Bất chấp việc vượt mặt các ông lớn châu Âu để giành ngôi nhất bảng và lọt vào tới vòng knockout, Morocco dường như chưa được nhận về sự công nhận xứng đáng về thực lực. Dẫu vậy, đánh bại Tây Ban Nha tại vòng 1/8 có thể là bước ngoặt quan trọng cho đội bóng Bắc Phi để giành lấy vị thế tôn trọng đúng nghĩa.
Bỏ qua nghịch cảnh quá khứ và nội bộ
Rơi vào bảng đấu khó khăn tại FIFA World Cup 2022 với sự hiện diện của đương kim á quân Croatia, đội bóng số 2 thế giới Bỉ và hiện tượng Canada, Morocco có phần bị đánh giá thấp về khả năng đi sâu, bất chấp việc sở hữu lực lượng nhân sự với nhiều gương mặt nổi bật đang thi đấu tại châu Âu. Nguyên nhân chính của hiện tượng này có lẽ đến cả từ lí do chủ quan và khách quan.
Trên thực tế, bóng đá Morocco dù được đánh giá là một trong những thế lực truyền thống tại châu Phi, lại có rất ít thành tựu nổi bật trong quá khứ lẫn lịch sử cận đại. Tại cấp độ châu lục, thành tích tốt nhất của Morocco là vô địch CAN nhưng đã từ năm 1976. Ba lần gần nhất khi CAN được tổ chức, Morocco chỉ vào được tới tứ kết. Trong khi đó tại đấu trường World Cup, Morocco trải qua 20 năm vắng bóng trước khi đánh dấu sự trở lại bằng màn trình diễn có phần thất vọng khi chỉ giành được 1 điểm trên đất Nga.
Nội tại của “Những chú sư tử Atlas” cũng gặp vấn đề ngay trước thềm World Cup khi HLV Vahid Halilhodzic và LĐBĐ Morocco xảy ra bất hoà không thể giải quyết, dẫn đến việc vị chiến lược gia người Bosnia dù đã thành công trong việc đưa đội vượt qua Vòng loại, rốt cuộc vẫn nhận về trát sa thải. Tân HLV trưởng Walid Regragui vốn gần như chưa từng trải qua kinh nghiệm dẫn dắt ở cấp độ đỉnh cao được bổ nhiệm trong sự vội vã.
Lối đá biết mình biết người
Từ thời điểm bắt đầu nhiệm vụ tới ngày khởi tranh World Cup, ông Regragui chỉ có vỏn vẹn 3 trận giao hữu với quãng thời gian chưa đầy 3 tuần để lắp ráp đội hình. Thế nhưng, có lẽ chính những khó khăn đó đã giúp vị HLV 47 tuổi định hình cho Morocco lối đá “biết mình biết người” đầy kỉ luật và chặt chẽ.
Biểu đồ vị trí hành động phòng ngự của Morocco trước Tây Ban Nha. Các cầu thủ Morocco cũng không ngại ngần phạm lỗi tại các khu vực ít nguy hiểm nhằm ngăn chặn đà lên bóng của Tây Ban Nha (ngũ giác đỏ). |
Trước Croatia, Bỉ và cả Tây Ban Nha, Morocco đều triển khai lối đá kín kẽ với cấu trúc 4-5-1 cự li tầm trung bình. Đội bóng của HLV Regragui đều chủ động nhường sân cho đối thủ kiểm soát bóng, với tỉ lệ kiểm soát của Morocco trong cả ba trận đấu chỉ lần lượt ở mức 35%, 33% và 23%. Tuy vậy, điều đó không đồng nghĩa với việc Morocco cho phép đối phương thuận lợi trong việc triển khai lối đá bên nửa phần sân nhà của mình.
Biểu đồ vị trí tình huống rê bóng của Tây Ban Nha trước Morocco (xanh: thành công, đỏ: không thành công). |
Sự chặt chẽ hệ thống của Morocco tại khu vực trung lộ buộc Tây Ban Nha phải dựa vào sự đột biến từ hành lang biên, nhưng khả năng phòng ngự tốt của các cá nhân vẫn khiến đội bóng của Luis Enrique không thể khoan phá.
Sự đeo bám và áp sát đến khó chịu của Morocco khiến những tiền vệ tấn công trọng yếu trong triển khai của Croatia hay Bồ Đào Nha phải lùi sâu để tìm kiếm khoảng trống và lấy bóng, qua đó hạn chế tối đa khả năng đe doạ phía trên. Modric, Kovacic, Pedri và cả Gavi, những tiền vệ số 8 hàng đầu thế giới hiện nay gần như đã không có khoảng trống xoay xở để đột phá. Hệ quả là trong cả ba trận đấu với những đối thủ hàng đầu, Morocco không để lọt lưới bàn thua nào.
Phát huy tối đa năng lực cá nhân
Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn tới việc HLV Halilhodzic phải rời ghế đến từ những bất đồng ông gây ra nội bộ cầu thủ đội tuyển, nổi bật trong số đó là ngôi sao số 1 Hakim Ziyech. Tuy nhiên, HLV Regragui dường như đã hàn gắn được những rạn nứt đó để rồi phát huy tối đa năng lực các cá nhân hàng đầu, biến Morocco trở thành một tập thể đồng bộ đến đáng sợ.
Cùng với người đồng đội Achraf Hakimi, Ziyech hợp thành bộ đội đáng sợ dọc hành lang biên phải đội nhà. Không chỉ là điểm đến quan trọng trong các tình huống phản công, Ziyech cho thấy sự trách nhiệm cao độ nhằm củng cố khối phòng ngự mà HLV Regragui sắp đặt. Bất chấp việc cánh trái là hướng lên bóng chủ đạo của Tây Ban Nha với sự xuất hiện của Jordi Alba và Dani Olmo, Ziyech và Hakimi đã giới hạn gần như tối đa những tình huống nguy hiểm.
Biểu đồ hành động phòng ngự của Ziyech và Hakimi bên cánh phải |
Ngoài ra, sự cởi mở đón nhận của ông Regragui trong việc tích hợp những nhân tố mới trẻ trung mang dòng máu Morocco cũng đem lại sức sống tươi mát cho ĐTQG nước này. Bản thân là một người mang song tịch Pháp – Morocco, hơn ai hết, Walid Regragui hiểu rõ khát khao cống hiến cho đất mẹ bất chấp việc sinh trưởng và lớn lên tại nước ngoài.
Những cầu thủ thường xuyên được cựu chiến lược gia CLB Wydad Casablanca sử dụng trong hiệp 2 đều là những cái tên ông tạo điều kiện gia nhập ĐTQG kể từ thời điểm ngắn ngủi nhậm chức. Abdelhamid Sabiri, Abde Ezzalzouli hay Walid Cheddira mới chỉ 3 tháng trước vẫn chỉ sở hữu quốc tịch Đức, Tây Ban Nha và Ý. Chính từ sự kêu gọi đầy thiện chí từ Morocco với đại diện là Regragui, họ giờ đây đều đóng góp vào chiến tích tứ kết của quê hương.
Kết luận
Sẽ thêm một lần nữa Morocco nhập trận tại World Cup 2022 với tư cách là đội cửa dưới, khi phía trước họ là một Bồ Đào Nha hung mạnh. Dẫu vậy, với tinh thần kỉ luật và đoàn kết được thể hiện cả trong và ngoài sân, Morocco chắc chắn sẽ gây ra vô vàn khó khăn cho Selecao châu Âu.
Hơn nữa, như HLV Regragui liên tục nhấn mạnh, Morocco sẽ chiến đấu vì danh dự của châu Phi, của thế giới Arab với sự ủng hộ nhiệt thành nhằm giành về sự tôn trọng của phần còn lại thế giới.
Đọc thêm:
Đội trưởng Sergio Busquets thừa nhận rằng ĐT Tây Ban Nha đã nhận thất bại trước Morocco tại vòng 1/8 World Cup 2022 theo cái cách tàn nhẫn nhất.
Thất bại trên chấm luân lưu trước Morocco, ĐT Tây Ban Nha đánh dấu thất bại thứ tư trong 5 lần phải giải quyết thắng thua bằng loạt đấu súng cân não tại World Cup.
World Cup 2022 đang dần đi đến hồi kết và 4 cặp đấu ở vòng tứ kết đã chính thức được hé lộ sau loạt trận vừa qua.