Ánh Viên: Đằng sau những tấm huy chương

Tác giả Trọng Hiếu - Chủ Nhật 10/10/2021 15:13(GMT+7)

Mới đây, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên bất ngờ nộp đơn xin chia tay đội tuyển quốc gia, giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của mình trong sự ngỡ ngàng của người hâm mộ.

Ngôi sao ‘hết thời’


Câu chuyện Ánh Viên viết đơn xin giải nghệ không phải bây giờ mới có. Cô gái Cần Thơ sinh năm 1996 từng một lần làm điều này trước khi tham dự SEA Games, nhưng đã thay đổi ý định khi nhận được sự động viên của HLV và mọi người ở Liên đoàn Thể thao dưới nước.
 
Ở giải đấu đó, ‘tiểu tiên cá’’ đem về cho đoàn Thể thao Việt Nam 6 chiếc huy chương vàng, nhưng đó là một kỳ SEA Games thất vọng với Ánh Viên khi thành tích cá nhân của cô suy giảm. Nữ VĐV này từng khóc khi đứng trên bục nhận huy chương, nhưng không phải vì xúc động, mà bởi thành tích không tốt của mình.
 
Trong nội dung cuối cùng Ánh Viên tham dự - 800m tự do nữ, cô về đích thứ 2 với thành tích 8 phút 48 giây 65, thua người dẫn đầu Gan Ching Hwee (VĐV Singapore) mới 16 tuổi và có lần đầu tiên dự SEA Games, tới hơn 7 giây.
 
Tôi còn nhớ dịp tác nghiệp ở Clark, một buổi sáng Ánh Viên đã đứng xem lịch thi đấu một lúc lâu (chiều mới tham dự vòng chung kết) và thừa nhận khá áp lực. Đó là một điều tương đối lạ lẫm vì với một VĐV ở đẳng cấp đó, sau bao năm gặt vàng ở một đấu trường khu vực, nhưng Ánh Viên vẫn rất lo lắng. Đó không phải là vấn đề tâm lý, mà là sức ép của sự kỳ vọng đã tích tụ rất lâu. Với Ánh Viên, không giành được huy chương vàng nghĩa là thất bại.
 
Thậm chí khi đã giành 6 HCV ở kỳ SEA Games 2019, Viên vẫn bị chỉ trích. Tổng kết kỳ đại hội trên đất Philippines, Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn kết luận: "Ai cũng thấy thành tích của Ánh Viên không thực sự tốt. Chuyện này không phải bây giờ chúng tôi mới biết. Trước khi đi SEA Games, tôi cũng trao đổi với anh Tuấn (ông Đặng Anh Tuấn - HLV của Ánh Viên) về khả năng rút bớt nội dung và tập trung cho những môn trọng điểm. Tuy nhiên, Ánh Viên rất quyết tâm.
 
Chúng tôi sẽ cần trao đổi với ban huấn luyện và cần điều chỉnh lại giáo án, đầu tư sẽ đúng chuẩn Olympic cho Viên. Ánh Viên sẽ tấn công vào những đấu trường cao hơn. Nhưng cần phải nói rằng sau 2 năm nữa Việt Nam làm chủ nhà tổ chức SEA Games, có thể Viên sẽ không bơi được như bây giờ."

 
Tại kỳ Olympic mùa hè vừa qua, cô gái sinh năm 1996 xếp cuối cùng trong tổng số 31 VĐV tranh tài vòng loại 800m tự do nữ. Liên tục những lời chỉ trích được ném về phía kình ngư 24 tuổi. Những câu hỏi về số tiền đầu tư lên tới 30 tỷ đồng bắt đầu được đặt ra.
 
Thống trị đường đua xanh khu vực Đông Nam Á từ lâu, nhưng Ánh Viên không thể bật lên tầm châu Á, chứ chưa nói thế giới. Cô liên tục bị giao quá nhiều nội dung với mục đích ‘farm’ huy chương khu vực để đua tranh bảng xếp hạng tổng, còn cơ hội cạnh tranh ở đấu trường Olympic là con số không. Đó là một điều kỳ lạ nếu ta muốn đánh giá sự nghiệp của VĐV này. Quá tầm ở khu vực, và cũng ‘quá tầm’ ở thế giới. Ánh Viên ‘bị’ người ta kỳ vọng. Nhưng cô không có động lực. Chỉ có áp lực.
 
Và khi Ánh Viên tiếp tục viết đơn xin từ giã đội tuyển – sau kỳ Olympic Tokyo được tham dự theo diện được mời (đạt chuẩn B), thì khả năng rất cao cô sẽ không thay đổi quyết định của mình. 25 HCV, 9 HCB, 2 HCĐ SEA Games, 1 HCB và 1 HCĐ châu Á, 2 HCĐ ASIAD và 2 lần dự Thế vận hội. Tổng cộng 150 huy chương lớn nhỏ từ khi thi đấu, và sự nghiệp của Ánh Viên khép lại.
 
Nguyễn Thị Ánh Viên nộp đơn xin từ giã sự nghiệp
 

Sau ánh hào quang


Trong giai đoạn 2012-2019 sang Mỹ tập huấn, lịch luyện tập của Nguyễn Thị Ánh Viên rất nặng nề. Cả ngày từ sáng đến tối cô chỉ có ăn và bơi. Ánh Viên phải sử dụng thuốc an thần để ngủ. Mỗi năm cô được nghỉ 7 ngày, và mỗi tuần chỉ có 30 phút nói chuyện với bố mẹ - thông qua HLV Đặng Anh Tuấn.
 
Khi ông Tuấn nghỉ làm HLV, Ánh Viên trở lại tập với các VĐV trong nước ở Đại học Thể dục Thể thao TP HCM. Khi đó, cô mới bắt đầu có những người bạn đầu tiên trong đời (dù thực chất đó là đồng nghiệp).
 
Không còn HLV và cả đội chỉ có một cô giáo hướng dẫn, Ánh Viên… sợ bơi. Cô không dám nhảy xuống nước – dù cả cuộc đời Ánh Viên đã ở đó. Không có người huấn luyện và chăm chút kỹ thuật, động tác, phát hiện những lỗi sai, Ánh Viên không biết mình bơi vì lý do gì.
 
Kỳ Olympic vừa qua, chúng ta đã biết tới VĐV thể dục dụng cụ của Mỹ Simone Biles. Nữ VĐV 24 tuổi này chủ động thông báo bỏ cuộc nội dung đồng đội nữ, nội dung toàn năng vì ảnh hưởng sức khỏe tinh thần. Và khi một người mang kỳ vọng lớn như Biles bỏ cuộc, cô đặt ra câu hỏi giữa thành tích hay sức khỏe tinh thần của các VĐV. Quyết định của cô gái này nhận được sự ủng hộ của nhiều VĐV và người nổi tiếng trên toàn thế giới.
 
Simone Biles bỏ cuộc vì sức khỏe tinh thần ảnh hưởng
Nhưng khi Ánh Viên thi đấu không tốt, không có sự chuẩn bị cần thiết trước mỗi giải đấu lớn, cô vẫn phải thi đấu. Nhiều người không biết được những áp lực mà nữ kình ngư này phải gánh chịu, và dễ dàng đưa ra những lời chỉ trích khi cô không thành công.

Sắp bước sang tuổi 25, Ánh Viên không có gì ngoài những tấm huy chương. Chúng ta ít biết những câu chuyện bên lề xoay quanh cuộc sống của VĐV này, vì thực tế là cô không có. Mặc váy, trang điểm, những sở thích rất đời thường của một cô gái bình thường, Ánh Viên đều không quen.

Và giờ là lúc nữ VĐV sinh năm 1996 quyết định kết thúc sự nghiệp của mình để đi học đại học, làm những thứ khác mà cô đã không có cơ hội tận hưởng trước đây. Khép lại sự nghiệp của mình, nhưng cuộc sống của Ánh Viên giờ mới bắt đầu.
 
Lẽ ra với những thành tựu đã đạt được trong quá khứ, Ánh Viên xứng đáng với một cuộc sống tốt hơn, nhận được nhiều sự yêu mến hơn. Cô là một tượng đài của bơi lội thể thao Việt Nam và sẽ là thước đo với những VĐV kế tiếp. Nhưng sự thừa nhận này, tiếc thay, sẽ chỉ đến khi Ánh Viên giải nghệ.
 
Và đó là câu hỏi dành cho những nhà chức trách để những câu chuyện như thế này về các VĐV không còn lặp lại.
 

 

Nguyễn Thị Ánh Viên sinh ngày 9/11/1996 tại Cần Thơ. Khi học lớp 5, Ánh Viên được nhà trường chọn đi thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện. Với thành tích xuất sắc, Ánh Viên tiếp tục được chọn đi thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố.

Khi 19 tuổi cô đã giành 8 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng cho Việt Nam, phá 8 kỷ lục tại SEA Games 2015 ở Singapore. Cùng năm, Ánh Viên là đại úy quân đội trẻ nhất tại Việt Nam và được tặng Huân chương lao động hạng nhì.

Cô cũng là vận động viên duy nhất của Việt Nam, từ khi hội nhập 1993, được đầu tư trọng điểm. Việc tập huấn dài hạn trong 6 năm tại Florida, Hoa Kỳ, cường quốc số 1 về bơi lội, của cô có kinh phí lên tới gần 7 tỷ đồng.

Trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của mình, "tiểu tiên cá" Nguyễn Thị Ánh Viên giành 25 HCV SEA Games, 1 HCB và 1 HCĐ châu Á, 2 HCĐ ASIAD và 2 lần tham dự Olympic.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.

Nguyễn Quang Hải: Sự khác biệt của một cầu thủ đặc biệt!

Những gì Nguyễn Quang Hải thể hiện tại Thường Châu, Trung Quốc đầu năm 2018 xứng đáng được coi là màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất của một cầu thủ Việt Nam ở cấp độ châu lục. Tiếp nối chiến tích cá nhân và tập thể khó tin tại VCK U23 châu Á, là một Quang Hải đóng vai trò tối quan trọng trong đội hình “Những chiến binh sao Vàng” thời HLV Park Hang Seo giành Hạng 4 môn bóng đá nam Asiad 2018, Vô địch AFF Cup cùng năm và vào tới Tứ kết Asian Cup 2019.

Mohamed Salah: Ở lại hay ra đi?

Liverpool có 2 giải pháp, nhưng chúng lại tạo ra 1 vấn đề. Cầu thủ xuất sắc nhất của họ đang có mùa giải hay nhất trong sự nghiệp. Họ chỉ đánh rơi 7 điểm sau 19 trận tại Premier League và Champions League. Vì thế, cầu thủ này liên tục được phỏng vấn sau những trận đấu mà anh đóng vai trò quan trọng giúp Liverpool giành chiến thắng.

E-magazine: Santi Cazorla - Địa ngục chấn thương và sự nhiệm màu kỳ lạ của cuộc sống

Những biến cố kinh hoàng tưởng chừng như đã khiến tiền vệ người Tây Ban Nha gục ngã và phải chấp nhận rời xa thế giới bóng đá trong đau đớn và tủi nhục, nhưng rồi bằng niềm đam mê và lòng khao khát cháy bỏng, Santi Cazorla cuối cùng đã vượt qua tất cả để tiếp tục mang đến cho khán giả những phép màu tuyệt vời trên sân cỏ.