Bruno Fernandes: Từ cậu bé trốn học đi đá bóng tới những cú sút phạt kiểu David Beckham

Tác giả Thế Trung - Thứ Bảy 09/01/2021 20:17(GMT+7)

Zalo

Bruno Fernandes luôn là con người ghét sự thất bại. Khi còn là học sinh của trường Escola Basica 2/3 Gueifaes ở Maia (một thành phố tự trị cách trung tâm Porto 11km về phía Bắc), hiếm có một tuần lễ nào trôi qua mà cậu bé Bruno không nổi khùng lên với người bạn thân Daniel Santos vì những tranh cãi trên sân bóng.

 
 
“Ồ, cậu ấy suốt ngày phàn nàn và rất ghét thua cuộc. Tôi cũng chẳng khác gì nên chúng tôi thường xuyên cãi nhau”, Santos cười lớn khi kể lại câu chuyện tuổi thơ của mình, “Đơn giản là chúng tôi quá yêu bóng đá. Hồi đó, ngay cả khi giáo viên còn đang giảng bài, chúng tôi đã trốn khỏi lớp học và chạy thẳng ra sân bóng. Thường thì chúng tôi chỉ có khoảng 20 phút của giờ giải lao để chơi bóng và nếu chúng tôi chỉ đến muộn 1 phút thôi, chúng tôi cũng sẽ không được tham gia”.
 
Chính những trận đấu 5 người căng thẳng và quyết liệt như vậy đã mài giũa những phẩm chất của Bruno và trở thành hành trang quan trọng trên con đường của anh đến với Manchester United. Bruno lúc này không chỉ là số một ở Old Trafford mà còn là một trong những ngôi sao sáng nhất bóng đá châu Âu.
 
30 trận đầu tiên ở Premier League, Bruno Fernandes ghi 19 bàn và có 14 đường kiến tạo. Những con số này là quá đủ để nói lên tầm ảnh hưởng của ngôi sao người Bồ Đào Nha. Không những thế, anh còn mang đến những sự thay đổi lớn trong tinh thần và thái độ thi đấu của toàn đội, và điều này đã khiến ngay cả người bạn thân của Bruno cũng cảm thấy bất ngờ.
“Kỹ thuật của cậu ấy thì khỏi phải bàn. Cậu ấy sút rất mạnh và luôn tỏ ra can đảm khi chơi bóng. Nhưng quả thật là chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng Bruno có thể tiến xa đến vậy”, Daniel Santos nói về Bruno Fernandes.

Bruno Fernandes Từ cậu bé trốn học đi đá bóng tới cú sút phạt  hình ảnh
 
 Một lần nữa, “chứng minh tất cả đã sai” luôn là chi tiết nổi bật trong câu chuyện của Bruno Fernandes. Năm 2008, khi đất nước Bồ Đào Nha bị cuốn theo cuộc khủng hoảng kinh tế và phải đối mặt với sự sụt giảm nặng nề nhất trong nhiều năm, cha của Bruno Fernandes, ông Jose Fernandes, cũng rơi vào cảnh thất nghiệp giống rất nhiều lao động khác. Ông gần như không còn khả năng trang trải cho gia đình và sự lựa chọn cuối cùng của ông là di cư sang Thụy Sỹ. Tuy nhiên, có một vấn đề phát sinh: người con trai Bruno nhất quyết không chịu đi theo gia đình. 
 
Mỗi khi vấn đề này được đưa ra bàn bạc, Bruno lại bày tỏ mong muốn được chuyển ra ngoài sống. Lý do anh không muốn di cư sang Thụy Sỹ đơn giản là vì nó sẽ khiến sự nghiệp chơi bóng của anh bị gián đoạn. Ở thời điểm đó, Bruno Fernandes đang nổi lên trong lứa trẻ của Boavista và không đời nào anh chịu từ bỏ điều đó.
 
Mẹ của Bruno, bà Virginia Borges, cố thuyết phục anh rằng ngay cả khi sang Thụy Sỹ, anh vẫn có thể tiếp tục chơi bóng. Nhưng Bruno Fernandes chỉ đáp lại ngắn gọn: “Ở Thụy Sỹ, bọn họ có biết đá bóng đâu”.
 
Cuối cùng, bà Virginia cùng ba người con của mình quyết định ở lại Maia (chủ yếu là để giúp Bruno Fernandes tiếp tục giấc mơ bóng đá), còn ông Jose Fernandes một mình sang Thụy Sỹ và đã phải xa gia đình trong 5 năm sau đó.
 
Trong cuộc đời mình, Bruno Fernandes chưa bao giờ có khái niệm về “kế hoạch dự phòng”. Anh chỉ có một lựa chọn duy nhất là bóng đá dù khi ấy, chính anh cũng chẳng thể biết được mình có thể trở thành một tiền vệ tấn công đẳng cấp thế giới như ngày nay hay không.
 
Cho đến năm 15 tuổi, Bruno chủ yếu chơi ở vị trí… hậu vệ. Những HLV thời đó nói rằng nếu muốn có một sự nghiệp thành công, Bruno nên trở thành một trung vệ. Ngay từ khi còn nhỏ, Bruno Fernandes đã thi đấu vô cùng quyết liệt. Ông Sergio Marques – HLV của Bruno ở Infesta (một CLB nhỏ tại Matosinhos) – luôn được các trọng tài yêu cầu phải thay Bruno ra nếu không sớm muộn gì họ cũng sẽ truất quyền thi đấu của anh.
 
“Trong những trận đấu khó khăn, tôi thường xếp cậu ấy đá trung vệ vì cậu ấy có thể chất tốt và luôn quyết tâm với từng pha bóng”, Marques nhớ lại, “Tôi chỉ đẩy cậu ấy lên hàng tiền vệ khi đối thủ của chúng tôi không quá mạnh. Tôi chỉ nghĩ rằng cậu ấy cần phải thi đấu vì tập thể vì chẳng ai có thể làm được điều gì một mình cả”.
 
Bruno cũng chẳng ở lại Infesta quá lâu. Màn trình diễn của anh tại một giải bóng đá địa phương đưa Bruno Fernandes vào tầm ngắm của cả Porto lẫn Boavista. Họ đều đã tiếp cận Bruno và thật bất ngờ là anh lại lựa chọn Boavista chứ không phải một Porto danh tiếng. Sau này, người ta mới biết sở dĩ Bruno đến Boavista là vì không ai trong gia đình anh có bằng lái xe và chỉ có Boavista là đồng ý cung cấp phương tiện đi lại cho Bruno từ nhà đến sân tập. 
 
Bruno Fernandes được đào tạo và thi đấu ở Boavista trong tám năm trước khi có lần xuất ngoại đầu tiên trong cuộc đời. Ở tuổi 17, anh tới chơi bóng cho CLB Novara ở Italia. Chỉ ít năm sau đó, anh tiếp tục chuyển nhượng sang hai đội bóng khác của nước Ý là Udinese và Sampdoria.
 
Vào tháng Ba năm 2017, HLV trưởng Jorge Jesus và giám đốc kỹ thuật Andre Geraldes của Sporting Lisbon quyết định thực hiện một chuyến “công tác” bất ngờ để xem Bruno Fernandes chơi bóng khi anh được gọi lên U21 Bồ Đào Nha.

Sporting khi đó đang cân nhắc chiêu mộ cầu thủ trẻ 22 tuổi này và ban lãnh đạo của đội bóng muốn tận mắt chứng kiến tài năng của Bruno. Có điều, buổi tối hôm đó đã diễn ra không như kế hoạch. Trời mưa tầm tã và Bruno phải ngồi trên băng ghế dự bị suốt hiệp thi đấu đầu tiên. Bên cạnh anh là những Diogo Jota, Ruben Neves hay Daniel Podence – những người hiện cũng đang thi đấu ở Ngoại Hạng Anh.
 
Bruno phải chờ 45 phút để được vào sân nhưng khi cơ hội tới, anh ngay lập tức khiến số lượng khán giả ít ỏi trên sân phải ngỡ ngàng. Sự có mặt của Bruno giúp U21 Bồ Đào Nha thay đổi hoàn toàn cục diện trận đấu. Anh tỏa sáng rực rỡ và trực tiếp có một đường kiến tạo, góp phần mang lại chiến thắng 3-1 cho đội nhà trước U21 Na Uy.
 
Trên khán đài, Andre Geraldes và Jorge Jesus không giấu nổi sự hài lòng. Thời điểm tiếng còi mãn cuộc vang lên cũng là lúc quyết định cuối cùng được đưa ra: Sporting Lisbon phải có Bruno Fernandes ngay mùa hè năm đó.
 
“Trận đấu ấy đã giúp chúng tôi thấy tố chất kỹ thuật, sự trưởng thành và cả đầu óc chiến thuật của Bruno Fernandes”, Geraldes nói, “Màn trình diễn đó đóng vai trò quan trọng trong quyết định đàm phán để chiêu mộ Bruno. Chúng tôi hiểu rằng cậu ấy sẽ là người tạo ra những sự khác biệt ở giải VĐQG Bồ Đào Nha”.

Bruno Fernandes Từ cậu bé trốn học đi đá bóng tới cú sút phạt  hình ảnh
 
Bruno cũng đã đúng khi đồng ý trở lại Bồ Đào Nha trong màu áo Sporting Lisbon. Anh có 3 năm tỏa sáng rực rỡ cùng đội bóng thủ đô, ghi 39 bàn thắng sau 83 lần ra sân và trở thành một trong những trụ cột của ĐTQG. Với phong độ như vậy, tất cả đều tin rằng việc Bruno Fernandes chuyển tới một CLB lớn hơn chỉ còn là vấn đề thời gian.
 
HLV Jorge Silas – người đã làm việc với Bruno trong mùa giải cuối cùng của anh ở Sporting vẫn tỏ ra ấn tượng với cậu học trò cũ của mình. Ông cho biết: “Điều khiến Bruno khác biệt so với những người còn lại là tham vọng của cậu ấy để trở thành một cầu thủ giỏi hơn mỗi ngày. Nhưng không phải giỏi hơn tôi, hơn anh hay hơn bất kỳ ai, mà là giỏi hơn chính cậu ấy. Thỉnh thoảng, vào buổi tối trước các trận đấu, Bruno sẽ ở lại sau buổi tập để rèn kỹ năng đá phạt. Nhiều lúc chúng tôi còn phải nói với cậu ấy rằng: ‘Thế là đủ rồi, Bruno. Ngày mai chúng ta còn phải thi đấu cơ mà’.
 
“Nhưng Bruno không dừng lại ở đó”, ông Jorge Silas nói tiếp, “Tôi đã cảm thấy bất ngờ khi cậu ấy rất chăm chỉ xem video về cách đá phạt của các danh thủ khác. Cậu ấy sẽ nói với các đồng đội rằng: ‘Các cậu nhìn này, tớ sẽ sút như David Beckham nhé!’ và thực hiện một quả phạt giống hệt Beckham. Cậu ấy cũng làm như thế theo phong cách của Dejan Stankovic. Đây là điều khiến tôi cảm thấy thú vị vì Stankovic không nổi tiếng như Beckham nhưng nó cũng chỉ ra rằng bầu nhiệt huyết của Bruno là lớn như thế nào”.
 
Nguồn năng lượng từ niềm đam mê cháy bỏng của Bruno Fernandes lúc này đang giúp Manchester United dần trở lại với top đầu của bóng đá Anh. Là con người căm ghét sự thất bại, Bruno chắc hẳn sẽ không chấp nhận bỏ cuộc cho tới khi anh mang về cho đội chủ sân Old Trafford những chiếc cúp danh giá.

Lược dịch từ: The making of Bruno Fernandes: From schoolyard rows to bending it like Beckham and the journey to Manchester United - Telegraph
 
Xem thêm:
Manchester United có thể trượt dài nếu Bruno Fernandes kiệt sứcManchester United có thể trượt dài nếu Bruno Fernandes kiệt sức
Những phẩm chất khác biệt giúp Bruno Fernandes thay đổi Manchester United. Thách thức với Solskjaer lúc này là giảm bớt sự phụ thuộc của đội bóng vào tiền vệ...
Bruno Fernandes và năm 2020 siêu hoàn hảo!Bruno Fernandes và năm 2020 siêu hoàn hảo!
Bruno Fernandes là “linh hồn” trong lối chơi của Quỷ đỏ vào thời điểm hiện tại. Và nói về những gì mà ngôi sao người Bồ Đào Nha thể hiện trong năm 2020, chúng...

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Võ Hoàng Minh Khoa: Dũng mãnh và đầy quyết đoán

22h30 tối nay, U23 Việt Nam lần đầu tái ngộ U23 Uzbekistan ở một trận chính thức, sau cuộc đại chiến lịch sử năm 2018. Và nếu đội bóng đầy duyên nợ có biệt danh “Sói trắng”, thì lần này, chúng ta cũng sẵn sàng giáp mặt họ với một chiến binh mang nhiều phẩm chất của loài mãnh thú này.

X
top-arrow