Ngày 2/9 vừa qua, cậu bé thần đồng năm nào từng mang bao kỳ vọng ngày trước đã bước sang tuổi 32. Giờ đây, cứ mỗi dịp sinh nhật của Pato, người ta chỉ có thể nhìn lại “pha lập công 24 giây” vào lưới Barcelona được chia sẻ khắp các mạng xã hội vào ngày 2/9 hàng năm, cùng một nỗi tiếc nuối đến đau lòng dành cho một sự nghiệp đáng lẽ ra đã phải rất tuyệt vời.
Ảnh: Getty Images
Trong bộ truyện Hỏa Phụng Liêu Nguyên – một tác phẩm khai thác chủ đề thời Tam Quốc nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, không chỉ rất nhiều nhân vật phải chịu cảnh bị “dìm hàng” bao đời nay được tác giả Trần Mỗ trả lại đúng với giá trị thực sự một cách hết sức thuyết phục, như Trương Phi, Lữ Bố và Chu Du. Còn đối với những cái tên vốn đã nhận được sự nể trọng tuyệt đối, tài năng và bút lực của ông thậm chí còn đưa họ lên một tầm cao mới.
“Tiểu Bá Vương” Tôn Sách chính là một trong số đó.
Khi mới 17 tuổi, với trọng trách phục hưng một gia tộc đang lụn bại, Tôn Sách đã đi những bước đầu tiên trong kế hoạch đưa Tôn gia một lần nữa chân chân chính chính ngẩng cao đầu trong thiên hạ mà mình vạch ra.
Năm 19 tuổi, y thoát khỏi sự khống chế của Viên Thuật, “mãnh hổ phá củi” khiến cả thiên hạ chao đảo. Như thể một cơn cuồng phong, y đánh đâu thắng đó, đi tới đâu, lòng người quy phục đến đó. Tất cả đều vô cùng thuận lợi. Đến năm 199, Tôn Sách đã nuốt trọn lấy toàn bộ miền Giang Đông. Chỉ mới 24 tuổi, nhưng y đã thực sự bước lên đỉnh cao của cuộc đời, trở thành một thế lực đáng kể trong đám quần hùng cát cứ khắp Trung Hoa lúc bấy giờ.
Với quan niệm “đời người ngắn ngủi, gom hết mọi chuyện phiền não ra giải quyết một lần, chẳng phải sẽ đơn giản hơn sao?”, sự gấp gáp, điên cuồng trong từng hành động của Tôn Sách vừa khiến những người quanh y khoái trá, nhưng đồng thời cũng không khỏi lo ngại.
Người huynh đệ của y, Chu Du, đã phải hai lần thốt lên “Bá Phù, huynh thật sự quá ư điên cuồng rồi!” và “đệ nhắc lại một lần nữa, huynh thực sự tiến quá nhanh, quá gấp gáp rồi!”. Cùng với đó là phần lời bạt của chính tác giả Trần Mỗ: “Kể từ lúc ấy, Chu Du luôn cảm thấy vô cùng bất an với cách hành sự của Tôn Sách. Và cảm giác bất an đó, càng lúc càng mãnh liệt”.
Giờ thì quay về với môn thể thao vua, và nhìn lại một chàng trai “anh hùng xuất thiếu niên” cũng từng tạo nên một cơn chấn động lớn đối với cả “thiên hạ” – không chỉ tại đất nước của mình, mà còn là toàn bộ thế giới bóng đá đỉnh cao – ở tuổi đời còn rất trẻ, Alexandre Pato.
Tuổi 17 của Tôn Sách gắn liền với trọng trách phục hưng Tôn gia, vậy còn Pato thì sao?
Tuổi 17 của anh là pha lập công đầu tiên với lần chạm bóng thứ ba trong đời cầu thủ chuyên nghiệp và chỉ trong vòng 1 phút của màn ra mắt cho Internacional, rồi có thêm 2 pha kiến tạo. Là bàn thắng phá vỡ kỷ lục cầu thủ trẻ nhất ghi bàn tại một đấu trường do FIFA tổ chức của Pele tại vòng bán kết Club World Cup 2006. Là chuyến trở về quê nhà với chiếc áo đấu của Ronaldinho và huy chương dành cho nhà vô địch sau trận chung kết với Barcelona. Là những lần tiếp tục hành hạ hàng loạt hàng thủ khác với tốc độ và sự năng động của mình trong suốt 6 tháng sau đó, rồi bỏ túi thêm 10 pha lập công khác.
Trung phong từng chơi cho Internacional từ năm 2005 đến 2008, Iarley, đã khẳng định với cánh truyền thông rằng: “Sau Ronaldo, cậu bé ấy là cầu thủ toàn diện nhất mà tôi từng thấy.”
Còn Rubens Cardoso – hậu vệ trái của họ vào thời điểm đó – thì tin chắc: “Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên chứng kiến cậu ấy chơi bóng, tôi đã nghĩ rằng cậu ấy rồi sẽ trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Pato không phải một cầu thủ trẻ mang tiềm năng lớn cần phát triển thêm, cậu ấy đã hoàn toàn sẵn sàng để tỏa sáng ở môi trường bóng đá đỉnh cao”.
Thậm chí Cardoso còn sử dụng biệt danh thuộc về Ronaldo – “phenomenon” (tạm dịch: người ngoài hành tinh) – để gọi Pato.
Đầu năm 2007, hình ảnh Pato đã xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Placar với dòng mô tả “nguồn cảm hứng mới của bóng đá Brazil”. Chẳng bao lâu sau, sự quan tâm từ châu Âu đã trở nên hết sức rõ ràng. Trong bối cảnh đó, hiển nhiên Internacional đã chẳng thể giữ chân Pato được nữa, và nhà đương kim vô địch Champions League AC Milan chính là bến đỗ của anh trên cuộc hành trình chinh phục trời Âu – với mức phí chuyển nhượng cực khủng 24 triệu euro dành cho một cậu nhóc 17 tuổi.
Tiềm năng to lớn ở tuổi 17 của Alexandre Pato khiến AC Milan đồng ý chi ra 24 triệu euro chiêu mộ anh. Ảnh: Getty Images
Những ấn tượng tích cực đầu tiên đã được tạo nên từ rất sớm, dù cho Rossoneri đã phải chờ đến 3 tháng sau – khi Pato đủ 18 tuổi – mới có thể sử dụng anh.
HLV trưởng của Milan khi ấy, Carlo Ancelotti, đã so sánh anh với huyền thoại Careca. Đội trưởng, huyền thoại và biểu tượng của CLB, Paolo Maldini, thì tin rằng Pato sẽ trở thành “nhân vật chính” trên hàng công của họ trong nhiều năm tới.
Thậm chí, khi Leonardo – một nhân vật đóng vai trò quan trọng trong thương vụ Pato – đi cùng Kaka đến lễ trao giải Quả bóng Vàng vào tháng 12/2007, ông đã khẳng định với các phóng viên rằng “tôi sẽ trở lại đây vào năm sau cùng cậu bé thần đồng mới của mình”. Đó tưởng như chỉ là một lời nói đùa, nhưng đã bất ngờ trở nên đầy sức nặng.
Ngay trong màn ra mắt trước đối thủ Napoli, pha lập công đầu tiên của Pato ở châu Âu đã đến, rồi sau đó là một cú đúp vào lưới Genoa. Tính đến cuối mùa giải, cậu bé 18 tuổi vừa mới “chân ướt chân ráo” đến với Italy từ Nam Mỹ ấy đã có cho mình 9 lần chọc thủng lưới các đối thủ dù cho chỉ đá chính 13 trận.
Mùa bóng 2008/2009, Andriy Shevchenko lừng lẫy tái ngộ với Milan theo dạng cho mượn từ Chelsea với hy vọng vực dậy một sự nghiệp đã trở nên hết sức ảm đạm, chỉ để nhận thấy rằng việc đoạt lấy vị trí của cậu nhóc Pato trong đội hình đá chính tại Rossoneri đã trở nên hoàn toàn bất khả thi.
Khả năng đánh hơi cơ hội và dứt điểm của “Vịt con” là không phải bàn cãi. Nhưng điều khiến huyền thoại người Ukraine ấn tượng nhất chính là “tốc độ thiên phú đáng kinh ngạc và sự bùng nổ” mà anh sử dụng để đánh bại các cầu thủ phòng ngự.
HLV trưởng của Pato thời chơi cho Internacional, Abel Braga, thậm chí đã khẳng định: “Cậu ấy nhanh hơn cả Ronaldo và Luis Fabiano đỉnh cao phong độ. Phải nói rằng cậu ấy nhanh như Thierry Henry vậy”.
Vài năm sau, nhà cầm quân lừng danh Pep Guardiola cũng đã phải thốt lên “ngay cả Usain Bolt cũng chẳng thể đuổi kịp cậu ta” sau khi chứng kiến Pato chọc thủng lưới Barcelona của ông chỉ sau 24 giây của một trận đấu ở Champions League.
Thủ môn lừng danh người Brazil, một huyền thoại tại gã khổng lồ Internazionale của bóng đá Italy, Julio Cesar, từng nhận định rằng: “Tôi không thể tìm ra bất kỳ điểm yếu nào ở Pato cả, ít nhất là về mặt kỹ thuật. So với các tiền đạo Brazil cổ điển, cậu ấy rất giỏi không chiến – một món vũ khí thượng hạng thực sự trong bộ kỹ năng của cậu ấy. Nếu phải so sánh với một danh thủ khác tại Rossoneri, tôi sẽ nói rằng cậu ấy di chuyển trên sân với sự thanh lịch và tao nhã như Marco Van Basten”.
Nhà báo lâu năm của tờ Gazzetta Italia, Luca Calamai, từng viết về Pato như sau: “Khi tổng hợp những ý kiến của các nhân vật lớn về chàng trai này lại với nhau, chúng ta sẽ có một ‘con quái vật ở vị trí trung phong’. Tốc độ phát triển, khả năng dứt điểm và đánh hơi cơ hội của Ronaldo; khả năng rê dắt bóng của Careca; kỹ năng không chiến của Jardel. Ngoài ra còn có cá tính của Romario và được giáo dục tốt như Kaka. Quá nhiều ân sủng dành cho cậu ta”.
Vượt qua Busquets, bứt tốc và ghi bàn. Pha lập công nổi tiếng nhất của Pato trong màu áo AC Milan. Ảnh: Getty Images
Đối với đội tuyển Brazil, cậu bé thần đồng ấy cũng có thể khiến mọi người nghĩ đến viễn cảnh về một tương lai ngoạn mục.
Cũng vào năm 2008, Pato đã tiếp nối “thói quen” tạo nên những “lần đầu tiên” tuyệt vời cả trong chiếc áo ĐTQG với pha ghi bàn tuyệt đẹp ngay trong trận đấu ra mắt sau khi vào sân từ băng ghế dự bị, trước đối thủ Thụy Điển. Trong phòng họp báo sau chiến thắng đó, một Carlos Dunga hiếm khi bị kích động đã phải khẳng định rằng Pato giống y hệt Ronaldo thời đỉnh cao.
Tại Brazil, “Vịt con” thậm chí đã có lúc được nhận định đứng cùng đẳng cấp với Romario thời đỉnh cao phong độ. Có thể đó là một sự “cường điệu hóa”, nhưng cũng là một minh chứng cho thấy rõ độ khủng của “cơn sốt Pato” từng càn quét ở đất nước Nam Mỹ này.
Sự nghiệp thăng tiến như cuồng phong của Alexandre Pato đương nhiên thật đáng nể, nhưng trong bầu không khí phấn khích xoay quanh anh, người đại diện Gilmar Veloz từ rất sớm đã cảnh báo cậu bé của ông về những “cạm bẫy” của việc trở thành một ngôi sao trước cả khi đủ tuổi bỏ phiếu bầu cử. Và đó là một nỗi lo tương tự như của Chu Du đối với Tôn Sách trong Hỏa Phụng Liêu Nguyên.
“Tôi luôn nhắc nhở Alexandre đừng nghĩ rằng cậu ấy đã hoàn hảo rồi”, Gilmar Veloz chia sẻ với tạp chí Placar. “Cậu ấy tài năng, nhưng mọi thứ đang diễn ra quá nhanh”.
“Pato là ví dụ điển hình về một xã hội của những người yêu thích sự ngoạn mục, luôn muốn tìm kiếm những danh nhân. Cậu ấy đã được đối xử như một siêu sao trước cả khi chơi 30 trận bóng đá chuyên nghiệp”, một bình luận khác vào tháng 1 năm 2008 của cựu tiền đạo từng cùng ĐTQG Brazil giành chức vô địch World Cup, Tostao, về sự nổi lên như vũ bão của cậu bé thần đồng này.
Rốt cuộc, “quá nhanh” vừa là phong cách hành sự giúp Tôn Sách tỏa sáng trong thời loạn thế, đưa Tôn gia chân chân chính chính một lần nữa ngẩng cao đầu trong thiên hạ, vừa là nhược điểm chí mạng của y.
Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy cậu ấy, tôi đã nghĩ rằng 1 bàn mỗi trận đối với một cầu thủ sở hữu tài năng như cậu là quá ít. Không ít lần, cậu đáng lẽ ra đã có thể lập hattrick. Đôi khi, cứ như thể cậu chẳng bung hết sức mà chỉ muốn làm điều tối thiểu. HLV Carlo Ancelotti nói về Pato
Chính vì quá nhanh, quá gấp gáp, Tôn Sách đã lâm vào cảnh “tứ bề thọ địch” để rồi chỉ một khoảnh khắc bất cẩn bởi sự tự tin, cao ngạo tột đỉnh đã kết thúc cuộc đời của y ở tuổi 26, khi bá nghiệp chưa thành, hùng tâm chưa dứt.
Đối với Pato, “quá nhanh” – cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – vừa là điều đáng tự hào của anh, nhưng rốt cuộc cũng là điểm chí mạng đã hoàn toàn hủy hoại sự nghiệp đáng lẽ ra đã phải vô cùng rực rỡ của chàng trai này.
Như đã đề cập, tốc độ phi thường chính là món vũ khí đáng sợ nhất của “Vịt con”, mang đến những khoảnh khắc bùng nổ tuyệt vời trên sân cỏ, nhưng đồng thời cũng là một con dao hai lưỡi đối với chính cơ thể của anh.
Goal.com từng có một bài phân tích rất cụ thể về những lý do đằng sau cơn ác mộng chấn thương của Pato được thực hiện bởi hai ký giả Paolo Camedda và Fabrizio Ponciroli. Trong đó, Matteo Bisoffi – một HLV thể thao – đã chỉ ra rằng: “Tình huống của Alexandre Pato có thể được ví như của Ronaldo: Các khớp và đầu gối của cậu ấy không thể chịu đựng được sự bùng nổ tuyệt vời mà cậu ấy tạo nên”.
Bên cạnh đó, chính vì tài năng tỏa sáng “quá nhanh” và quá ngoạn mục của cậu bé thần đồng này đã tạo nên một sự kỳ vọng khổng lồ hướng đến anh, những yêu cầu, những thúc ép đầy gấp gáp mà người khác áp đặt lên Pato đã xuất hiện, và cuối cùng mang đến những hậu quả hết sức tai hại.
Tất cả mọi người đều muốn Pato trở thành một số 9 hoàn hảo, thành một “Ronaldo mới”. Người Brazil muốn vậy, Carlos Dunga muốn vậy, cánh truyền thông tại Italy muốn vậy, và quan trọng nhất, chủ tịch Silvio Berlusconi của Rossoneri – nổi tiếng là người rất thích xen vào chuyện chiến thuật, lối chơi của đội dù cho đây là nhiệm vụ của HLV trưởng – cũng muốn điều đó.
Những chấn thương và những thúc ép trong quá trình dưỡng thương và phát triển khiến Pato lụi tàn. Ảnh: Getty Images
Còn cá nhân Pato thì sao? Vị trí ưa thích của anh chẳng phải là tiền đạo trung tâm, mà là tiền đạo cánh, di chuyển cắt vào trong từ hai bên cánh.
“Tôi đã chơi ở cánh khi lên chuyên”, Pato chia sẻ vào tháng 7 năm 2015. “Thuở ban đầu ở Milan cũng tương tự, cùng Inzaghi và sau đó là với Zlatan Ibrahimovic. Berlusconi là người đã đề nghị tôi phải chơi ở trung lộ. Tôi đã cố thích nghi, và thậm chí đã chơi ở đó khi khoác áo ĐTQG Brazil, nhưng tôi chẳng có đủ sức mạnh thể chất để liên tục chọi sức với các cầu thủ phòng ngự và giữ chặt lấy quả bóng. Đó không phải là lối chơi của tôi. Tôi thích cầm bóng và lao vào các hậu vệ. Tôi có thể cống hiến nhiều hơn cho đội khi chơi ở hai cánh, tận dụng tối đa tốc độ và khả năng hỗ trợ phòng ngự của mình”.
Đúng như Pato đã đề cập, anh chẳng có đủ sức mạnh thể chất và thể hình của anh quá mỏng manh để phù hợp chơi trung phong. Chính vì vậy mà cả Milan Lab lẫn ban huấn luyện của Rossoneri đã quyết định thúc đẩy anh tăng trưởng chiều cao và cân nặng để tiến hóa hoàn toàn thành một số 9 thực thụ.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chiều cao và cân nặng của Pato đã diễn ra nhanh một cách bất thường – chỉ trong vòng 2 năm, tiền đạo người Brazil đã tăng 8cm và 9kg – qua đó gây ra tình trạng mất cân bằng trong cấu trúc thể chất và trở thành một trong các nguyên nhân dẫn đến bi kịch chấn thương liên miên của anh sau này.
Ngoài ra, theo như chính Pato từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Brazil vào năm 2013, thì sự gấp gáp và thúc ép ở Rossoneri còn được thể hiện trong quá trình dưỡng thương của anh.
“Chuyện chấn thương liên miên ở Milan hoàn toàn là bởi khối lượng công việc khủng khiếp mà tôi phải thực hiện. Tất cả mọi người đều có thể thấy rõ sự khác biệt của tình trạng thể chất khi tôi ở Italy và kể từ lúc trở lại Brazil”, Pato phàn nàn với một thái độ đầy bức xúc.
“Cách điều trị chấn thương ở đó rất quái đản. Họ bắt tôi tập thể dục rất nhiều, luyện tập với hồ bơi và vật lý trị liệu – bạn sẽ phải hoàn tất công việc của 20 ngày chỉ trong vòng 1 tuần, và việc cơ thể không thể chịu đựng nổi chuyện đó là hết sức bình thường. Năm nay ở Milan cũng đã có rất nhiều ca chấn thương, điều đó cho thấy những chấn thương mà tôi hứng chịu chẳng phải lỗi do tôi. Trong suốt 1 năm rưỡi, tôi chơi một trận, chấn thương 1 tháng, trở lại sân cỏ, rồi chấn thương tiếp. Lỗi nằm ở phương pháp của đám bác sĩ và khối lượng công việc quá nhiều nhằm mục đích đưa tôi trở lại thi đấu càng sớm càng tốt”.
Rốt cuộc, vào thời điểm Pato chia tay đội chủ sân San Siro và trở về Brazil chơi cho Corinthians, anh đã phải trải qua tổng cộng 16 lần chấn thương, phần lớn trong số đó là ở gân kheo và cơ tứ đầu.
Tài năng bùng nổ từ rất sớm đã mang đến cho “Vịt con” tiền bạc, danh vọng, và được tận hưởng cuộc sống của một ngôi sao lớn. Nhưng việc một cậu bé với tuổi đời lẫn tuổi nghề còn rất non trẻ, và một tâm lý chưa hoàn thiện – đã khóc nức nở khi phải chia tay gia đình để bay đến Italy – gia nhập một gã khổng lồ của bóng đá châu Âu thực sự ẩn chứa một rủi ro quá lớn.
Pato có đủ bản lĩnh và tài năng để tỏa sáng trước những đối thủ sừng sỏ trên sân đấu và ghi dấu ấn trong các trận cầu lớn, nhưng rốt cuộc lại chẳng có một sức mạnh tinh thần đủ vững vàng để vượt qua những sóng gió ập đến với đời cầu thủ vốn chỉ toàn màu hồng của mình.
“Tôi đã mất sạch sự tự tin”, anh cay đắng chia sẻ với Gazzetta dello Sport.
"Vịt con" thuở nào đã bị lãng quên. Ảnh: Getty Images
Và có lẽ cũng bởi vì đã “đổi đời” quá nhanh ở bóng đá chuyên nghiệp, chẳng vấp phải trở ngại nào, mà bên trong cậu bé này đã không hình thành nên một tham vọng hay khát khao đủ mạnh, để qua đó tự thúc đẩy bản thân chinh phục những thử thách khắc nghiệt nhất – như người đàn anh huyền thoại mà Pato từng được kỳ vọng sẽ kế nhiệm, Ronaldo, từng làm được sau các chấn thương khủng khiếp.
“Pato là cầu thủ được thổi phồng nhất đất nước”, Neto, cựu tiền vệ của Corinthians và đội tuyển Brazil, chia sẻ vào tháng 5 năm 2020. “Khi cậu ta nổi lên, tôi đã nghĩ cậu ta sẽ trở thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Cậu ta nhanh nhẹn, hai chân như một, không chiến tốt. Một cầu thủ xuất chúng. Nhưng khi nhìn vào cậu ta thật kỹ, tôi không nhìn thấy sự tham vọng, khát khao như Edmundo, Djalminha, Ronaldo hoặc Alex. Bóng đá dường như chỉ là một trò tiêu khiển đối với Pato”.
Hay như một chia sẻ của người thầy cũ Ancelotti trên Sky Italia vào năm 2011 cũng đã thể hiện vấn đề này: “Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy cậu ấy, tôi đã nghĩ rằng 1 bàn mỗi trận đối với một cầu thủ sở hữu tài năng như cậu là quá ít. Không ít lần, cậu đáng lẽ ra đã có thể lập hattrick. Đôi khi, cứ như thể cậu chẳng bung hết sức mà chỉ muốn làm điều tối thiểu”.
Có thể mọi chuyện sẽ diễn ra theo chiều hướng khác nếu “người cha” Ancelotti ở lại Rossoneri lâu hơn để dìu dắt, hỗ trợ cho Pato thay vì ra đi quá sớm khi anh chỉ mới 19 tuổi. Nhưng thay vào đó, Max Allegri và mối quan hệ thù địch sâu sắc, những mâu thuẫn không thể hàn gắn với nhà cầm quân này đã trở thành chiếc đinh cuối cùng đóng vào “cỗ quan tài” dành cho sự nghiệp của Pato.
Ngày 2/9 vừa qua, cậu bé thần đồng năm nào từng mang bao kỳ vọng ngày trước đã bước sang tuổi 32, và phong độ tốt nhất của anh trong thập kỷ qua không phải là ở châu Âu, mà là tại Chinese Super League. Đã có những chuyến trở lại trời Âu với hy vọng “làm lại từ đầu”, nhưng kết quả chỉ là sự mờ nhạt đến tầm thường, và lần cuối cùng Pato khoác áo đội tuyển Brazil là từ tận 8 năm trước. Hiện tại, bến đỗ của anh là ở Orlando City của nước Mỹ, sau một khoảng thời gian thất nghiệp.
Giờ đây, cứ mỗi dịp sinh nhật của Pato, người ta chỉ có thể nhìn lại “pha lập công 24 giây” vào lưới Barcelona được chia sẻ khắp các mạng xã hội vào ngày 2/9 hàng năm, cùng một nỗi tiếc nuối đến đau lòng dành cho một sự nghiệp đáng lẽ ra đã phải rất tuyệt vời.
“Với tiềm năng mà cậu ấy sở hữu, đáng lẽ Alexandre phải là số 9 của Brazil cho đến ngày hôm nay”, người đồng đội cũ Cardoso cảm thán.
Thật trớ trêu, dòng suy nghĩ cuối cùng của Tôn Sách trong Hỏa Phụng Liêu Nguyên vào khoảnh khắc mũi tên của đám thích khách do kẻ thù phái đến găm vào gò má y, cũng chính là một cách tổng kết thật phù hợp dành cho nghiệp cầu thủ của Pato.
Ngoạn mục nhưng không rực rỡ, lên xuống là vô thường. Tôn Sách (Truyện "Hỏa Phụng Liêu Nguyên")
Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.
Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.
Những lời tâm sự được chính cựu danh thủ Adriano viết trên website The Players’ Tribune, về nhịp sống tại khu ổ chuột nơi anh sinh thành, về quyết định rời bỏ thế giới bóng đá đỉnh cao hào nhoáng để tìm lại về nơi đây.