Game over. Nụ cười đã tắt, đằng sau nước mắt. Những hi vọng về một điều kì diệu giờ có thể yên nghỉ. Barcelona sau những màn trình diễn ở đẳng cấp Europa League, đã chính thức đến với giải đấu họ thuộc về. Trận đấu dưới trời tuyết ở Munich chỉ đơn thuần xác nhận những gì chúng ta đã biết về họ từ lâu.
Bởi đó chỉ là vấn đề về mặt thời gian. Kể từ lần Barcelona vô địch Champions League gần nhất năm 2015, 5 năm sau chứng kiến một loạt thất bại đau đớn, để tiễn đội bóng này ra khỏi giải đấu lớn nhất châu Âu: Thua 3-0 ở Turin, 3-0 ở Roma, 4-0 ở Liverpool, 8-2 trước Bayern Munich và 4-1 trước PSG. Mỗi trận thua giống như các tập phim bộ: Xuất hiện từ “The End” ở cuối, nhưng phim thì chưa kết thúc, và diễn biến thì ngày càng drama hơn.
Nhưng cũng như việc ngã xe, chúng khiến họ bị tổn thương, thậm chí để lại sẹo, nhưng chỉ khiến họ đau lúc đó. Trận thua 0-3 trước Bayern Munich vừa qua mang đến một thái cực khác: Đó là bản án tử hình cho bệnh nhân mang tên Barcelona, buộc họ phải đến bệnh viện; ở đây là Europa League, giải đấu “họ không thuộc về”, như những gì Xavi chua chát nói sau trận đấu.
Barcelona của hiện tại không đẹp như bài hát của Sơn Tùng M-TP. Bất cứ thứ gì họ từng biết, họ đã quên. Bất cứ thứ gì họ có, họ đã mất. Một sân vận động thiếu vắng khán giả, những thất bại ảnh hưởng đến tim mạch, một cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại được thay thế bằng Luuk de Jong. Món nợ 1,2 tỉ bảng Anh không chỉ khiến họ trả giá bằng tiền bạc; họ phải đánh đổi cả chuyên môn, tài năng cũng như bản năng chơi bóng thuần túy.
Barcelona của hiện tại giống như khi tập đoàn Sharp bị bán cho Foxconn: Các tài sản họ sở hữu đều đã thuộc về người khác; trên thực tế, chính Barca đã khiến họ không còn quan trọng nữa.
Hãy nhìn vào Manchester City và PSG. Nếu coi là danh hiệu Champions League là đích đến cuối cùng, thì hai đội bóng này vẫn là những dự án thất bại, sau hàng tỉ bảng mà họ đã bỏ ra. Nhưng hai CLB này đang ngày càng đến gần danh hiệu này qua mỗi năm; họ là hai đội bóng để thua trong hai trận chung kết gần nhất. Chẳng bao lâu nữa hai đội bóng này sẽ giành được nó; trớ trêu thay, nền móng cho họ lại được thực hiện bởi những con người và ý tưởng lấy từ Barcelona.
Ferran Soriano rời Barcelona năm 2008. Txiki Begiristain nối gót ông hai năm sau đó, khi Joan Laporta kết thúc nhiệm kì chủ tịch CLB. Năm 2012, Soriano và Begiristain tái hợp tại Manchester City, nơi họ quyết tâm mua lại thứ đã làm nên thành công cho Barcelona và khiến họ được yêu mến trên toàn thế giới.
Phòng truyền thống của City khi đó vẫn còn khá nhiều vết bụi. 4 năm sau khi dòng tiền từ Abu Dhabi đổ về, họ mới có một FA Cup và một chức vô địch Premier League dưới thời Roberto Mancini. Thế nên, Soriano và Begiristain tỏ ra khá thoải mái trong việc xây dựng một phiên bản Barcelona mới tại nước Anh.
Viên gạch cuối cùng chính thức được đặt lên, khi Pep Guardiola đồng ý tái hợp với bộ đôi này sau khi kết thúc hợp đồng với Bayern Munich. Sau mùa giải đầu tiên đầy khó khăn, họ đã giúp Man City chơi thứ bóng đá thành công nhất trong gần 6 năm qua, như những gì họ đã làm được ở xứ Catalan.
Trong khi đó, PSG tỏ ra chậm chân hơn trong việc thâu tóm các nhân vật cao cấp bên ngoài sân cỏ từ Barcelona. Cần nhớ rằng phải đến năm 2011, QSI mới mua lại PSG; Man City đã lấy bộ đôi Soriano và Begiristain chỉ một năm sau đó. Đội bóng thủ đô nước Pháp buộc phải thử một điều gì đó khác để tạo ra một Barcelona ở Paris, thứ vẫn còn trên thị trường: Cầu thủ.
PSG luôn chú trọng đến những cầu thủ ngôi sao. Ngay từ những năm đầu dưới triều đại của những ông chủ Qatar, họ đã kí hợp đồng với Zlatan Ibrahimovic, David Beckham, Edinson Cavani và Angel Di Maria. Nhưng không ai trong số đó tầm cỡ bằng việc kí hợp đồng với Neymar năm 2017, khi PSG trả đủ khoản tiền giải phóng lên tới 198 triệu bảng để có được ngôi sao trẻ nhất và triển vọng nhất trong bộ ba “MSN” của Barcelona. Đó là màn phô trương tài chính tàn nhẫn và Barcelona chỉ biết đứng nhìn.
Ba năm sau khi mất Neymar, Barcelona như trả thù đời, khi lãng phí hàng trăm triệu USD cho những thương vụ lợi bất cập hại, đồng thời hào phóng trao cho những cầu thủ lớn tuổi các bản hợp đồng kếch xù. Tình hình tài chính của họ ngày càng bết bát, để rồi hậu quả của những ngày tháng chi tiêu tuyệt vọng đã đến trong mùa hè này: Họ bất lực trong việc giữ chân Lionel Messi, buộc anh phải rời đội bóng trong nước mắt. Mỉa mai thay, anh kí hợp đồng với… PSG sau đó.
Nhìn thấy Messi trong ngày anh ra mắt ở Paris vào tháng 8, giống như được chiêm ngưỡng những cổ vật trong bảo tàng Anh: Một chiến lợi phẩm được mang từ nơi khác về, trong sự ngạc nhiên và thích thú của hàng nghìn người hâm mộ.
Barcelona từng được coi là trung tâm của vũ trụ bóng đá, nhưng hiện tại, họ giống Constantinople, kinh đô xưa cũ của đế quốc Ottoman hơn. Mọi thứ khiến họ trở nên đặc biệt đã bị lấy đi bởi những đối thủ giàu có hơn, mạnh hơn, những người muốn có những điều đặc biệt cho chính họ.
Vậy họ còn lại gì? Có lẽ là Xavi. Sẽ không có ai phù hợp hơn để xây dựng lại đội bóng này từ những Pedri, Ansu Fati hay Gavi, cũng như chẳng ai có cơ hội tốt hơn để áp dụng ý tưởng của Guardiola như Xavi; cho dù vào đêm thứ Tư, họ có vẻ như đang cố làm món Pizza, dù trong tay chẳng có một chút phomai nào.
Thế nhưng, việc phải xuống chơi ở Europa League, cũng như đang kém đội đầu bảng Real Madrid tới 16 điểm ở La Liga, cho thấy việc gây dựng lại đội bóng này không đơn giản như khi Apple đưa ra các bản vá lỗi.
Đối với Barcelona, con đường trở lại sẽ rất gian nan, tồi tệ, dữ dội, và nó sẽ không ngắn.
(Tổng hợp từ The Guardian, ESPN, The Athletic)