Mỹ gặp Iran sẽ là trận đấu đặc biệt tại World Cup 2022, xét về khía cạnh địa chính trị. Nhưng đây không phải lần đầu tiên hai đội chạm trán nhau tại ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới.
Khi những lá thăm đưa Mỹ và Iran nằm chung bảng F tại World Cup 1998, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Mỹ đã gọi đó là “một trận đấu quái quỷ”. Kể từ sau cuộc Cách mạng Iran vào năm 1979, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng. 19 năm sau, một trận đấu bóng đá giữa hai quốc gia đã đặt FIFA vào tình thế nhạy cảm.
Mehrdad Masoudi sinh ra tại Iran. Ông là nhân viên truyền thông của FIFA và ông được giao nhiệm vụ tại trận đấu đó. Vì những vấn đề ngoại gia và an ninh xoay quanh trận đấu tại Lyon (Pháp), trách nhiệm của Masoudi lại càng lớn hơn nữa.
Maosudi chia sẻ: “Một trong những vấn đề đầu tiên chính là Iran là đội B còn Mỹ là đội A. Theo luật của FIFA, đội B nên tiến về phía đội A để bắt tay trước trận, tuy nhiên Lãnh tụ Tối cao Khamenei đã ra lệnh đội tuyển Iran không được phép tiền về phía đội tuyển Mỹ”.
Cuối cùng, cảnh sát Urs Meier đã nghĩ ra một giải pháp là các cầu thủ sẽ chụp ảnh chung với nhau ở giữa sân. Các cầu thủ Iran tặng cầu thủ Mỹ những đóa hoa hồng trắng và hai đội trao đổi những tấm biểu ngữ cho nhau. Song, câu chuyện bắt tay hay không không phải điều FIFA lo lắng nhất. Thời điểm đó, có thông tin cho biết có một tổ chức đang có ý định làm loạn trong trận đấu. Với số lượng 42.000 người trong sân vận động, mọi chuyện tương đối phức tạp.
“Từ thông tin tình báo chúng tôi nhận được, chúng tôi biết ai là chủ mưu gây rối. Chúng tôi lưu ý quay phim những bức hình những con người và banner cần tránh. Trận đấu được phát trên khắp thế giới, vì vậy chúng tôi không muốn nó bị phá hoại và trở thành công cụ cho mục đích chính trị của nhóm người kia”, Masoudi nói.
Cuối cùng thì ống kính máy quay đã tránh được những biểu ngữ, thông điệp chính trị. Lúc này, thông tin tình báo tiết lộ nhóm người kia đã sẵn sàng cho kế hoạch B là kích động để cổ động viên tràn vào sân.
Lúc này, Masoudi phải nhờ đến cảnh sát chống bạo động của Pháp. Thường lực lượng này sẽ không vào sân nếu không có tình huống cực đoan. Nhưng đây là tình huống cực đoan và để tránh trận đấu bị gián đoạn, an ninh đã được tăng cường trên sân Gerland.
Thực sự bạn sẽ không nhận thấy bất cứ dấu hiệu hỗn loạn nào khi xem trận đấu trên TV. Khoảnh khắc 2 đội bước vào sân để bắt đầu trận đấu là điều mà FIFA và Liên đoàn bóng đsa Iran đều mong ước. “Ngài Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Iran muốn dùng trận đấu này để thể hiện hình ảnh tích cực của đất nước ông ấy. Ông ấy yêu cầu nhân viên phụ trách trang phục mua cho mỗi cầu thủ một bó hoa để mang vào sân. Chúng là hoa hồng trắng - biểu tượng hòa bình ở Iran”.
Hai đội đồng ý chụp ảnh chung và sau đó tiếng còi khai cuộc của trận đấu có lẽ mang nặng tính chính trị nhất lịch sử World Cup đã vang lên. Trận đấu này chính là thứ mà người Iran hy vọng. Trong một trận cầu máu lửa, đầy tính cạnh tranh và sự công bằng, Iran đã vươn lên dẫn trước sau khi hiệp 1 khép lại với pha lập công củaHamid Estili. Đến phút 84, Mehdi Mahdavikia nhân đôi cách biệt và dù Brian McBride có bàn thắng muộn cho Mỹ nhưng chung cuộc, Iran đã có thắng lợi đầu tiên trong lịch sử các vòng chung kết World Cup.
Song, ý nghĩa của nó rất to lớn. Masoudi tiết lộ: “Khi Iran vượt qua vòng loại World Cup sau khi đánh bại Australia ở Melbourne, cả đất nước Iran đã ăn mừng. Mọi người nhảy múa trên đường phố Tehran, uống rượu công khai và những người phụ nữ thì cởi khăn trùm của họ. Lực lượng Vệ binh Cách mạng không cho phép những điều đó được diễn ra, nhưng ngày hôm ấy chính họ cũng rất hạnh phúc. Trong khoảnh khắc ấy, bản ngã của một cổ động viên bóng đá trong họ đã lớn hơn bản ngã một Vệ binh Cách mạng. Chiến thắng trước Mỹ tại World Cup 1998 đã mang lại tất cả những màn ăn mừng và cảm xúc như vậy”.
Dù thất bại trước Iran khiến Mỹ bị loại khỏi World Cup 1998, các cầu thủ vẫn nhận thực được vai trò của họ trong một trận đấu lịch sử. “Những gì chúng tôi làm trong hơn 90 phút còn hơn những gì các chính trị gia đã làm trong suốt 20 năm”, cựu hậu vệ Jeff Agoos của Mỹ chia sẻ thời điểm đó.
Trong khi đó, cựu tiền vệ Rab Ramos chia sẻ bức ảnh chụp chung giữa hai đội: “Chúng tôi trao đổi về việc chụp chung một bức ảnh và hỏi mọi người cảm thấy sao. Tất cả các cầu thủ đều đồng ý. Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng đây là thể thao và những gì thuộc về chính trị sẽ xảy ra ở bên ngoài sân. Chúng tôi muốn mọi người vui vẻ hạnh phúc, vì thế chúng tôi chụp ảnh chung với nhau”.
18 tháng sau khi hai đội gặp nhau trên sân Gerland, họ tiếp tục có một trận giao hữu tại Pasadena, California. Masoudi nói: “Theo nhiều khía cạnh, trận đấu này có ý nghĩa hơn vì đó là một trận giao hữu và cần cả hai đội phải cùng tham gia vận hành. Nhưng trận đấu đó chỉ có thể diễn ra nếu trận đấu tại World Cup 1998 diễn ra thành công”.
Bất cứ khi nào Mỹ và Iran - hai đất nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức vào tháng 4/1980 - gặp nhau trong một sự kiện thể thao quốc tế, đó còn hơn cả một trận đấu. Cuộc đối đầu tới đây giữa hai đội tại World Cup 2022 có lẽ cũng tương tự. Và đó có thể tiếp tục là một biểu tượng cho thấy rằng thể thao góp phần hàn gắn những rạn nứt.
Tổng hợp từ FourFourTwo, Time, Goal
Đọc thêm: