Hãy bắt đầu bài phân tích với một sự thật đã quá rõ ràng: Erling Haaland là một trung phong thuần tuý, không phải một số 9 ảo. Chàng trai trẻ người Na Uy này là mẫu cầu thủ có khuynh hướng “neo đậu” bản thân giữa các trung vệ đối thủ và tàn phá khung thành với cái chân trái đáng sợ của mình.
Điều đó làm cho sự xuất hiện của anh giống như một thử thách mới dành cho Pep Guardiola, nhà cầm quân có sở thích sử dụng kiểu tiền đạo thi đấu như thể những nghệ sĩ tự do và phóng khoáng trên sân cỏ, đưa đối thủ tới cái ch.ết trong khi sáng tác một bài thơ đầy cảm xúc về khả năng chọn vị trí kém cỏi của họ.
So sánh một cách dí dỏm: Guardiola đã được dúi cho một con Megatron, trong khi ông thích một chiếc Corvette hơn.
Về phần Haaland, cuộc sống ở Anh đang diễn ra vô cùng tốt đẹp. Có lẽ bạn sẽ chẳng cần ai phải nhắc để nhớ rằng anh đã ghi tới 25 bàn sau 20 lần ra sân ở Premier League, rằng đây là một con số thực sự phi thường ngay cả đối với một cầu thủ giống rô-bốt hơn là con người, rằng đang có những kỷ lục bị xô đổ bởi chàng trai người Na Uy này.
Vậy còn về phần Manchester City thì sao? Câu chuyện sẽ phức tạp hơn một chút.
Mặc dù tiền đạo siêu sao của họ đang thường xuyên lập được những cú hattrick (cho đến nay là 4 lần), nhưng Manchester City đang được ghi nhận hiệu suất ghi bàn giống hệt như mùa giải trước, khi họ chưa có sự phục vụ của Haaland, và thậm chí là không hề có một trung phong thuần tuý nào trong đội. Còn về mặt phòng ngự, họ đang có tỷ lệ thủng lưới cao hơn 40% so với mùa giải trước.
Hiệu suất kiếm điểm mỗi trận của Man City đã giảm từ con số 2,45 ở mùa giải trước xuống còn 2,25 ở mùa giải này. Hiệu số bàn thắng-bại kỳ vọng trung bình mỗi trận của họ đã giảm từ +1,86 xuống còn +1,29. Điểm số sức mạnh của đội bóng này trong mô hình SPI của FiveThirtyEight đã giảm từ 93,5 xuống còn 90,8, mức thấp nhất kể từ mùa giải thứ hai mà Guardiola nắm quyền. Lần đầu tiên kể từ mùa giải 2019-20, Man City không được xem là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch Premier League.
Nói tóm lại, đội bóng mạnh nhất thế giới đã ký hợp đồng với tiền đạo xuất sắc nhất thế giới và trở nên… tệ hơn. Chuyện quái gì đang xảy ra vậy?
Tất nhiên, không phải toàn bộ những sự thay đổi trên của Man City đều là do Haaland mà ra, nhưng một số trong chúng rõ ràng có liên quan đến việc đội chủ sân Etihad sử dụng chân sút người Na Uy trên hàng công. Trước hết, hãy nhìn vào vị trí nhận bóng trung bình của các tiền đạo trung tâm của Man City ở mùa giải trước, so với Haaland ở mùa giải này:
Mùa giải trước, các trung phong kiêm “nhà thơ” của Man City đã hoạt động với khuynh hướng tự do thấy rõ, họ lùi xuống khu trung tuyến và dạt cánh thường xuyên chẳng kém gì xuất hiện trong vòng cấm. Còn ở mùa giải này, cách chơi đó chẳng còn xuất hiện ở vị trí tiền đạo trung tâm của họ nữa. Haaland không quan tâm đến khâu triển khai bóng của đội, anh chỉ chú tâm vào việc ghi bàn mà thôi.
Thay vì di chuyển ra xa các trung vệ, Haaland thích quanh quẩn trong phạm vi bề ngang của vòng 5m50, chủ yếu nhận bóng ngay bên trái của chấm 11m – chẳng phải ngẫu nhiên, đây cũng chính là vị trí ưa thích của tay săn bàn người Na Uy, bởi nó tạo điều kiện cho anh tung ra những cú sút chân trái. Do đó, chúng ta sẽ đặt tên nó là “khu vực Haaland”.
Trên lý thuyết, cách Man City “hầu bóng” cho Haaland cũng chính là cách mà họ vốn luôn ưu tiên trong việc kết thúc các pha tổ chức tấn công của mình, tức là các đường chọc khe và những đường chuyền trả ngược tại hành lang trong phía cánh trái:
Tuy nhiên, thực tế trên sân đấu, việc chơi với một tiền đạo trung tâm thuần túy sẽ thay đổi cấu trúc các chiến thuật dứt điểm của Man City. Do Haaland không dạt rộng ra để gây quá tải đối với rìa hàng thủ, các đồng đội của anh phải tìm những cách khác để tạo thế 3 chọi 2 giúp họ đột phá tại các hành lang và mở ra những cơ hội dứt điểm thực sự nguy hiểm.
Mấu chốt của pha tấn công chính là “tam giác rộng” được tạo nên giữa hai cầu thủ tấn công ở tuyến đầu và một người có vị trí giữa 2 tuyến, hình thành thế áp đảo quân số trước hai cầu thủ phòng ngự đá rộng nhất của Southampton. Nếu Man City chơi với một số 9 ảo – chẳng hạn như Phil Foden – anh ta sẽ sẵn lòng dạt rộng ra và đảm nhận bất kỳ vai trò nào trong 3 vai trò tấn công này. Nhưng thay vào đó, Haaland đã “mắc võng” giữa các trung vệ, Kevin De Bruyne băng lên từ vùng bên phải khu trung tuyến, và Joao Cancelo dâng cao ở cánh để hoàn thiện tam giác rộng.
Tình huống phối hợp đã diễn ra rất đẹp mắt, Man City đã thực hiện được một pha chuyền trả ngược chuẩn như sách giáo khoa và Haaland đã ghi thêm một bàn thắng nữa từ “khu vực Haaland”. Nhưng nếu có bất kỳ điều gì diễn ra không như ý muốn – một đường chuyền không đúng lúc, hay một pha cản phá bằng ngón chân – Man City sẽ rơi vào một tình trạng không hề lý tưởng chút nào cho việc chuyển đổi trạng thái từ công sang thủ, với việc Cancelo đã dâng cao đến mức ra khỏi đường biên ngang, Rodri đã dạt sang cánh trái để yểm trợ cho đồng đội người Bồ Đào Nha, và chỉ còn mỗi mình Bernardo Silva ở trung tuyến để chống đỡ một đợt phản công.
Chọn vị trí một cách hoàn hảo để qua đó có thể kiểm soát mọi giai đoạn của trận đấu là điều mà Guardiola luôn muốn Man City làm được. “Chúng tôi không được chơi quá nhanh, chúng tôi cần phải tạo ra một nhịp độ thi đấu bao gồm hàng nghìn được chuyền được thực hiện vào đúng thời điểm,” nhà cầm quân người Catalan thường nói. “Để làm được điều này, tất cả mọi người phải chọn vị trí thật tốt.”
Nhưng Haaland lại là một trong những cầu thủ nhanh nhất thế giới bóng đá, và anh không muốn gì hơn là một lối chơi thật nhanh.
Thỉnh thoảng, Man City sẽ đưa được bóng tới cho Haaland ngay trong công đoạn chuyển trạng thái, dẫn tới kiểu cơ hội ghi bàn mà anh thường xuyên được “thết đãi” ở Borussia Dortmund, giống như pha lập công đẹp mắt mang về bàn thắng thứ tư cho The Citizens trước Crystal Palace hồi tháng 8, khi anh sử dụng tốc độ để tiên phong, thể hình để “bắt nạt” một hậu vệ và cái chân trái cừ khôi để đánh bại thủ môn từ vị trí yêu thích của mình.
Nhưng Guardiola thực sự không thích kiểu đá nhanh, cắt bớt công đoạn như vậy. “Chúng tôi nên dành nhiều thời gian hơn ở khu vực 1/3 cuối sân đối thủ, thực hiện nhiều đường chuyền hơn tại đó,” ông than thở sau trận hòa 3-3 với Newcastle hồi đầu mùa giải. “Nhưng thật khó làm vậy vì sự hiện diện của Erling.”
Ông từng nhấn mạnh về một trong những cái lợi mà lối chơi kiên nhẫn của Man City mang đến là “khi chúng tôi để mất bóng, chúng tôi ở đúng vị trí và đối thủ sẽ chẳng thể thoát khỏi chúng tôi.”
Chống phản công đang thực sự là một vấn đề của Man City ở mùa giải này, đặc biệt là trên sân khách. Trận đấu với Newcastle chỉ là lần đầu tiên trong số 5 trận đấu mà Man City để cho đối thủ có ít nhất 6 pha phản công nhanh vào mùa này. Trong toàn bộ mùa giải 2021-22, họ chỉ để cho điều đó xảy ra vỏn vẹn 2 lần.
Đi sâu vào mùa giải, Guardiola đã thử nghiệm nhiều đội hình khác nhau để cố gắng kiểm soát trận đấu mà không cần sự trợ giúp của một số 9 ảo. Ông bắt đầu trông cậy vào Jack Grealish để làm chậm nhịp độ trận đấu xuống ở cánh. Ilkay Gundogan, cầu thủ có sở trường xâm nhập vòng cấm ở phía bên trái sân đấu qua đó biến anh thành cộng sự của Haaland, đã được ra sân nhiều hơn ở khu trung tuyến thay vì Bernardo Silva.
Những thay đổi lớn nhất đã diễn ra ở hàng thủ, nơi mà một Joao Cancelo cực quan trọng trước đây đã bị thay thế bởi Nathan Ake, một hậu vệ trái thiên về phòng ngự, để giúp kiểm soát công đoạn chuyển trạng thái.
“Món vũ khí” quý giá nhất của Cancelo luôn là những đường chuyền chéo sân từ hành lang trong phía cánh trái tới cho các chân chạy ở phía bên phải vòng cấm, nhưng ở mùa giải này, với việc Man City đang thực hiện hầu hết những cú dứt điểm của họ ở bên trái chấm 11m, chỉ số kiến tạo kỳ vọng của ngôi sao người Bồ Đào Nha đã giảm từ mức 0,19 mỗi trận trong 3 mùa giải trước xuống còn 0,06 ở mùa giải này.
Nói cách khác, có một mối liên hệ trực tiếp giữa việc Man City sắp xếp lại các chiến thuật của họ để tận dụng tối đa Haaland và quyết định gây sốc trong kỳ chuyển nhượng vừa qua là để Cancelo chuyển tới Bayern Munich – đội bóng mà thị trường cá cược nhận định là đối thủ lớn nhất của đội chủ sân Etihad tại Champions League.
Ở cánh phải, Guardiola đã bắt đầu yêu cầu hậu vệ cánh của ông di chuyển vào khu trung tuyến thường xuyên hơn, trong khi các cầu thủ chạy cánh lùi thấp hơn để khỏa lấp khoảng trống. Thay vì sự cân bằng, đối xứng đến mức đáng sợ thường thấy, Man City phiên bản mới này trông giống như một đội bóng vẫn đang tìm cách ghép các mảnh ghép lại với nhau.
Như bạn có thể dễ dàng đoán ra từ tuyến giữa dãn rộng của Man City trong “mạng lưới chuyền bóng” ở trên – đặc biệt, hãy nhìn vào việc Rodri đã chơi lùi sâu đến thế nào ở vị trí tiền vệ phòng ngự - không một sự mày mò, điều chỉnh nào trong số này giải quyết được vấn đề cơ bản trong khâu luân chuyển bóng của Man City.
Cái giá phải trả cho những bàn thắng của Haaland là ít đường chuyền hơn và đội hình kém linh hoạt hơn, buộc Man City phải đẩy cao nhịp độ tấn công và chạm bóng ít hơn ở hầu hết các khu vực bên phần sân đối thủ, ngoại trừ khu vực giữa vòng cấm. Thay vì đẩy quả bóng đi qua “cuống họng” đối thủ, họ đang bị buộc phải chuyền bóng quanh quẩn bên phần sân của mình nhiều hơn. Họ kém vững chãi hơn và khả năng kiểm soát kém hơn – nói ngắn gọn, thì là mất đi “chất Guardiola”.
Tình cảnh này không hề khó đoán trước. Mối nghi ngại về sự phù hợp của Haaland đối với Man City chưa bao giờ được giải quyết, ngay cả khi Man City phù hợp với Haaland. Guardiola đã giận dữ phủ nhận điều đó vào mùa hè năm ngoái – “Tôi nghe nhiều người bảo rằng cậu ấy sẽ không phù hợp với lối chơi của chúng tôi và tôi muốn hỏi rằng, ‘Các người trả lời xem ‘lối chơi của chúng tôi’ là cái gì cơ?’” – nhưng khi mùa giải diễn ra, những hạn chế từ sự kết hợp Man City – Haaland đã hiện lên ngày càng rõ.
Haaland đã làm chính xác những gì anh cần làm, chinh phục mọi sự kỳ vọng ngay trong mùa giải đầu tiên của mình ở Premier League. Man City thì vẫn là một trong hai hoặc ba đội bóng mạnh nhất thế giới. Nhưng nếu The Citizens muốn tiền đạo kiệt xuất người Na Uy thực sự giúp cho họ trở nên mạnh hơn, thì Guardiola vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Không dễ để dạy cho một người máy sát thủ cách làm thơ.
Theo John Muller, The Athletic