympic: bắn súng và bắn cung. Đây cũng là hai môn thể thao mang về cho đoàn thể thao Việt Nam tới 22 bộ huy chương tại giải đấu năm 2022.
Môn bắn cung bị loại khỏi nội dung tranh tài ở SEA Games 32 |
Ngoài bắn cung và bắn súng, những môn và phân môn ở SEA Games 31 bị lược bỏ ở SEA Games 32 gồm có: thể hình, futsal, muay Thái, bowling, kurash, rowing và canoeing. Đáng tiếc thay, đây đều là những nội dung thi đấu mà đoàn thể thao Việt Nam có thể cạnh tranh huy chương.
Việc loại bộ môn Muay Thái cũng tạo ra những xung đột gay gắt giữa chủ nhà Campuchia và Thái Lan. Tranh cãi bắt nguồn từ việc quan chức Campuchia khẳng định môn võ Kun Khmer xuất phát từ người Khmer. Nhưng phía Thái Lan cho rằng thực chất đây chỉ là đổi tên "Muay Thái" thành "Kun Khmer".
Hành động của phía Campuchia khiến Thái Lan tức giận và xác nhận không gửi vận động viên "Muay Thái" đến tham dự, đồng thời tẩy chay môn võ "Kun Khmer". Xung đột lên tới đỉnh điểm khi Liên đoàn Muay Thế giới lên tiếng khẳng định sẽ tẩy chay, cấm các võ sĩ thi đấu Kun Khmer tại SEA Games 32 tham gia các giải đấu thuộc hệ thống của mình trong năm 2023.
Tranh cãi nổ ra giữa Thái Lan và Campuchia xung quanh môn "Kun Khmer" |
Mọi việc chỉ được giải quyết khi phía Thái Lan nhượng bộ, không cản trở quá trình tổ chức môn Kun Khmer tại SEA Games 32 để tránh các tranh chấp quốc tế. Tuy nhiên họ sẽ không cử võ sĩ tham dự môn Kun Khmer tại Campuchia.
Ngoài ra, việc loại môn thể hình khỏi nội dung thi đấu cũng gây nhiều tranh cãi. Ông Vath Chamroeun, Tổng Giám đốc SEA Games 32 cho biết bộ môn này không chấp hành quy định phòng chống doping của các cơ quan liên quan.
Bên cạnh đó, nhiều vận động viên nước này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với doping tại Đại hội Thể thao toàn Campuchia cách đây vài tháng. Lẽ đó, người hâm mộ sẽ không được theo dõi màn “khoe cơ bắp” đầy sức mạnh của các lực sĩ tại SEA Games 32.
Những bộ môn mới
Song song với việc lược bỏ một số môn thể thao Olympic, chủ nhà Campuchia cũng đưa vào chương trình thi đấu rất nhiều bộ môn mới. So với năm 2022, SEA Games 32 bổ sung thêm các môn thể thao gồm: makruk, bokator, khúc côn cầu, T'aekkyŏn (hay Taekkyon), motor nước và teqball.
Chủ nhà Campuchia rất biết cách lan tỏa những dấu ấn đặc trưng của quốc gia này thông qua kỳ đại hội sắp tới. Cụ thể, ba môn thể thao truyền thống của Campuchia là Bokator, Kun Khmer và Cờ Ok Chaktrang (Cờ Khmer) sẽ có lần đầu tiên xuất hiện ở một kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á.
Ouk Chaktrang, môn cờ đặc trưng của Campuchia sẽ xuất hiện tại SEA Games 32 |
Ngoài ra, người hâm mộ thể thao khu vực có lẽ không khỏi bất ngờ khi một môn thể thao rất “châu Âu” như hockey (khúc côn cầu trong nhà) sẽ nằm trong chương trình thi đấu của SEA Games năm nay. Nhưng thú vị nhất có lẽ phải kể đến teqball, bộ môn mới chỉ có “tuổi đời” 11 năm.
Teqball được sáng tạo ra năm 2012 và có trận đấu đầu tiên năm 2014. Đây vẫn còn là môn thể thao xa lạ với người hâm mộ thế giới và SEA Games 32 là dịp thích hợp để phổ biến bộ môn này tới đông đảo người xem ở khu vực Đông Nam Á.
Dấu ấn của chủ nhà Campuchia
Trước thềm SEA Games 32, Campuchia khiến cộng đồng quốc tế phải bất ngờ khi tuyên bố sẽ miễn phí toàn bộ chi phí ăn, ở và di chuyển cho các đoàn thể thao tham dự Đại hội. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử các kỳ SEA Games. Ước tính, Campuchia sẽ mất khoảng 4,5 triệu USD sau quyết định “hào phóng” này.
Chưa kể, nước chủ nhà SEA Games 32 cũng không thu phí bản quyền truyền hình, truyền thông cho các môn thi đấu tại Đại hội lần này. Khán giả cũng được miễn phí tham dự lễ khai mạc, bế mạc hay tại các địa điểm thi đấu, dù là môn có sức hút như bóng đá.
Các đoàn thể thao sẽ được miễn phí hoàn toàn phí ăn ở, di chuyển tại SEA Games 32 |
Lí do Campuchia không thu bất cứ khoản phí nào ở SEA Games năm nay đã được Thủ tướng Hun Sen tiết lộ. Ông cho biết: "Chúng tôi không cần tiền đến từ việc bán vé hay bất kỳ quảng cáo nào tại Campuchia. Nhu cầu của chúng tôi lúc này không phải là tiền thu lại từ các quốc gia, mà chính là nhu cầu để thế giới biết đến Campuchia.”
Đi cùng với những lời tán dương cho sự hào phóng của chủ nhà Campuchia là những lo ngại từ cộng đồng khu vực. Với một quốc gia không sở hữu tiềm lực tài chính dồi dào như Campuchia, công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games năm nay có thể khiến nước này đối diện những vấn đề không nhỏ về kinh tế.
Tổng thư ký UB Olympic Campuchia Vath Chamroeun kỳ vọng SEA Games 32 tạo ra đòn bẩy cho thể thao nước này |
Tuy vậy, giới chức thể thao nước này lại tỏ ra rất lạc quan. Những công trình, tổ hợp thể thao phục vụ SEA Games 32 được kỳ vọng trở thành đòn bẩy cho nền thể thao của Campuchia, nhất là tổ hợp Morodok Techo.
Tổng thư ký Uỷ ban Olympic Campuchia Vath Chamroeun từng chia sẻ rằng tổ hợp trên không chỉ thúc đẩy sự phát triển của thể thao, mà còn có thể được xem như cục nam châm thu hút khách du lịch quốc tế đến với Campuchia trong tương lai.
Thách thức với đoàn thể thao Việt Nam
Kỳ SEA Games 31 kết thúc thành công rực rỡ với ĐTTVN với vị trí nhất toàn đoàn, giành 205 HCV. Tuy vậy, chỉ tiêu của ĐTTVN tại giải đấu năm nay chỉ là một vị trí trong top 3 và giành tối thiểu 100 HCV. Hai môn bóng đá nam và nữ bảo vệ thành công chức vô địch.
“Trước SEA Games 32, chúng ta chịu nhiều áp lực bởi danh hiệu nhất toàn đoàn với 205 HCV kỳ trước. Chúng tôi chuẩn bị rất tốt cho kỳ SEA Games trên sân nhà và tận dụng lợi thế này. Nhưng ở kỳ SEA Games tới, nước chủ nhà Campuchia cắt giảm một vài nội dung, bởi vậy khoảng cách 2 kỳ sẽ lớn. Đoàn Thể thao Việt Nam có thể duy trì vị trí trong Top 3”, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Việt Nam – ông Đặng Hà Việt cho biết.
Sở dĩ có sự sụt giảm đáng kể ở chỉ tiêu giành HCV là bởi chủ nhà Campuchia đã lược bỏ rất nhiều nội dung thế mạnh của Thể thao Việt Nam. Chưa kể, những quy định mới liên quan tới quá trình đăng ký vận động viên cũng khiến ĐTTVN phải cân nhắc kỹ càng về việc phân bổ VĐV ở từng nội dung thích hợp.
Pencak Silat là một trong số những môn võ bị ảnh hưởng bởi quy định từ Campuchia |
Cụ thể, Ban tổ chức SEA Games 32 quy định, chỉ đoàn chủ nhà được phép đăng ký 100% nội dung thi đấu ở các môn thể thao đối kháng như taekwondo, pencak silat… Còn các đoàn khác chỉ được đăng ký không quá 70% số nội dung thi đấu. Không những vậy, những môn này còn bị cắt bớt một số hạng cân, gây ảnh hưởng tới việc tính toán, chuẩn bị, sắp xếp nhân sự phù hợp của mỗi đội tuyển.
Ở SEA Games 31, các bộ môn: thể hình, kurash, rowing, bắn cung và bắn súng đã mang về cho ĐTTVN tới 60 bộ huy chương, trong đó có 27 HCV. Đáng tiếc thay, tất cả những bộ môn trên đều sẽ không xuất hiện tại SEA Games 32.
Những bộ môn được coi như “mỏ huy chương” của ĐTTVN, là pencak silat, võ gậy, taekwondo cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định từ phía BTC. Dự tính, Thể thao Việt Nam sẽ mất từ 3-5 HCV vì những yêu cầu “ngặt nghèo” của chủ nhà Campuchia ở ba môn võ kể trên.
Môn Taekwondo cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng tại SEA Games 32 |
Có thể thấy, mục tiêu giành xấp xỉ 100 HCV tại SEA Games 32 dễ khiến nhiều người hâm mộ bất ngờ, nhất là khi so với thành tích của ĐTTVN ở SEA Games 31. Nhưng con số ấy lại là mức chỉ tiêu hợp lý nếu chiếu theo những nội dung thi đấu, những khó khăn mà ĐTTVN gặp phải ở giải đấu năm nay.
Mặc dù vậy, khán giả Việt Nam vẫn có quyền hy vọng ở những nội dung thi đấu thế mạnh, như cử tạ (Hoàng Thị Duyên), Nguyễn Thị Hương (taekwondo). Bên cạnh đó, bóng đá (nam, nữ) hay bóng rổ (3x3 nam, nữ) cũng là những môn thể thao có thể mang về huy chương cho ĐTTVN.
Vào tối ngày 19/4, tại tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Lễ xuất quân Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 đã được tổ chức. Buổi lễ diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm, cũng không kém phần sôi nổi. Các VĐV đều đặt quyết tâm cao sẽ mang vinh quang về cho ĐTTVN tại kỳ đại hội năm nay.
Thời gian từ nay tới ngày SEA Games 32 khởi tranh không còn nhiều. Những khó khăn chủ quan lẫn khách quan chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch và quá trình chuẩn bị của VĐV, HLV tới lãnh đạo các bộ môn. Tuy vậy, người hâm mộ vẫn tin tưởng và đặt kỳ vọng vào một mùa SEA Games diễn ra như mong đợi của ĐTTVN.