Jimmy Floyd Hasselbaink: Cơn lốc Hà Lan giữa London sương mù

Tác giả Sói Bạc - Thứ Năm 08/09/2016 16:34(GMT+7)

Thứ Bảy ngày 23 tháng Chín năm 2000, Đội ĐKVĐ Ngoại Hạng Anh của Sir Alex Ferguson đối đầu với Chelsea – trận đấu đầu tiên Claudio Ranieri dẫn dắt The Blues. United vào cuộc với tràn đầy sự tự tin sau 6 trận liên tiếp không biết mùi thất bại, nổi bật là chiến thắng đậm đà 6-0 trước đối thủ Bradford City vài tuần trước đó. Trong khi ấy, Chelsea lại có một loạt những màn trình diễn đầy thất vọng khi họ để thua chính Bradford và Leicester City. Vialli bị sa thải, Ranieri là người được bổ nhiệm làm tân HLV. 
Jimmy Floyd Hasselbaink: Cơn lốc Hà Lan giữa London sương mù
Nhưng ngày hôm đó lại là một ngày đáng nhớ cho cả Ranieri và Jimmy Floyd Hasselbaink: Graeme Le Saux xộc thẳng bên hành lang cánh trái và đưa ra một đường tạt bóng xuống cho Flo đang ở phía góc phải. Cầu thủ người Na Uy đã tận dụng đôi chân dài của mình để nhận đường chuyền mạo hiểm ấy, đưa trái bóng vào khu vực nguy hiểm – nơi có Hasselbaink đang chờ sẵn. Và rồi, tiền đạo người Hà Lan đã khống chế bóng bằng ngực đầy gọn gàng trước khi nã cú đại bác về van der Gouw. Thủ thành United khi đó chỉ biết nhìn đồng đội và cười gượng gạo.
 
Biểu cảm của van der Gouw cũng là biểu cảm chung của không ít thủ thành sau khi đối mặt và thất bại trước mũi giày của Hasselbaink: thất thần, chán nản và thậm chí tuyệt vọng. Và cứ thế, đã có những tháng ngày True Blues ưỡn ngực tự hào vì họ có tay súng thiện xạ mang tên Hasselbaink.
 
TAI NẠN ĐẦU ĐỜI VÀ ĐÔI CHÂN ĐẦY SỨC MẠNH
 
250 bàn thắng trong 18 năm chơi bóng chuyên nghiệp bằng cả hai chân là một tài sản khổng lồ của tiền đạo lớn lên ở vùng Suriname (thuộc Hà Lan) và rất nhiều trong số đó là những bàn thắng đầy uy lực xuất phát từ đôi chân – thứ vũ khí quý giá của anh. Nhưng ít ai biết, anh đã phải vươn lên và trải qua những tháng ngày khổ luyện như thế nào để trở thành một sát thủ thực sự. 
 
Năm lên ba, Jimmy bị một người phụ nữ đâm vào trên một khu phố đông đúc và gãy chân ngay sau đó. Với những đứa trẻ khác, đó là một tai nạn nghiêm trọng mà có lẽ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt sau này chứ chưa nói đến việc sẽ chơi bóng như một cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng may mắn cho Jimmy, cậu được bố mẹ chuyển đến bệnh viện của Hà Lan để kiểm tra và phẫu thuật từ khá sớm. Mặc dù, bản năng hiếu động của cậu làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi nhưng điều kỳ diệu đã đến với cậu bé, sau thời gian dài điều trị, chân của Jimmy đã lành lặn trở lại, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ trở thành cầu thủ đá bóng chuyên nghiệp của cậu bé có khát khao chơi bóng mãnh liệt.
 
Sinh ra ở vùng nghèo nhất của Cộng hòa Suriname – nơi vẫn thường xảy ra loạn lạc bởi súng đạn, tuổi thơ của Jimmy là những trận đá bóng với chúng bạn: những tiếng reo hò ăn mừng bàn thắng xen lẫn những tiếng súng nổ inh tai, là những pha làm bàn mãn nhãn bất chấp những viên đạn lạc có thể cướp đi sinh mạng của lũ trẻ yêu bóng đá ấy bất cứ lúc nào. Có lẽ vì thế mà Hasselbaink yêu bóng đá đến đam mê và quyết định sẽ gắn bó với môn thể thao này. Nhưng cuộc sống và điều kiện thiếu thốn đã làm nên một Jimmy với một tuổi thơ “dữ dội”. Bên cạnh những trận bóng là những lần cậu tham gia vào những băng đảng thanh niên tuổi 16 “bất cần đời” và thậm chí đã từng bị tống giam cùng đồng bọn đi cướp vé xem buổi biểu diễn của nhóm nhạc Rap của Mỹ. “Các bạn đáng lẽ phải thấy tôi ở độ tuổi ấy. Một trong những gã trai tồi tệ, tỏ vẻ ngầu và chuyên đi cướp bóc, dọa nạt người khác. Cũng điên rồ đấy chứ?”
Jimmy Floyd Hasselbaink- chân sút một thời của Atletico Madrid
Nhưng dù thế nào, niềm tin bất diệt của chàng thanh niên Hasselbaink vẫn đặt nơi trái bóng và đến năm 18 tuổi, cậu ghi danh vào Học viện bóng đá của CLB Telstar.
Bóng đá đã cứu rỗi tôi
Hasselbaink
Telstar (Hà Lan) – AZ – Boavista – Leeds - Atletico Madrid là những chặng dừng chân trong cuộc phiêu lưu của Jimmy cùng với trái bóng. Phong độ của anh ngày một lên cao và ở đâu, anh cũng nhận được sự trầm trồ của các CĐV và BLĐ đội bóng. Tiền đạo có những bước chạy nhanh như tốc độ ánh sáng này đã từng có một mùa giải bùng nổ với 20 bàn sau 23 trận đấu cùng CLB Boavista và giúp đội bóng lên ngôi vô địch Bồ Đào Nha; đã từng lập công 26 lần trong mùa giải đầu tiên khoác áo Leeds United của HLV David O’leary và đã từng ghi tên mình vào trang sử của Los Rojiblancos khi chính anh giúp đội bóng vượt qua gã khổng lồ cùng thành phố Real Madrid ngay tại Santiago Bernabeu lần đầu tiên sau chín năm dài. Mặc dù vậy, 32 bàn thắng của anh cũng không giúp Ranieri ở lại Vicente Calderon được lâu hơn. Nhưng cũng chỉ chưa đầy một năm sau đó, Jimmy tái ngộ người thầy cũ của mình ở một chân trời mới khi anh quyết định trở lại Đảo quốc sương mù – chân trời của The Blues – Stamford Bridge…
 
MÀU ÁO XANH – MÀU CỦA NHỮNG BÀN THẮNG  

Nhưng người mang anh về Cobham không phải là Ranieri mà là một người Ý khác – Gianluca Vialli. Người tiền nhiệm của Ranieri đã thuyết phục BLĐ The Blues bỏ ra một khoản tiền kỉ lục để có được chữ ký của Hasselbaink khi đó đã 28 tuổi. Chẳng phải để các CĐV chờ đợi lâu, màn ra mắt của Jimmy đã đốn gục trái tim họ ngay từ chiến thắng của Chelsea trước Manchester United tranh cúp Charity Shield năm 2000. Và cả mùa giải đầu tiên ấy, anh chứng tỏ mình đáng giá với số tiền chuyển nhượng kỉ lục ấy: vua phá lưới giải Ngoại Hạng với 23 bàn trong 35 trận đấu và đỉnh cao là cú volley từ ngoài vòng cấm vào lưới Manchester United và bốn bàn thắng làm xé lưới Coventry City. 
Jimmy Floyd Hasselbaink và quả volley đáng nhớ vào lưới của Man Utd
Ranieri là người vui mừng hơn cả, và ông lại có một hướng đi đúng đắn khi đã tạo điều kiện để chàng tiền đạo người Hà Lan thỏa sức tung hoành trên sân cỏ Anh, đó là khi Hasselbaink được chơi cặp với Eidur Gudjohnsen – 52 bàn thắng của bộ đôi này trên khắp các mặt trận của mùa giải 2001-02 (trong đó có 29 bàn của Hasselbaink) hẳn là một con số biết nói. Thậm chí khi chứng kiến bộ đôi song sát này hạ gục Quỷ Đỏ ngay tại Old Trafford tháng Mười Hai năm 2001, Sir Alex chia sẻ: “Giờ thì tôi không đủ tự tin mà nói United sẽ vô địch giải Ngoại Hạng nữa rồi.” 
 
Những Juan Veron, Roy Keane và Fabien Barthez chắc chắn và mạnh mẽ là thế cũng trở nên lu mờ trước cặp Hasselbaink – Gudjohnsen ăn ý và đầy nguy hiểm. Giống như Lửa và Băng, cặp đôi tưởng chừng như trái ngược nhau về lối chơi lại tỏ ra hợp rơ đến kỳ diệu. Jimmy có sức mạnh và tốc độ tuyệt vời – Eidur có nhãn quan và khả năng chọn vị trí cực tốt. Có những thời điểm người ta rút ra một chân lý: “Eidur chỉ cần chuyền hợp lý, phần còn lại cứ để Hasselbaink lo.” Quả đúng như thế, đỉnh cao phong độ của cặp đôi này như một cứu cánh cho True Blues khi Chelsea mùa giải đó chỉ kết thúc ở vị trí thứ 6 trên BXH và để thua Arsenal trong trận chung kết cup FA khi Jimmy bất ngờ gặp chấn thương ngay đầu trận đấu.
Jimmy Floyd Hasselbaink - Eidur Gudjohnsen: Cặp đôi song sát của Premier League
Cho đến tận bây giờ, ký ức tươi đẹp ấy luôn nằm trọn trong tâm trí của tiền đạo người Iceland để rồi anh nhắc đến người đồng đội cũ với cả sự trân trọng “Không phải Messi, Zola hay Henry, Hasselbaink mới là người tôi thích chơi bóng cùng nhất.”
 
Thứ bóng đá của Hasselbaink là thứ bóng đá của uy lực và những bất ngờ. Những bàn thắng trong màu áo Chelsea của anh luôn làm người ta phải trầm trồ và làm điêu đứng rất nhiều hàng thủ và những thủ môn đầy kinh nghiệm. Đó là cú hattrick đặc biệt: một bằng đầu, một bằng chân phải, bàn còn lại bằng chân trái vào lưới của Spurs tháng Ba năm 2002 với màn ăn mừng bàn thắng mang thương hiệu Hasselbaink: nụ cười hiền lành và sải tay dang rộng đón chờ đồng đội ùa đến. Đó là cách mà Hasselbaink có thể làm để chinh phục những trái tim mỏng manh chỉ chực rộn lên khi anh ghi bàn thắng và chinh phục cả những con mắt chuyên gia đầy khó tính.
 
Hai mùa giải cuối cùng của anh trong màu áo Chelsea không còn bội thu bàn thắng như thời kỳ đầu anh mới cập bến Stamford Bridge do những chấn thương cản trở. Hơn nữa, vẫn còn đó những cái tên mới, cạnh tranh những suất đá chính như Adrian Mutu hay bản hợp đồng bom tấn Hernan Crespo, nhưng Hasselbaink vẫn ở đó, vẫn nuôi dưỡng niềm tin nơi các CĐV mỗi khi anh ra sân và lập công. 18 bàn thắng ở mùa giải 2003-04 là thành quả của một tiền đạo đã bước sang tuổi 32 có thể làm được cho đội bóng áo xanh thành London, và cũng là lần thứ 3 trong 4 năm anh trở thành chân sút số một tại Stamford Bridge. Đó là thành tích không dễ để vượt qua, đặc biệt đối với những chân sút của The Blues sau này và cũng đủ để các CĐV phía Tây London luôn nhớ về anh như một huyền thoại.
 
Để rồi khi anh ra đi, anh vẫn luôn đau đáu về khoảng thời gian tươi đẹp ấy, nơi có màu xanh, nơi có đội bóng anh đã từng dành trọn tình yêu: “Chelsea là CLB luôn có vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Họ luôn cho tôi có cảm giác tôi là một phần của đội bóng.” – đó là lời chia sẻ khi anh đã khoác áo Middesbrough. 
 
***
 
18 năm chơi bóng với 10 điểm dừng chân khác nhau, nhưng Hasselbaink luôn tôn trọng những đội bóng cũ. Dù là bàn thắng đầu tiên cho Charlton nhưng là vào lưới của Chelsea thì với anh cũng chẳng có lí do gì để ăn mừng, và với Boro khi ở thế đối đầu cũng vậy, sau cùng vẫn là sự tôn trọng đáng ngưỡng mộ của tiền đạo người Hà Lan. Một Hasselbaink điềm tĩnh và trưởng thành hiện ra trước mắt chúng ta trái ngược hoàn toàn với một Jimmy ngỗ nghịch khi xưa.

TÌNH YÊU VỚI TRÁI BÓNG CÒN CHÁY MÃI

Và dù khi còn bé, hay đã bước sang tuổi tứ tuần, dù ở Anh, Bồ Đào Nha hay bất cứ đâu trên thế giới này, Jimmy vẫn luôn gắn liền với trái bóng.“Tôi sẵn sàng đi đến bất cứ đâu, làm những công việc thuần túy, miễn sao họ cho tôi được làm việc cùng trái bóng.”
 
Từ một chàng trai trẻ ở đỉnh cao sự nghiệp đến khi chuyển sang làm công tác huấn luyện, những phẩm chất từng giúp anh ghi danh như một tiền đạo hàng đầu của Premier League và châu Âu vẫn không thay đổi. Vẫn là nét cá tính, sự quyết đoán - những yếu tố quan trọng giúp anh bước đầu gặt hái những thành công trên cương vị HLV, ở Burton và bây giờ là Queens Park Ranger - nơi anh đang cố gắng để giúp đội bóng thăng hạng.
Jimmy Floyd Hasselbaink - HLV của Queens Park Ranger
“Hà Lan đã sản sinh những HLV vĩ đại như Johan Cruyff, Rinus Michels, Leo Beenhakker… và tôi may mắn từng được làm việc chung với Advocaat, Hiddink hay Van Gaal. Họ thật tuyệt, nhưng tôi không muốn mang theo quyển sách hướng dẫn từ Hà Lan và nói với học trò: “Chúng tôi sẽ chơi với sơ đồ 4-3-3”! Ở Hà Lan, bạn phải chơi theo cách này, chuyền bóng kiểu này và đó là tất cả những gì sách vở nói. Tôi không dập khuôn theo “phong cách Hà Lan”. Tôi muốn làm theo cách riêng của mình, cách của Jimmy!” - Hasselbaink
 
Và điều người hâm mộ đang chờ đợi là ngày anh sẽ sớm gặt hái được những thành công, trở thành một nhà cầm quân lừng lẫy giống như cách anh đã làm khi còn là một chân sút thiện xạ. Biết đâu sẽ có ngày anh sẽ dẫn dắt Chelsea như anh đã từng mong ước, ở đó vẫn có những người ngóng tin anh, ngóng tin về một số 9 tuyệt vời mà họ từng có - Jimmy Floyd Hasselbaink!

Bài viết có sử dụng tư liệu từ These Football Times, Wiki và website Chelsea FC in Vietnam

VIC(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?