AC Milan và canh bạc lớn của RedBird

Tác giả CG - Chủ Nhật 12/06/2022 15:57(GMT+7)

Zalo

AC Milan đã một lần nữa đổi chủ. Sau 3 năm dưới quyền sở hữu của Elliott, Rossoneri đã thuộc về tay của RedBird, một công ty nữa của Mỹ. Một kỷ nguyên mới mở ra với cả những thách thức lẫn sự kỳ vọng.

 
doibongacmilan

 

Vài tiếng sau khi hạ cánh xuống Milan vào ngày cuối cùng của tháng 5, Gerry Cardinale né tránh đám đông báo chí đang tập trung bên ngoài khách sạn mà ông lưu trú để tới nhà của một huyền thoại bóng đá Italy. Cardinael – người sáng lập Tập đoàn đầu tư RedBird – mới đây vừa ký thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ euro để mua AC Milan từ quỹ đầu tư Elliott. Nhưng trước khi công bố thông tin đó với công chúng và truyền thông vào ngày 1/6, doanh nhân 54 tuổi muốn gặp Paolo Maldini.

“Với tôi việc đó vô cùng quan trọng. Chúng tôi đã trò chuyện 3 tiếng rưỡi với nhau, một cuộc trò chuyện tuyệt vời”, Cardinale nói về bữa trưa với giám đốc kỹ thuật, huyền thoại Paolo Maldini của AC Milan. Thời điểm đó, xuất hiện những thông tin rằng Maldini nói Elliott thờ ơ trong việc đàm phán gia hạn hợp đồng với ông. Trong cuộc trò chuyện ở bàn ăn với prosciutto crudo và mozzarella di bufala (những món ăn của Italy) cùng với những ly Aperol spritz, Cardinale trấn an Maldini rằng ông vẫn có tương lai tại CLB. 

Trải qua 4 tuần đàm phán thì cuộc gặp đó cũng là một lời giới thiệu của Maldini với Cardinale về bóng đá Italy cũng như những câu chuyện, thành tố của nền bóng đá này. Trong khi RedBird – tập đoàn có trụ sở ở New York – từ lâu luôn có tham vọng sở hữu một CLB hàng đầu thế giới thì cho đến trước năm nay Elliott vẫn không quá mặn mà trong việc bán đội bóng mà họ nắm quyền sở hữu từ năm 2018. Nhưng theo những nguồn tin thân cận, trong năm nay họ đã tỏ ra sẵn sàng hơn.

Paul Singer – người sáng lập Elliott – không quá mặn mà trong việc sở hữu một doanh nghiệp nổi tiếng như thế. Nguồn tin của Financial Times cho biết thêm ông chỉ coi AC Milan là một tài sản và không thích nhìn thấy những nhân viên của mình trên khán đài sân San Siro. Khi mùa giải Serie A dần đi đến hồi kết, cuộc đua tìm ra ông chủ mới cho AC Milan ngày càng diễn ra sôi nổi. Đã có các cuộc thương thảo với Invescorp – tập đoàn của Bahrain – nhưng nó đã sụp đổ vào tháng 5.

Trong khi đó, Cardinale không lãng phí thời gian và bay đến London vào ngày 5/5 để gặp Gordon Singer – người điều hành các hoạt động của Elliott tại châu Âu đồng thời là con trai Paul Singer. RedBird đề ra đường lối và cách họ sẽ cải thiện dòng tiền của AC Milan. Kế hoạch ban đầu là mua CLB thông qua một thỏa thuận đầu tư tư nhân đã biến thành một thỏa thuận đặc biệt hơn mà Elliott sẽ hỗ trợ về tài chính.

Elliott đồng ý cho RedBird vay 600 triệu euro với lãi suất 7%, số tiền dự kiến giảm xuống 200 triệu euro trong năm nay khi RedBird huy động tiền từ các nhà đầu tư và đối tác. Quỹ cũng đảm bảo các giấy phép, công cụ tài chính để Elliott có thể chuyển đổi thành cổ phần từ 1-2% nếu CLB bị bán một lần nữa.

AC Milan và canh bạc lớn của RedBird 1
Gia hạn hợp đồng với Paolo Maldini là ưu tiên của RedBird vào lúc này. Ảnh: AC Milan

 

Cardinale – người thành lập RedBird vào năm 2014 sau 2 thập kỷ là nhiên viên ngân hàng Goldman Sachs – cho biết: “Điều đó cho phép chúng tôi có thể hoàn tất thương vụ trong khi họ có thể tiếp tục tham gia vào đội bóng theo cách họ muốn”.

Tuy nhiên quá trình diễn ra thương vụ này vấp phải sự chỉ trích từ Salvatore Cerchione – thành viên ban lãnh đạo AC Milan, ông chủ Blue Skye, đơn vị sở hữu dưới 5% cổ phần CLB. Cerchione chia sẻ với Financial Times: “Blue Skyes không hài lòng về việc thương vụ diễn ra trong tình trạng thiếu thông tin. Chúng tôi khá mơ hồ về động cơ thực sự phía sau việc bán CLB, đặc biệt khi đội bóng có một tương lai tươi sáng phía trước”.

Sau đó, Elliott từ chối bình luận về những lời chỉ trích từ Cerchione. Sự lạc quan về tài chính có được từ việc Elliott bán AC Milan làm tăng thêm lợi nhuận mà họ thu về từ một CLB mà trước đây họ chưa từng có ý định sở hữu. Sau khi đã bơm 750 triệu euro vào CLB, Elliott sẽ thu về lợi nhuận khoảng 450 triệu euro – không bao gồm các khoản thanh toán lãi suất từ RedBird. Nguồn tin của Financial Times cho biết lợi nhuận Elliott thu được là khoảng 15% mỗi năm.

Elliott - ông chủ bất đắc dĩ của Milan

Như đã nói, Elliot không có nguyện vọng sở hữu 1 CLB bóng đá. Elliott là một quỹ đầu tư khét tiếng với rất nhiều con nợ, trong đó nổi tiếng nhất là đất nước Argentina. Là một quỹ đầu tư liên tục tìm kiếm các cơ hội kiếm tiền, Elliott đã phát hiện ra cơ hội đó vào năm 2017 khi doanh nhân Li Yonghong mua lại AC Milan từ cựu thủ tướng Italy Silvio Berlusconi.

Với sự chỉ đạo của Franck Tuil – khi đó là giám đốc danh mục đầu tư của quỹ - Elliott đã cho Li vay 300 triệu euro nợ lãi suất cao, qua đó đảm bảo nguồn thu và giúp doanh nhân người Trung Quốc nắm quyền kiểm soát AC Milan. Sau một khoảng thời gian ngắn, Elliott thay thế quyền kiểm soát CLB khi Li vỡ nợ.

Giorgio Furlani – giám đốc danh mục đầu tư hiện tại của Elliott và cũng là một thành viên trong ban lãnh đạo AC Milan – chia sẻ trong Hội nghị Kinh doanh Bóng đá do Financial Times tổ chức vào tháng 3 – như sau: “Chúng tôi bắt đầu với tư cách là những nhà tài chính. Sau đó trong vòng 1 năm, CLB rơi vào tình cảnh khó khăn về tài chính, ông chủ CLB khi đó không thể xoay sở. Chính vì thế chúng tôi phải vào cuộc và nắm quyền kiểm soát CLB”.

Elliott tiếp quản AC Milan trong tình cảnh họ nhận rất nhiều sự hoài nghi khi một tổ chức tài chính bị xem là “kền kền” lại trở thành ông chủ của một trong những CLB vĩ đại nhất thế giới. Đoạt được nhiều danh hiệu vô địch châu Âu trong thập niên 90 và 2000, thế nhưng kể từ năm 2014 đến 2020, AC Milan đã hoàn toàn vắng bóng ở UEFA Champions League. Điều này cũng khiến doanh thu đội bóng sụt giảm nghiêm trọng – vốn lẹt đẹt ở mức 200 triệu euro – trong khi sân San Siro – vốn thuộc sở hữu của thành phố và sử dụng chung với Inter – thì cần được nâng cấp.

AC Milan và canh bạc lớn của RedBird 2
Paul Singer - Ông chủ của Elliott. Ảnh: Getty Images

 

Furlani nhớ lại: “Những gì chúng tôi thấy sau khi tiếp quản thực sự quá tệ hại. CLB rơi vào cảnh phá sản xét trên khía cạnh dòng tiền, quá ít nguồn thu nhập”. Những nỗ lực ban đầu để thay đổi tình trạng CLB không diễn ra thuận lợi. Năm 2018, Ivan Gazidis – một người quen của Gordon Singer – được mời về từ Arsenal để đảm đương vị trí giám đốc điều hành với nhiệm vụ thay đổi tình trạng tài chính và xây dựng các nguồn doanh thu mới. Maldini được chỉ đạo cắt giảm ngân sách đội bóng bằng cách loại bỏ những cầu thủ hưởng lương cao và mang về những cầu thủ trẻ, giá rẻ.

Lệnh cấm tham dự cúp châu Âu vào năm 2019 của UEFA vì vi phạm luật công bằng tài chính càng khiến tương lai đội bóng trở nên u ám. Nó dường như càng “bôi trơn” cho những căng thẳng ở hậu trường, khi Gazidis đối đầu Maldini và Zvonimir Boban – người khi đó là giám đốc bóng đá (chief football officer) – xoay quanh câu chuyện có nên chiêu mộ những cầu thủ lão tướng hay không.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Zlatan Ibrahimovic vào cuối năm 2019 chính là một ngoại lệ gây tranh cãi và là một trong những yếu tố quyết định cho sự hồi sinh của đội bóng ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Siêu sao người Thụy Điển giúp CLB trở lại Champions League và đó chính là động lực cần thiết cho khía cạnh tài chính đội bóng. AC Milan cũng quay trở lại Football Money League của Deloitte – một bảng xếp hạng các CLB dựa trên doanh thu – sau khi kiếm được 216 triệu euro trong mùa giải 2020/21.

Bên cạnh Ibrahimovic, CLB cũng đang có một dòng máu trẻ chảy tràn với những trụ cột như Rafael Leao, Theo Hernandez, Sandro Tonali,… Tất cả góp phần giúp AC Milan trở lại đỉnh cao bóng đá Italy trong mùa giải cuối cùng Elliott nắm quyền sở hữu.

Cuộc chơi lớn của người Mỹ

Gerry Cardinale miêu tả AC Milan là “gã khổng lồ đang say giấc” và việc thu hẹp khoảng cách với những đối thủ lắm tiền nhiều của ở châu Âu là một thách thức lớn. Cardinale đặt cược kinh nghiệm làm việc với những CLB thể thao hàng đầu nước Mỹ của ông - bao gồm đội bóng chày New York Yankees và CLB bóng bầu dục Dallas Cowboys – cũng như các vận động viên hàng đầu là Alex Rodriguez hay LeBron James. Ông tin những kinh nghiệm đó có thể đưa AC Milan trở lại vinh quang chói lọi.

AC Milan và canh bạc lớn của RedBird 3
Gerry Cardinale - Ông chủ mới của AC Milan. Ảnh: Getty Images

 

“Một thương hiệu có tầm cỡ như AC Milan cần có cơ sở hạ tầng thể hiện cho trình độ bóng đá và tiềm năng toàn cầu. Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm với các dự án sân vận động ở Mỹ. Milan và Italy xứng đáng có một sân vận động đẳng cấp thế giới, là nơi có thể tổ chức những sự kiện thể thao và giải trí quy mô toàn cầu”.

Cardinale không hề tỏ ra nao núng trước sự giàu có của Premier League. Theo công ty kiểm toán Deloitte, 20 CLB Premỉe League mùa giải 2019/20 có tổng doanh thu là 5,1 tỷ euro, nhiều hơn 3 tỷ so với Serie A. Mới thập kỷ trước, khoảng cách này chỉ là 1 tỷ euro. Cardinale nhấn mạnh: “Serie A có cơ hội lớn để bứt lên. Không nên có sự chênh lệch về doanh thu lớn như vậy giữa Serie A và Premier League”.

Tận dụng vị thế của Milan là kinh đô thời trang thế giới cũng là một phần chiến lược của RedBird trong việc phát triển AC Milan. Quả thực RedBird đang chơi lớn với Rossoneri. Dù họ đã đầu tư nhiều vào lĩnh vực thể thao với mạng lưới Yankees, tập đoàn Fenway Sports Groud – ông chủ của Liverpool và đội bóng chày Boston Red Sox – hay CLB Toulouse thì AC Milan vẫn là thương vụ danh tiếng nhất. RedBird hy vọng xây được 1 sân vận động mới bên cạnh những tham vọng lớn khác. Tuy nhiên, tất cả sẽ phụ thuộc vào thành tích của AC Milan trên sân cỏ. 

Trở lại với câu chuyện giữa Cardinale và Maldini. Người giới thiệu Maldini cho Cardinale là Maverick Carter – sếp của Công ty SpringHill, một công ty truyền thông và giải trí có nắm cổ phần ở RedBird. Carter cho biết: “Tôi đã kết nối anh ấy với Paolo vì tôi biết mối quan hệ hợp tác đó có tầm quan trọng và giá trị lớn như thế nào”. Và việc gia hạn hợp đồng với Paolo Maldini – người có công lớn trong việc hồi sinh Milan thời gian quan – là ưu tiên hàng đầu của Cardinale lúc này.

Theo James Fontanella-Khan, Sara Germano, Arash Massoudi, Samuel Agini | Financial Times

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow