Bóng đá Trung Quốc: Chủ nghĩa ngắn hạn và chiếc bong bóng vỡ

Tác giả CG - Thứ Hai 01/03/2021 17:16(GMT+7)

Zalo

Việc CLB Jiangsu bị dừng hoạt động là một ví dụ nữa cho thấy sự bấp bênh của bóng đá Trung Quốc.

Bóng đá Trung Quốc Chủ nghĩa ngắn hạn và chiếc bong bóng vỡ hình ảnh
 
48 sân bóng của Trường Bóng đá Evergrande ở miền nam Trung Quốc chỉ đủ cho 2.800 học sinh. “Bóng đá sẽ là sự nghiệp của cháu sau khi lớn lên”, Wang Kai - một học viên ở đây cho biết. “Cháu muốn là Cristiano Ronaldo của Trung Quốc”.
 
Việc đào tạo ra những Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi của Trung Quốc là một dự án mang tầm quốc gia. Không gì khác, đất nước đông dân nhất thế giới muốn trở thành một cường quốc bóng đá, phát triển một quyền lực mềm đi cùng phát triển kinh tế.
 
Để làm điều này, họ đổ một lượng tiền lớn vào bóng đá khiến người hâm mộ lẫn các cầu thủ trên toàn cầu phải choáng váng. Những con số không tưởng và dường như phá vỡ những giới hạn đó đã thu hút nhiều ngôi sao từ châu Âu và Nam Mỹ đặt bút ký vào những bản hợp đồng có giá trị hàng chục triệu USD. Thậm chí vào năm 2017, một CLB Trung Quốc đã đề nghị Cristiano Ronaldo bản hợp đồng với mức lương 105 triệu USD một năm, song siêu sao người Bồ Đào Nha đã từ chối.
 
Những khoản tiền như thế thực sự làm rung chuyển làng bóng đá thế giới. HLV Antonio Conte từng lên án việc chi tiêu quá mạnh tay của các CLB Trung Quốc là “mối nguy hại cho tất cả các đội bóng trên thế giới”. Trong khi đó, HLV Arsene Wenger vào năm 2016 cảnh báo rằng mức lương kếch xù mà các đội bóng ở Trung Quốc đề nghị sẽ làm xáo trộn quyền bá chủ của bóng đá châu Âu với những tài năng hàng đầu.
 
Có thể nói chính phủ Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều cho môn bóng đá, dồn rất nhiều tâm huyết như trước đó họ đã dành cho các môn thể thao cá nhân như lặn và thể dục dụng cụ - những môn đã đem về các tấm huy chương Olympic cho Trung Quốc. Nền bóng đá chuyên nghiệp được tổ chức lại sau bê bối bán độ, dàn xếp tỷ số vào năm 2009. 
 
Những thế hệ cầu thủ mới được “ươm mầm” bằng hàng chục nghìn sân bóng cộng thêm các chương trình bóng đá ở hàng chục nghìn trường học. Mục đích cuối cùng là tạo ra một thế hệ cầu thủ có thể giành chức vô địch World Cup bóng đá nam và khôi phục lại vị thế cũng như vinh quang của đội tuyển bóng đá nữ.

Bóng đá Trung Quốc Chủ nghĩa ngắn hạn và chiếc bong bóng vỡ hình ảnh
Hulk và Oscar là 2 trong số những ngôi sao từ châu Âu tới Trung Quốc thi đấu
 
Nỗ lực đó kích thích các CLB Trung Quốc chi tiêu mạnh tay như đã nói ở trên. Các nhà đầu tư tư nhân đổ xô vào bóng đá chuyên nghiệp với sự khuyến khích của chính phủ. Ngoài việc trả hàng chục triệu USD cho các cầu thủ nước ngoài, chủ sở hữu các đội bóng Trung Quốc còn chi hàng trăm triệu USD để mua các CLB tại châu Âu với mong muốn tạo các mối quan hệ về chuyên môn lẫn marketing.
 
Ông Simon Chadwick - Giáo sư chuyên ngành doanh nghiệp thể thao của Đại học Salford ở Vương Quốc Anh - cho biết: “Lượng chi đó tạo ra những kỳ vọng lớn. Chi khoản tiền lớn cho các cầu thủ cũng là để có được những người hùng và các biểu tượng”.

Năm 2012, Didier Drogba và Nicolas Anelka gia nhập Shanghai Shenhua - đó là một trong những chỉ dấu đầu tiên cho thấy sức mạnh ngày càng gia tăng của giải VĐQG Trung Quốc (Chinese Super League hay CSL) khi ấy. Trong khi đó, Seydou Keita được liên hệ với Dalian Aerbin; Lucas Barrios và Yakubu lần lượt gia nhập Guangzhou Evergrande và Guangzhou R&F. Ở trên băng ghế huấn luyện, những Takeshi Okada, Sergio Batista và Marcello Lippi đều đã tới.
 
Năm 2013, David Beckham trở thành đại sứ toàn cầu đầu tiên của CSL; Guangzhou Evergrande trở thành CLB Trung Quốc thứ hai vô địch AFC Champions League (họ giành lại danh hiệu này vào năm 2015). Alex Teixeira, Ramires, Alexandre Pato, Paulinho, Oscar, Carlos Tevez, Hulk và John Obi Mikel đều đã tới Trung Quốc trong những năm sau đó bên cạnh các HLV như Fabio Cannavaro và Luiz Felipe Scolari. CSL không chỉ là đối thủ cạnh tranh trên thị trường chuyển nhượng với các giải đấu khác mà ở thời đỉnh cao, họ còn chi tiêu vượt trội tất cả.
 
Tuy nhiên, mong muốn thành công một cách nhanh chóng đặt ra những rủi ro với các mục tiêu dài hạn. Tờ Nhân Dân nhật báo đã cảnh báo vào năm 2016 rằng một “bong bóng” chi tiêu ào ạt, liều lĩnh ở nền bóng đá chuyên nghiệp Trung Quốc có thể sẽ vỡ và tạo ra hệ lụy to lớn cho môn thể thao ở quốc gia này. “Một trong những vấn đề lớn nhất ở đây là chủ nghĩa ngắn hạn”, ông Cameron Wilson - một người Scotland sống ở Thượng Hải, biên tập viên của trang Wild East Football chuyên theo dõi bóng đá Trung Quốc - cho biết.

Bóng đá Trung Quốc Chủ nghĩa ngắn hạn và chiếc bong bóng vỡ hình ảnh
CLB Jiangsu - nhà đương kim vô địch CSL - mới đây đã dừng hoạt động sau khi tập đoàn Suning rút đầu tư 
 
Và khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, CSL cũng không thể tránh khỏi bị tác động nặng nề và những vết nứt ngày càng sâu sắc trong suốt 12 tháng qua. Cuối tuần trước, Jiangsu FC - nhà đương kim vô địch CSL - đã chính thức dừng mọi hoạt động sau khi chủ sở hữu của họ là tập đoàn bán lẻ Suning tuyên bố dành mọi sự tập trung cho các ngành kinh doanh cốt lõi. Đây chính là diễn biến mới nhất trong chuỗi sự kiện chứng minh cho sự thoái trào của giải VĐQG Trung Quốc.
 
Năm 2016, Jiangsu (lúc đó có tên là Jiangsu Suning) đã chiêu mộ tiền đạo Alex Teixeira với giá 50 triệu euro từ Shakhtar Donetsk bất chấp việc cầu thủ người Brazil này nhận được sự quan tâm từ Liverpool. Tuy nhiên Texeira đã từ chối gia hạn hợp đồng sau khi Jiangsu giành chức vô địch quốc gia và Suning đã thông báo với CLB vào tháng 2 rằng tập đoàn sẽ không đầu tư vào các hoạt động kinh doanh không phải bán lẻ.
 
Shandong Luneng - nhà vô địch Cúp Quốc gia Trung Quốc - đã chính thức bị loại khỏi AFC Champions League sẽ diễn ra trong 3 tuần nữa vì “nợ lương quá hạn”. Shandong Luneng được thay thế bằng Shanghai SIPG - đội xếp thứ tư ở CSL 2020. Nếu Jiangsu không thể tìm được các nhà đầu tư mới, họ cũng sẽ bị loại khỏi cúp châu lục.
 
Trong khi đó, Tianjin Tigers có nguy cơ hoàn toàn sụp đổ sau khi công ty mẹ là tập đoàn Tianjin Teda của nhà nước rút vốn đầu tư. CLB được cho là đang nợ cầu thủ 10 tháng lương này đã góp mặt ở giải VĐQG Trung Quốc từ năm 1999. 
 
Cũng mới năm ngoái, kình địch cùng thành phố của Tigers là Tianjin Tianhai - đội bóng mà Pato, Axel Witsel từng thi đấu và Cannavaro từng làm HLV - đã tuyên bố phá sản sau khi ông chủ của họ là Shu Yuhui bị bắt. Liaoning FC - đội bóng Trung Quốc đầu tiên vô địch Asian Club Championship (tiền thân của AFC Champions League) cũng phải dừng hoạt động vào năm 2020 vi liên tục nợ lương.

Bóng đá Trung Quốc Chủ nghĩa ngắn hạn và chiếc bong bóng vỡ hình ảnh
CLB Tianjin Tigers (xanh dương) cũng đứng trước nguy cơ sụp đổ vì nợ lương
 
Trước những thay đổi và làn sóng phản đối của cổ động viên, các nhà quản lý bóng đá Trung Quốc đã làm từng bước để ngăn cản dòng tiền ở CSL. Theo đó, các CLB chuyên nghiệp Trung Quốc bắt buộc phải xóa tên nhà tài trợ ra khỏi tên đội và logo trước thềm mùa giải 2021. Tháng 12 năm ngoái, các nhà chức trách đã áp đặt giới hạn chi tiêu mới mà các CLB dành cho cầu thủ để ngăn chặn bong bóng vỡ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của cầu thủ Trung Quốc.
 
Lương của cầu thủ nước ngoài ở CSL bắt buộc nằm trong giới hạn là 3 triệu euro, còn lương tối đa của cầu thủ nội là 5 triệu nhân dân tệ (765.000 USD) trước thuế. Các CLB không thể chi quá 600 triệu nhân dân tệ dành cho tổng lương. Mức thuế 100% dành cho các thương vụ chuyển nhượng lớn cũng được áp dụng vào năm 2017, số tiền góp lại được dành cho các chương trình phát triển cầu thủ trẻ.
 
Ông Chen Xuyuan - Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc (CFA) - phát biểu về việc đưa ra các hạn chế chi tiêu như sau: “Chi tiêu của các CLB tại CSL đã gấp 10 lần K League của Hàn Quốc và gấp 3 lần J.League của Nhật Bản. Nhưng đội tuyển quốc gia của chúng ta đang tụt lại rất xa. Các bong bóng không chỉ ảnh hưởng đến bóng đá Trung Quốc ở hiện tại mà cả tương lai”.
 
Các động thái của CFA nhằm hạn chế ảnh hưởng của các doanh nghiệp và việc chi tiêu tràn lan dường như cho thấy kỷ nguyên vàng của kim tiền tại CSL đã kết thúc. Một thập kỷ gây chấn động với các thương vụ bom tấn đã khép lại.
 
Nhưng liệu sự sụp đổ của Jiangsu có phải là minh chứng tiêu biểu nhất của những vết đau không thể tránh khỏi trong hành trình từ từ làm xẹp chiếc bong bóng đã phát triển ở dưới bề mặt bóng đá Trung Quốc? Hay đó là dấu hiệu cảnh báo rằng các bước đi đã được thực hiện quá muộn và không đủ mạnh mẽ để ngăn chiếc bong bóng ấy vỡ? Có lẽ chỉ thời gian mới trả lời được.
 
Tổng hợp từ bài viết trên ESPN, New York Times của tác giả Joey Lynch và Chris Buckley. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow