Từ vụ Bùi Tiến Dũng: Làm thế nào để trở thành người đại diện?
Thứ Ba 06/02/2018 07:50(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Những người tự xưng là người đại diện cầu thủ tại Việt Nam trong vụ lùm xùm Bùi Tiến Dũng liệu có hợp pháp? Và làm thế nào để trở thành một người đại diện thực sự?
Đó là những người xử lý chuyện sau cánh gà, thường cố ẩn danh. Nhưng phần lớn cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ở các quốc gia có nền bóng đá phát triển thừa nhận rằng cuộc sống thật phức tạp nếu thiếu họ, cũng chẳng thỏa thuận chuyển nhượng lớn nào suôn sẽ nếu thiếu họ - người đại diện hợp pháp cho các cầu thủ.
|
Người đại diện cầu thủ phải được cấp phép. |
Làm thế nào để trở thành một người đại diện hợp pháp?
Trở thành người đại diện không phải chuyện dễ, thậm chí có người từng ví cuộc sống của họ như địa ngục, đầu óc lúc nào cũng căng như muốn nổ tung vào giai đoạn những ngày cuối kỳ chuyển nhượng. Nhưng khi bạn bắt nhịp được cách riêng để nghề này, nhận được sự tín nhiệm của các cầu thủ. Đó là một công việc đáng mơ ước. Tiêu biểu ư? Hãy nhìn vào Mino Raiola, người đại diện của Zlatan Ibrahimovic hay Jorge Mendes, người đại diện của Cristiano Ronaldo và cả Jose Mourinho nữa.
Công việc của người đại diện không chỉ đàm phán về bảng giá, giới thiệu cầu thủ tới câu lạc bộ nào đó, đàm phán hợp đồng lao động hoặc giúp hai câu lạc bộ đạt được nhận thức chung trong một vụ chuyển nhượng. Công việc của họ giờ nhiều hơn, liên quan đến việc giữ cho thân chủ của họ được thoải mái nhất ở cuộc sống ngoài sân cỏ. Đại loại như tìm nhà cho cầu thủ, hoặc gia đình cầu thủ đó, trợ giúp pháp lý và thuế, tìm kiếm hỗ trợ về y tế trong trường hợp cầu thủ dính chấn thương,...
Tất nhiên điều gì cũng phải dựa trên cơ sở luật pháp, người đại diện không nằm ngoài phạm vi này. Để bước chân vào nghiệp đại diện cầu thủ, điều đầu tiên là giấy phép hợp lệ từ liên đoàn bóng đá tương ứng. Ví dụ như Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) có mục đăng ký để trở thành người đại diện cầu thủ. Kể từ năm 2001, người đại diện được cấp phép trực tiếp bởi cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới - FIFA, thế nên giấy phép hoạt động sẽ được cấp bởi Liên đoàn Bóng đá của từng quốc gia thành viên của FIFA.
Để xin cấp phép, mỗi người phải gửi đơn đăng ký, thông tin cá nhân cùng lệ phí. Các ứng cử viên phải có lý lịch "sạch" (không có tiền án phạm tội hình sự liên quan đến tài chính hay bạo lực), cũng như không đảm nhiệm chức vụ nào theo "Quy định về người đại diện cầu thủ của FIFA", nghĩa là không phải quan chức, nhân viên,... tại FIFA, liên đoàn châu lục, liên đoàn quốc gia, giải vô địch quốc gia, câu lạc bộ hay bất cứ tổ chức nào có liên quan đến những đơn vị kể trên.
|
Mino Raiola (trái) và Jorgen Mendes là hai người đại diện cầu thủ nổi tiếng bậc nhất thế giới. |
Để trở thành đại diện cho cầu thủ, một người phải hiểu bóng đá, tất nhiên cả luật nữa!
Nếu đáp ứng được các tiêu chí, ứng cử viên sẽ được LĐBĐ mời đến kiểm tra kiến thức dạng văn bản. Các LĐBĐ thường có hai đợt kiểm tra mỗi năm, ngày chính xác sẽ được ấn định bởi FIFA. Bài kiểm tra được LĐBĐ tổ chức dưới sự giám sát của FIFA, đề kiểm tra theo mẫu trắc nghiệm. Các ứng cử viên phải chứng minh được kiến thức về các vấn đề quan trọng, tiêu biểu như:
a) Kiến thức về các quy định hiện hành được áp dụng trong bóng đá, đặc biệt liên quan đến chuyển nhượng (quốc tế và địa phương).
b) Kiến thức về luật dân sự (các nguyên tắc cơ bản về quyền cá nhân) và luật nghĩa vụ (luật hợp đồng).
Nếu một ứng cử viên vượt qua bài kiểm tra (đủ điểm theo tiêu chuẩn của FIFA), người đó chỉ còn một bước cuối cùng để được cấp phép: Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đứng tên bản thân với một công ty bảo hiểm có uy tín. Khoản bảo hiểm này dùng để trang trải những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình hoạt động của người đại diện cầu thủ. Nếu không, người đó phải được một ngân hàng Thụy Sĩ bảo lãnh với khoản tiền ít nhất 100.000 franc (CHF).
Khi toàn bộ thủ tục nói trên hoàn thành, người đại diện ký vào "Điều lệ Ứng xử Chuyên môn", cuối cùng là nhận giấy phép để hoạt động công việc liên quan đến bóng đá trên phạm vi toàn cầu, đồng nghĩa với việc được sử dụng thuật ngữ "Người đại diện cầu thủ hợp pháp bởi LĐBĐ (quốc gia cấp phép - VD: Việt Nam)" đi kèm với tên.
Để kiểm tra xem một người tự xưng là đại diện cho cầu thủ có hợp pháp hay không, chỉ cần vào trang chủ của LĐBĐ quốc gia cấp phép, trên đó sẽ hiển thị danh sách được cập nhật những người đại diện hợp pháp. Nếu không, bạn có thể kiểm tra bằng cách tìm kiếm danh sách những người đại diện được cấp phép trong danh sách do FIFA công bố.
Như Đạt (Bóng Đá 24h)