Một hệ thống lớp lang, có định hướng vị trí rõ ràng cho từng cầu thủ trên sân đối đầu với một hệ thống tạo cho các cá nhân xuất sắc những không gian tự do nhất định. Cuộc đối đầu giữa Nhật Bản và Croatia xứng đáng là trận đấu cân bằng nhất tại vòng knock-out tại World Cup 2022. Ở đó, bản lĩnh của đương kim á quân thế giới đã lên tiếng.
Kỉ luật chiến thuật của Nhật Bản
HLV Hajime Moriyasu tiếp tục lựa chọn hệ thống 3-4-3 vốn dĩ đã trở thành bản ngã cho những thành công của Nhật Bản cho đến lúc này của giải đấu. Đại diện châu Á đã vận hành sơ đồ chiến thuật ấy một cách chuẩn chỉnh cả khi có bóng lẫn không có bóng.
Cấu trúc 3-4-3 hay 3-2-5 khi có bóng đang trở thành một trong những cấu trúc ưu việt nhất với bóng đá hiện đại vào thời điểm này. Với những cá nhân đặc thù trong tay, lựa chọn của ông Moriyasu là hoàn toàn xác đáng.
Nhật Bản triển khai bóng nhuần nhuyễn qua từng tuyến với sự kiên định của từng cá nhân ở vị trí của mình. 3 trung vệ cùng cặp tiền vệ trung tâm Wataru Endo và Hidemasa Morita làm nhiệm vụ phát triển bóng lên phía trước đến các điểm liên kết ở khu vực giữa hai tuyến phòng ngự đối phương. Ritsu Doan và Daichi Kamada, hai tiền vệ tấn công chơi nghịch biên trở thành cầu nối một cách gọn gàng. Trong khi ở hai biên, Junya Ito và Yuto Nagatomo sẵn sàng dâng cao.
Cấu trúc đội hình khi có bóng của Nhật Bản. |
Cấu trúc đội hình khi có bóng của Nhật Bản. |
Đặc biệt trên phần sân đối phương, cấu trúc đội hình khi có bóng của Nhật Bản luôn là chuẩn chỉnh, với khoảng cách hợp lý giữa các cầu thủ, điều giúp họ hướng trái bóng tới khu vực 1/3 cuối sân tương đối gọn gàng.
Cự ly xuất sắc của Nhật Bản khi kiểm soát bóng trên phần sân đối phương. |
Tình huống triển khai dẫn đến quả phạt góc mang về bàn thắng mở tỉ số ở cuối hiệp 1 là hình ảnh đặc trưng sự kỉ luật chiến thuật của đội bóng này.
Morita chuyển hướng tấn công sang cánh phải cho Ito. Ritsu Doan và trung vệ lệch phải Takehiro Tomiyasu sẵn sàng hỗ trợ để tạo nên tam giác phát triển bóng. Nhật Bản không thành công ở nhịp tấn công đầu tiên, nhưng chính Tomiyasu là người thu hồi lại quyền kiểm soát ngay trên phần sân đối phương, và tạo ra tính liên tục cho Nhật Bản, khi Doan hoán đổi vị trí với Ito để tung ra đường chuyền vào vòng cấm địa ngay sau đó.
Nhóm phối hợp ở hành lang cánh phải. |
Những hạn chế nhất định về mặt thể chất được đội bóng của ông Moriyasu khoả lấp bằng cách thức vận hành chiến thuật bài bản và sự kỉ luật của từng cá nhân trong đội hình.
Croatia già rơ
Nếu như Nhật Bản có từng cá nhân được đặt vào từng vị trí và vai trò cụ thể trên sân, thì Croatia tỏ ra linh hoạt hơn với những con người mà họ sở hữu, đặc biệt là ở khu vực giữa sân.
Bộ ba Mateo Kovacic, Marcelo Brozovic, Luka Modric đã luôn ra sân cùng nhau ở 3 giải đấu lớn gần nhất mà đại diện châu Âu tham dự. Họ vẫn là nguồn sống với đội bóng được dẫn dắt bởi ông Zlatko Dalic. Không dễ để định danh khu vực hoạt động cụ thể của 3 tiền vệ trung tâm bên phía Croatia, khi họ luôn tự tìm cho bản thân mình những vị trí nhận bóng phù hợp ở từng tình huống triển khai bóng.
Sự linh hoạt của Modric, Brozovic và Kovacic. |
Biểu đồ dưới đây ghi lại vị trí các đường chuyền thành công của 3 tiền vệ trung tâm biên phía Croatia trong thời gian thi đấu chính thức của trận đấu. Họ sẵn sàng lùi sâu, cũng luôn hướng lên phía trước để hỗ trợ tấn công nếu cần. Ở những thời điểm cụ thể trong trận đấu, Modric, Brozovic và Kovacic sẵn sàng kiểm soát lại nhịp độ chơi bóng, bình tình kiểm soát thế trận cho đại diện châu Âu, với đẳng cấp chuyền bóng và di chuyển cao.
Vị trí các đường chuyền thành công của 3 tiền vệ trung tâm Croatia trong thời gian thi đấu chính thức. |
Đó cũng là nền tảng cho ý đồ của HLV Dalic khi Croatia bị dẫn bàn.
Kiểm soát bóng chắc chắn ở khu vực trung tuyến, hướng bóng ra biên và liên tiếp thực hiện các quả tạt vào vòng cấm địa đối phương, thậm chí là những quả tạt sớm.
Croatia tấn công một cách cực kì cực đoan sau thời điểm hiệp 2 trận đấu bắt đầu, nhưng cũng chính sự cực đoan ấy mang đến hiệu quả cho họ. Sự vượt trội về khả năng tranh chấp cũng như tốc độ ở đoạn ngắn là thứ vũ khí cơ bản nhất giúp Ivan Perisic, Modric và các đồng đội đưa trận đấu về thế cân bằng và giành chiến thắng trong loạt sút luân lưu.
Tình huống dẫn đến bàn thắng của Perisic. |
Vị trí các quả tạt của Croatia trong hiệp 2. |
Một sự đối lập rất lớn trong ý đồ chiến thuật của đôi bên. Croatia thực dụng, cực đoan và luôn biết cách để giữ nhịp trận đấu. Nhật Bản chơi có lớp lang, bài bản, nhưng thiếu đi những tình huống kết thúc đủ sức nặng trong vòng cấm địa. Vẫn còn một nét gợn nào đó trong những ý đồ chiến thuật của ông Moriyasu, đến từ sự thua thiệt nhất định trong những pha tranh chấp tay đôi giữa một đại diện châu Á và một đại diện châu Âu.
Croatia của ông Dalic tiếp tục đi sâu tại một kì World Cup, đây có lẽ cũng là giải đấu lớn cuối cùng mà bộ ba tiền vệ trung tâm xuất sắc của đội bóng này chơi cùng nhau ở tuyến giữa. Họ được vận hành một cách cơ bản, nhưng luôn biết cách tạo ra sự khác biệt. Với Nhật Bản, dù không thể giành vé vào tứ kết, nhưng đây cũng là giải đấu mà ông Moriyasu cùng các học trò để lại dấu ấn đậm nét trong lối chơi của mình. Chơi một cách sòng phẳng trước Đức, Tây Ban Nha và Croatia là điều không phải một đại diện châu Á nào cũng có thể làm được.
Đọc thêm:
Video bóng đá Nhật Bản vs Croatia World Cup 2022, clip livescore tỷ số, link xem video bàn thắng trận đấu Nhật Bản vs Croatia hôm nay, thống kê sau trận đấu
Câu đúc kết nghe có vẻ hơi sốc này (bởi nói gì thì nói Nhật Bản vẫn nằm ở thế cửa dưới so với Croatia) do chính HLV trưởng ĐTQG Croatia, Zlatko Dalic đưa ra.
Chia sẻ sau chiến thắng trước ĐT Nhật Bản, tiền vệ Luka Modric cho biết mình vẫn đang cân nhắc khả năng thi đấu và tính tới việc dự World Cup 2026.