Messi, PSG, World Cup và quyền lực mềm của Qatar

Tác giả CG - Thứ Tư 18/08/2021 19:06(GMT+7)

Việc Lionel Messi gia nhập Paris Saint-Germain có thể đơn giản chỉ là để đáp ứng tham vọng nghề nghiệp và mục tiêu tài chính của anh. Nhưng với ông chủ của PSG, những người Qatar, sự xuất hiện của siêu sao người Argentina thực sự là cú hích về mặt hình ảnh.

NHỮNG VỤ BÊ BỐI

 
Ngày 17/11/2010, Argentina có trận giao hữu với Brazil tại sân Khalifa International ở Doha, Qatar. Ngày hôm đó, Lionel Messi là người ghi bàn thắng duy nhất giúp Argentina giành chiến thắng. Tất nhiên là Messi thuộc biên chế Barcelona dưới sự dẫn dắt của Pep Guardiola. 
 
Ngày hôm ấy, ông Sandro Rosell, chủ tịch CLB Barcelona thời điểm đó, cũng có mặt. Và không hề tình cờ là đến giữa tháng 12/2010, Barcelona đã ký bản hợp đồng kỷ lục với nhà tài trợ Qatar Foundation. 3 năm sau, hợp đồng tài trợ với Qatar Foundation được thay thế bằng Qatar Airways. Nhưng đây không phải vấn đề đáng chú ý nhất. 

Năm 2010, Argentina và Brazil đá giao hữu ở Qatar. Ảnh: Getty Images
Không lâu sau trận giao hữu này, Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022. Giới quan sát nhận ra có những điều không hề ngẫu nhiên trong các diễn biến xảy ra xung quanh thời điểm đó. Tại Pháp, ngày 23/11/2010, chỉ 9 ngày trước vòng bỏ phiếu cuối cùng để lựa chọn ra hai quốc gia đăng cai World Cup 2018 và World Cup 2022, ông Michel Platini, lúc đó là Chủ tịch UEFA, được mời đến tham dự một cuộc họp riêng tại điện Elysee với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thái tử Qatar Tamim bin Hamad Al Thani.
 
Chính quyền của ông Sarkozy có mối quan hệ rất nồng ấm với Qatar. 9 ngày sau cuộc gặp ở điện Elysee, Platini dành lá phiếu của mình cho Qatar đăng cai World Cup 2022 dù trước đó lựa chọn của ông là Mỹ. Sau đó, người Qatar đã được mở đường để mua lại Paris Saint-Germain.
 
Tất nhiên, những lá phiếu dành cho Qatar bị đặt dấu hỏi nghi ngờ. Khi ấy, tờ The Times đã cáo buộc Qatar hối lộ cho Liên đoàn Bóng đá Thế giới 400 triệu USD trước ngày công bố kết quả cuối cùng 3 tuần. Năm 2015, Văn phòng Tổng chưởng lý Thụy Sĩ thực hiện cuộc điều tra những cáo buộc Qatar hối lộ lấy phiếu bầu của Brazil và Argentina thông qua trận giao hữu vào tháng 11/2010. 
 
Cụ thể, thông qua tổ chức trung gian, Argentina được cho là nhận 2 triệu USD và Brazil nhận 1,5 triệu USD để đá giao hữu kèm theo lá phiếu bầu cho Qatar từ ông Julio Grondona và Ricardo Teixeira, chủ tịch liên đoàn bóng đá Argentina và Brazil.
 
Và đó chỉ là một vài trong số những vết gợn về việc Qatar, một đất nước chưa từng tham dự World Cup bóng đá lần nào, được tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới. Năm ngoái, The Guardian báo cáo đã có hơn 6.500 lao động nhập cư qua đời ở đây kể khi khi đất nước này giành quyền đăng cai World Cup 2022. Một số đội tuyển quốc gia như Na Uy, Đức cũng đã có những hành động tẩy chay World Cup 2022.
 

TĂNG CƯỜNG VỊ THẾ QUỐC GIA BẰNG THỂ THAO

 
Nhưng sự xuất hiện của Messi tại PSG có thể sẽ là một trong những quân bài hàng đầu để Qatar thay đổi danh tiếng. Ông Simon Chadwick, Giáo sư về Thể thao Á-Âu tại Trường Kinh doanh Emlyon của Pháp chia sẻ với tờ Middle East Eye: “Những gì mọi người nói về Qatar không phải là dầu mỏ, khí đốt, môi trường và lao động nhập cư nữa. Bây giờ chúng ta nói về Messi”.
 
Tuy việc Messi gia nhập PSG là một điều bất ngờ và có lẽ là nằm ngoài dự tính của ban lãnh đạo đội bóng cũng như nhân vật có tiếng nói cao nhất là Quốc vương Qatar, ông Tamim bin Hamad Al Thani. Nhưng sử dụng thể thao làm bàn đạp nâng cao vị thế quốc gia, đặc biệt là với các nước láng giềng trong khu vực như Saudi Arabia hay UAE đã là chiến lược của đất nước này từ lâu. Và không gì tốt hơn việc nhắm đến bóng đá châu Âu, thị trường bóng đá lớn nhất thế giới, và đầu tư cho bóng đá quốc gia.

Gia nhập PSG theo dạng miễn phí nhưng Messi vẫn là bom tấn của đội bóng nước Pháp mùa hè này. Ảnh: Getty Images
 
Giáo sư Simon Chadwick nói thêm: “Thể thao, đặc biệt là bóng đá, là phần không thể thiếu trong tầm nhìn và kế hoạch phát triển quốc gia của Qatar. Nếu PSG giành chức vô địch Champions League và Qatar tổ chức World Cup thành công trong cùng một năm, đó sẽ là thắng lợi của chính phủ Qatar. Nó cũng tạo ra tác động đáng kể về hồ sơ chính trị, hình ảnh và danh tiếng của đất nước. Họ quyết tâm xây dựng thương hiệu quốc gia và phát huy sức mạnh mềm”.
 
Ông Tamim bin Hamad Al Thani là một người yêu thể thao, đã từng có quãng thời gian đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban Olympic Qatar, góp mặt trong ban điều hành Ủy ban Olympic Quốc tế. Chính vì thế, ông hiểu thể thao chính là thứ quyền lực mềm hiệu quả.
 
Qatar đã và sẽ tổ chức rất nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ châu lục và thế giới như Asian Cup 1998 và 2011, giải U20 World Cup 1995, Asian Games 2006, giải vô địch bơi thế giới 2014, giải vô địch bóng ném thế giới và giải vô địch boxing thế giới cùng trong năm 2015, giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới và đại hội các môn thể thao bãi biển thế giới cùng trong năm 2019. 1 năm rưỡi nữa, Qatar tổ chức 2022 và năm 2030 họ tiếp tục là chủ nhà của Asian Games.
 
Với riêng bóng đá, Qatar đã len lỏi tầm ảnh hưởng của mình suốt hơn một thập kỷ qua. Năm 2004, Học viện Aspire được xây dựng với tầm nhìn đào tạo ra lứa cầu thủ giúp Qatar tranh tài ở đấu trường quốc tế. Họ tích cực mời các đội bóng lớn như Manchester United, Real Madrid, Liverpool, Barcelona đến đá giao hữu. Và cũng chính trong những trận giao hữu này, họ đã gặp Felix Sanchez, một HLV trẻ làm việc ở La Masia. Sanchez được mời về làm HLV tại Aspire trước khi lần lượt dẫn dắt các đội tuyển trẻ Qatar và hiện tại là đội tuyển quốc gia. Năm 2019, Sanchez và các học trò đã lên ngôi tại Asian Cup.
 
Năm 2010 và 2013, Qatar Foundation và Qatar Airways ký hợp đồng tài trợ và xuất hiện trên áo thi đấu của Barcelona. Cũng trong năm đó, HLV Pep Guardiola được chọn làm đại sứ cho chiến dịch World Cup 2022. Năm 2011, họ mua PSG và xây dựng đế chế ở đội bóng này. Năm 2015, huyền thoại Xavi Hernandez tới CLB Al Sadd của Qatar thi đấu rồi sau khi giải nghệ tiếp tục làm HLV trưởng đội bóng. Bên cạnh đó, ông cũng được chọn là đại sứ của World Cup 2022.

Ông Tamim bin Hamad Al Thani (giữa), ông chủ PSG, và ông Nasser Al-Khelaifi (bên trái), chủ tịch PSG. Ảnh: Getty Images
 
PSG, đội bóng mà Hoàng gia Qatar bảo trợ, liên tục thực hiện những thương vụ bom tấn vài năm qua, nhất là trong bối cảnh đất nước này xảy ra xung đột ngoại giao với Saudi Arabia và UAE năm 2017, mà đáng chú ý nhất là việc chiêu mộ Neymar với giá 222 triệu euro. 
 
Dù tháng 1 năm nay, dù Qatar đã được các quốc gia láng giềng ở Bán đảo Ả Rập khôi phục quan hệ ngoại giao, thì việc PSG có được chữ ký của Messi trước mặt Manchester City, đội bóng thuộc sở hữu của Hoàng gia UAE, chẳng khác nào một lời tuyên bố mạnh mẽ về sức mạnh tài chính, thể thao của Qatar với các nước láng giềng hùng mạnh. 
 
Mùa hè năm ngoái, Messi được cho đã đạt thỏa thuận cá nhân với Pep Guardiola về việc gia nhập Man City trước khi anh quyết định ở lại. Trong khi đó, các báo cáo cho biết đầu năm nay, Ủy ban Du lịch của Saudi đã tiếp cận siêu sao Argentina để mời anh làm gương mặt đại diện cho thương hiệu của họ. Với việc gần như chắc chắn Messi sẽ tham dự World Cup 2022 nếu Argentina vượt qua vòng loại và anh không gặp chấn thương quá nặng, người Qatar sẽ không bỏ qua cơ hội để biến anh thành một đại sứ không chính thức của giải đấu. 
 
Trong khi đó tại châu Âu, ông Nasser Al-Khelaifi, chủ tịch PSG, ngày càng củng cố vị trí của mình trong mắt UEFA. Sau khi PSG từ chối gia nhập Super League và ông Andrea Agnelli từ chức chủ tịch Hiệp hội các CLB Châu Âu (ECA), Al-Khelaifi được chọn ngồi vào chiếc ghế này. Vậy là quyền lực của người Qatar trong bóng đá ngày càng được tăng cường.
 
Rõ ràng, sức mạnh của người Qatar ở thể thao và bóng đá thế giới đang ngày một tăng lên. Sự có mặt của Messi ở PSG càng củng cố thêm điều đó.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.