Kai Havertz: Đến bao giờ thì dư luận mới chịu công nhận anh?

Tác giả Nam Khánh - Thứ Sáu 05/07/2024 16:44(GMT+7)

Zalo

Kai Havertz là một câu đố đầy thú vị trong hình hài một cầu thủ bóng đá. Kể từ khoảnh khắc lần đầu tiên ra sân tại Bundesliga cho Bayer Leverkusen vào năm 2016 với tư cách cầu thủ trẻ nhất lịch sử CLB góp mặt trên sân chơi này, Havertz đã được kỳ vọng sẽ nở rộ thành một ngôi sao lớn.

Kai Havertz
 

Tuy nhiên, trong phần lớn sự nghiệp kể từ thời điểm đó, đặc biệt là sau khi rời khỏi Đức vào năm 2020, anh chủ yếu bị xem như một vấn đề nan giải – một câu đố cực hóc búa khó lòng giải mã. Chelsea gần như chưa bao giờ biết họ phải làm gì với anh. Arsenal cũng từng như vậy trong khoảng thời gian đầu sau khi chiêu mộ anh. Thậm chí tại kỳ Euro 2024 này, khi Đức đã giành được tấm vé tiến vào vòng tứ kết (đối thủ của họ sẽ là Tây Ban Nha), Havertz vẫn là một cái tên gây ra nhiều tranh cãi.

Có không ít người hết lòng ủng hộ anh, nhưng cũng có rất nhiều người chăm chăm buông lời chỉ trích anh. Sự xuất hiện của hai phe phái đó  được bắt nguồn từ chung một vấn đề.

Thực sự thì chức năng của Kai Havertz trên sân đấu là gì?

Nhận định Tây Ban Nha vs Đức (23h00 ngày 05/07): Siêu kịch tính, siêu hấp dẫnNhận định Tây Ban Nha vs Đức (23h00 ngày 05/07): Siêu kịch tính, siêu hấp dẫn
Nhận định Tây Ban Nha vs Đức ở mức cân bằng, cuộc đọ sức giữa hai đội bóng chơi thuyết phục nhất Euro 2024 đến thời điểm hiện tại sẽ rất hấp dẫn.
INFOGRAPHIC Tây Ban Nha vs Đức: Những con số đáng lưu ýINFOGRAPHIC Tây Ban Nha vs Đức: Những con số đáng lưu ý
Tây Ban Nha vs Đức ở vòng tứ kết Euro 2024, đây là cuộc đọ sức giữa hai đội bóng thể hiện thuyết phục nhất tại giải đấu đến thời điểm hiện tại.

***

Tại ĐTQG Đức, Havertz đảm nhận một vai trò rất kỳ lạ. Cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Trên danh nghĩa, anh là tiền đạo trung tâm trên hàng công của Julian Nagelsmann và phía sau là ba tiền vệ số 10 chơi bó hẹp (Florian Wirtz và Jamal Musiala chơi hai bên đội trưởng Ilkay Gundogan). Còn trên thực tế, cấu trúc tấn công của họ hoạt động rất linh hoạt, thường có 4 hoặc 5 cầu thủ dàn hàng ngang theo chiều rộng sân đấu, liên tục hoán đổi vị trí và thay đổi vai trò cho nhau.

Chính vì thế, sẽ hữu ích hơn nếu chúng ta suy ngẫm về hàng công này theo hướng một tổ hợp thống nhất thay vì từng cá nhân riêng lẻ. Vào đầu giải đấu, tờ The Athletic đã hỏi Musiala rằng anh thích nhất điều gì khi chơi trong hàng công đó, đặc biệt là ở Wirtz và Havertz.

“Tôi nghĩ cả đám bọn tôi đều có những ý tưởng bóng đá tương đồng nhau,” anh chia sẻ. “Ai trong chúng tôi cũng có thể tạo nên các khoảnh khắc khác biệt cả. Trên lý thuyết, Kai là một trung phong, là người đảm nhận vai trò trở thành mối đe doạ trực tiếp đối với khung thành đối thủ, nhưng chúng tôi có thể liên tục phối hợp với anh ấy và anh ấy cũng có thể lùi sâu, trở thành một số 10. Các mảng miếng phối hợp tấn công của chúng tôi rất đa dạng, đây chính là điều mà tôi thích nhất.”

Kai Havertz Đến bao giờ thì dư luận mới chịu công nhận anh 1
 

Khi đoàn quân của Nagelsmann chơi bùng nổ trong khâu tấn công, thì những pha di chuyển không bóng, tinh thần đồng đội và nhãn quan của Havertz sẽ được ca ngợi là “chất bôi trơn” giúp mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Khi ấy, tất cả mọi người đều sẽ tung hô những đóng góp thầm lặng và giá trị của anh đối với đội bóng.

Tuy nhiên, ngay khi khâu tấn công của họ bị trục trặc, Havertz đã thường xuyên trở thành người đầu tiên phải hứng chịu những lời chỉ trích, và các cuộc tranh cãi về chủ đề “phải chăng Nagelsmann nên chọn một trung phong chính thống?” sẽ bắt đầu nổi lên rầm rộ.

Đó chính là chuyện đã xảy ra sau trận hoà 1-1 với Thuỵ Sĩ. Pha đánh đầu của Niclas Fullkrug trong thời gian bù giờ của trận đấu đã giúp Đức san bằng tỷ số sau một màn trình diễn đáng thất vọng. Đó đã là bàn thắng thứ hai của tiền đạo thuộc biên chế Borussia Dortmund tại kỳ Euro này, và trong những ngày sau đó, giới truyền thông thể thao Đức đã liên tục đặt câu hỏi rằng phải chăng anh mới là người xứng đáng được đá chính trong trận đấu với Đan Mạch chứ không phải Havertz.

Fullkrug có một câu chuyện thú vị, thu hút nhiều cảm tình hơn nhiều so với Havertz. Tiền đạo 31 tuổi đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để thi đấu ở giải hạng hai Đức. Anh đã phải chờ đợi đến khi gần bước sang tuổi tam tuần mới có được lần đầu tiên khoác áo đội tuyển quốc gia và đã vượt qua một cuộc hành trình đầy phong ba bão táp để được như hiện tại – một thành viên của Die Mannschaft ở Euro 2024.

Còn Havertz thì từ đầu sự nghiệp đã được ca ngợi là một thần đồng tuổi teen, và nếu nhìn sơ qua thì ai cũng sẽ đinh ninh rằng con đường sự nghiệp từ trước đến nay của anh toàn trải bằng hoa hồng.

Kai Havertz Đến bao giờ thì dư luận mới chịu công nhận anh 2
Đức vs Đan Mạch Euro 30/6/2024: Kai Havertz thực hiện thành công quả 11m

Đặc biệt, Havertz thậm chí còn trở thành một tên đáng ghét trong mắt nhiều người vì thành tích ghi bàn từ các tình huống mở của anh quá tệ. Tại Euro 2024, chỉ có duy nhất Cristiano Ronaldo là được ghi nhận tổng số lần dứt điểm không tính penalty nhiều hơn Havertz (15 so với 12) – và cả 2 người họ đều chưa ghi được bàn nào từ những cú dứt điểm đó.

Việc phần lớn dư luận mong muốn nhìn thấy Fullkrug trên sân đấu thay vì Havertz là điều rất dễ hiểu – ngay cả Nagelsmann cũng thừa nhận điều đó.

“Nếu các bạn chỉ nhìn bề ngoài của câu chuyện này,” ông phân tích trước trận thắng Đan Mạch ở Dortmund. “Thì sự yêu thích dành cho Full là điều rất dễ hiểu. Nhưng Kai thực sự có một vai trò tối quan trọng trong các trận đấu. Vì cậu ấy phải tạo ra khoảng trống cho các đồng đội, nên cậu ấy sẽ không thể nhận bóng nhiều / giữ bóng lâu. Cậu ấy đã thực hiện nhiệm vụ đó một cách xuất sắc. Trong nội bộ đội bóng, chúng tôi đánh giá Kai cao hơn nhiều so với cách nhìn của công chúng đấy.”

Kai Havertz quả thực là một cao thủ hàng đầu thế giới trong khái niệm di chuyển không bóng. Chỉ có duy nhất Erling Haaland thực hiện nhiều pha chạy chỗ không bóng hơn ngôi sao người Đức tại Premier League 2022-23. Pha lập công của anh cho Chelsea trong trận chung kết Champions League 2021, vào lưới Manchester City, chính là minh chứng tiêu biểu nhất về chất lượng tuyệt hảo – thứ đã luôn được duy trì ổn định – của những pha chạy chỗ đó, cũng như khả năng tấn công vào các khoảng trống phía sau một hàng thủ dâng cao.

Hiện tại, những pha chạy chỗ không bóng của Havertz thậm chí còn mang tới cho các trung vệ của tuyển Đức một “lối thoát” khi họ cầm bóng nếu những sự lựa chọn ở trung tuyến bị hạn chế, và ngăn đối thủ đẩy cao hàng phòng ngự.

Mặc dù liên tục bị chê bai về thành tích săn bàn, nhưng Havertz thực sự là một trung phong rất đặc biệt. Trong 3 mùa giải vừa qua, tỷ lệ thắng và tần suất ghi bàn trung bình mỗi trận của Arsenal (2023-24) và Chelsea (2022-23 và 2021-22)  khi Havertz đá chính đều cao hơn so với khi anh vắng mặt. Với sự linh hoạt của ngôi sao người Đức, anh có thể hoà nhập tốt với nhiều chiến thuật tấn công khác nhau.

Trong mỗi giai đoạn của sự nghiệp Havertz, dường như luôn xuất hiện một “phiên bản” mới của anh được sinh ra. Giữa những năm tháng khoác áo Leverkusen, Chelsea và hiện tại là Arsenal, những hình ảnh tương phản của Havertz đã liên tục xuất hiện và làm dấy lên nhiều tranh cãi.

Kai Havertz Đến bao giờ thì dư luận mới chịu công nhận anh 3
 

***

Havertz từng là một trong những tài năng trẻ sáng giá nhất trong thế hệ của mình. Anh đã có 2 lần được trao Huy Chương Fritz Walter (được Liên đoàn bóng đá Đức trao cho những cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của các lứa tuổi khác nhau) - huy chương bạc vào năm 2016 và huy chương vàng vào năm 2018 – và được triệu tập lên ĐTQG lần đầu tiên khi chỉ mới 19 tuổi. Trên lý thuyết, Havertz vốn đã là một ngôi sao đình đám ngay từ đầu sự nghiệp, được đánh giá là một “wonderkid” trong tựa game Football Manager. 

Ngôi sao người Đức có bước đột phá lên đội một Leverkusen vào năm 2016, khi anh là một tập hợp của nhiều tố chất, thuộc tính đa dạng thay vì một cầu thủ được rèn đúc vào một khuôn mẫu, một vị trí cụ thể. Trong 4 mùa giải tiếp theo, cho đến năm 2020, Havertz chưa bao giờ thực sự có một vị trí thi đấu cố định cả. Anh đã đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong nhiều đội hình khác nhau – tiền đạo trung tâm, tiền đạo cánh, số 10. Trong mùa giải thành công nhất về mặt thống kê của bản thân, anh đã đá tiền vệ số 8 trong hệ thống 3-4-3 siêu năng nổ của Peter Bosz.

Havertz chính là mẫu cầu thủ điển hình mà bóng đá Đức đang sản sinh vào thời điểm đó.  Trong bóng đá hiện đại, chuyện này thường được mô tả như một vấn nạn. Một trong những mối lo ngại lớn nhất đã phát sinh tại đất nước này hồi ấy là, mặc dù họ có thể đào tạo ra rất nhiều cầu thủ đa kỹ năng, đa vị trí, nhưng nghệ thuật sản sinh ra những cầu thủ “chín hẳn một nghề” – như tiền đạo trung tâm, trung vệ – thì lại sa sút nghiêm trọng.

Năm 2020, Kai Havertz đã gia nhập Chelsea.  

Vào thời điểm ấy, anh đã trở thành một trong những cầu thủ được săn đón rầm rộ nhất tại châu Âu và việc Leverkusen phải chia tay với tài năng trẻ của họ vào mùa hè được xác định là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, vào tháng 2 năm đó, đại dịch coronavirus đã phá huỷ nghiêm trọng nền tài chính của bóng đá và khiến thị trường chuyển nhượng trở nên hết sức ảm đạm.

Chelsea đã quan tâm đến Havertz từ lâu và là một trong số ít CLB có thể tiếp tục chi tiêu mạnh tay. Dù vậy, khi ấy The Blues đã chiêu mộ Hakim Ziyech từ Ajax Armsterdam, Timo Werner từ RB Leipzig. Mùa giải trước đó, các “sản phẩm” đến từ học viện đào tạo tài năng trẻ của họ là Tammy Abraham và Mason Mount đã có những bước tiến đáng kể. Nhìn chung, nhóm cầu thủ này dường như đã chiếm hết những vị trí ưa thích của Havertz tại Chelsea.

Nhưng dù cho chẳng thể xác định được Havertz sẽ đá ở đâu, đảm nhận vai trò gì nếu mang anh về đội, thì cơ hội ký hợp đồng với anh vẫn quá hấp dẫn đối với The Blues.

Kai Havertz Đến bao giờ thì dư luận mới chịu công nhận anh 4
 

Đầu tiên, anh làm việc dưới triều đại ngắn ngủi của Frank Lampard. Khi Thomas Tuchel được bổ nhiệm thay thế Lampard vào tháng 1 năm 2021, khoảng thời gian tốt đẹp nhất trong sự nghiệp khoác áo Chelsea của Havertz đã đến – nhưng tình trạng thường xuyên thay đổi vị trí thi đấu vẫn tiếp diễn với chàng trai người Đức. Tuchel khi thì bố trí anh đá “pressing forward” (mẫu tiền đạo có nhiệm vụ chính là pressing đối thủ), khi thì bảo anh trở thành một trong hai tiền vệ số 10 phía sau trung phong.

Với việc không có một vai trò cố định, Kai Havertz tiếp tục là một cầu thủ khó phân loại – ngay cả đối với những người đang huấn luyện anh.

Vào tháng 3 năm 2022, sau chiến thắng 4-0 trước Burnley, trong đó Havertz được chọn đá trung phong thay vì Romelu Lukaku và ghi 2 bàn, Tuchel đã được yêu cầu giải thích quyết định của mình và những phẩm chất mà ông nhìn thấy ở ngôi sao người Đức.

“Những đóng góp mà cậu ấy mang đến cho chúng tôi là rất to lớn,” ông chia sẻ. “Cậu ấy di chuyển rất nhiều, với cường độ cực cao, vì vậy dù cho đối thủ có sử dụng hệ thống nào để phòng ngự trước chúng tôi đi chăng nữa thì cậu ấy cũng sẽ tìm được cách ‘xử đẹp’ nó thông qua cường độ thi đấu của mình. Cậu ấy có thể tìm ra những phương án di chuyển tiềm năng lớn. Cậu ấy có thể tìm ra những khoảng trống.”

“Cậu ấy thích cùng các đồng đội tạo ra thế áp đảo quân số trước đối thủ cũng như chiếm lĩnh khu vực hành lang trong. Đây chính là những đóng góp của cậu ấy cho chúng tôi, là phong cách thi đấu của cậu ấy, là đặc điểm của cậu ấy trong tư cách một cầu thủ.”

Một câu trả lời thực sự tuyệt vời!  

Đó cũng chính là điều đang diễn ra tại Euro 2024. Fullkrug gây ấn tượng với khả năng ghi bàn. còn Havertz thì tạo nên những đóng góp to lớn khác. 

Kai Havertz Đến bao giờ thì dư luận mới chịu công nhận anh 5
 

***

“Tôi yêu cậu ấy cả trong tư cách một con người lẫn một cầu thủ. Những gì cậu ấy mang đến cho đội thật tuyệt vời… dù cho tôi yêu cầu cậu ấy đá trung phong, đá tiền vệ tấn công lệch phải, tiền vệ tấn công lệch trái, hay thậm chí là chơi ở hàng thủ, cậu ấy cũng làm được tất. Thật hạnh phúc khi được làm việc cùng cậu ấy.”

Khi đó là giữa tháng 2 năm 2024, Mikel Arteta vừa chứng kiến đoàn quân Arsenal của mình đánh bại West Ham trên sân khách. The Gunners đã huỷ diệt hoàn toàn đối thủ, cá nhân Havertz cũng đã có một màn trình diễn tuyệt vời. Tuy không ghi bàn hay kiến tạo, nhưng sự xuất sắc của anh vào ngày hôm ấy là điều không khó để nhìn ra; đúng như Arteta khen ngợi, Havertz đã cung cấp chính xác những gì mà Arsenal cần.

Khác với Chelsea, Arsenal đã có một kế hoạch rõ ràng cho Havertz khi họ chiêu mộ anh. Bản hợp đồng Declan Rice đã mang đến cho Arteta cơ hội để tái thiết tuyến tiền vệ của ông, và tạo điều kiện để Havertz chơi tiền vệ số 8 lệch trái, vai trò mà anh đã đảm nhận khi chơi cho Leverkusen dưới thời Bosz.

Nhưng khoảng thời gian đầu thực sự rất khó khăn. Những đường chuyền của Havertz quá thiếu tự tin và anh chẳng dám đưa ra các quyết định mạo hiểm khi cầm bóng. Trên các khán đài, những hiểu nhầm về sự nghiệp của ngôi sao người Đức tại Chelsea đã khiến anh liên tục bị các cổ động viên đối thủ chế nhạo, chủ yếu là nhắm vào mức phí chuyển nhượng 60 triệu bảng mà Arsenal đã chi ra để có được anh. Trong phòng thay đồ, tuy tập thể The Gunners rất ấn tượng với khả năng di chuyển không bóng và đóng góp phòng ngự của Havertz, thậm chí còn hơn cả kỳ vọng ban đầu của họ, nhưng thái độ của ngôi sao người Đức thì chẳng khác nào một cầu thủ đang bất ổn tâm lý sau những trải nghiệm ở Anh.

Tới mùa thu năm 2023, Mikel Arteta dường như vẫn đang bối rối chưa biết phải làm gì trước khối rubik hóc búa mang tên Kai Havertz này; có vẻ như “ý tưởng Havertz” mà ông vạch ra ban đầu chỉ hấp dẫn trên giấy tờ thay vì thực tế. Tuy nhiên, đến cuối mùa giải, Havertz đã bất ngờ tạo nên những con số thống kê tốt nhất từ trước đến nay trong sự nghiệp chinh chiến ở Premier League của anh, đồng thời cũng là tốt nhất tính từ năm 2019.

Ange Postecoglou, HLV trưởng của Tottenham Hospur, hiện đang làm bình luận viên cho ITV trong thời gian diễn ra Euro 2024. Khi được yêu cầu phân tích sự thành công của Havertz ở Arsenal – và những yếu tố đã giúp anh hòa nhập với phong cách bóng đá của họ - Postecoglou  đã đúc kết kinh nghiệm từ những cuộc đối đầu với đoàn quân của Arteta nói chung và ngôi sao người Đức nói riêng.

“Nhiệm vụ chính yếu của cậu ấy là tạo ra khoảng trống cho các đồng đội. Khi bạn đấu với Arsenal. Đội hình của họ không có một mũi nhọn tâm điểm cụ thể nào để bạn có thể nhìn vào đó rồi vạch ra chủ trương ‘chúng ta sẽ khóa chặt khu vực này’. Hàng công của họ di chuyển, phối hợp rất linh hoạt, biến hóa, và cậu ấy chính là chất xúc tác cho điều đó.”

Khi được hỏi quan điểm của ông về lý do tại sao đến nay Havertz vẫn là một cầu thủ gây nên nhiều tranh cãi đến vậy, ông đã nêu ra một vấn đề quen thuộc.

“Havertz là một cầu thủ mà bạn không thể đóng khung vào một vị trí cụ thể, điều này khiến người hâm mộ gặp khó khăn trong việc đánh giá những đóng góp của cậu ấy trên sân đấu.”

Kai Havertz Đến bao giờ thì dư luận mới chịu công nhận anh 6
 

***

Mối duyên giữa Nagelsmann, Đội tuyển Đức và Havertz đã có một sự khởi đầu không được suôn sẻ trước khi mọi thứ bắt đầu trở nên tốt đẹp hơn.

Song song với sự hồi sinh của Havertz tại Arsenal là một khoảng thời gian đầy kỳ quặc tại ĐTQG Đức mà trong đó anh là nạn nhân của bối cảnh hỗn loạn sau khi Hansi Flick bị sa thải.

Vào tháng 11 năm 2023, 2 tháng kể từ sau khi chính thức được bổ nhiệm vào chiếc ghế HLV trưởng của đội tuyển Đức, Nagelsmann đã sử dụng Havertz tại vị trí hậu vệ cánh trái trong các trận giao hữu với Áo và Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định này đã phải nhận rất nhiều lời chế giễu và bị xem là một “triệu chứng” của tình trạng rối loạn đang xảy ra tại Die Mannschaft.

Họ đã thua cả 2 trận đấu đó, và chẳng có dấu hiệu tích cực nào xuất hiện cả.

Kai Havertz Đến bao giờ thì dư luận mới chịu công nhận anh 7
 

Nagelsmann đã sẵn sàng điều chỉnh đội bóng của ông chỉ để nó có thể ăn khớp với Kai Havertz. Ông thậm chí còn giao cho anh một vai trò hoàn toàn mới. Trong cuộc họp báo trước cuộc đối đầu đội tuyển Áo, nhà cầm quân này đã giải thích lý do đằng sau quyết định kỳ lạ của mình theo một cách cho thấy chính bản thân ông cũng không chắc thí nghiệm này sẽ đi đến đâu.

“Chúng tôi sẽ không đóng khung vào một đội hình cố định mà thay vào đó là linh hoạt biến đổi dựa trên độ cao của hàng thủ đối phương. Kai sẽ không phải lúc nào cũng chơi tại vị trí đó.  Tôi có rất nhiều ý tưởng dành cho cậu ấy, vì cậu ấy là một cầu thủ bóng đá xuất sắc. Đây sẽ là một phương án tốt cho chúng tôi. Tuỳ vào tình hình thế trận, không phải lúc nào cậu ấy cũng sẽ chơi như một hậu vệ trái cổ điển trong quan niệm của các bạn.”

Sau thất bại trước Áo, những chia sẻ trên của Nagelsmann khiến ông giống như một nhà cầm quân muốn lắp một cầu thủ vào đội hình của mình nhưng lại chẳng thực sự biết cách để làm điều đó. Thực ra thì bản thân Havertz đã rất hào hứng với cuộc thí nghiệm sẽ khiến anh phải học cách chơi tại một vị trí hoàn toàn mới mẻ này.

“Kai đã nói với tôi rằng cậu ấy muốn thử sức xem sao,” Nagelsmann giải thích. “và tôi không xem nó là một canh bạc đầy rủi ro đối với cậu ấy, mà thậm chí còn là một cơ hội cực kỳ, cực kỳ lớn để cậu ấy có được một vai trò quan trọng tại Euro.”

Đây là một giai thoại kỳ quặc, nhưng cũng hết sức thú vị về Kai Havertz – một ví dụ khác về sự đặc biệt của anh trong tư cách một cầu thủ bóng đá, ngoài các phiên bản Kai Havertz tiền đạo trung tâm, tiền vệ tấn công và tiền đạo hộ công. Việc anh – một cầu thủ đã tạo nên những cuộc chuyển nhượng có tổng giá trị lên tới 200 triệu Euro – sẵn sàng thử sức với vai trò đó cho thấy rằng ngay cả bản thân Havertz cũng không chắc về vị trí tối ưu của mình trên sân đấu.

Giống như khởi đầu khó khăn tại Arsenal, có lẽ đây cũng là hệ quả của cách mà anh được sử dụng trên sân đấu những năm gần đây, là chuyện tất yếu ở một cầu thủ chưa từng có một vị trí thi đấu cố định.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn vào tháng 3 – theo hướng tích cực. Trong các trận giao hữu với Pháp và Hà Lan hồi mùa xuân, Nagelsmann đã có lần đầu tiên để Havertz đá trung phong, phía trước Wirtz và Musiala. Tổ hợp này đã ngay lập tức hoạt động trơn tru và cực ăn ý nhau; vai trò của Havertz tại ĐTQG của anh là có mặt ở bất kỳ nơi đâu mà Die Mannschaft cần đến bộ kỹ năng của anh khi họ tấn công, vào bất kỳ thời điểm nào.

Kai Havertz Đến bao giờ thì dư luận mới chịu công nhận anh 8
 

***

ĐTQG Đức đang thực sự thăng hoa tại Euro 2024. Musiala đang tiến gần đến việc trở thành một người hùng dân tộc. Antonio Rudiger chưa bao giờ nổi tiếng hơn thế này. Toni Kroos được tôn kính ở bất cứ nơi đâu mà anh đặt chân đến. Những lá cờ Đức tung bay trên các khung cửa sổ ô tô và những toà tháp. Die Mannschaft càng tiến sâu, sự hưng phấn tại đất nước này sẽ càng trở nên bất khả ngăn cản.

Đội tuyển Đức đã thường xuyên gây thất vọng nặng nề trong thập kỷ qua và các tuyển thủ hiện tại đang giúp hồi phục lại cái tôi của nền bóng đá có lịch sử lừng lẫy này. Về mặt thể thao, họ sẽ thực sự trở thành những tên tuổi bất tử nếu thành công trong nhiệm vụ đó.

Nhưng liệu những đóng góp thầm lặng của Kai Havertz có được dư luận tôn vinh, được trân trọng hơn trong tương lai hay không? Đó là một vấn đề khác, rất khó để trả lời vào lúc này, dù cho anh vốn đã rất được quý trọng bởi các HLV và đồng đội của mình rồi.

Tóm lại, Kai Havertz làm gì trên sân đấu? Dù có là gì đi chăng nữa thì những người trong cuộc đều đã khẳng định rằng chúng rất quan trọng.

Theo Sebastian Stafford-Bloor và Liam Tharme, The Athletic

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

X
top-arrow