Đã 13 năm kể từ thời điểm thương vụ chuyển nhượng có một không hai trong lịch sử túc cầu giáo ấy diễn ra, những người trong cuộc phần nào đã bị lãng quên. Thế nhưng mỗi khi có ai đó nhắc lại về thương vụ này, không ít người vẫn phải bật cười thành tiếng.
Đối với rất nhiều cầu thủ, việc được khoác lên mình chiếc áo của Real Madrid giống như một giấc mơ ngọt ngào vậy. Trong quá khứ, Cristiano Ronaldo từng hạ quyết tâm rời Manchester United để chuyển đến thi đấu cho Los Blancos, bất chấp vào mối quan hệ được miêu tả chẳng khác gì cha con giữa anh và Sir Alex Ferguson. Hơn nữa vào thời điểm ấy, “Quỷ đỏ” vẫn đang thống trị đấu trường quốc nội, đồng thời có hai năm liên tiếp vào tới trận chung kết Champions League.
Cristiano Ronaldo từng hạ quyết tâm rời Man Utd để chuyển đến thi đấu cho Real Madrid.
Hơn một thập kỷ trôi qua, sức hút đến từ đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha chỉ có tăng chứ không hề giảm. Bất cứ ngôi sao nào được Real Madrid liên hệ, chắc chắn đều sẽ cảm thấy tự hào. Thế mới có chuyện Kylian Mbappe cân nhắc từ bỏ mức đãi ngộ khủng của Paris Saint-Germain để chuyển đến Bernabeu theo dạng chuyển nhượng tự do ở mùa hè 2022.
Mặt khác, hệ thống tuyển trạch viên chất lượng rải khắp Châu Âu cũng cho phép BLĐ Real luôn tìm kiếm, đánh giá được tiềm năng của các cầu thủ mà họ muốn quan tâm.
Thế nhưng cái gì thì cũng có ngoại lệ. Trong quá khứ, từng có một thương vụ chuyển nhượng khá hy hữu của Real, khi tân binh được họ đưa về thậm chí còn phải dự bị ở đội bóng trung bình. Đó là câu chuyện về Julien Faubert ở TTCN mùa đông 2008/2009. Một bản hợp đồng dở khóc, dở cười ám ảnh các Madridista đến tận bây giờ.
Nói về Faubert, có lẽ cả sự nghiệp chơi bóng vui ít, buồn nhiều của tiền vệ người Pháp này chỉ được gói gọn trong hai sự kiện.
Thứ nhất, Faubert người đầu tiên mặc chiếc áo số 10 của Zinedine Zidane, ngay khi huyền thoại người Pháp giải nghệ vào mùa hè 2006. Cụ thể, trong trận đấu giao hữu với ĐT Bosnia vào ngày 16/08/2006, trận đấu mà nhà á quân World Cup 2006 đánh bại đối thủ với tỉ số 2-1. Đặc biệt, người được “chọn mặt gửi vàng” để kế thừa số áo huyền thoại đã có pha lập công ở phút bù giờ để đem về chiến thắng cho ĐT Pháp. Khởi đầu như mơ, tuy vậy đó cũng là lần cuối cùng mà người hâm mộ của Les Bleus được chứng kiến “truyền nhân của Zidane” thi đấu trong màu áo ĐTQG.
Julien Faubert được “chọn mặt gửi vàng” kế thừa Zidane tại ĐTQG Pháp.
Thứ hai, Faubert chuyển đến thi đấu cho Real ở TTCN mùa đông 2009. Nghe như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường vậy!
Thời điểm ấy Florentino Perez còn chưa tái đắc cử, Vicente Boluda là chủ tịch tạm quyền của Real sau sự ra đi đầy tai tiếng của Ramon Calderon đầu năm 2009. Nhưng người “có công” đưa Faubert cập bến Bernabeu thì lại là Juande Ramos – vị HLV trưởng thứ hai của Real trong mùa giải 2008/2009, sau khi Bernd Schuster bị sa thải thời điểm trước kỳ nghỉ Giáng sinh. Mãi đến sau này, nói về quyết định điền tên Faubert vào danh sách chuyển nhượng, Juande Ramos mới tiết lộ lý do là vì ông ấn tượng với màn trình diễn của tiền vệ sinh năm 1983 này trong hai lần West Ham đối đầu Tottenham ở mùa giải 2007/2008.
Với bản danh sách chấn thương lên đến hai con số, đặc biệt là ở hành lang cánh khi Gabriel Henze, Miguel Salgado và Miguel Torres, đều phải ngồi ngoài vì những lý do khác nhau khi mùa giải bước vào giai đoạn lượt về căng thẳng. Việc phải căng sức ở cả La Liga lẫn Champions League khiến Juande Ramos không thể ngồi im chờ đợi. Ưu tiên của chiến lược gia người Tây Ban Nha là đưa về Bernabeu một cầu thủ đa năng, có thể thi đấu ở nhiều vị trí.
Đáng lẽ ra Antonio Valencia mới là cái tên được lựa chọn, tuy nhiên việc CLB chủ quản Wigan hét giá chân chạy cánh người Ecuador lên đến 32 triệu euro khiến cho thương vụ này đổ bể. BLĐ Real không thể chi quá nhiều tiền sau khi đã bỏ ra 45 triệu euro cho hai tân binh là Lassana Diarra và Klaas-Jan Huntelaar ở TTCN mùa đông. Thế nên dù rất muốn nhưng Antonio Valencia không thể chuyển đến “miền đất hứa” của mình.
Nhưng anh cũng chỉ ở lại Wigan thêm vài tháng trước khi chính thức cập bến Man Utd vào mùa hè 2009 với mức phí 20 triệu euro. Vậy còn câu chuyện về Faubert thì sao?
Đó là một buổi chiều rất đỗi bình thường vào ngày 29/01/2009, Faubert ngồi xe bus cùng đồng đội di chuyển đến SVĐ Upton Park để chuẩn bị đón tiếp Hull City. Cầu thủ người Pháp bất ngờ nhận được cuộc gọi của một người đồng hương tự xưng là đang làm việc cho Real.
“Chào cậu! Tôi làm việc cho Real và chúng tôi muốn thảo luận một chút với cậu”, người bí ẩn nói. Faubert không cần mảy may suy nghĩ, nhanh chóng đáp lại: “Tôi sắp sửa có trận đấu quan trọng trước mắt và chẳng thừa thời gian cho trò đùa ngớ ngẩn này”. Dù nhấn mạnh ngữ khí đề cao tính chất quan trọng của trận đấu, thế nhưng Faubert cũng chỉ được tung vào sân ở phút 78, khi chiến thắng đã rất gần West Ham với cách biệt 2 bàn.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Faubert trở lại phòng thay đồ sau trận đấu, bất giác phát hiện ra điện thoại mình có đến 30 tin nhắn và 50 cuộc gọi nhỡ, đa phần đến từ tay đại diện Yvan Le Mee. Sau khi kết nối được với thân chủ của mình, gã đại diện nói rằng mình cũng nhận một cuộc gọi tương tự, đồng thời thông báo rằng phái đoàn của Real đang chờ Faubert ở một khách sạn ở Heathrow.
Chỉ còn chưa đầy 48 giờ đồng hồ trước khi TTCN mùa đông chính thức khép lại, Faubert hiểu rằng nếu có bất cứ mâu thuẫn vào xảy ra trên bàn đàm phán giữa West Ham và Real, thương vụ này sẽ đổ bể. Rất may, lời đề nghị mượn người với mức phí 1,5 triệu euro đã nhanh chóng được chấp nhận. Thậm chí trong thỏa thuận mượn người, Real còn “chắc tay” thòng điều khoản mua đứt vào. Máy bay đưa Faubert đến thẳng trung tâm tập luyện của các cầu thủ Real với hành trang là 19 trận đấu sau hơn một năm rưỡi chơi bóng tại Anh.
Ngày ấy các phương tiện truyền thông chưa bùng nổ như hiện tại, thông tin về các thương vụ chuyển nhượng thường được giữ kín đến tận phút chót. Cũng chính vì vậy, khi Faubert gửi lời chia tay các đồng đội West Ham trong buổi tập cuối cùng, không ít người đã cười ầm. Rõ ràng chỉ có chuyện cổ tích mới biến Faubert trở thành đồng đội của những Iker Casillas, Sergio Ramos, Wesley Sneijder, Arjen Robben, Ruud van Nistelrooy và Raul Gonzalez. Và câu chuyện cổ tích ấy có thật!
Ngay khi góp mặt trong buổi ra mắt đội bóng mới, Faubert cũng khiến cả những người trong cuộc cảm thấy bất ngờ. Hình ảnh cố huyền thoại Alfredo Di Stefano cầm trên tay chiếc áo số 18 của tân binh này với ánh mắt ngơ ngác, lập tức là tiêu điểm của nhiều trang nhất các báo thể thao tại Tây Ban Nha. Có cảm giác như chủ nhân của hai danh hiệu Quả bóng vàng còn chẳng biết kẻ hậu bối mình cầm áo là ai, đến từ đâu.
Cố huyền thoại Alfredo Di Stefano với ánh mắt ngơ ngác khi cầm áo của hậu bối.
Nhưng ngay cả khi sống trong câu chuyện cổ tích thì hiện thực vẫn cứ gõ cửa đối với cựu cầu thủ của Bordeaux. Ngay lập tức anh cảm nhận được sự cạnh tranh vị trí khốc liệt tại Bernabeu. Việc phải chứng tỏ giá trị bản thân giữa một “Dải ngân hà” đầy rẫy những ngôi sao của Real không bao giờ là dễ dàng đối với bất cứ ai. Cũng rất nhanh chóng, HLV Juande Ramos nhận ra sự hạn chế về chuyên môn của cái tên ông quyết tâm chiêu mộ.
Suốt gần 5 tháng ăn tập tại Tây Ban Nha, Faubert chỉ được ra sân vỏn vẹn 2 trận, cụ thể ở đây là 52 phút trước Racing Santander và Athletic Bilbao. Và tất nhiên chẳng có bất cứ trận đá chính nào cả. Điều này đồng nghĩa phía đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha đã phải trả 28.000 euro cho mỗi phút được “chiêm ngưỡng” Faubert thi đấu.
Ngay lập tức các Madridista nhận ra sự hạn chế về chuyên môn ở Julien Faubert.
Việc ngồi dự bị quá lâu khiến ngay cả một người được đưa lên mây xanh như Faubert cảm thấy thất vọng. Thế nên mới có chuyện máy quay bắt được cảnh anh đang ngủ gật trên băng ghế dự bị trong trận đấu với Villareal. Ngoài ra, anh cũng bỏ lỡ một buổi tập vì tưởng đó là ngày nghỉ.
Đối với nhiều người, chuyện Faubert đến Real vừa là câu chuyện cổ tích, vừa là câu chuyện hài hước. Nhưng đối với bản thân, anh chưa bao giờ hối hận bất chấp việc chẳng được trao cơ hội trong quãng thời gian cho mượn tại đây. Trong một lần phỏng vấn, Faubert nói rằng:
Tôi phải cám ơn rất nhiều vì trải nghiệm đáng nhớ đó. Ngay buổi tập đầu tiên, tôi đã cảm thấy choáng ngợp khi trước mặt mình toàn là các ngôi sao hàng đầu Châu Âu. Mặt khác, tôi và gia đình đã được phía Real đối xử rất tốt. Từ ngôi nhà sang trọng, những chiếc siêu xe, đặc biệt con gái tôi còn được tạo điều kiện học trường quốc tế.
Tất nhiên, sau cùng chẳng có bất cứ bản hợp đồng dài hạn nào được giới thường tầng Real đề nghị dành cho Faubert cả. HLV Juande Ramos cũng bị sa thải vào cuối mùa dù đã phần nào giúp đội bóng về đích ở vị trí thứ 2 tại La Liga. Nhưng việc bị lọai ngay vòng 1/16 Champions League với tổng tỉ số 0-5 trước Liverpool là một nỗi thất vọng lớn.
Florentino Perez lên nắm quyền chủ tịch và đã mạnh tay loại bỏ tàn dư của chế độ cũ. Dàn hảo thủ “Hà Lan bay” tài năng là vậy cũng phải ra đi không kèn không trống để nhường chỗ cho dự án Galacticos 2.0 với những Xabi Alonso, Kaka, Karim Benzema và đặc biệt là Cristiano Ronaldo. Và nếu đặt lật ngược vấn đề trước đó, nếu Florentino Perez lên nắm quyền sớm, chắc chắn câu chuyện cổ tích của Faubert sẽ chẳng bao giờ xảy ra.
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.
Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?
Ở mỗi đội bóng trước đây, HLV Arne Slot luôn có một “số 9” biết cách ghi ít nhất 20 bàn/mùa. Còn tại Liverpool bây giờ, ông dường như vẫn chưa dứt khoát chọn được ai giữa Diogo Jota và Darwin Nunez làm “số 9”.