Victor Moses năm nay 34 tuổi, đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ từ lâu. Sự thật thì xuyên suốt sự nghiệp chơi bóng của mình, tiền vệ người Nigeria cũng hiếm khi nào nổi bật.
Kể từ thời điểm rời Chelsea ở mùa hè 2019, cái tên Moses gần như biến mất khỏi tâm trí những người yêu thích bóng đá Anh. Tiền vệ gốc Châu Phi lang bạt sang Thổ Nhĩ Kỳ để thi đấu cho Fenerbahce, một thời gian ngắn chuyển tới Inter Milan, trước khi dành 4 năm sự nghiệp tiếp theo chơi bóng trong màu áo Spartak Moscow tại Nga. Và sau khi kết thúc hợp đồng tại xứ sở bạch dương, ở tuổi xế chiều, Moses đã lựa chọn quay trở lại nước Anh để khoác áo một đội bóng ở thủ đô London.
Không phải Chelsea, không phải Arsenal, Tottenham hay West Ham, đội bóng dang vòng tay đón Moses trở lại chỉ là một Luton nhỏ bé – cái tên từng làm nên kỳ tích với chiến dịch thăng hạng Premier League ở mùa giải trước – nhưng đang chìm sâu trong khủng khoảng với vị trí áp chót tại Championships với 38 điểm sau 39 vòng đấu. Với bản hợp đồng có thời hạn chỉ 1 năm, cả Luton lẫn Moses đều hiểu rằng sợi dây kết nối của hai bên chỉ là trong ngắn hạn.
![]() |
Victor Moses đang ở chặng cuối của sự nghiệp khi khoác áo Luton tại Championships. |
Đó là một điều dễ hiểu với những cầu thủ đang ở chặng cuối của sự nghiệp như Moses. Anh chẳng thể đòi hỏi gì nhiều hơn khi mà thể lực, tốc độ cùng kỹ năng chơi bóng đã không còn được như trước. Mức lương 25.000 bảng/tuần, tương đương 1,3 triệu bảng/năm, là con số khá thấp ngay cả khi so sánh với mặt bằng chung của các cầu thủ tại Championships. Tuy vậy, Moses buộc phải đưa ra sự lựa chọn bởi slẽ gần như không có CLB nào khác muốn có sự phục vụ của anh. Đó chính là mặt trái của cầu thủ bóng đá – nghề nghiệp vốn chỉ có “tuổi nghề” nhất định với đỉnh cao sự nghiệp thường chỉ kéo dài 5-6 năm. Sau quãng thời gian ấy, các cầu thủ chuyên nghiệp buộc phải học cách thích nghi với việc xuống chơi ở những giải đấu có cấp độ thấp hơn, đồng thời thu nhập cũng giảm đi đáng kể.
Thế nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng, cầu thủ bóng đá luôn là nghề mang lại thu nhập khủng bậc nhất ở nước Anh. Lấy ví dụ, thu nhập bình quân đầu người ở Anh trong năm 2024 chỉ khoảng 37.000 bảng/năm. Tức là, thu nhập của Moses đang hưởng tại Luton gấp 35 lần một lao động bình thường tại Anh. Và theo thống kê, cầu thủ sinh năm 1990 đã kiếm được khoảng 32 triệu bảng xuyên suốt gần 20 năm chơi bóng chuyên nghiệp, số tiền đủ để Moses tận hưởng cuộc sống sung túc sau khi giải nghệ, nếu anh biết cách chi tiêu hợp lý. Đó rõ ràng là ước mơ của rất nhiều người lao động chân chính. Nên nhớ rằng, Moses từng trải qua một tuổi thơ bất hạnh khi mồ côi cả bố lẫn mẹ khi mới 11 tuổi. Gia đình anh bị thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa Hồi giáo và Công giáo tại Nigeria vào năm 2002. Bi kịch đó đã gây ra ám ảnh đối với Moses, buộc anh phải bỏ chạy khỏi quê hương, trước khi được nhận nuôi bởi một gia đình tị nạn tại London.
Phải nếm trải cuộc sống “tha phương cầu thực” từ sớm, Moses luôn mong muốn sẽ kiếm được nhiều tiền để thay đổi vận mệnh. Sau cùng, bóng đá là cánh cửa của cuộc đời anh. Các tuyển trạch viên của Crystal Palace đã phát hiện ra tố chất của Moses và giúp anh gia nhập đội U14. Sau cùng, nghị lực và quyết tâm giúp cầu thủ Châu Phi vượt qua hàng trăm học viên khác để đặt chân lên đội 1 của Crystal Palace. Đến tháng 11/2007, Moses được ra mắt tại Championships trong trận hòa 1-1 trước Cadiff , thời điểm anh mới 16 tuổi 335 ngày. Sự thăng tiến của Moses diễn ra liên tục ở các mùa giải sau đó, khi anh được Wigan đưa về ở kỳ chuyển nhượng mùa đông năm 2010 với mức giá 2,5 triệu bảng, trước khi lọt vào mắt xanh của Chelsea ở mùa hè 2012.
Chức vô địch Champions League 2011/2012 là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của Chelsea trong nhiều năm liên tiếp, thế nhưng đó cũng là cột mốc đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ thành công rực rỡ từng kéo dài cả thập kỷ gắn liền với những lão tướng như Petr Cech, John Terry, Ashley Cole, Michael Essien, Frank Lampard và Drogba. Để tiếp tục duy trì vị thế của mình tại đấu trường quốc nội lẫn Châu Âu, BLĐ Chelsea cần “thay máu”.
Đó là lý do để giải thích vì sao BLĐ Chelsea lại đưa về Stamford Bridge hầu hết các tân binh trẻ tuổi ở mùa hè 2012, với sự xuất hiện của Cezar Azpilicueta, Oscar và đặc biệt là Eden Hazard – ngôi sao mới 21 tuổi nhưng đã có giá lên đến 30 triệu bảng. “Lọt thỏm” trong số này là sự xuất hiện của Moses với mức giá 9 triệu bảng – người cũng chơi vị trí chạy cánh giống Hazard và tuổi tác thì tương đồng (Moses sinh trước Hazard 24 ngày). Đây rõ ràng là một thương vụ táo bạo dưới triều đại Roberto Di Matteo bởi ngoài nền tảng thể lực sung mãn thì Moses không phải cầu thủ được đánh giá cao bởi tư duy chơi bóng. Sao mai người Nigeria khi ấy đang cùng Wigan vật lộn cho cuộc chiến trụ hạng tại Premier League, nơi anh ghi 6 bàn thắng sau 38 lần ra sân ở mùa giải 2011/2012. Cũng chính vì vậy, lời đề nghị 9 triệu bảng của Chelsea là đủ sức nặng để thuyết phục một CLB có tài chính eo hẹp như Wigan. Ở tuổi 21, sau nhiều năm được rèn luyện và thi đấu trong màu áo Crystal Palace và Wigan, Moses được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển khi được đặt vào môi trường chơi bóng áp lực hơn. Khách quan mà nói, đây cũng được xem là giải pháp “phòng ngừa” hiệu quả, bởi không ai dám chắc những sao mai ngoại quốc như Oscar và Hazard sẽ thích nghi tốt với môi trường chơi bóng giàu thể lực và tốc độ tại Premier League.
Thế nhưng, với sự tỏa sáng ngoài mong đợi của cả Oscar lẫn Hazard trong mùa giải 2012/2013, Moses nhanh chóng bị lãng quên trên băng ghế dự bị, chỉ đá chính 12 trận tại Premier League năm đó với 1 bàn thắng và 1 kiến tạo, kém xa Hazard (9 bàn thắng, 11 kiến tạo). Di Matteo, người đã đưa Moses về Stamford Bridge bị sa thải trước kỳ Giáng sinh năm đó, còn người thay thế là Rafael Benitez cũng không có ý định sử dụng anh thường xuyên trong đội hình. Mọi thứ thậm chí tệ hơn khi Jose Mourinho lên nắm quyền. Trong 3 năm tại vị nhiệm kỳ thứ 2 tại Chelsea, “Người đặc biệt” chỉ sử dụng Moses vỏn vẹn…10 phút trong các trận đấu chính thức! Lý do chính nằm ở việc Mourinho thích sở hữu sơ đồ 4-2-3-1 với 3 tiền vệ tấn công phía sau tiền đạo chủ lực phải đóng góp tích cực vào đầu ra bàn thắng. Ở nhiệm kỳ đầu tiên, Mourinho có Damien Duff, Arjen Robben, Joe Cole, Salomon Kalou và Florent Malouda. Sang nhiệm kỳ thứ 2 thì Hazard, Pedro, Willian và Andre Schurrle là những cái tên thường xuyên được trọng dụng.
So với họ, Moses đơn giản là không đáp ứng được yêu cầu. Cũng chính vì vậy, trong giai đoạn từ 2013-2016, Moses liên tục được cho mượn tại Liverpool, Stoke City và West Ham. Những bản hợp đồng chớp nhoáng như vậy không hề giúp ích nhiều cho sự nghiệp của một cầu thủ trẻ. Anh phải làm việc liên tục với quá nhiều HLV trưởng. Họ có triết lý bóng đá, sơ đồ chiến thuật và cách sắp xếp đội hình khác nhau, dẫn đến việc Moses khó lòng thích ứng được trong một sớm, một chiều.
![]() |
Victor Moses từng được xem là “người vô hình” trong mắt Jose Mourinho. |
“Sau khi kết thúc bản hợp đồng cho mượn tại West Ham, tôi đã muốn rời khỏi Chelsea. Thời điểm ấy tôi đang ở năm cuối của hợp đồng và cảm thấy bản thân không còn cơ hội để trở thành một phần của tập thể này, ngay cả khi Mourinho đã ra đi. Ba mùa giải liên tiếp được đem đi cho mượn là quá đủ. Tôi muốn ổn định để phát triển sự nghiệp. Mọi thứ không có gì tiến triển cho đến khi mùa giải mới 2016/2017 bắt đầu. Ban đầu, Antonio Conte sở hữu sơ đồ 4-2-3-1 với Ivanovic và Azpilicueta đá hậu vệ cánh, còn John Terry và Gary Cahill đá cặp trung vệ. Phía trên, bộ tứ Hazard, Willian, Pedro và Oscar luôn phiên cho 3 vị trí đá chính. Tôi chỉ được vào sân vài phút ngắn ngủi khi họ cần thay ai đó. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi Terry dính chấn thương phải nghỉ thi đấu gần 2 tháng, còn Conte chiêu mộ thêm Marcos Alonso và David Luiz làm dày hàng phòng ngự. Tôi hiểu ông ấy muốn chuyển sang sơ đồ 3-4-3, đội hình làm nên thành công của ông ấy tại Juventus. Và tôi cũng hiểu mình phải làm tất cả những gì tốt nhất trong các buổi tập nếu muốn ghi điểm trong mắt Conte. Mỗi ngày khi tới Cobham, tôi đều tự nhủ đây có thể là ngày cuối cùng của mình ở đây”, Moses từng chia sẻ điều này với The Athletic trong một bài phỏng vấn độc quyền.
“Nhiều người nói sự xuất hiện của Conte tại Chelsea đã cứu rỗi sự nghiệp của tôi. Đúng vậy! Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng bạn đừng nghĩ mọi thứ diễn ra dễ dàng. Tôi ghi 1 bàn thắng vào lưới Bristol City tại League Cup, 4 ngày sau tiếp tục ghi bàn khi vào sân thay người ở chiến thắng 3-0 trước Burnley tại Premier League. Lúc ấy, tôi cứ nghĩ mình trở thành nhân tố chủ chốt đến nơi rồi! Nhưng không! Conte tiếp tục cho tôi dự bị trong 3 trận tiếp theo tại Premier League. Chelsea hòa 1, thua 2, thủng lưới 6 bàn. Tôi biết Conte không hài lòng vì sự chậm chạp của Ivanovic và cái cách Oscar hỗ trợ phòng ngự. Ông ấy ném cả hai lên băng ghế dự bị, đưa Azpilicueta về đá trung vệ lệch phải, sử dụng bộ đôi N'Golo Kante - Nemanja Matic án ngữ tuyến giữa và trao cơ hội đá chính cho tôi. Đó là khoảnh khắc đã thay đổi Chelsea và thay đổi cuộc đời của tôi. Chúng tôi toàn thắng 13 trận tiếp theo tại Premier League và chỉ để lọt lưới 4 bàn”.
![]() |
Antonio Conte đã cứu rỗi sự nghiệp của tiền vệ Nigeria tại Chelsea |
Conte không phải một người yêu thích lối chơi Catenaccio, nhưng ông có bản năng của một người Italia chính hiệu, luôn dành sự quan tâm đặc biệt vào hệ thống phòng ngự. Chelsea mùa giải 2016/2017 là hiện thân của sức trẻ với lối chơi pressing cực kỳ hiệu quả. Và Moses chính là nhân tố giúp tuyến giữa của The Blues trở nên chắc chắn hơn bao giờ hết. Anh không xuất hiện thường xuyên ở đáy biên để thực hiện các quả tạt vào bên trong cho các tiền đạo, cũng không có xu hướng bó vào trong để dứt điểm như Alonso. Với nền tảng thể lực vượt trội, Moses được Conte sử dụng như một “vũ khí kéo bóng” ở khu vực 1/3 giữa sân, trước khi tìm ra cơ hội chuyền bóng cho bộ ba tiền đạo phía trên. Khi đội nhà cần phòng ngự, Moses hỗ trợ hiệu quả bằng lối chơi giàu sức mạnh, không ngại va chạm. Chính sức trẻ của bộ tứ Alonso – Matic – Kante – Moses đã bổ khuyết cho những lão tướng như Terry hay Cahill ở trung tâm hàng phòng ngự.
“Tôi chưa từng chơi ở vị trí này trước kia. Tôi chỉ biết lắng nghe chỉ dẫn của HLV trưởng và học cách để hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi trận đấu trôi qua là lúc tôi tiến bộ và tích lũy thêm kinh nghiệm", Moses từng chia sẻ như vậy sau khi nhận danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất Premier League tháng 11/2016.
Kết thúc mùa giải năm đó, Chelsea giành được 93 điểm và có lần thứ 6 vô địch Premier League. Với riêng Moses, anh đã ra sân tổng cộng 34 trận đấu (29 lần đá chính), ghi được 3 bàn thắng và 2 pha kiến tạo. Ngày Chelsea đăng quang, đó là khoảnh khắc bản thân Moses không bao giờ quên trong sự nghiệp chơi bóng của mình: “Tôi đã mất ngủ cả đêm trước chuyến làm khách tại The Hawthorns của West Brom tại vòng 36 Premier League. Tôi hiểu rằng nếu giành chiến thắng, chúng tôi sẽ là nhà vô địch. Chúng tôi đã áp đảo đối thủ hoàn toàn nhưng không thể ghi bàn cho đến tận phút 82. Lần này Michy Batshuayi đã sắm vai người hùng với pha đệm bóng cận thành. Đó là một bàn thắng đơn giản nhưng với tôi thì nó đẹp hơn tất cả. Tôi chẳng quan tâm nhiều vì tôi biết rằng mình sắp là nhà vô địch đến nơi rồi!”.
![]() |
Khoảnh khắc hai thầy trò chung vui chức vô địch Premier League 2016/2017. |
Nói về mối quan hệ mật thiết với Conte, Moses cho biết: “Chúng tôi chỉ làm việc 2 năm tại Chelsea, nhưng với tôi đó đã là đặc ân lớn trong sự nghiệp. Ông ấy thay đổi cuộc đời của tôi, giúp tôi tự tin vào bản thân và cho tôi nếm trải cảm giác của một cầu thủ quan trọng trong đội hình là như thế nào. Sau này khi giải nghệ, tôi vẫn sẽ tự hào vì mình đã là nhà vô địch nước Anh”.
Albert Einstein từng nói rằng: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời nó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”. Moses chính là một con cá và người thay đổi vận mệnh của anh tại Chelsea không ai khác ngoài Conte.