Callum Hudson-Odoi: Chuyện của cậu bé sợ một con công

Tác giả CG - Thứ Sáu 31/05/2019 14:09(GMT+7)

Zalo

Tôi là một tuyển thủ Anh và khi còn bé, tôi đã chạy trốn một con công đang đuổi mình. Đừng lo lắng về chấn thương của tôi, tôi sẽ trở lại.

Xin chào toàn thế giới. Tôi là Callum Hudson-Odoi. Và tôi sẽ thành thật với các bạn. Ngay lúc này hoàn toàn là những tâm sự rút ruột rút gan. Có thể bạn đã nghe rồi, tôi bị đứt gân Achilles tại Stamford Bridge. Mùa giải của tôi đã kết thúc sớm, thật thất vọng. Nhưng đừng lo! Tôi sẽ trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tôi hứa với các bạn, tôi đang trở lại rồi đây!

Callum Hudson-Odoi Chuyện của cậu bé sợ một con công (P2) hình ảnh
 
Và bây giờ tôi có một chút thời gian, tất cả những gì có thể làm là ngồi xuống và suy nghĩ. Vì không thể chơi bóng nên tôi nghĩ mình sẽ cho mọi người biết một chút về câu chuyện của mình. Bắt đầu như thế nào nhỉ?
Bạn bè gọi tôi là Cal. Vị kem yêu thích của tôi là vanilla. Bộ phim tôi thích là “The Intent”, cả phần 1 lẫn phần 2. Khi còn bé, thứ mà tôi sợ nhất là con búp bê Chucky trong những bộ phim kinh dị đó. Tôi thích nghĩ về bản thân mình một cách thực tế. Tôi thích cái lạnh. Tôi yêu gia đình, bạn bè và có niềm đam mê mãnh liệt dành cho bóng đá.
 
Ồ, và rồi một ngày tôi chạy trốn một con công vì nghĩ nó đuổi mình. Tôi sẽ giải thích điều này. Khi còn nhỏ, tôi giành được học bổng đến một ngôi trường có tên là Whitgift ở Croydon, Nam London. Whitgift không phải là kiểu trường bình thường như của mọi người. Ngay khi bạn bước qua cổng dường như cũng là lúc bạn đi vào một thế giới khác. Ngày đầu tiên ở đây, tôi vẫn nhớ đã nhìn thấy một sân bóng lớn giống như những sân mà tôi từng nhìn thấy khi bố lái xe đèo tôi đi qua. Nhưng đó không giống kiểu sân bóng trong trường của các bạn. Nó giống như thứ mà bạn nhìn thấy trên TV, tất cả đều chỉn chu. Tôi nghĩ rằng “Đây sẽ là sự khác biệt”.
 
Bạn sẽ tưởng tượng cảm giác ở đó giống như thể thời vua Henry VIII vậy. Ở đó có những thư viện rất rất lớn với các cuốn sách có tuổi đời cao hơn cả ngôi nhà của bạn. Chúng có một mê cung. Xin thề có Chúa, có một mê cung thực sự ở đó và bạn có thể chạy khắp nơi giống như Harry Potter. Bạn bè tôi, những người đến từ những ngôi trường khác, thường trêu tôi vì điều này. “Cal đang đến Hogwarts đấy”, kiểu như thế. Nhưng thực sự tôi có thể nói gì đây? Trường của tôi có những con chuột túi và hồng hạc đi lại ở đó.

Hudson-Odoi lam kho Azpilicueta trong tap luyen
 
Bạn chỉ cần đi dạo là sẽ thấy. Và đây là một con công, lần đầu tiên tôi nhìn thấy công. Tôi là một đứa trẻ xuất thân từ Nam London, tôi mới chỉ thấy công trên trang sách chứ không biết bên ngoài nó trông ra sao. Lúc đó tôi còn nhỏ và chỉ đang cố tìm đường đi thì thấy con chim này nhìn mình.
 
Thật bối rối. Con chim này đúng là đang nhìn mặt tôi như thể muốn hỏi mã bưu chính của tôi là gì. Đúng là như thể tôi đã hỏi: “Sao? Chuyện gì đây?”.
 
Và rồi nó tiến lại gần tôi hơn. Từ từ và chậm rãi. Cảm xúc của tôi lúc đó là “Này, anh bạn đang làm gì đấy?”.
 
Tôi lùi lại, bạn không thể nào phàn nàn với một con chim được. Và thế là nó đuổi tôi! Ngực nó căng phồng như thể đang nhún nhảy với tôi vậy. Tôi không nói dối đâu, tôi đã bỏ chạy thật đấy. Không chỉ một lần mà hầu hết quãng thời gian ở trường, tôi đều chạy trốn con công đó.
 
Yo! Callum Hudson-Odoi, tuyển thủ Anh nhưng sợ những con công. Cuộc đời thật bất ngờ.

Callum Hudson-Odoi Chuyện của cậu bé sợ một con công (P2) hình ảnh
 
Bóng đá là cuốn hộ chiếu đưa tôi vào Whitgift và nó cũng giúp tôi đi khắp thế giới. Bóng đá là thế giới của tôi kể từ ngày đầu tiên, thực sự như thế. Vào cái ngày tôi chào đời, chú Sonny đến bệnh viện và đưa cho tôi một trái bóng. Chú nói với tôi rằng: “Một ngày nào đó, hy vọng bóng đá sẽ là cuộc sống của cháu”.
 
Đó không hề là áp lực. Bố Bismark của tôi (Bố à, mong bố đừng giận khi con dùng tên của bố!) là một cựu tiền vệ ở Ghana trong một đội bóng có tên Hearts of Oak. Trong suốt nhiều năm, ông đã làm mọi thứ để giúp tôi chơi bóng, dành thời gian nghỉ để đưa tôi đến trường và lái xe đưa tôi đi tập. Ông xem mọi trận mà tôi thi đấu. Đôi khi, nếu có thể ông đều quay hình chúng. Bố xem hai, ba lần để tôi biết mình còn cần cải thiện điều gì. Ông thường huýt sáo theo cách đặc biệt để tôi chú ý trong suốt các trận đấu – bất cứ khi nào nghe thấy tiếng huýt sáo của bố là tôi biết ông ấy đang cố gắng đưa cho tôi thêm một lời khuyên nào đó.
 
Mẹ Jenny cũng giúp đỡ tôi rất nhiều. Mẹ luôn gói ghém những bữa trưa và bữa tối đặc biệt – không hề có miếng sandwich nào trong đó. Những món ăn đó là cơm jollof, khoai lang nghiền, chuối và thịt gà nướng – thế nên tôi không bao giờ bị đói mỗi khi chơi bóng xong.
 
Ký ức đầu tiên mà tôi có là chơi ở trong những chiếc sân lồng ở nhà cùng bố và anh trai Bradley. Bóng đá ở trong lồng khác với bóng đá mà bạn chơi trên những sân bóng đẹp đẽ tại Whitgift hay được xem trên TV.

Cảm giác kịch tính hơn rất nhiều. Đá bóng trong lồng tức là bạn không thể ném biên hay phạt góc, vì thế bạn phải đá liên tục mà không được dừng lại. Một khi bạn đá bóng dưới những chiếc đèn pha trong lồng rồi thì việc đá dưới ánh đèn ở Premier League không còn khó khăn gì nữa.
 
Tôi đùa thôi, Premier League vẫn rất khắc nghiệt. Nhưng khi bạn lớn lên cùng với những trận bóng trong một chiếc lồng, bạn sẽ học được rằng những pha xỏ kim cũng quan trọng như bàn thắng quyết định. Đó hoàn toàn là bóng đá thuần túy. Chúng tôi chơi bóng ở một sân bên trong công viên có tên Cavendish. Đó là một sân khá lớn với hai khung thành thấp, rộng và đèn chiếu bên ngoài – vì thế suốt cả năm, chúng tôi có thể đá khi trời đã tối. Các bạn biết những sân bóng nhân tạo với mặt cỏ xanh, nơi mà sau khi bạn đá xong vẫn còn thấy cát ở trong giày mấy ngày sau chứ? Đúng, đó là sân bóng của tôi.
 
Ai ở khu đó cũng gọi nó là “Công viên Cá sấu” vì hai lý do: Thứ nhất, công viên có một bể bơi mà trong đấy có một con cá sấu giả bằng nhựa. Đám trẻ thường ra đó bơi vào mùa hè. Và thứ hai, có những “sát thủ” đá bóng ở đó. Khi đến công viên Cá sấu, lúc nào cũng có rất nhiều cầu thủ vì họ yêu cảm giác ở trong lồng và nó khiến mọi trận đấu đều trở nên thật đặc biệt. Tôi 6 hoặc 7 tuổi gì đó, đá bóng dưới ánh đèn vào tối thứ Hai và nghĩ rằng “Ôi Chúa ơi, mình đang ở Wembley”. Công viên Cá sấu là nơi tôi học cách chơi bóng với những anh lớn tuổi hơn.

Callum Hudson-Odoi Chuyện của cậu bé sợ một con công (P2) hình ảnh
 
Sau khi tan học, tôi ở ngoài đó từ 4 giờ chiều đến tối khi bố mẹ gọi về ăn. Đó là nơi tôi đã học mọi kỹ năng của mình: rê bóng và đánh bại đối phương trong tình huống một đối một; tung những đường chuyền chết người để đồng đội có thể dứt điểm; sút xa từ khoảng cách gần 30 m sau khi bóng nảy ra. Đá bóng trong lồng không cho bạn thời gian để chạm bóng nhiều. Khi bạn thi đấu với những kẻ săn bàn, một là bạn sẽ chìm hoặc hai là bơi được vào bờ.
 
Năm 8 tuổi, có một lần sau khi tan lớp, tôi đến đó vào tối thứ Tư cùng bố. Thứ Tư là đêm của Champions League và đoạn nhạc hiệu cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi… “THIS IS THE CHAAAAAMP-EE-ONSSSSSSS”. Tôi muốn đến đó và thể hiện khả năng của mình. Mỗi khi tôi bước vào sân, ở đó toàn những người hơn tuổi.

Khi bạn còn bé và bước vào trong sân, bạn phải chứng tỏ được bản thân. Và những người lớn tuổi đó, họ không biết tôi như thế nào. Vì thế khi hai đội chọn người, tôi lúc nào cũng là người sót lại cuối cùng. 
 
Tôi đã nghĩ là “Thôi nào. Các anh không muốn chọn em à? Thế thì em sẽ ngồi đợi”. Thế là tôi ở bên ngoài sân để theo dõi, cố gắng chờ đợi đến cơ hội của mình, nhạc hiệu Champions League lại xuất hiện trong đầu tôi.
 
Sau khoảng 10 phút, có người gọi tôi “Được rồi Callum, vào đi. Anh muốn chú ở đội của anh”. Và tôi nhìn khuôn mặt của tất cả bọn họ khi tôi bước vào trong lồng – rõ ràng họ nghĩ rằng “Cha mẹ ơi, tại sao cậu lại chọn thằng nhóc này? Nó thì có thể làm được gì?”
 
Nhưng tôi kể với các bạn này… Khi tôi có bóng thì sao? ĐÓ LÀ LÚC THỂ HIỆN, LÀ thời gian của CHO! Tôi rê bóng qua hết tất cả và ghi bàn. Trò chơi này… đôi lúc bạn cảm thấy chỉ muốn làm như thế và không ai có thể tắc bóng trong chân bạn. Đội của tôi thắng trận đầu tiên và ngay lập tức, những ông anh đó đến chỗ tôi nói “Không, thật không công bằng. Bắt đầu lại nào, chọn đội mới. Tôi muốn Callum đầu tiên”.
 
Kể từ đó họ gọi tôi là “Sát thủ Cal”. Không, tôi đùa đấy. Chẳng ai gọi tôi thế cả.
 
Họ gọi tôi là “Calteck” theo ông anh họ Darren của tôi. Anh ấy đặt cho tôi biệt danh này khi chúng tôi đá bóng ở công viên với bạn bè và tôi đi bóng qua anh ấy. Tôi xoay một nửa vòng và anh ấy thốt lên “TRỜI ƠI! Có phải em đấy không? Cal có kỹ thuật (teck)”. Và từ ấy tôi có cái biệt danh này.
 
Tôi in nó lên giày. Callum có kỹ thuật. Caltek. Nó trở thành câu thần chú của tôi mỗi khi bước vào một trận bóng dù là ở Whitgift, chung kết FA Cup các đội trẻ hay thậm chí U17 World Cup năm 2017 ở Ấn Độ.
 
Tiện thể, nói về giải đấu đó thì sao nhỉ? Ấn Độ đã tổ chức một bữa tiệc cho kỳ World Cup ấy. Các bạn sẽ chưa bao giờ thấy bóng đá giống như thế. Kỳ World Cup đó vé vào sân đã được bán hết – đúng là hết vé luôn. Tôi đang nói đến 60.000 khán giả trong một sân vận động để xem những cậu thiếu niên đá bóng. Đất nước Ấn Độ thật tuyệt vời. Tình yêu mà họ dành cho bóng đá rất lớn và tôi hy vọng một ngày nào đó, chúng ta có thể tổ chức giải đấu cho các đội tuyển quốc gia ở đó. Tôi đã ghi bàn thắng đầu tiên cho tuyển Anh trong thắng lợi 4-0 trước Chile ở vòng bảng… và sự ồn ào từ các cổ động viên như thế nào?
 
Bạn nghe thấy họ gầm lên và không thể nghe thêm điều gì khác. Bạn thân nhất của tôi ở Ấn Độ là Jonathan Panzo, chúng tôi trưởng thành cùng nhau từ đội trẻ Chelsea. Cậu ấy phải hét lên để nói với tôi và tôi chẳng hiểu cậu ấy đang nói gì.
 
(Tiện đây xin nói thêm, Panzo là một cầu thủ tuyệt vời. Các bạn nên chú ý tới cậu ấy, một trung vệ và cũng rất vui tính. Dù không cần nói gì nhưng cậu ấy cũng khiến bạn phải chú ý và cười lăn lộn).

 
Callum Hudson-Odoi cua Chelsea
 
 
Thi đấu ở Ấn Độ là một điều gì đó khổng tưởng: Ồn ã và có rất nhiều cổ động viên cùng SỨC NÓNG khủng khiếp. Dù vậy khi đã quen với mọi thứ, chúng tôi đều có cảm giác có thể vô địch giải đấu. Tôi có một danh sách các bài hát trong điện thoại dành cho mỗi khi ra ngoài và nó có mọi thứ tôi cần để thêm tăng thêm khí thế trước mỗi trận đấu – đó là nhạc của Drake, Roddy Ricch, Yxng Bane và đôi khi là dòng Afrobeats. Tôi dành một ít thời gian nghe nhạc như thế và cảm xúc được chạm tới ngay. Có một bài hát tên là “Iskaba” thuộc thể loại Afrobeats do Wande Coal trình bày, khi nghe bài hát đó, bạn sẽ hiểu được cảm giác của chúng tôi ở Ấn Độ. Chúng tôi gần như đã nhảy múa trên sân cỏ.
 
Lần duy nhất tôi không nghe bài hát đó là trước khi trận chung kết gặp Tây Ban Nha diễn ra. Lúc đó tất cả phải đặt sự nghiêm túc lên trên hết. Trước đây chúng tôi đã thua họ trong trận chung kết U17 Euro 2017 và chúng tôi muốn đòi lại món nợ. Chung kết World Cup thực sự kỳ lạ. Ngay cả khi chúng tôi bị dẫn 2-0, tinh thần vẫn rất cao. Chỉ có điều một nửa thì bạn bối rối và một nửa thì khó chịu vì đội bạn đang thua, thế nên bạn cùng các đồng đội phải tiến lên để thay đổi tình hình. Sergio Gómez Martín ghi bàn thắng thứ hai cho Tây Ban Nha chỉ sau 30 phút nhưng ngay trước giờ nghỉ, Rhian Brewster rút ngắn tỷ số cho chúng tôi và cảm giác của toàn đội là “Ôi, thế này tốt hơn rồi”.
 
Có thể là do khán giả nhưng rõ ràng, chúng tôi nhiều năng lượng hơn Tây Ban Nha ngày hôm ấy. Và khi đã nhận ra điều đó, chúng tôi thi đấu theo cách của mình và đánh bại họ. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày hôm ấy: Ngày 28 tháng 10 năm 2017, đội tuyển Anh 5-2 Tây Ban Nha.
 
ANH LÀ NHÀ VÔ ĐỊCH U17 WORLD CUP.

Sau khi trận đấu khép lại, tôi chộp lấy cái điện thoại và gọi về cho gia đình. Tôi sẽ không thể có mặt ở đây nếu không được nhiều người giúp đỡ. Đó là bố, mẹ, anh Bradley, chị Anthea, những người anh em họ Delvin, Lokesh, Rocky, Daniel và Darren,… Dù tôi có làm gì trong cuộc đời, đây cũng là một dự án tập thể vậy nên tôi phải cảm ơn tập thể vì đã đưa tôi tới đây – cả đội tuyển Anh lẫn người thân của tôi.
 
Và khi biết mình được triệu tập lên đội tuyển Anh vào tháng Ba, tôi cũng đã làm điều tương tự. Thực sự, ngày hôm ấy thật vui. Cuối tuần đó tôi ở Bristol vì vừa được gọi lên đội U21 lần đầu tiên. Tôi nhớ khi đó đã checkin ở khách sạn, lấy một ít đồ ăn, chơi vài trận bóng bàn cùng Ryan Sessegnon và rồi, BÙM!
 
HLV đội U21, Aidy Boothroyd, kéo tôi qua một bên và bảo “Callum, tôi có điều muốn nói với cậu”. Thực sự, tôi cảm thấy khá lẫn lộn. Chúng tôi nói chuyện ở văn phòng của ông ấy và tất cả những gì tôi có thể nghĩ là “Mình có làm gì sai không? Mình vừa tới đây mà”.
 
Tôi không hề chờ đợi điều này. Tôi đã thi đấu một vài trận ở Premier League và Europa League nhưng quả thực là lúc đó tôi nghĩ mình sẽ bị nói vì mặc không đúng trang phục trong khách sạn hay đại loại thế. Và Aidy bảo “Tôi có một tin tốt và một tin xấu cho cậu. Cậu muốn nghe cái gì trước?”
 
Tôi đáp “Cháu muốn nghe cả tin xấu lẫn tin tốt, chú hãy nói cho cháu đi ạ, cháu không sao”.
 
“OK, tin tốt là cậu sẽ được gọi lên đội tuyển lớn. Còn tin xấu là cậu sẽ quay trở về với chúng tôi vào mùa hè”.
Khi biết sẽ được đá cùng U21 Anh vào mùa hè thì đó không phải tin xấu nhưng còn sau đấy khi rời văn phòng và thông báo tin tốt cho gia đình thì sao? NGHE NÀY. Trong đầu tôi là những âm thanh cực đại. Đội một. Đội tuyển Anh.
 
Callum Hudson-Odoi Chuyện của cậu bé sợ một con công (P2) hình ảnh
 
Tôi nhanh chóng chào tạm biệt Ryan cùng một vài cầu thủ U21 và sau đó gọi FaceTime cho gia đình. Tôi gọi từng người một. Khi tôi gọi mẹ, mẹ nói là vô cùng tự hào về tôi. Còn chị gái tôi ư? Cũng thế, chị ấy reo lên trong điện thoại. Còn anh tôi thời điểm đó đang ở nước ngoài nên tín hiệu điện thoại không được tốt. Cuối cùng khi hiểu chuyện gì xảy ra, anh ấy bày tỏ sự tự hào và nhảy thằng từ khách sạn xuống hồ bơi.
 
Còn bố tôi? Ông ấy không tin. Thật sự là như thế. Bố nói “Không thể nào. Sao con lại có thể được chọn chứ? Con vừa đến Bristol, làm sao có thể đi từ Bristol đến St. George’s? Con đang nói cái gì đấy? Con sẽ đến St George’s như thế nào? HLV là ai, Aidy Boothroyd à?”
 
Thật là vui. Đến khi bố đã tin đó là sự thật thì bố nở nụ cười. Đó thực sự là những gì tôi muốn khi chơi bóng. Tôi muốn làm gia đình mình tự hào. Với bóng đá, tôi vẫn luôn mỉm cười khi nghĩ đến.
 
Tôi, một đứa trẻ xuất thân từ Nam London, đã có mặt ở Wembley. Vì bắt đầu trận đấu trên băng ghế dự bị trong hiệp 1 cuộc đối đầu với CH Czech nên tôi dành thời gian nói chuyện với mọi người. Callum Wilson, Tom Heaton, Jack Butland, James Ward-Prowse và Ross Barkley – tất cả chúng tôi đơn giản là cùng tận hưởng bầu không khí này. Ross được vào sân trước và tôi lo rằng những người khác sẽ bỏ mình lại. Thế nhưng họ rất thân thiện.
 
Và rồi sau một giờ đồng hồ, Steve Holland túm tôi và bảo “Đi! Ra ngoài và khởi động đi. Không cần quay lại nữa”.
 
Tôi biết điều gì sẽ xảy ra rồi. Tôi khởi động và một vài cổ động viên Chelsea bảo tôi vẫy tay chào họ. Và tôi nở NỤ CƯỜI. Callum Hudson-Odoi, vào sân thi đấu cho đội tuyển Anh trong một trận đấu chính thức? Tại Wembley? Một trận đấu tuyệt vời, khoảnh khắc tuyệt vời.
 
Callum Hudson-Odoi tuyen Anh
 
Tôi cảm ơn HLV Gareth Southgate sau khi đưa tôi vào sân. Ông là người đàn ông tuyệt vời, luôn điềm tĩnh trước mọi thứ. Ông thực sự rất tốt và muốn tất cả mọi người trong đội chơi tốt. Ông ấy chưa bao giờ cao giọng, không nói theo kiểu “Cậu phải làm cái này, cậu phải làm cái kia” vì ông ấy tin tưởng bạn. Ông ấy không muốn bạn phải là bất cứ ai mà bạn không muốn và ông ấy không phân biệt đối xử dựa vào ngoại hình hay xuất xứ.
 
Những gì ông ấy muốn là “Chơi bóng, thể hiện bản thân bạn, thật vui vẻ khi trên sân. Đừng nghĩ bạn không làm ai ấn tượng vì bạn đang đá cho đội tuyển Anh. Hãy là chính mình, chơi bóng theo cách bạn muốn”.
Ông ấy cũng sẽ luôn nói chuyện với bạn. “Cậu khỏe không? Cậu thấy ở đội như thế nào? Cậu có cần gì không? Tôi ở đây nếu cậu cần điều gì đó”. Dù vậy không phải lúc nào ông ấy cũng cố gắng làm người bạn thân nhất của bạn. Đôi lúc ông ấy kéo bạn qua một bên và nói bạn cần làm gì, điều này tôi rất thích. Nhưng điều đặc biệt về ông ấy là khi ông nói “Tôi ở đây nếu cậu cần điều gì đó”. Rất chân thành.
 
Điều này thực sự có ích sau trận đấu với Montenegro. Một vài cầu thủ của chúng tôi là nạn nhân của những lời lẽ phân biệt chủng tộc từ cổ động viên đối thủ. Tình huống thật là lộn xộn nhưng sau trận đấu, Gareth nói chuyện cá nhân với chúng tôi. Ông hỏi “Cậu ổn chứ? Có cần đội giúp gì hay không? Tôi và toàn thể các thành viên khác – cậu có cần chúng tôi giúp gì không? Cứ nói đi, chúng ta ngồi xuống và nói chuyện nhé?”. Tôi biết là ông ấy thực sự chân thành khi nói như thế.
 
HLV Southgate
HLV Southgate
Tôi không muốn bận tâm quá nhiều nhưng những sự phân biệt chủng tộc nhắm vào tôi, Raheem, Danny Rose và một vài cầu thủ khác ngày hôm ấy là không thể chấp nhận được. Hãy nghe bọn họ nói gì, họ nói “Mày là một con khỉ” hay “Ooh-ah-ah” gì đó. Đại loại là những câu như thế, với tôi thì… tại sao? Tại sao lại làm điều độc ác đó? Vì sao bạn có thể nói chuyện về chủng tộc người khác hoặc phân biệt đối xử với họ vì màu do của họ khác bạn?
 
Những lời lẽ đó đã phản tác dụng. Khi nó diễn ra trong trận đấu không làm tôi đánh mất mình mà thay vào đó càng khiến tôi có thêm động lực để đánh bại họ và giành chiến thắng. Tôi rất trân trọng Raheem khi anh ấy ghi bàn, ăn mừng và sau đó đăng ảnh lên Instagram. Ngoài ra, không cầu thủ nào từng trải qua cảnh phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử như Raheem đã từng.
 
Chúng ta có thể ngăn chặn chuyện đó trong bóng đá nói riêng và cuộc sống nói chung không? Mọi người hãy dừng phân biệt chủng tộc lại. Tôi chỉ muốn sống cuộc đời của mình, tôi chỉ muốn chơi bóng và khiến gia đình tự hào mà thôi.
 

Đó chính là tôi. Tôi là Callum Hudson-Odoi. Bạn bè gọi tôi là Cal còn anh Darren đặt cho tôi biệt danh là Caltek. Tôi học chơi bóng nhờ những “sát thủ” ở công viên Cá sấu. Món ăn yêu thích của tôi là jollof mẹ làm hoặc chuối với gà nướng.
 
Tôi là một tuyển thủ Anh và khi còn bé, tôi đã chạy trốn một con công đang đuổi mình. Đừng lo lắng về chấn thương của tôi, tôi sẽ trở lại. Tôi vừa mới bắt đầu sự nghiệp và không thể chờ những gì sẽ xảy ra tiếp theo nữa. Đã đến thời gian của CHO rồi.
 
Dịch từ bài viết “And That’s Why You Don’t Beef with a Peacock” trên The Players’ Tribune

CG (TTVN)
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow