Mesut Ozil: Quê hương là quê hương nào?

Tác giả CG - Thứ Bảy 24/08/2019 09:05(GMT+7)

Zalo

Những sự kiện diễn ra trong suốt 15 tháng qua: bức ảnh với Erdogan, World Cup, tuyên bố từ giã đội tuyển, những khó khăn tại Arsenal, cuộc hôn nhân càng được đào sâu hơn sau khi Ozil và Sead Kolasinac bị những tên tội phạm tấn công ở London.

Nếu bạn đã định vị được thị trấn nhỏ Devrek nằm sâu trong vùng Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ thì không khó để tìm ra con đường có tên Đại lộ Mesut Ozil. Các lãnh đạo của thị trấn đã cho dựng một bảng quảng cáo lớn để tri ân người con của quê hương và gợi nhắc về niệm tự hào lớn nhất của vùng đất. Hình ảnh được trưng ra ở 2 mặt biển quảng cáo để dù là đi ra hay đi vào Devrek cũng không ai không thể nhìn ngắm nó.

Niềm tự hào của Devrek
 
Cách đây chưa lâu, trên tấm biển quảng cáo ấy là hình ảnh Ozil trong màu áo đội tuyển Đức, đứng khoanh tay cùng khuôn mặt nghiêm nghị. Còn hiện giờ thì khác, là hình ảnh Ozil đứng bên trái, miệng cười tươi, tay cầm chiếc áo Arsenal bên cạnh tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ mỉm cười khiêm tốn.
 
Truoc them World Cup 2018, Mesut Ozil gay tranh cai khi chup anh chung voi ong Tayyip Erdogan, Tong thong Tho Nhi Ky.
Trước thềm World Cup 2018, Mesut Ozil gây tranh cãi khi chụp ảnh chung với ông Tayyip Erdogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Tấm ảnh này được chụp tại khách sạn Four Seasons ở London vào một tối Chủ nhật tháng 5/2018. Nó đã đánh dấu thời khắc quyết định cho một năm đầy biến động của một trong những nhân vật phức tạp và đáng chú ý nhất về bản sắc văn hóa trong thế giới bóng đá. Đó là điểm khởi đầu cho 15 tháng nhiều xáo trộn và thay đổi với Ozil, là một chương quan trọng trong câu chuyện mà dù anh có thích hay không thì người ta vẫn quan tâm đến nó nhiều hơn là khía cạnh thể thao.
 
Về cơ bản, Ozil là cầu thủ bóng đá nhưng trong suốt toàn bộ cuộc đời trưởng thành của mình, anh cũng là một biểu tượng. Đây là trách nhiệm mà anh không muốn mang và sức nặng của nó chưa bao giờ phù hợp để đè lên đôi vai mảnh khảnh của tiền vệ 30 tuổi. Để rồi sau cùng, nó nghiền nát sức chịu đựng của Ozil khiến anh buộc phải quay lưng lại với nước Đức - nơi anh đã sinh ra.
 
Thay vào đó, nước Anh trở thành nơi trú ngụ, ẩn náu của tiền vệ Arsenal. Nhưng trước những mối đe dọa chưa từng xảy ra với sự an toàn của bản thân sau khi trở thành đối tượng của một vụ cướp vào tháng trước, căn biệt thự ở bắc London của anh giờ đây cũng chẳng khác là bao một chiếc lồng sang trọng nhất nằm giữa thủ đô. Nhà một lần nữa trở thành nơi bức bối với một người đã mất rất nhiều thời gian trong cuộc đời để vật lộn tìm nơi mình thuộc về.
 
Ở Devrek, bản ngã Thổ Nhĩ Kỳ của gia đình Ozil luôn rất được quan tâm. Ozil luôn là một chủ đề nóng tại đây, một thị trấn mà ông bà nội và cha của anh đã rời đi trong thập niên 60 để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn tại Đức. “Khi thằng bé bị những kẻ đầu đường xó chợ ngồi trên những chiếc xe gắn máy truy đuổi ở Anh, đó là một tin nóng trên truyền hình”, ông Memduh Saraç - chú của Ozil bày tỏ.
 
Devrek là một thị trấn nhỏ được bao quanh bởi những ngọn núi và vào mùa hè nóng bỏng ở Thổ Nhĩ Kỳ thì tưởng như chẳng có nổi một cơn gió thổi qua. Ngoài Ozil, nơi đây còn được biết đến với ngành công nghiệp khai thác mỏ và chế tác gậy chống thủ công. Đa số công nhân đều tới từ Zonguldak - một thành phố ven biển cách 50km về phía bắc.
 
Những người dân nơi đây biết rằng Ozil thích đến Istanbul phồn hoa hơn nhưng họ vẫn không ngừng mong ngóng anh trở về nơi quê cha đất tổ. Thỉnh thoảng anh vẫn trở về và hiện vẫn đang trích một phần trong số tiền lương 350.000 bảng/tuần để xây dựng một tòa nhà thể thao mới trên đại lộ Mesut Ozil. “Mesut đến từ đây, thằng bé là một phần trong số chúng tôi”, ông Saraç chia sẻ và nhấp một ngụm trà Thổ Nhĩ Kỳ truyền thống bên ngoài tiệm bánh của mình ở trung tâm thị trấn.
Voi su vang mat cua Reus, lieu Ozil co tiep tuc bi day ra canh?
 
Điều này được thể hiện rõ nét nhất khi Ozil thi đấu. Các quán café ở thị trấn đều chiếu các trận đấu của anh trên màn hình lớn và ông Saraç mỉm cười nhớ lại khi Ozil giúp đội tuyển Đức vô địch World Cup 2014. “Khi bóng đến chân Mesut, bạn có thể nghe thấy tất cả mọi người nói ‘oooooh’. Thằng bé thi đấu vì đội bóng chứ không phải bản thân nó. Đôi khi, thằng bé ở vị trí có thể ghi bàn thuận lợi nhưng lại chuyền và để người khác ghi bàn. Tiến lên nào, anh bạn! Sút!”.
 
Tình yêu của người dân nơi đây dành cho anh lớn tới nỗi trong suốt Lễ hội Văn hóa Devrek diễn ra vào năm ngoái (sau khi World Cup khép lại), các lãnh đạo thị trấn quyết định Ozil là chủ đề cuộc diễu hành tập thể. “Ozil là giá trị và niềm tự hào của chúng tôi”, thị trưởng của Devrek - người đã khuyến khích người dân trong thị trấn cùng ông đeo mặt nạ Ozil trong ngày hôm đó - chia sẻ.
 
Con tốt trên bàn cờ chính trị
 
Tuy nhiên, tìm thấy tình yêu không phải lúc nào cũng là việc đơn giản. Cuộc đời của Ozil là hành trình đi tìm sự chấp nhận. Trước tiên là ở Đức, nơi anh cảm thấy mình bị mọi người phỉ báng vì là một người Thổ. Còn ở Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt nhiều năm, anh bị gọi là một “Almanci” tức người có cảm tình với Đức. “Lúc nào cũng như thế. Khi người Thổ đến Đức, họ bị xem như những công dân hạng hai. Khi họ trở về nước thì lại là ‘Almanci’.”, ông Saraç trải lòng.
 
Rất nhiều trải nghiệm hình thành của Ozil, từ khi còn nhỏ đến lúc là thiếu niên, đều xoay quanh cuộc chiến để hòa nhập. Điều này chưa bao giờ dễ dàng với một người nhút nhát, có thiên hướng sống nội tâm và từng bị giáo viên cũ mô tả là “có chút tự kỷ”. Khi còn nhỏ, sống ở Gelsenkirchen, anh từng cảm thấy xấu hổ về gia đình nghèo khó của mình đến nỗi cố tình nói nhầm địa chỉ nhà cho các tài xế xe buýt để các bạn cùng lớp không nhìn thấy nơi mình sống.
 
Anh coi mình như một người nước ngoài và chỉ nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ đến năm 4 tuổi. Việc phải đọc to tiếng Đức ở trường với anh là “sự tra tấn đích thực”. Sau đó, từ năm 10 đến 12 tuổi, anh bị đội trẻ Schalke 04 từ chối thử việc những 4 lần dù khả năng là không phải bàn cãi. “Có vẻ như Matthias hoặc Markus hoặc Michael luôn được ưu ái hơn ngay cả khi họ chẳng giỏi hơn tôi chút nào”, tiền vệ sinh năm 1988 chia sẻ trong cuốn tự truyện.
 
Hành trình trở thành một ngôi sao với anh thậm chí còn gian nan hơn nhiều. Ở độ tuổi thiếu niên, Ozil đã phải đưa ra quyết định sẽ đại diện cho Đức hay Thổ Nhĩ Kỳ. Khi lựa chọn nước Đức, anh buộc phải từ bỏ hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ tại lãnh sự quán của đất nước. Ban đầu, cơ quan chức năng từ chối giúp đỡ Ozil và sau đó gọi anh là kẻ phản bội khi từ bỏ quê hương. “Thời điểm đầu, khi thằng bé thi đấu cho đội tuyển Đức, mọi người ở đây rất căm ghét”, ông Saraç tiết lộ.
 
Năm 22 tuổi, Ozil đã trở thành cầu thủ quan trọng của đội tuyển Đức. Bên cạnh đó, anh cũng biến thành một con tốt trên bàn cờ chính trị. Tháng 10/2010, sau một trận đấu với Thổ Nhĩ Kỳ, thủ tướng Angela Merkel bất ngờ bước vào phòng thay đồ tuyển Đức để chụp ảnh với Ozil. Merkel được xem là đã thành công trong việc biến Ozil trở thành người đại diện cho “multi-kulti” (chủ nghĩa đa văn hóa) ở Đức và sau đó bà bị cáo buộc đã lợi dụng Ozil vì mục đích chính trị.
Mesut Ozil Quê hương là quê hương nào hình ảnh 2
 
Tất cả những điều này rất đáng chú ý vì nó chính là bối cảnh quan trọng cho các sự kiện diễn ra vào mùa hè năm ngoái: bức ảnh chụp với Erdogan và mọi thứ diễn ra sau đó với Ozil. Suốt cả sự nghiệp cho đến nay, những cuộc thảo luận xoay quanh Ozil luôn là về vai trò của anh, trên tư cách một cầu thủ Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ, với toàn xã hội. Sau những tranh cãi xung quanh cuộc gặp tổng thống Erdogan và kỳ World Cup thảm họa của đội tuyển Đức tại World Cup, lần đầu tiên Ozil đã lật ngược lại vấn đề bằng câu hỏi: hãy quên anh có ý nghĩa gì với xã hội đi vì xã hội có ý nghĩa gì với anh?
 
Ví dụ, bạn sẽ cảm thấy ra sao khi bị một chính trị gia Đức gọi là “đồ chó đẻ”? Cảm giác sẽ thế nào khi bị một cổ động viên Đức gọi là “con lợn Thổ Nhĩ Kỳ”? Cảm xúc của Ozil sẽ ra sao khi biết tên của mình trở thành thứ “độc hại” đến nỗi trường cũ mà anh từng giúp đỡ về tiền bạc quyết định hủy bỏ chuyến thăm đã lên kế hoạch của anh? Tất cả những cảm xúc này được trút hết vào trong tuyên bố từ giã đội tuyển quốc gia với lý do bị phân biệt chủng tộc. “Tôi có 2 trái tim. Một là Đức và một là Thổ Nhĩ Kỳ”, Ozil tuyên bố.
 
Đức và Thổ Nhĩ Kỳ: đâu là nơi cả con tim thực sự thuộc về?
 
Đó là một người đàn ông dè dặt và kín đáo, một người không thoải mái với việc nói chuyện công  đến nỗi không vào phòng thay đồ Arsenal để tránh đi qua khu phỏng vấn. Thế nhưng, Ozil đã mạnh mẽ một cách bất ngờ trong cách kiểm soát vấn đề. Kể từ khi đưa ra tuyên bố trên, việc từ bỏ nước Đức và trở về với nguồn cội Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng được thể hiện rõ nét. Trong 2 trái tim, rõ ràng giờ đây phần của Thổ Nhĩ Kỳ đang đập mạnh hơn.
 
Ozil và các cố vấn của mình không phải những kẻ ngốc. Họ biết mọi người sẽ phản ứng ra sao khi anh khoác lá quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ trong một chuyến đi bắn súng sơn cùng các thành viên Arsenal mùa trước cũng như khi anh bắt đầu có nhiều hơn những chuyến đi tới Istanbul. Và trên tất cả, họ biết công luận sẽ phản ứng không chỉ với quyết định mời Erdogan đến dự đám cưới của anh trong mùa hè vừa qua (Ozil tổ chức hôn lễ với Amine Gulse, cựu hoa hậu Thổ Nhĩ Kỳ) mà còn nhờ ông làm người làm chứng hợp pháp tại buổi lễ. Vợ chồng Ozil sau đó đứng bên cạnh vợ chồng Erdogan và chụp ảnh bên bờ Bosphorus.
 
Cho đến mùa hè năm ngoái, Ozil vẫn là một cầu thủ e dè. Anh bị gán vào những vấn đề về hội nhập, đa văn hóa và bản sắc dù chẳng có lỗi gì hết. Anh trở thành một “cột thu lôi” bất đắc dĩ của những vấn đề vượt khỏi khuôn khổ bóng đá. Vụ lùm xùm từ tấm ảnh với Erdogan đã khiến anh thay đổi 180 độ và trở thành người có thiên hướng phản kháng.
 
Ở Devrek, Ozil trở thành biểu trưng cho niềm tự hào Thổ Nhĩ Kỳ và một nhà vô địch của những người chống lại sự khinh bỉ từ châu Âu. “Người châu Âu coi chúng tôi như những kẻ man di mọi rợ”, ông Saraç - người vẫn giữ liên hệ chặt chẽ với cha của Ozil - cho biết. Quyết định thay tấm biển quảng cáo Ozil trong bộ đồ tuyển Đức sang tấm ảnh chụp với Erdogan của thị trưởng Devrek được xem như bước đi quan trọng để đưa Ozil về lại với Devrek. Tuy nhiên, một điều có vẻ nghiệt ngã là danh tính và lòng trung thành của anh một lần nữa trở thành thứ bị lợi dụng.
 
Những sự kiện diễn ra trong suốt 15 tháng qua: bức ảnh với Erdogan, World Cup, tuyên bố từ giã đội tuyển, những khó khăn tại Arsenal, cuộc hôn nhân càng được đào sâu hơn sau khi Ozil và Sead Kolasinac bị những tên tội phạm tấn công ở London.
Mesut Ozil: Que huong la que huong nao?
 
Với Ozil, Arsenal luôn là một lối thoát cho anh khỏi những vấn đề chính trị mỗi khi ở Đức hay trở về Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên khi nơi trú ngụ an toàn bị xâm phạm đến mức anh không thể thi đấu và phải thuê vệ sĩ trong suốt 24 giờ thì quả thực vấn đề ngày càng đáng sợ và đáng lo ngại. Về lâu dài, anh có thể sẽ rời London mãi mãi. Trong tuần trước, người đại diện của cầu thủ 30 tuổi đã có mặt ở Washington và có cuộc gặp với các lãnh đạo DC United.
 
Câu hỏi đặt ra với Ozil là tất cả những điều này có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống của anh bên ngoài sân cỏ. Sau khi đã kiểm soát được những vấn đề phức tạp về danh tính và bản sắc của mình, ổn định cuộc sống với người vợ mới và tuyên bố trước thềm mùa giải rằng cảm thấy “hạnh phúc, sung sức và sảng khoái” thì đây quả thực là khoảng thời gian sóng gió mà anh có lẽ không thể ngờ tới. Cảm giác bị đe dọa kể từ sau khi bị cướp tấn công vào tháng trước là một trải nghiệm mới với Ozil. Thế nhưng những sự nghi ngờ từ thế giới xung quanh về nơi anh thực sự thuộc về - những điều mà từ lâu anh đã quá quen có lẽ sẽ luôn âm ỉ.

Lược dịch từ bài viết “In search of the real Mesut Ozil: Special report from Turkey on Arsenal star's struggle to belong” của tác giả Sam Dean trên Telegraph

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow